(HBĐT) - Các tài liệu trong hoạt động chỉ đạo, điều hành của cơ quan, đơn vị theo quy định phải phân loại, lập hồ sơ, chỉnh lý, đưa vào lưu trữ cơ quan và lưu trữ lịch sử tỉnh thì vẫn bị tích đống, bó gói. Hiện tượng này đang diễn ra tại nhiều cơ quan trong tỉnh. Mặc dù UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị về việc giải quyết tài liệu tồn đọng, tích đống nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện nhiều. Vậy đâu là nguyên nhân và giải pháp cho vấn đề này?


Cán bộ Chi cục Văn thư, lưu trữ (Sở Nội vụ) chỉnh lý tài liệu trước khi vào lưu trữ lịch sử tỉnh.

Tài liệu tồn đọng, tích đống nhiều

Luật Lưu trữ được Quốc hội thông qua ngày 11/11/2011. Sau 5 năm thực hiện, công tác lưu trữ và tài liệu lưu trữ tại tỉnh có chuyển biến tích cực. Số lượng tài liệu lưu trữ được chỉnh lý đưa vào lưu trữ tại các cơ quan, tổ chức là 2.855,9 m giá. Lượng tài liệu lưu trữ đưa ra phục vụ khai thác, sử dụng ngày càng nhiều. Đến cuối năm 2017, tổng số tài liệu bảo quản tại kho lưu trữ lịch sử tỉnh là 20 phông với 26.877 hồ sơ, tương đương 390,1 m giá.

Tại kho lưu trữ lịch sử tỉnh, công tác chỉnh lý tài liệu thực hiện nền nếp. Tại các cơ quan, tổ chức thuộc nguồn nộp nguồn lưu vào lưu trữ lịch sử tỉnh, tài liệu tồn đọng, tích đống nhiều. Tính đến tháng 12/2014, số lượng tài liệu tồn đọng, bó gói tại các cơ quan là 4.482 m giá. Trước tình trạng trên, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 14/CT-UBND ngày 14/7/2015 về việc giải quyết tài liệu tồn đọng, tích đống tại các cơ quan, tổ chức. Trong đó, nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện và gắn với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ. Nhiều cơ quan đã ý thức được trách nhiệm đối với hồ sơ tài liệu lưu trữ và quan tâm chỉ đạo, đầu tư kinh phí chỉnh lý tài liệu thu thập vào lưu trữ cơ quan, chọn hồ sơ có thời hạn bảo quản vĩnh viễn giao nộp vào lưu trữ lịch sử tỉnh. Tiêu biểu như Cục Thuế tỉnh, Kho bạc Nhà nước tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh… Tuy nhiên, so với yêu cầu của Chỉ thị số 14, nhiều cơ quan chưa đạt chỉ tiêu, số lượng tài liệu tồn đọng, bó gói chưa chỉnh lý còn khá lớn. Lượng tài liệu tồn đọng bó gói chưa được chỉnh lý từ năm 2015 về trước còn trên 2.000 m giá. Trong khi lượng tài liệu chưa được chỉnh lý từ sau năm 2015 tiếp tục phát sinh. Một số cơ quan như Sở KH&ĐT, LĐ-TB&XH, GTVT… còn tồn đọng nhiều tài liệu tại phòng làm việc chưa được thu thập vào lưu trữ, chỉnh lý.

Đối với khối Đảng, đoàn thể, từ tháng 1/2015 - 12/2017 đã thu được 864 cặp tài liệu của Phông lưu trữ cơ quan lãnh đạo Đảng tỉnh và Phông lưu trữ cơ quan Văn phòng Tỉnh ủy; chỉnh lý và nộp vào lưu trữ cơ quan Tỉnh ủy, Văn phòng Tỉnh ủy 250 cặp tài liệu. Đối với lưu trữ cơ quan các cơ quan, tổ chức Đảng, tổ chức CT-XH đã thu thập được 1.704 cặp tài liệu và chỉnh lý hoàn chỉnh nộp tài liệu vào lưu trữ cơ quan 1.242 cặp tài liệu. Tuy nhiên, các hồ sơ hội nghị, hồ sơ công việc, hồ sơ chuyên đề, nộp lưu vào lưu trữ cơ quan còn ít, chưa đầy đủ. Một số cán bộ chưa có trách nhiệm trong việc lập hồ sơ công việc được giao. Còn tài liệu tồn đọng, chưa được chỉnh lý.

Nguyên nhân

Tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Luật Lưu trữ và 3 năm thực hiện Chỉ thị số 14 của UBND tỉnh, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Phạm Thị Tuyết đã nêu 5 nguyên nhân chính của tình trạng tài liệu tồn đọng, tích đống. Đó là, các cơ quan, tổ chức, địa phương chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng, ý nghĩa, vai trò của công tác lưu trữ, do đó sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chưa sâu sát, thiếu quyết liệt. Lực lượng cán bộ làm công tác lưu trữ tại các cơ quan, tổ chức còn thiếu và yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, phần đa là kiêm nhiệm, ít dành thời gian cho công tác lưu trữ, thậm chí bỏ bễ. Công tác lập hồ sơ và giao nộp hồ sơ hằng năm vào lưu trữ cơ quan chưa được duy trì nền nếp, nghiêm túc; tình trạng tài liệu còn tồn đọng bó gói lưu tại bàn làm việc và các tủ cá nhân chưa nộp lưu vào lưu trữ đúng quy định. Việc xử lý đối với các cơ quan, đơn vị, cán bộ vi phạm các quy định của pháp luật về văn thư, lưu trữ chưa nghiêm, chưa có chế tài cụ thể áp dụng xử lý nên ý thức tuân thủ quy định chưa cao. Chế độ chính sách đối với cán bộ làm công tác văn thư, lưu trữ còn thấp, chưa tạo được sự yên tâm công tác, yêu nghề.

Đối với khối Đảng, đoàn thể, ngoài một số nguyên nhân thuộc về nhận thức của lãnh đạo cơ quan, trách nhiệm của thủ trưởng thì một bộ phận cán bộ chưa làm hết trách nhiệm, vẫn coi nhiệm vụ lập hồ sơ là của bộ phận lưu trữ nên không lập hồ sơ công việc được giao. Việc ưu tiên dự toán kinh phí chi cho công tác lưu trữ, đặc biệt là việc chỉnh lý tài liệu chưa được quan tâm thực hiện.

Giải pháp xử lý tài liệu tồn đọng

Trên thực tế, nếu cơ quan nào thực sự quan tâm thực hiện công tác lưu trữ, tình trạng tài liệu tồn đọng, tích đống sẽ có giải pháp tháo gỡ, được giải quyết. Đơn cử như Sở Xây dựng, đồng chí Trần Vinh Quang, Phó Giám đốc Sở tự đánh giá, trước đây, công tác xử lý tài liệu tồn đọng của Sở yếu. Những năm gần đây, đặc biệt từ sau khi có Chỉ thị số 14 của UBND tỉnh, Sở đã quan tâm chỉ đạo và tổ chức xử lý dứt điểm tình trạng tài liệu tồn đọng, tích đống. Cách làm của Sở là trước hết phải nghiên cứu quy trình phân loại, lập hồ sơ, chỉnh lý tài liệu. Sở đã mời Chi cục Văn thư - Lưu trữ của Sở Nội vụ hướng dẫn nghiệp vụ, cách thức rà soát, sắp xếp 1 bộ tài liệu mẫu. Hàng năm, tổ chức 1 - 2 đợt sắp xếp, phân loại tài liệu mang tính tổng thể. Bố trí kinh phí từ nguồn chi thường xuyên và thu phí để thực hiện việc xử lý tài liệu, trong 2 năm (2016 - 2017) đã chi gần 260 triệu đồng cho công tác này. Với sự chỉ đạo thường xuyên, cụ thể của lãnh đạo, sự cố gắng của cán bộ, công tác giao nộp hồ sơ vào lưu trữ cơ quan và lưu trữ lịch sử tỉnh thực hiện kịp thời, đầy đủ, đúng quy định. Toàn bộ hồ sơ, tài liệu hình thành trong quá trình hoạt động của Sở được đảm bảo an toàn nhằm phục vụ nhu cầu tra cứu, tránh tình trạng thất lạc, mất. Đến hết năm 2017, tổng số tài liệu thu về là 130 m dài, đã chỉnh lý hoàn chỉnh 1.048 hồ sơ (tương đương 37 m giá) và nộp 30 hồ sơ vào lưu trữ lịch sử tỉnh. Kho lưu trữ của Sở được bố trí 4 phòng, diện tích 116 m2, tổng số tài liệu đang được bảo quản 167 m dài.

Đối với Cục Thuế tỉnh - đơn vị được đánh giá thực hiện tốt, kinh nghiệm rút ra là vai trò chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc sát sao của người đứng đầu, từng cá nhân thấy được trách nhiệm của mình và sự phối hợp của các phòng trong xử lý công việc.

Để thực hiện tốt các quy định của pháp luật về công tác lưu trữ và tài liệu lưu trữ, ngày 13/7/2018, UBND tỉnh ban hành Công văn số 1060/UBND-NC yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND huyện, thành phố tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc Luật Lưu trữ và các văn bản hướng dẫn. Trong đó, tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như: Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lưu trữ. Bố trí cán bộ trực tiếp làm công tác văn thư, lưu trữ của cơ quan, trong đó yêu cầu phải đảm bảo chuyên môn theo vị trí việc làm. Đối với đơn vị có số lượng tài liệu lưu trữ trong kho lớn (từ 200 m giá trở lên), cần nghiên cứu, sắp xếp theo hướng bố trí công chức, viên chức chuyên trách. Tiếp tục thực hiện tốt Kế hoạch số 155/KH-UBND, ngày 30/9/2017 của UBND tỉnh về thực hiện Chỉ thị số 35/CT-TTg, ngày 9/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác lập hồ sơ và giao nộp hồ sơ, tài liệu vào lưu trữ cơ quan, lưu trữ lịch sử. Đưa nội dung thực hiện lập hồ sơ công việc, giao nộp hồ sơ vào lưu trữ cơ quan là một chỉ tiêu đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm của cán bộ và cơ quan. Đối với các cơ quan còn tồn đọng tài liệu, chưa được chỉnh lý đưa vào kho lưu trữ theo yêu cầu Chỉ thị số 14 cần rút kinh nghiệm; thủ trưởng chịu trách nhiệm chỉ đạo, tuyệt đối không để phát sinh tài liệu tồn đọng, bó gói. Sở Nội vụ tăng cường kiểm tra, hằng năm thu tài liệu đến hạn nộp lưu của các cơ quan tổ chức thuộc nguồn nộp lưu vào lưu trữ lịch sử theo quy định.

Tại hội nghị quán triệt các văn bản của Đảng về công tác văn thư, lưu trữ mới đây, đồng chí Trần Đăng Ninh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị các cơ quan khối Đảng, tổ chức CT-XH, Đảng ủy trực thuộc quán triệt sâu sắc, đầy đủ và tổ chức thực hiện nghiêm túc các văn kiện mới về công tác văn thư, lưu trữ. Cần xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, liên tục. Người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu phải quan tâm sâu sát hơn nữa. Mỗi cán bộ cần quan tâm thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ của mình trong việc lập hồ sơ công việc. Thực hiện các văn kiện mới về văn thư, lưu trữ phải gắn với thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng về bảo vệ bí mật của Đảng, Nhà nước, ứng dụng công nghệ thông tin…

Cẩm Lệ


Nhóm ý kiến: 

Đề nghị tổ chức trao đổi nghiệp vụ về văn thư, lưu trữ

Tài liệu lưu trữ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, phản ánh quá trình chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy Đảng và thể hiện hoạt động của các cơ quan. Làm tốt công tác này góp phần đẩy mạnh hoạt động của các cơ quan, giữ gìn bí mật của Đảng, Nhà nước. Huyện đã chỉnh lý hoàn chỉnh tài liệu lưu trữ của 26 nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ huyện từ năm 1950 - 2015. Giai đoạn 2015 - 2017, lưu trữ cơ quan Huyện ủy đã thu được 13 cặp với 119 hồ sơ tài liệu nộp lưu của các cơ quan.

Qua thực tiễn, huyện rút ra một số kinh nghiệm để thực hiện hiệu quả công tác văn thư, lưu trữ: Quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản. Lãnh đạo cơ quan tăng cường chỉ đạo, chấn chỉnh các sai sót, tồn tại. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Mở lớp đào tạo, bồi dưỡng và kiểm tra định kỳ hằng năm. Huyện cũng đề nghị tổ chức một số cuộc hội thảo chuyên đề, trao đổi kinh nghiệm về nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác văn thư, lưu trữ, nhất là tại các xã, thị trấn.

Đinh Văn Hùng

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Kỳ Sơn


Cán bộ văn thư phải có chuyên môn, tinh thần trách nhiệm cao

Hiện nay, trụ sở làm việc của UBND TP Hòa Bình chật hẹp nên việc bố trí cơ sở vật chất phục vụ công tác lưu trữ chưa đáp ứng yêu cầu. Nhận thức của một số cán bộ về công tác này chưa cao. Để thực hiện tốt công tác lưu trữ, giải quyết tình trạng tài liệu tồn đọng, tích đống, cần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, gắn với công tác thi đua khen thưởng. Tổ chức thực hiện nghiêm túc việc lập hồ sơ công việc. Tăng cường kiểm tra và hướng dẫn việc thực hiện. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong khai thác và tra cứu tài liệu. Cán bộ làm công tác văn thư, lưu trữ có vai trò rất quan trọng, phải chọn được người có chuyên môn, tinh thần trách nhiệm cao.

Thời gian tới, khi UBND thành phố Hòa Bình có trụ sở mới, bố trí được kho lưu trữ đủ tiêu chuẩn, công tác lưu trữ sẽ thuận lợi hơn.

Nguyễn Văn Thắng

Phó Chủ tịch UBND TP Hòa Bình


Các tin khác


Bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại

(HBĐT) - Xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em là vấn nạn không mới nhưng cũng chưa bao giờ là cũ khi vụ việc vẫn thường xảy ra. Các hành vi XHTD trẻ em đều gây tổn thương, hậu quả nặng nề, lâu dài về cả thể chất, tâm lý và sức khỏe của trẻ. Bởi vậy, bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị XHTD là vấn đề cần quan tâm, trách nhiệm của toàn xã hội.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu quả bộ máy chính quyền

(HBĐT) - Với sự tập trung chỉ đạo các nội dung cải cách hành chính (CCHC), tỉnh ta đã đạt được những kết quả quan trọng. Ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, hiệu quả bộ máy chính quyền được cải thiện, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương. Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, tỉnh đang tập trung chỉ đạo các giải pháp siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy dịch vụ công, trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC); phát huy trách nhiệm của người đứng đầu trong điều hành, quản lý thực thi công vụ, xây dựng chính quyền đồng hành phục vụ doanh nghiệp và người dân. 

“Phòng hỏa hơn cứu hỏa” trong cao điểm nắng nóng

(HBĐT) - Mùa nắng nóng đang bước vào giai đoạn cao điểm. Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an tỉnh khuyến cáo người dân nâng cao hơn nữa ý thức phòng ngừa.

Tìm giải pháp cải thiện chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công

(HBĐT) - Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) là công cụ theo dõi thực thi chính sách, phản ánh của người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công (DVC) của chính quyền các cấp; là kênh tham khảo của các địa phương trong quản lý nhà nước, thực hiện chính sách, nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Năm 2022, chỉ số PAPI của tỉnh xếp thứ 43/63 tỉnh, thành phố, giảm 24 bậc so với năm 2021, nằm trong nhóm trung bình thấp. Tỉnh đang tập trung các giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao chỉ số PAPI năm 2023 và những năm tiếp theo.

Để hạn chế tình trạng cưỡng chế thi hành án dân sự

(HBĐT) - Thực hiện công tác thi hành án dân sự (THADS), mỗi năm toàn tỉnh thụ lý giải quyết từ 4.600 - 4.800 vụ việc. Số án năm sau cao hơn năm trước cả về số lượng và giá trị, nguyên nhân do số lượng vụ việc tranh chấp tăng. Những năm qua, xác định công tác THADS là một trong những nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần ổn định xã hội, Cục THADS tỉnh đưa ra nhiều giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến cơ bản trong công tác này. Tuy nhiên, vẫn còn không ít bản án, quyết định có hiệu lực thi hành nhưng không được tự nguyện thi hành và phải cưỡng chế THADS.

Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội

(HBĐT) - Giám sát, phản biện xã hội (GS, PBXH) là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH). Quyền này được quy định trong Hiến pháp, Luật MTTQ Việt Nam và được cụ thể hoá bằng các quyết định, chỉ thị, quy định của Đảng. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành các chỉ thị, kết luận về công tác này. Việc thực hiện góp phần tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Tuy nhiên, GS,PBXH của MTTQ và các tổ chức CT-XH còn những hạn chế, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả nhằm đáp ứng kỳ vọng của Đảng và mong đợi của Nhân dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục