Đình Ngòi, xã Sủ Ngòi (TP Hòa Bình) được UBND tỉnh công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh vào năm 2006.
Thực hiện tốt công tác quản lý di tích
Đồng chí Bùi Văn Dịp, Giám đốc Ban Quản lý di tích tỉnh cho biết: Thời gian qua, công tác quản lý di tích trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo đúng quy định của Luật Di sản văn hóa và các văn bản quản lý Nhà nước có liên quan. Tỉnh ban hành quy chế quản lý và bảo vệ các di tích. Các khu vực di tích được khoanh vùng bảo vệ, ngăn chặn xâm hại. Hàng năm, cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn nghiệp vụ về di tích cho cán bộ quản lý di tích ở cơ sở; hướng dẫn UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện các biện pháp tăng cường quản lý di vật, cổ vật tại các di tích của địa phương.
Trên địa bàn huyện Lương Sơn có 15 di tích, gồm 8 di tích được xếp hạng quốc gia, 7 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Trong đó có 7 di tích lịch sử văn hóa, 4 di tích thắng cảnh, 3 di tích khảo cổ học, 1 di tích lịch sử cách mạng. Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hằng, Trưởng phòng VH-TT huyện cho biết: Thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn được quan tâm. Huyện đã thành lập Ban quản lý di tích huyện. Tại các xã có di tích thành lập Ban quản lý di tích xã. Các di tích được giao cho UBND các xã, thị trấn trực tiếp quản lý, cử người trông coi, bảo vệ. Vào đầu năm, cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức kiểm tra thực tế nắm bắt hiện trạng, công tác quản lý di tích ở cơ sở. Bên cạnh đó, huyện chú trọng tuyên truyền, vận động nhân dân nêu cao ý thức gìn giữ, bảo vệ các di tích. Nhìn chung công tác quản lý di tích được thực hiện tốt, nhân dân rất có ý thức trong việc bảo tồn. Nhiều điểm di tích được bà con trân trọng, chủ động đóng góp kinh phí tu bổ, tôn tạo sân nền, vôi ve, tạo cho điểm di tích khang trang, ấm cúng như điểm di tích chùa Quất Lâm – xã Hòa Sơn, di tích Tứ Đền, xã Long Sơn…
Hiệu quả khai thác, phát huy giá trị di tích chưa cao
Phát huy giá trị di tích được coi là một trong những mục tiêu chính của công tác bảo tồn và được ngành VH-TT&DL chú trọng thực hiện. Trong những năm qua, tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn và các sở, ban, ngành hữu quan thống kê, phân loại giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể liên quan đến di tích làm cơ sở cho việc xây dựng quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu về di tích cho các đoàn khách đến tham quan, du lịch tại tỉnh. Từ năm 2008, ngành VH-TT&DL triển khai kế hoạch liên ngành "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, tổ chức tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng trong học sinh bằng hình thức thuyết minh trực tiếp tại điểm di tích, giúp các em hiểu về lịch sử cách mạng, giá trị của các di tích, đồng thời tham gia các hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị của di tích. Thời gian qua, hoạt động đã được tổ chức tại nhiều điểm như: Di tích địa điểm chiến thắng cầu Mè; địa điểm thành lập Văn phòng Tỉnh ủy; nơi nghi dấu lịch sử Trung Đoàn 52 Tây Tiến; địa điểm Bác Hồ về thăm trường Thanh niên lao động XHCN Hòa Bình...
Tuy vậy, thực tế việc khai thác và phát huy giá trị di tích chưa được nhiều. Hiện mới có một số ít điểm di tích thắng cảnh, di tích gắn với tín ngưỡng, tôn giáo thu hút được du khách đến tham quan. Mặt khác, việc khai thác giá trị của di tích chưa thật sự gắn với phát triển du lịch, chưa có sự liên kết trong khai thác các tuor, tuyến du lịch, chủ yếu do các công ty kinh doanh du lịch thực hiện dẫn đến nguồn thu cho ngân sách từ hoạt động khai thác các di tích còn hạn chế. Việc khai thác, hướng dẫn tham quan tại di tích còn sơ sài. Công tác tuyên truyền về di tích chưa hiệu quả, chưa xuất bản được các cuốn cẩm nang về di tích của tỉnh để phục vụ khách tham quan, du lịch. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý di sản của tỉnh còn thiếu và yếu. ở huyện hầu như chưa có cán bộ chuyên trách về mảng di tích và di sản văn hóa, hầu hết chỉ mang tính chất kiêm nhiệm, đặc biệt là công chức văn hóa cấp xã, số lượng người có chuyên môn về bảo tồn, bảo tàng, di sản văn hóa hầu như rất ít. Hoạt động hợp tác quốc tế về di tích và khai thác di tích cũng chưa được quan tâm, đẩy mạnh.
Dưới góc độ quản lý Nhà nước về di tích, trên địa bàn tỉnh không có di tích nào do tư nhân quản lý, nhưng trên thực tế một số di tích đã được xếp hạng các cấp lại thuộc sự quản lý của tư nhân đã dẫn đến tình trạng cá nhân chỉ quan tâm đến việc khai thác các nguồn thu từ di tích, chưa chú trọng, quan tâm đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị lâu dài của di tích.
Khó khăn trong công tác bảo tồn, tôn tạo di tích
Nơi lưu dấu chiến công của anh hùng Cù Chính Lan tại xã Bình Thanh (Cao Phong) được công nhận di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia năm 1993. Khu di tích đã có 2 lần tu bổ, tôn tạo, lần gần đây nhất là năm 2008, khi thực hiện di dời Tượng đài Anh hùng Cù Chính Lan về địa điểm hiện tại là xóm Mỗ I. Đồng chí Nguyễn Văn Thưởng, Chủ tịch UBND xã Bình Thanh cho biết: Khu di tích có người trông coi, người dân trong xã luôn có ý thức gìn giữ, bảo vệ khu di tích không để bị xâm hại. Tuy nhiên, do được xây dựng đã lâu nên hiện có tình trạng xuống cấp, một số hạng mục hư hỏng như bị bung gạch, nứt vỡ.
Xuống cấp, hư hỏng là tình trạng chung của nhiều di tích trên địa bàn tỉnh hiện nay. Tuy nhiên việc tu bổ, tôn tạo khó khăn vì thiếu nguồn kinh phí - Đồng chí Bùi Văn Dịp, Giám đốc Ban quản lý di tích tỉnh cho biết thêm. Việc tu bổ, tôn tạo được thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước và xã hội hóa. Đến nay, tỉnh chưa có nguồn kinh phí cho việc tu bổ, tôn tạo di tích. Trước đây, có nguồn kinh phí từ Chương trình để quốc gia cho công tác tu bổ, tôn tạo nhưng khi dừng Chương trình thì kinh phí cũng bị cắt. Công tác xã hội hóa hạn chế, chủ yếu mới thực hiện xã hội hóa đối với các di tích tôn giáo, tín ngưỡng, danh lam thắng cảnh, chưa thực hiện được xã hội hóa đối với di tích lịch sử cách mạng, khảo cổ. Hoạt động tu bổ, tôn tạo nếu có cũng chỉ dừng ở mức độ bảo vệ di tích như xây cổng, tường bao, bia giới thiệu, đường vào di tích, việc trùng tu, sửa chữa chưa được tiến hành đồng bộ. Số lượng các di tích được tu bổ, tôn tạo rất ít, hầu hết giữ ở trạng thái nguyên trạng và dần xuống cấp. Khi bị hư hỏng không được sửa chữa, trùng tu kịp thời dẫn đến tình trạng xuống cấp ngày càng nghiêm trọng.
Di tích là cội nguồn, là lịch sử, truyền thống cách mạng, là tài sản vô giá trong kho tàng di sản văn hóa của dân tộc. Chính vì vậy công tác bảo tồn, phát huy giá trị của di tích có ý nghĩa đặc biệt quan trọng cần được các cấp, ngành và người dân quan tâm để các di tích không bị mai một và dần biến mất.
Điểm di tích Tứ Đền, xã Long Sơn (Lương Sơn) được bà con trân trọng, đóng góp tiền, công sức tu bổ, tôn tạo di tích khang trang, sạch đẹp.
Hà Thu