(HBĐT) -Theo khung thời gian năm học đã được UBND tỉnh ban hành, từ ngày 13/8, giáo dục phổ thông trong tỉnh đã tựu trường; giáo dục mầm non và giáo dục thường xuyên tựu trường từ ngày 20/8. Trước đó, các nhà trường đã hoàn thành việc tuyển sinh đầu cấp. Dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn nhưng ngành GD &ĐT đã nỗ lực hoàn thành công tác chuẩn bị để sẵn sàng cho năm học mới 2018 - 2019.

Chồng chất khó khăn trước thềm năm học mới

Năm học 2018 – 2019, trường tiểu học Hữu Nghị (phường Hữu Nghị, thành phố Hòa Bình) có 44 lớp nhưng chỉ có 28 phòng học. Huyện Lạc Sơn còn có tới hơn 100 phòng học tạm xuống cấp mất an toàn. Do tăng nhanh số lượng học sinh nên hiện nay, phòng học được xây dựng thiết kế cho 24 học sinh /lớp nhưng hiện phải bố trí cho từ 30 – 35 học sinh. Đa số các nhà trường đều thiếu công trình vệ sinh và nguồn nước sạch… 


Học sinh trường mầm non Tử Nê (xã Tử Nê, huyện Tân Lạc) phấn khởi tựu trường sau kỳ nghỉ hè. 

Cơ sở vật chất thiếu và yếu là khó khăn đầu tiên đặt ra trước thềm năm học mới. Theo số liệu thống kê của Sở GD &ĐT, tính đến tháng 8/2018, toàn ngành có 8.649 phòng học các cấp, trong đó, phòng học kiên cố chiếm 83,7%, giảm 0,3% so với năm học trước do số phòng xây mới ít nhưng số phòng học xuống cấp, có nhu cầu cải tạo nâng cấp do hết khấu hao sử dụng tăng.

Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Quách Văn Danh, Trưởng phòng GD &ĐT huyện Lạc Sơn cho biết: Những năm gần đây, mỗi năm, huyện Lạc Sơn tăng trung bình khoảng 800 – 1.000 học sinh. Tuy nhiên, cơ sở vật chất không đảm bảo. Hiện toàn huyện có 101 phòng học tạm xuống cấp và có nguy cơ mất an toàn. Một số dự án đã được phê duyệt xây dựng nhưng chậm triển khai, có công trình đã khởi công trên 2 năm nhưng đến nay vẫn chưa được bàn giao. Thiếu phòng học, phòng học xuống cấp là một trong những khó khăn lớn nhất đối với huyện Lạc Sơn khi bước vào năm học mới.

Cùng với việc phòng học xuống cấp, chương trình sáp nhập trường học cũng đã phát sinh nhiều khó khăn về cơ sở vật chất cho các nhà trường. Tính đến tháng 8/2018, toàn tỉnh đã sáp nhập 12 trường mầm non thành 6 trường mầm non, 204 trường TH, THCS thành 102 trường TH &THCS. Sau sáp nhập, đa phần các trường đều chưa được đầu tư để cải tạo cơ sở vật chất phòng hội đồng, nhà đa năng…phù hợp cho các hoạt động sinh hoạt chung của quy mô trường mới.

Việc sáp nhập cũng gây ra nhiều khó khăn cho công tác quản lý đối với các trường liên cấp. Đồng chí Bùi Trọng Đắc, Giám đốc Sở GD &ĐT cho biết: Việc sáp nhập chủ yếu mang tính cơ học. Hiệu quả công tác chuyên môn chưa cao. Sau khi tổ chức sáp nhập trường TH &THCS xảy ra tình trạng dư thừa cán bộ quản lý cấp tiểu học. Một số trường sau khi sáp nhập có dưới 18 lớp chỉ được bố trí 1 phó hiệu trưởng gây khó khăn trong công tác quản lý, tổ chức hoạt động.

 

Chuẩn bị cho năm học mới, ngay từ đầu tháng 8, các gia đình đã chủ động mua sách giáo khoa, đồ dùng học tập tại tại các địa điểm uy tín. ảnh chụp tại cửa hàng sách của Công ty Cổ phần sách và thiết bị trường học Hòa Bình. 

Trước thềm năm học mới, ngành GD cũng đang phải đối mặt với một thực trạng chưa giải quyết dứt điểm được đó là việc thừa – thiếu giáo viên cục bộ bậc THCS và thiếu giáo viên bậc tiểu học. Về vấn đề này, đồng chí Giám đốc Sở GD &ĐT cho biết: Tình trạng thừa – thiếu giáo viên bậc THCS tồn tại đã nhiều năm nhưng chưa được giải quyết dứt điểm. Hiện nay, toàn tỉnh thừa khoảng 300 giáo viên bậc THCS, chủ yếu ở các môn toán (87 GV), ngữ văn (92 GV), tiếng Anh (49 GV). Trong khi đó lại thiếu 145 giáo viên, tập trung ở các bộ môn tin học (32 GV), công nghệ (18 GV), GDCD (19 GV), mỹ thuật (18 GV). Đặc biệt, ở một số huyện, tỷ lệ giáo viên không đủ để dạy học 2 buổi /ngày. Đội ngũ giáo viên tiếng Anh cấp tiểu học chưa đủ để bố trí dạy 4 tiết /tuần theo quy định (toàn tỉnh mới đạt tỷ lệ 26,6%). Tỉnh rất thiếu giáo viên tin học cấp tiểu học dẫn đến việc huyện Lạc Sơn không bố trí dạy học tin học cấp tiểu học; huyện Lương Sơn chỉ thực hiện được 25%; huyện Cao Phong đạt 30,7%; huyện Kim Bôi đạt 39%. Đó là khó khăn lớn nhất đặt ra đối với ngành GD &ĐT trước thềm năm học mới cũng như chuẩn bị triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới bắt đầu từ năm học 2019 – 2020.

Những nỗ lực chuẩn bị cho năm học mới

Năm học 2017 – 2018 khép lại không thực sự tốt đẹp đối với giáo dục tỉnh Hòa Bình khi số lượng học sinh giỏi quốc gia sụt giảm 15 giải so với năm học trước; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT chỉ đạt 96,06%, thấp hơn so với tỷ lệ bình quân của cả nước. Đáng buồn hơn khi điểm trung bình bài thi của thí sinh trong kỳ thi THPT Quốc gia chỉ đạt 4,37, xếp thứ 61/63 tỉnh, thành toàn quốc. Trong khâu chấm các bài thi trắc nghiệm kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 đã xảy ra tình trạng cán bộ chấm thi vi phạm quy chế thi. Thực tế này đã ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của ngành, tâm lý của hàng vạn cán bộ, giáo viên học sinh toàn ngành cũng như niềm tin của nhân dân đối với giáo dục tỉnh nhà.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Bùi Trọng Đắc, Giám đốc Sở GD &ĐT cho biết: Ngành đã thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế trong năm học vừa qua; nghiêm túc rút kinh nghiệm để khắc phục trong năm học tới. Năm học 2018 – 2019 là tiền đề để chuẩn bị thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới bắt đầu từ năm học 2019 – 2020. Do đó, những nhiệm vụ cần triển khai thực hiện trong năm học này khá nặng nề. Để chuẩn bị cho năm học mới, ngành đã chủ động chỉ đạo thực hiện công tác bồi dưỡng, tập huấn cán bộ quán lý, giáo viên hè 2018. ở các cấp học đã tổ chức được 140 lớp tập huấn cho 4.900 lượt cán bộ, giáo viên với nội dung đổi mới phương pháp giảng dạy, đánh giá; phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Ngành sớm tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thời gian năm học 2018 – 2019 và chỉ đạo các nhà trường thực hiện nghiêm túc quy định của UBND tỉnh. Đồng thời xây dựng phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp năm học 2018 – 2019 với 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm và 5 nhóm giải pháp cơ bản.

Đặc biệt, qua thống kê, rà soát, ngành đã dự báo trước được việc gia tăng mạnh số trẻ vào lớp 1 trong năm học này. Do đó, ngay từ ngày 15/6/2018, Sở GD &ĐT đã có Văn bản số 1075 hướng dẫn riêng việc tuyển sinh vào lớp 1 năm học 2018 – 2019. Năm học 2018 – 2019, toàn ngành huy động trẻ ra lớp với tỷ lệ cao nhất. Đối với giáo dục mầm non đã huy động khoảng 17.700 trẻ 5 tuổi ra lớp; giáo dục tiểu học huy động 19.813 trẻ 6 tuổi vào lớp 1 (tăng hơn 4.200 học sinh so với năm học trước).

Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, năm học 2018 – 2019 dự kiến toàn ngành sẽ sáp nhập 99 trường mầm non, Tiểu học, THCS thành 49 trường mầm non, TH&THCS. Đồng thời, ngành đã phối hợp với các huyện, thành phố tiếp nhận và điều động giáo viên, bổ nhiệm cán bộ quản lý.

Đồng chí Giám đốc Sở GD &ĐT cho biết thêm: Chuẩn bị năm học mới, Sở tích cực chỉ đạo các đơn vị, trường học bằng nguồn kinh phí được giao và huy động xã hội hóa giáo dục thực hiện việc sửa chữa cơ sở vật chất đảm bảo cho dạy và học. Các trường đã sửa chữa, nâng cấp phòng học, vệ sinh trường lớp, mua sắm trang thiết bị bàn ghế giáo viên và học sinh, thiết bị phục vụ cho các hoạt động giảng dạy. Tiến hành tổng rà soát cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và quy hoạch lại các điểm trường lẻ. Chỉ đạo các nhà trường chuẩn bị đồng phục, sách giáo khoa, trang trí lớp học, dọn dẹp vệ sinh khuôn viên nhà trường đảm bảo xanh – sạch – đẹp. Sở GD &ĐT đã ban hành văn bản hướng dẫn tổ chức lễ khai giảng đồng loạt vào sáng ngày 5/9 đảm bảo trang trọng, ngắn gọn, ý nghĩa. 

                                                                                                         Dương Liễu 


* Chú trọng việc tôn vinh nhà giáo

(Bùi Văn Cửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh)

Nhiều năm qua, cá nhân tôi luôn trăn trở với việc tỉnh ta có ít giáo viên được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú, thậm chí là ít hơn rất nhiều so với các tỉnh cũng còn gặp nhiều khó khăn như vùng Tây Nguyên. Toàn tỉnh hiện chỉ có 50 Nhà giáo ưu tú trong khi tổng số giáo viên toàn ngành hiện nay hơn 20.000 cán bộ, giáo viên. Tôi thấy tỉnh ta có rất nhiều giáo viên tiêu biểu, xuất sắc, các thầy, cô giáo đã có nhiều nỗ lực đóng góp đáng kể cho sự nghiệp phát triển giáo dục của địa phương. Đặc biệt, là các thầy, cô giáo công tác tại vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn đã không ngại khó khăn để bám trường, bám bản, bền bỉ với sự nghiệp trồng người.

Tôi được biết, nhiều thầy, cô dù có thành tích rất tốt nhưng chưa được xét tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú vì không có các đề tài, sáng kiến kinh nghiệm từ cấp tỉnh trở lên. Đây là điều rất đáng tiếc. Do đó, ngay từ năm học 2018 – 2019, tôi mong ngành GD &ĐT sẽ dành sự quan tâm xứng đáng cho việc tôn vinh các nhà giáo, ghi nhận và biểu dương sự đóng góp của các nhà giáo đối với sự nghiệp giáo dục của địa phương. Đồng thời cần xây dựng kế hoạch cụ thể để quan tâm, tạo điều kiện, bồi dưỡng, đề nghị xét tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú cho các thầy, cô xứng đáng.

 

* Cần sớm triển khai thực hiện đề án dạy chữ Mường

(Lưu Huy Linh - Phó Giám đốc Sở VH -TT&DL)

Hòa Bình luôn được đánh giá là một địa phương giàu bản sắc văn hóa dân tộc nhưng thực tế hiện nay cho thấy, bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh ta đang bị mai một ở những mức độ khác nhau. Đáng lo ngại hơn khi ngày càng có nhiều bạn trẻ không biết tiếng nói, chữ viết, bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Năm 2016, Mo Mường và Chiêng Mường đã chính thức được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tiếp đó là việc ra đời bộ chữ Mường.

Để bản sắc văn hóa dân tộc Mường nói riêng, các dân tộc thiểu số nói chung được lưu giữ thì ngành GD &ĐT cần tăng cường các hoạt động giáo dục học sinh giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc thông qua hoạt động ngoại khóa, lồng ghép. Đặc biệt, ngành cũng cần tham mưu để đề án dạy chữ Mường cho đối tượng học sinh, sinh viên và cán bộ, công chức sớm được triển khai tổ chức thực hiện.



Khuyến khích phát triển các cơ sở giáo dục ngoài công lập

Nguyễn Thanh Bình (Trưởng phòng GD &ĐT huyện Lương Sơn)

Hiện trên địa bàn huyện Lương Sơn có 1 nhà trường và 12 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo ngoài công lập. Cùng với các trường mầm non công lập thì các trường mầm non, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo tư thục đã góp phần giải quyết cơ bản nhu cầu gửi trẻ của người dân khu vực thị trấn Lương Sơn, các xã lân cận và đặc biệt là khu công nghiệp Lương Sơn với gần 12.000 công nhân. Quan điểm của chúng tôi là tiếp tục quan tâm phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập ở những nơi có điều kiện; hỗ trợ quản lý chuyên môn cho giáo viên ở các nhóm, lớp độc lập tư thục theo quy định tại Thông tư số 13/2018/TT-BGDĐT ngày 30/5/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 13/2015/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Phấn đấu hoàn thành mục tiêu năm học 2018 – 2019 là huy động trẻ nhà trẻ ra lớp đạt 32%; trẻ mẫu giáo ra lớp đạt 95%; 100% trẻ trong trường mầm non được đảm bảo an toàn; giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng so với đầu năm học.

                                        

Các tin khác


Quyết tâm tạo đột phá trong 5 năm đầu thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp

(HBĐT) - Quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp (TCCNNN) của tỉnh ta đã được khởi động từ cuối năm 2013 thông qua việc UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch hành động Đề án TCCNNN theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tỉnh Hòa Bình đến năm 2020. Sau hơn 5 năm, bằng cách xác định đúng hướng đi và quyết tâm tạo đột phá trong từng lĩnh vực sản xuất, tỉnh đã tiến được những bước quan trọng để chinh phục các mục tiêu đầu tiên trên lộ trình TCCNNN.

Tập trung giải quyết một số vấn đề đặt ra trong công tác chăm sóc người có công với cách mạng

(HBĐT) - "Trong những năm qua, công tác thương binh, liệt sỹ, người có công (NCC) và phong trào "Đền ơn, đáp nghĩa” trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, ngành, đơn vị, doanh nghiệp và nhân dân quan tâm thực hiện và đạt được những kết quả khả quan, mang đậm ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Tuy nhiên hiện nay, công tác chăm sóc NCC còn gặp một số khó khăn, vướng mắc, đòi hòi tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của cả cộng đồng”- đồng chí Nguyễn Thanh Thủy, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH khẳng định.

Gian nan “cuộc chiến” phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy

(HBĐT) - Đánh giá về công tác đấu tranh phòng - chống tội phạm ma tuý, đại tá Phạm Sử, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết: Những năm qua, cuộc chiến chống tội phạm ma túy trên cả nước nói chung và ở tỉnh nói riêng ngày càng gian khổ, cam go, quyết liệt. Phương thức, thủ đoạn của tội phạm ma túy ngày càng tinh vi, xảo quyệt, thường xuyên thay đổi nhằm đối phó lại các biện pháp đấu tranh của các lực lượng chức năng. Đặc biệt là tuyến đường bộ trên khu vực biên giới Việt - Lào, hoạt động của tội phạm ma túy hết sức manh động, liều lĩnh. Hầu hết các đối tượng trong các đường dây vận chuyển ma túy lớn qua biên giới đều trang bị vũ khí nóng, sẵn sàng chống trả quyết liệt khi bị phát hiện, bắt giữ. Tội phạm ma túy có xu hướng câu kết với tội phạm hình sự và các loại tội phạm khác hình thành đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn liên tuyến, liên tỉnh và xuyên quốc gia.

Tiếp sức cho “cuộc chiến” chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại

(HBĐT) - Nhìn vào kết quả thực hiện công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng cấm trên địa bàn tỉnh năm 2017 cho thấy có nhiều chấm sáng nổi bật, phát hiện, xử lý nhiều vụ vi phạm mang tính chất điển hình. Tuy nhiên, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng cấm luôn là cuộc chiến hết sức cam go cần có sự tiếp sức mới thành công.

Trẻ em trong thời đại công nghệ số - nhiều cơ hội, lắm rủi ro

(HBĐT) - Công nghệ số phát triển mạnh mẽ, mạng Internet, các thiết bị công nghệ ngày càng trở nên quen thuộc với trẻ em và tạo ra cả những tác động tích cực, tiêu cực. Trẻ em tỉnh ta cũng không nằm ngoài bối cảnh chung. Làm thế nào để tận dụng cơ hội và hạn chế rủi ro đang là vấn đề "nóng” được các gia đình và xã hội quan tâm.

Nâng cao hiệu quả đầu tư các dự án hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số

(HBĐT) - Những năm qua, nhờ thực hiện hiệu quả các dự án hỗ trợ nên vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) của tỉnh đã có chuyển biến tích cực trong công tác xóa đói, giảm nghèo, thúc đẩy KT-XH phát triển.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục