Lòng hồ Hòa Bình - điểm du lịch hấp dẫn du khách đang được tỉnh đầu tư khai thác.
Tiềm năng và sản phẩm du lịchNói về tiềm năng du lịch, tỉnh có hai nguồn tài nguyên đó là tài nguyên tự nhiên và tài nguyên nhân văn. Thiên nhiên ưu đãi đã ban tặng cho mảnh đất vùng cửa ngõ Tây Bắc sự đa dạng sinh học, địa hình núi đá trùng điệp tạo nên những hang động đẹp như quần thể hang động núi Đầu Rồng (Cao Phong), chùa Tiên (Lạc Thủy), động Nam Sơn - xã Nam Sơn (Tân Lạc)…, nhiều thác nước ngoạn mục như thác Mu (Lạc Sơn), cửu thác Tú Sơn (Kim Bôi), thác Thăng Thiên (Kỳ Sơn)… Trên địa bàn tỉnh có 4 khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN), là các khu BTTN Pu Canh (Đà Bắc), Ngọc Sơn - Ngổ Luông (Tân Lạc - Lạc Sơn), Thượng Tiến (Kim Bôi), Pà Cò - Hang Kia (Mai Châu). Đặc biệt là vùng hồ Hòa Bình gồm 47 hòn đảo lớn, nhỏ tạo ra không gian như vịnh Hạ Long trên núi với nhiều loài động, thực vật quý hiếm còn được bảo tồn. Nguồn tài nguyên nhân văn được khắc họa rõ nét là nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc Mường, Thái, Tày, Dao, Mông với những giá trị truyền thống về phong tục tập quán, nếp sinh hoạt thường ngày, trang phục, ẩm thực, ngôn ngữ, văn hóa… còn được gìn giữ tạo nên mảnh đất đậm bản sắc văn hóa các dân tộc. Trong đó, dấuấn đậm nét là đồng bào dân tộc Mường với nghệ thuật chiêng Mường, Mo Mường đã được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Toàn tỉnh có 41 di tích cấp quốc gia, 27 di tích cấp tỉnh, nhiều lễ hội dân gian truyền thống được lưu giữ, bảo tồn và phát huy như các lễ hội: Khai hạ Mường Bi (Tân Lạc), đền Bờ (Cao Phong, Đà Bắc), chùa Tiên (Lạc Thủy), Xên Mường (Mai Châu)… đã và đang thu hút đông đảo khách du lịch khắp các tỉnh, thành trong cả nước và khách nước ngoài.
Điểm du lịch cộng đồng xóm Ngòi, xã Ngòi Hoa (Tân Lạc) còn giữ nguyên vẻ đẹp hoang sơ và bản sắc văn hóa dân tộc Mường.
Trong những năm qua, tỉnh đã chú trọng đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch. Ngoài việc đầu tư nâng cấp các sản phẩm đã có, nhiều di tích lịch sử và các công trình văn hóa được tu bổ, tôn tạo để trở thành những điểm tham quan cho khách du lịch như xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng tại các điểm văn hóa tâm linh (khu du lịch chùa Tiên (Lạc Thủy), khu du lịch đền Bờ (Cao Phong, Đà Bắc), chùa Hòa Bình Phật Quang ở thành phố Hòa Bình...), lựa chọn phục dựng và bảo tồn một số lễ hội truyền thống và những di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu các dân tộc trở thành các điểm tham quan du lịch mang đặc trưng riêng của tỉnh. Trên địa bàn tỉnh đã và đang hình thành các sản phẩm du lịch như du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch làng nghề thủ công truyền thống, du lịch thể thao, giải trí, nghỉ dưỡng, du lịch lễ hội. Năm 2016, tỉnh đã đón trên 2,2 triệu lượt khách tham quan du lịch, trong đó, khách quốc tế trên 227 nghìn lượt, khách nội địa trên 2 triệu lượt, thu nhập từ du lịch đạt 1.038 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh đón trên 1,5 triệu lượt khách, trong đó, khách quốc tế 135 nghìn lượt, khách nội địa trên 1,3 triệu, thu nhập ước đạt trên 500 tỷ đồng.
Khai thác sự khác biệt trong đa dạng tiềm năng du lịch
Đồng chí Lưu Huy Linh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết: Để xác định sản phẩm du lịch đặc thù ở tỉnh ta chính là những loại hình du lịch phát triển từ nguồn tài nguyên sẵn có. Sản phẩm chính có thể kể đến là du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng gắn với du lịch cộng đồng, tìm hiểu văn hóa các dân tộc, du lịch tâm linh…
Với tiềm năng du lịch đa dạng, phong phú, việc lựa chọn sản phẩm du lịch phù hợp, khai thác sự khác biệt tạo điểm nhấn thu hút, hấp dẫn du khách là yếu tố quan trọng để tạo nên hiệu quả trong phát triển du lịch của tỉnh. Là mảnh đất mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc Mường, Thái, Tày, Dao, Mông với những giá trị văn hóa, tín ngưỡng đặc sắc tạo ưu thế trong khai thác nguồn tài nguyên du lịch nhân văn mà nổi bật là du lịch cộng đồng. Được phát triển khá sớm, khởi nguồn tại bản Lác, xã Chiềng Châu (Mai Châu), đến nay du lịch cộng đồng là một trong những sản phẩm đặc trưng khi nói đến du lịch Hòa Bình. Thông qua du lịch để trải nghiệm cuộc sống của chính người dân bản địa, tìm hiểu, khám phá những giá trị văn hóa truyền thống trong sinh hoạt, lao động sản xuất đang ngày càng được nhiều du khách ưa thích.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh hiện có khoảng 150 hộ dân làm du lịch cộng đồng, trong đó riêng huyện Mai Châu có 117 hộ ở 8 xã, thị trấn. Ngoài ra, nhiều điểm du lịch cộng đồng được phát triển ở nhiều huyện trong tỉnh như Ngọc Sơn - Tự Do (Lạc Sơn), xóm ải - xã Phong Phú, xóm Ngòi - xã Ngòi Hoa (Tân Lạc), xóm Ké - xã Hiền Lương, xóm Đá Bia - xã Tiền Phong, xóm Sưng - xã Cao Sơn (Đà Bắc)… Du lịch tâm linh hiện cũng là một thế mạnh của ngành du lịch tỉnh với điểm du lịch đền Bờ, chùa Tiên… từ lâu là điểm đến của du khách muôn phương. Hoạt động du lịch tâm linh vừa đáp ứng nhu cầu thư giãn, vừa tìm hiểu về lịch sử, phong tục, tập quán, tín ngưỡng thông qua các di tích và lễ hội tạo nên nét riêng cho du lịch.
Đồng chí Lưu Huy Linh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết thêm: Hiện một loại hình du lịch đang được tỉnh hướng đến đó là phát triển các khu nghỉ dưỡng chất lượng cao. Thời gian qua, một số điểm nghỉ dưỡng đi vào hoạt động bước đầu cho thấy hiệu quả, thu hút du khách như Mai Châu Ecolodge (Mai Châu), Serena resort (Kim Bôi)… Bên cạnh đó là du lịch thể thao, giải trí như môn dù lượn tại huyện Lạc Sơn, xây dựng các tuyến, cung đường đẹp đi bộ xuyên qua các khu BTTN…
Tiếp tục xây dựng và kêu gọi đầu tư
Một thực tế có thể nhận thấy đó là du lịch của tỉnh phát triển chưa tương xứng với tiềm năng tài nguyên trên địa bàn, thiếu sự bền vững, còn bộc lộ nhiều hạn chế về cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật, lao động, thị trường, sản phẩm… Nguồn vốn đầu tư cho du lịch mới đáp ứng một phần nhu cầu thực tế và thiếu sự liên kết đầu tư khai thác hạ tầng du lịch. Một số điểm du lịch cộng đồng đang có nguy cơ mai một bản sắc truyền thống khi pha trộn các công trình và dịch vụ hiện đại...
Đồng chí Lưu Huy Linh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&TT nhấn mạnh: Trong phát triển du lịch, tỉnh dành một phần kinh phí hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, các đơn vị lữ hành liên kết với chủ cơ sở du lịch, người dân cũng tự đầu tư về cơ sở vật chất, đào tạo, hướng dẫn về nghiệp vụ du lịch cho người làm du lịch. Cùng với thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về hoạt động du lịch, tỉnh chủ trương tập trung thu hút các nhà đầu tư có chất lượng, đẩy mạnh hoạt động giới thiệu, quảng bá, xúc tiến thu hút đầu tư, nhất là đối với khu lịch quốc gia hồ Hòa Bình, điểm du lịch quốc gia Mai Châu và những khu vực có tài nguyên du lịch tốt để nhà đầu tư tìm hiểu, nghiên cứu, xem xét đầu tư, khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch.
Tỉnh đã xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2014-2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trên địa bàn tỉnh có Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình, Điểm du lịch quốc gia Mai Châu, đây là những nền tảng, điểm nhấn cho phát triển du lịch của tỉnh. Tiếp tục đầu tư hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, xây dựng những sản phẩm du lịch đặc thù để khi nhắc đến nó là nghĩ ngay đến du lịch Hòa Bình là yếu tố quan trọng để nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh của "ngành công nghiệp không khói”, khai thác hiệu quả lợi thế, tiềm năng du lịch của mảnh đất vùng cửa ngõ Tây Bắc.
Không nóng vội làm mất đi bản sắc Nguyễn Thị Thúy Phượng Phó Tổng Giám đốc Công ty CP du lịch Hòa Bình Hòa Bình là tỉnh có nhiều tiềm năng về du lịch, nhất là du lịch văn hóa và du lịch sinh thái. Có thể nói, với loại hình du lịch cộng đồng, Hòa Bình là cánh chim đầu đàn, là tỉnh thành công sớm so với các tỉnh, thành phố trong cả nước. Tuy nhiên, những năm gần đây, một số điểm du lịch cộng đồng có hiện tượng "bê tông hóa”, "hiện đại hóa”, phần nào không còn hấp dẫn du khách, nhất là đối với khách đi du lịch để trải nghiệm, tìm hiểu nét văn hóa truyền thống của người dân bản địa. Trong quá trình khảo sát, tìm kiếm, xây dựng sản phẩm du lịch, chúng tôi đã phát hiện ra bản Ngòi, xã Ngòi Hoa (Tân Lạc) - điểm hội tụ những yếu tố quan trọng: độc lập (chỉ đi đường thủy), nguyên sơ, người dân còn giữ vẹn nguyên nếp sinh hoạt truyền thống, phong cảnh đẹp, có vịnh trước bản, phía sau là rừng già, nằm trong vùng hồ Hòa Bình - điểm nhấn quan trọng về du lịch của tỉnh. Từ đó chúng tôi đã dồn lực đầu tư phát triển bản thành điểm du lịch cộng đồng, thuyết phục người dân giữ nguyên những gì bản Ngòi có giữ nguyên kiến trúc nhà sàn, không bê tông hóa, đồng thời hướng dẫn người dân làm du lịch. Bước đầu chúng tôi đã xây dựng được 7 hộ homestay với hơn 35 lao động làm du lịch. Giai đoạn tiếp theo sẽ tiếp tục đầu tư các công trình hạ tầng phục vụ du lịch, với mong muốn phát triển du lịch nhưng không nóng vội làm mất đi bản sắc, khi hạ tầng chưa đáp ứng, khi tâm thế, nghiệp vụ của người dân còn cần bồi dưỡng thêm chúng tôi cũng chưa hy vọng khách đến quá đông bởi nếu không sẽ có tác động ngược, khách đến ồ ạt sẽ phá vỡ cảnh quan, làm đảo lộn cuộc sống của người dân thì giá trị của du lịch cộng đồng sẽ không còn ý nghĩa. Tạo cho du khách những trải nghiệm thú vị Hà Thị Hòa, Trưởng phòng VH-TT huyện Mai Châu Huyện vùng cao Mai Châu được thiên nhiên ưu đãi có khí hậu mát mẻ, trong lành, phong cảnh hữu, tình từ lâu đã là điểm du lịch thu hút du khách với mô hình du lịch cộng đồng. Trong đó, các điểm du lịch có tiếng như bản Lác, bản Poom Coọng, bản Văn, bản Bước… Đến nay, mô hình tiếp tục lan rộng ra nhiều bản tại các xã trong huyện. Trên địa bàn huyện có 7 dân tộc anh em cùng chung sống, sự đa dạng về bản sắc văn hóa dân tộc với những giá trị văn hóa truyền thống trong sinh hoạt, tín ngưỡng là một trong những lợi thế để huyện khai thác, phát huy sản phẩm du lịch văn hóa. Năm 2010, huyện đã phục dựng lễ hội Xên Mường của đồng bào Thái, đầu năm 2017 phục dựng lễ hội gầu tào của đồng bào Mông xã Hang Kia - Pà Cò. Thời gian tới, Phòng VH-TT tiếp tục tham mưu cho UBND huyện phục dựng các lễ hội như lễ hội xuân Sơn Động của đồng bào Dao xã Tân Sơn, lễ hội Xên bản của dân tộc Thái, lễ cơm mới, lễ chá chiêng… xây dựng tua du lịch lễ hội để thu hút du khách. Bên cạnh đó, với điều kiện khí hậu, thiên nhiên ưu đãi, huyện quan tâm phát triển loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng chất lượng cao. Huyện đang tích cực kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng các khu resort trên địa bàn, đồng thời chú trọng bảo tồn các giá trị văn hóa bản địa, xây dựng những sản phẩm du lịch đặc trưng. Tạo cho du khách những trải nghiệm thú vị khi đến với Mai Châu như được khám phá thiên nhiên, đi bộ, đi xe đạp xuyên các bản làng, tìm hiểu nét văn hóa của người dân bản địa… Giữ gìn bản sắc là yếu tố quan trọng của du lịch cộng đồng Nguyễn Thị Diệu, Người làm du lịch cộng đồng xã Phú Minh (Kỳ Sơn) Gia đình tôi bắt đầu làm du lịch cộng đồng thông qua một dự án của nước ngoài. Khách du lịch chủ yếu là người nước ngoài, đến từ nhiều quốc gia như Mỹ, Đức, Anh, Pháp, Canada… Các đoàn khách thường nghỉ lại một đêm trên nhà sàn. Đến đây, du khách hoàn toàn được trải nghiệm cuộc sống của người dân sở tại, tham gia hoạt động lao động sản xuất như cấy lúa, nhổ sắn, nhặt trứng gà… dạo bộ quanh làng thăm quan cảnh vật, hỏi chuyện người dân địa phương. Trong sinh hoạt họ thường đề nghị các món ăn dân dã, không cầu kỳ chỉ như bữa cơm bình thường của gia đình. Các món rau, thịt, cá được chế biến theo cách nấu ăn của người Mường được họ rất thích. Thời gian gần đây, cơ sở cũng đón khách du lịch trong nước, chủ yếu là học sinh, sinh viên đi dã ngoại. Với đối tượng khách trẻ thì có thêm những trò chơi dân gian có tính cộng đồng để các em tham gia. Qua thực tế làm du lịch cho thấy, cho dù với đối tượng nào thì đối với khách du lịch cộng đồng yếu tố bản sắc, nét văn hóa truyền thống, những gì mộc mạc là điểm thu hút, hấp dẫn nhất. Khách được thưởng ngoạn nét hoang sơ, không khí trong lành của làng quê, sự nguyên vẹn trong phong tục, tập quán truyền thống của đồng bào dân tộc. Còn với điểm du lịch cộng đồng mà có những công trình, dịch vụ hiện đại thì du khách sẽ không tìm đến. |
Xưa nay, nhắc tới vấn đề tảo hôn, người ta thường nghĩ đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số với phong tục tập quán còn ít nhiều lạc hậu hoặc trình độ hiểu biết hạn chế. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, tảo hôn đang trở thành vấn nạn khó kiểm soát tại tỉnh ta, không phân biệt vùng miền, dân tộc.