(HBĐT) - Tính đến tháng 7/2018, toàn tỉnh có 136 trường tiểu học, 118 trường THCS (không tính khối các trường PT DTNT THCS), 100 trường TH&THCS (trường có 2 cấp tiểu học và THCS) và 2 trường PTCS (trường có 3 cấp mầm non, tiểu học và THCS). Như vậy, thực hiện Quyết định số 1431/QĐ-UBND ngày 1/6/2016 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án sắp xếp tổ chức các trường DTNT và các trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, trong 2 năm học vừa qua, ngành GD&ĐT đã tiến hành sáp nhập được 82 trường (đạt 61,2% so với kế hoạch đề án). Bên cạnh hiệu quả thiết thực thì việc sáp nhập trường học đã và đang phát sinh nhiều vấn đề cần được quan tâm, giải quyết.
Sau 2 năm sáp nhập, hiện trường TH &THCS Yên Mông (xã
Yên Mông, TP Hòa Bình) vẫn còn thiếu 6 phòng học.
Phát huy hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị hiện có
"Tháng 8/2016, trường tiểu học Vĩnh Đồng và THCS Vĩnh
Đồng (xã Vĩnh Đồng, huyện Kim Bôi) sáp nhập thành trường TH&THCS Vĩnh Đồng.
Nhà trường hiện có 22 lớp với 656 học sinh. Sau khi sáp nhập, 2 trường đã phá
tường bao ngăn cách, đầu tư xây dựng thêm 8 phòng học. Các hoạt động đi vào quy
củ, nề nếp, chất lượng đảm bảo. Đặc biệt, sau khi sáp nhập, thư viện nhà trường
có gần 1.100 đầu sách, đáp ứng tốt nhu cầu nghiên cứu, tham khảo, tra cứu, giải
trí… của giáo viên và học sinh nhà trường”. Đó là chia sẻ của cô giáo Trần Thị
Thanh Thủy, Phó Hiệu trưởng trường TH&THCS Vĩnh Đồng khi đánh giá hiệu quả
hoạt động của nhà trường sau gần 2 năm sáp nhập.
Khảo sát thực tế về công tác sáp nhập trường học trên
địa bàn tỉnh thời gian qua cho thấy, sau sáp nhập, các trường cơ bản ổn định về
tổ chức bộ máy quản lý, đội ngũ giáo viên, nhân viên. Chất lượng hai mặt giáo
dục có thay đổi nhưng về cơ bản không có biến động lớn so với năm học trước.
Đồng chí Bùi Trọng Đắc, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết:
Việc sáp nhập đã giảm được cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, tránh tình
trạng quy mô trường nhỏ lẻ, giáo viên phải dạy chéo môn, ảnh hưởng chất lượng
dạy và học. Đặc biệt, đối với những môn chuyên biệt như: mỹ thuật, âm nhạc,
tiếng Anh, thể dục, tin học…giáo viên có thể dạy hai cấp tiểu học và THCS; điều
đó sẽ khắc phục được tình trạng thừa, thiếu đội ngũ giáo viên. Việc sáp nhập
cũng tiết kiệm được chi phí đầu tư, đồng thời tạo cơ hội bàn giao mặt bằng, bàn
giao cơ sở vật chất cho những nơi còn khó khăn để phục vụ các mục tiêu phát
triển giáo dục. Nhiều cơ sở vật chất sau khi sáp nhập đã được chuyển đổi mục
đích để phục vụ cho các trường mầm non, tiểu học. Đồng thời phát huy tối đa
hiệu quả, sử dụng các trang thiết bị, đồ dùng dạy học hiện có.
Nguồn kinh phí chi cho các hoạt động và đầu tư cơ sở
vật chất cho nhà trường được tập trung, công tác tài chính được thực hiện đảm
bảo đúng quy định. Một số trường sau khi sáp nhập đã nhận được sự quan tâm, đầu
tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị tương đối quy mô, có đầy đủ phòng học để
học 1 ca, thiết bị dạy học được cấp đầy đủ ở các cấp học, phục vụ tốt công tác
dạy và học của nhà trường.
Sau sáp nhập, thư viện trường TH&THCS Vĩnh
Đồng (Kim Bôi)có gần 1.100 đầu sách, đáp ứng tốt nhu cầu giải trí,
tìm hiểu, tra cứucủa giáo viên
và học sinh.
Đồng chí Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết thêm: "Các
điểm trường sáp nhập phần lớn có quy mô nhỏ, ít học sinh, việc sáp nhập giúp
các điểm trường tận dụng, khai thác, phát huy hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị
hiện có. Theo đó, khắc phục được tình trạng thừa, thiếu phòng học giữa các cấp
học trong cùng địa bàn. Một số đơn vị sau khi sáp nhập đã được đầu tư đảm bảo
quy định, giảm đầu tư kinh phí xây dựng nhà hiệu bộ, phòng chức năng và các
công trình phụ trợ cho 2 nhà trường như trước đây. Từ đó có thêm nguồn lực đầu
tư xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia. Tính đến tháng 4/2018 đã có 14
trường TH& THCS trên địa bàn tỉnh kiểm tra công nhận trường đạt chuẩn quốc
gia theo công văn hướng dẫn của Sở GD&ĐT. Chất lượng học sinh trong cùng
đơn vị được đánh giá, kiểm soát thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng
giáo dục sẽ thuận lợi và đồng bộ hơn”.
Nhiều vấn đề phát sinh cần giải quyết
Thực tế, việc sáp nhập các trường có khoảng cách giữa
điểm trường TH& THCS xa nhau về cơ bản mới giảm được cán bộ quản lý, điểm
trường và số học sinh ở điểm trường trước đây vẫn giữ nguyên. Thậm chí sau khi
sáp nhập, khoảng cách giữa điểm lẻ và trường chính xa hơn, sinh hoạt chuyên môn
cũng riêng từng cấp. Việc sáp nhập gần như chỉ mang tính chất cơ học. Một số
trường, điểm trường TH&THCS cách xa nhau, khối tiểu học có số lớp nhiều hơn
khối THCS và nhiều điểm trường lẻ nhưng số lượng cán bộ quản lý giảm. Khối
lượng công việc tăng lên nên thời gian dự giờ thăm lớp, quản lý các hoạt động ở
điểm trường lẻ cũng giảm. Việc chỉ đạo, quản lý chuyên môn của hiệu trưởng và
phó hiệu trưởng cũng gặp không ít khó khăn.
Ngoài ra, một số hiệu trưởng các trường liên cấp có
chuyên môn THCS nay được phân công quản lý cả hai cấp học đã gặp khó khăn trong
quản lý, điều hành, dẫn đến công tác xây dựng kế hoạch thực hiện chưa sát thực
tế, chưa bao quát hết nhiệm vụ của các cấp học, các giải pháp cụ thể. Mặt khác,
hiệu trưởng chưa tiếp cận và nắm bắt kịp thời chuyên môn cấp tiểu học, còn giao
toàn bộ trách nhiệm cho phó hiệu trưởng phụ trách tiểu học, dẫn đến công tác tổ
chức thực hiện nhiệm vụ chưa hiệu quả, chất lượng giáo dục chưa có sự chuyển
biến rõ nét, không gian trường lớp chưa đẹp, chưa phong phú, thiếu hấp dẫn, ít
tương tác với học sinh, đặc biệt học sinh tiểu học.
Đặc biệt, sau sáp nhập phát sinh nhiều vấn đề cần quan
tâm liên quan đến công tác chuyên môn và chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ
quản lý, giáo viên.
Đồng chí Quản Văn Giang, Trưởng phòng GD&ĐT huyện
Đà Bắc cho biết: "Việc bố trí, sắp xếp thời gian tổ chức các buổi họp Hội đồng
sư phạm, sinh hoạt chuyên môn của 2 cấp học gặp khó khăn do kế hoạch hoạt động
khác nhau. Việc sắp xếp thời khóa biểu còn bất cập, chưa khoa học, hợp lý. Giáo
viên dạy môn chuyên biệt phải dạy theo tiết, dạy nhiều điểm lẻ, phải di chuyển
ở hai điểm trường trong cùng một buổi. Công việc của Tổng phụ trách đội, nhân
viên thư viện, y tế, bảo vệ rất vất vả do trường nhiều cấp học, nhiều điểm
trường. Các nhân viên thuộc các lĩnh vực trên cùng một thời điểm không thể quán
xuyến thường xuyên hoặc có mặt ở tất cả các điểm trường để thực hiện nhiệm vụ
được giao. Hoạt động dạy học ở hai cấp có đặc thù khác nhau, độ tuổi, tâm lý
học sinh khác nhau, cơ chế hoạt động và thời gian học khác nhau nên không tránh
khỏi sự chồng chéo về chuyên môn và khó thống nhất các hoạt động chung cho toàn
trường.”
Cùng chung băn khoăn về công tác chuyên môn sau sáp
nhập, đồng chí Lê Văn Công, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn cho biết: "Việc
phân công giáo viên giảng dạy theo tỷ lệ 1,9 giáo viên/lớp đối với cấp THCS và
1,2 giáo viên/lớp đối với cấp tiểu học; việc tính số tiết theo quy định đối với
giáo viên các bộ môn đặc thù gặp khó khăn. Ví dụ giáo viên tiếng Anh được tuyển
là biên chế giáo viên THCS, sau khi sáp nhập phải dạy cả 2 cấp TH&THCS.
Nhưng giáo viên THCS số tiết theo quy định 19 tiết/tuần, giáo viên tiểu học số
tiết theo quy định 23 tiết/tuần. Do vậy khó cho các đơn vị khi tính định mức
giờ dạy theo quy định cho giáo viên và tính phụ cấp ưu đãi theo cấp học.
Trước thực tế này, đồng chí Bùi Trọng Đắc, Giám đốc Sở
GD&ĐT cho biết: Sở đã tổng hợp ý kiến kiến nghị của các phòng GD&ĐT,
các nhà trường để đề nghị Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ ban hành văn bản hướng dẫn
định mức biên chế đối với giáo viên ngoại ngữ, tin học cấp tiểu học, giáo viên
tin học cấp THCS. Đồng thời sớm ban hành văn bản hướng dẫn công nhận trường đạt
chuẩn quốc gia, kiểm định chất lượng giáo dục đối với trường TH&THCS. Đối
với UBND tỉnh, chúng tôi đề xuất thống nhất đảm bảo mỗi cấp học trong trường
liên cấp có đủ Phó Hiệu trưởng phụ trách cấp học, vì một số trường sau khi sáp
nhập có dưới 18 lớp chỉ được bố trí 1 Phó Hiệu trưởng. Tuy nhiên, các điểm
trường có khoảng cách xa nhau nếu bố trí 1 Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn
sẽ gặp khó khăn trong chỉ đạo, quản lý, ảnh hưởng đến việc nâng cao chất lượng
và hiệu quả giáo dục.
Dương Liễu
Việc sáp nhập và chuyển đổi loại hình trường
chỉ nên thực hiện khi đã đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất
Hà Văn Cươm, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mai Châu
Việc sáp nhập trường học cần
được tính toán kỹ lưỡng trên cơ sở số điểm trường, khoảng cách từ các điểm
trường lẻ đến điểm trường chính, số lượng học sinh và thực trạng cơ sở vật
chất. Không sáp nhập các đơn vị mà đơn vị hợp nhất có quá nhiều điểm trường (từ
5 điểm trường trở lên) hoặc một số điểm cách quá xa điểm trường chính (từ 5 –
6 km). Cần ưu tiên lựa chọn và bố trí cán bộ quản lý có năng lực đáp ứng yêu
cầu quản lý các trường liên cấp.
Về việc sáp nhập trường, chuyển
đổi loại hình trường phổ thông dân tộc bán trú chỉ nên thực hiện khi đã đảm
bảo các điều kiện về cơ sở vật chất. Đặc biệt là nơi ăn ở và các điều kiện
sinh hoạt của học sinh bán trú. Với các điểm trường sáp nhập cách xa nhau cần
có phương án xây dựng thêm phòng bán trú, hỗ trợ kinh phí ăn ở cho học sinh ở
xa được đến trường.
Bất cập việc xếp hạng trường sau sáp nhập
Nguyễn Thanh Long, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Lạc Thủy
Sau sáp nhập, việc xác định
hạng trường được thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 35/TTLT-BGD&ĐT-NV
ngày 23/8/2006 của Bộ GD&ĐT – Bộ Nội vụ về hướng dẫn định mức biên chế
viên chức ở các cơ sở giáo dục phổ thông công lập. Theo đó, hạng trường của
trường liên cấp TH&THCS được xác định theo quy định của cấp học cao nhất
có trong trường đó. Việc chi trả phụ cấp chức vụ cho hiệu trưởng, hiệu phó
phải chi trả theo hạng trường của đơn vị trường đó, dẫn đến thực tế sau sáp
nhập, số lớp học tăng lên, trách nhiệm của cán bộ quản lý tăng lên nhưng hạng
trường giảm dẫn đến phụ cấp cán bộ quản lý giảm. Ví dụ như trường TH&THCS
Hưng Thi, trước khi sáp nhập, trường tiểu học có 19 lớp là trường hạng I, sau
khi sáp nhập với trường THCS có 8 lớp thành trường liên cấp có 27 lớp nhưng
theo quy định tại Thông tư liên tịch số 35 thì trường liên cấp sau khi sáp
nhập sẽ là trường hạng III.
Việc bố trí cán bộ quản lý giữa
các huyện cũng chưa đồng bộ, thiếu thống nhất vì cùng là trường hạng III
nhưng có trường được bố trí 3 cán bộ quản lý, có trường chỉ 2 cán bộ quản lý.
Những vấn đề này đã gây ra khá nhiều băn khoăn trong đội ngũ cán bộ quản lý,
giáo viên.”
Băn khoăn về chế độ phụ cấp thu hút giáo
viên các trường vùng khó khăn sau sáp nhập
Bùi Mai Thanh, Hiệu trưởng trường TH&THCS Đoàn Kết, xã Đoàn Kết,
huyện Yên Thủy
Sau khi sáp nhập, trường TH&THCS
Đoàn Kết, xã Đoàn Kết, huyện Yên Thủy có 2 điểm trường cách nhau khoảng 500
m. Tuy nhiên, điểm trường tiểu học nằm trên địa bàn xóm Đầm, ngoài tiền lương,
phụ cấp đứng lớp thì được hưởng thêm phụ cấp thu hút vùng khó khăn tương
đương 70% lương và phụ cấp lâu năm vùng khó khăn. Còn điểm trường THCS nằm
trên địa bàn xóm Đồng Bai, không phải là xóm đặc biệt khó khăn nên giáo viên
không được hưởng phụ cấp thu hút vùng khó khăn. Do vậy, tổng số tiền lương và
phụ cấp thực lĩnh giữa giáo viên bậc TH&THCS có sự chênh lệch rất lớn.
Thực tế này đã và đang gây ra nhiều băn khoăn, so sánh, ảnh hưởng đến tâm
lý đội ngũ cán bộ, quản lý nhà trường. |
(HBĐT) - Đánh giá về công tác đấu tranh phòng - chống tội phạm ma tuý, đại tá Phạm Sử, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết: Những năm qua, cuộc chiến chống tội phạm ma túy trên cả nước nói chung và ở tỉnh nói riêng ngày càng gian khổ, cam go, quyết liệt. Phương thức, thủ đoạn của tội phạm ma túy ngày càng tinh vi, xảo quyệt, thường xuyên thay đổi nhằm đối phó lại các biện pháp đấu tranh của các lực lượng chức năng. Đặc biệt là tuyến đường bộ trên khu vực biên giới Việt - Lào, hoạt động của tội phạm ma túy hết sức manh động, liều lĩnh. Hầu hết các đối tượng trong các đường dây vận chuyển ma túy lớn qua biên giới đều trang bị vũ khí nóng, sẵn sàng chống trả quyết liệt khi bị phát hiện, bắt giữ. Tội phạm ma túy có xu hướng câu kết với tội phạm hình sự và các loại tội phạm khác hình thành đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn liên tuyến, liên tỉnh và xuyên quốc gia.
(HBĐT) - Nhìn vào kết quả thực hiện công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng cấm trên địa bàn tỉnh năm 2017 cho thấy có nhiều chấm sáng nổi bật, phát hiện, xử lý nhiều vụ vi phạm mang tính chất điển hình. Tuy nhiên, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng cấm luôn là cuộc chiến hết sức cam go cần có sự tiếp sức mới thành công.
(HBĐT) - Công nghệ số phát triển mạnh mẽ, mạng Internet, các thiết bị công nghệ ngày càng trở nên quen thuộc với trẻ em và tạo ra cả những tác động tích cực, tiêu cực. Trẻ em tỉnh ta cũng không nằm ngoài bối cảnh chung. Làm thế nào để tận dụng cơ hội và hạn chế rủi ro đang là vấn đề "nóng” được các gia đình và xã hội quan tâm.
(HBĐT) - Những năm qua, nhờ thực hiện hiệu quả các dự án hỗ trợ nên vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) của tỉnh đã có chuyển biến tích cực trong công tác xóa đói, giảm nghèo, thúc đẩy KT-XH phát triển.
(HBĐT) - Nhiều năm nay, tình trạng vi phạm hành lang an toàn giao thông (ATGT) diễn ra phổ biến trên địa bàn tỉnh, ảnh hưởng trực tiếp đến mỹ quan đô thị và an toàn giao thông đường bộ. Lực lượng chức năng đã vào cuộc xử lý kiên quyết các trường hợp vi phạm, tuy nhiên, tình trạng này vẫn diễn ra ở nhiều nơi.
(HBĐT) - Kỳ nghỉ hè đã đến. Sau một năm học tập căng thẳng, nghỉ hè là khoảng thời gian để trẻ tạm gác việc học hành, được vui chơi, thư giãn. Để con trẻ có sân chơi bổ ích, lành mạnh, an toàn trong dịp hè là mong muốn của các bậc phụ huynh.