(HBĐT) - Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh năm nào cũng có trẻ bị đuối nước tử vong. Năm 2017 có 39 trẻ, năm 2018 có 27 trẻ bị đuối nước. Tuy nhiên, chưa bao giờ có sự việc thương tâm như vụ 8 học sinh bị chết đuối khi tắm sông Đà xảy ra vào chiều 21/3. Đây thực sự là hồi chuông cảnh báo nghiêm khắc cho gia đình, nhà trường, chính quyền cần quan tâm, để ý nhiều hơn đến các em và có những giải pháp hiệu quả hơn để không còn nối tiếp những đau thương.

 

 Trung tâm Hoạt động thanh thiếu niên tỉnh thường xuyên mở lớp dạy bơi cho trẻ em. 

Cuối tháng 3, vẫn trong tiết xuân nhưng thỉnh thoảng xuất hiện những thời điểm oi nóng lên đến 30 - 320C. Khi thời tiết nắng nóng, ai cũng muốn đến bể bơi, ra sông, suối tắm giải nhiệt. Sông Đà là lựa chọn, địa điểm yêu thích của nhiều người dân TP Hòa Bình, trong đó có trẻ em. Tuy nhiên, trên khúc sông Đà phía hạ lưu đập thủy điện Hòa Bình có nhiều khu vực nước xoáy nguy hiểm. Khu vực bến Thịnh Minh, phường Thịnh Lang (TP Hòa Bình) có đoạn bờ cát đẹp nên hầu như vào buổi chiều đều có người ở các phường khác đến tắm. Song, ngay liền với bãi cát đó là hủm nước sâu, chảy xoáy. Những người không thuộc địa hình, không biết sa vào khu vực đó sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Trước khi xảy ra vụ việc đau lòng, trên khúc sông này cũng đã từng xảy ra những vụ chết đuối. Trên cơ sở khảo sát các "điểm đen” dọc 2 bên bờ sông Đà phía hạ lưu, TP Hòa Bình đã tổ chức cắm biển cảnh báo nguy hiểm khu vực nước sâu, nước xoáy không nên tắm nhưng một số biển đã bị mất và chưa được cắm lại kịp thời. 

Chị Nguyễn Thị Vân Anh, công chức văn hóa - xã hội, UBND phường Thịnh Lang cho biết: Địa bàn phường tiếp giáp với sông Đà nên phát sinh một số điểm tắm tự phát. Phường đã tổ chức cắm biển cảnh báo tại một số khu vực nguy hiểm, nhưng do mưa lũ, dòng chảy siết có biển đã bị nước cuốn trôi. Các hủm nước xoáy, dòng chảy ngược chủ yếu do tình trạng hút cát trước đây. Hàng năm, UBND phường đều ban hành kế hoạch Tháng hành động vì trẻ em, hoạt động phòng, chống đuối nước và gửi văn bản nhắc nhở các tổ dân phố. Người dân không biết các hủm xoáy này ở địa bàn khác. Ngay hôm sau vụ việc đau lòng xảy ra trên địa bàn, phường đã cắm lại biển cảnh báo nguy hiểm. Từ vụ việc tôi thấy, thành phố còn hạn chế về khu vui chơi, thể thao chung. Mong các cơ quan chức năng quan tâm thêm để tạo sân chơi cho trẻ. 

Trở lại vụ việc đặc biệt nghiêm trọng xảy ra ở bến Thịnh Minh làm 8 trẻ chết đuối tại hủm nước xoáy, em Xa Đình Hoàng, một trong 2 trẻ sống sót kể: Chúng cháu được nghỉ học buổi chiều, lại oi nóng nên rủ nhau ra sông Đà chơi. Chúng cháu chơi bóng dưới nước. Khi quả bóng vượt ra xa, chúng cháu bơi ra lấy và bị đuối nước. Đây là lần thứ 2 cháu ra đây chơi, một số anh lớn là lần thứ 3 - 4. Lúc chúng cháu ra chơi chưa có người lớn nào tắm. 

Phân tích các vụ trẻ đuối nước tử vong xảy ra những năm qua cho thấy, vụ việc chủ yếu xảy ra vào buổi chiều, không có người lớn trông coi, trẻ không mặc áo phao. Địa điểm tại khu vực bến sông, đập tràn, suối, ao, hồ. Lứa tuổi bị nạn thường ở cấp tiểu học, THCS, THPT, thời điểm từ tháng 3 – tháng 9. Nguyên nhân do thời tiết oi nóng, trùng với dịp học sinh được nghỉ học. Bố mẹ, người lớn bận đi làm, trẻ không được quản lý, giám sát chặt chẽ, trong khi không biết bơi, thiếu kỹ năng sinh tồn. Sân chơi cho trẻ thiếu, môi trường sống chưa an toàn cũng là những căn nguyên đã được các cơ quan chức năng chỉ ra từ nhiều năm nay. 

Theo ghi nhận của phóng viên, từ năm 2015 trở lại đây, phong trào tắm sông Đà phát triển, nhiều người ý thức hơn đến việc mặc áo phao đảm bảo an toàn hay phụ huynh quan tâm dạy bơi cho con, trẻ nhỏ có người lớn đi kèm. Đáng lo ngại nhất là nhóm thanh, thiếu niên lứa tuổi học THCS, THPT đi tắm theo từng nhóm và không có áo phao. Khi xuống tắm không hề khởi động hoặc vừa chạy toát mồ hôi lại xuống sông tắm luôn. 

Trước thực trạng và nguy cơ đuối nước ở trẻ, hàng năm, Sở LĐ-TB&XH ban hành hướng dẫn công tác trẻ em, trong đó có nội dung phòng, chống đuối nước, xây dựng môi trường an toàn cho trẻ. Ngày 1/11/2018, các Sở, ngành: LĐ-TB&XH, Y tế, GT-VT, Công an, VH-TT&DL, GD&ĐT, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHPN, Hội Nông dân tỉnh đã ban hành kế hoạch liên ngành phòng, chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2018 – 2020. Mục tiêu là giảm tới mức thấp nhất số trẻ tử vong do đuối nước. Cụ thể, giảm 6% trẻ tử vong do đuối nước so với năm 2015; 75% trẻ trong độ tuổi tiểu học, THCS biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước; 100% huyện, thành phố triển khai thí điểm chương trình bơi an toàn cho trẻ em; 100% cơ sở thể thao tổ chức hoạt động bơi lặn, có huấn luyện viên, nhân viên cứu hộ… Các nội dung hoạt động về truyền thông nâng cao nhận thức; xây dựng môi trường an toàn cho trẻ em; triển khai hoạt động dạy bơi và kỹ năng an toàn dưới nước; công tác giám sát trẻ, trông trẻ tại các gia đình và cộng đồng… đã được chỉ rõ. Như vậy, có thể thấy, các văn bản là đầy đủ, nhưng tại sao những vụ việc mới vẫn liên tiếp xảy ra và bắt nguồn từ những nguyên nhân cũ? 


Khi đi tắm sông, trẻ em cần mặc áo phao và có sự giám sát của người lớn. 

Từ thực tế các vụ đuối nước cho thấy, khi đi tắm ở sông, hồ nên có áo phao. Không nên tắm ở những khu vực nước xoáy, nước sâu, nơi có biển cấm. Không nên tắm ở nơi vắng vẻ phòng trường hợp bất trắc không có người ứng cứu. Cơ quan chức năng cần rà soát cắm biển cấm, cảnh báo ở những khu vực nguy hiểm và thường xuyên kiểm tra các biển, kịp thời cắm lại nếu mất, hỏng. 

Theo đồng chí Nguyễn Thị Thanh Hiến, Trưởng phòng Trẻ em- Bình đẳng giới (Sở LĐ-TB&XH), phòng tránh đuối nước cho trẻ cần sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, nhà trường, đặc biệt là sự quản lý, giám sát của gia đình. Trẻ chỉ tắm, bơi ở nơi nước nông và phải được người lớn giám sát, cho phép hay người cứu đuối đi kèm. Học kỹ năng bơi, cấp cứu đúng cách khi gặp trường hợp đuối nước. Không tắm ở sông, hồ trong lúc trời đang nắng gắt để tránh bị cảm nắng, sốc nhiệt. Không đùa nghịch quá khích hoặc vận động chân tay quá nhiều dưới nước để tránh mất sức, dễ bị đuối nước. Không ăn khi tắm vì có thể bị sặc. Phải khởi động kỹ trước khi xuống nước để tránh bị chuột rút và các vấn đề khác. 

Tỉnh ta có nhiều ao, hồ, sông, suối. Mùa hè và mùa mưa lũ đang đến, lại trùng với dịp nghỉ hè của học sinh. Hàng năm, đây là thời gian cao điểm xảy ra đuối nước. Vì vậy, cần tăng cường thực hiện các biện pháp phòng tránh đuối nước hiệu quả, không để xảy ra những vụ việc đau lòng. 

Liên quan đến vụ việc 8 học sinh đuối nước, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an chỉ đạo điều tra làm rõ nguyên nhân trực tiếp, gián tiếp và báo cáo trước ngày 30/3/2019. Thủ tướng cũng yêu cầu các cấp, ngành, UBND các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm Văn bản chỉ đạo số 1123/UBQGTE ngày 21/3/2019 về tăng cường các biện pháp phòng, chống đuối nước trẻ em của Ủy ban Quốc gia về trẻ em. 

Theo đó, Văn bản chỉ đạo số 1123 nêu rõ: Đề nghị UBND các tỉnh, thành phố quan tâm, chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em nói chung và phòng, chống đuối nước trẻ em nói riêng. Thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 16/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo, thực hiện phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước cho học sinh, trẻ em. Đẩy mạnh truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về vấn đề này. Tuyên truyền, vận động gia đình thường xuyên quan tâm, giám sát trẻ em, đặc biệt trong mùa mưa bão. Chủ động đưa trẻ em đi học bơi, học kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước trẻ em cho người dân và trẻ em. Các tỉnh, thành phố tiếp tục hướng dẫn triển khai thực hiện việc xây dựng ngôi nhà an toàn, trường học an toàn, cộng đồng an toàn, phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em nhằm loại bỏ các nguy cơ gây đuối nước. Quan tâm hỗ trợ, trang bị cơ sở vật chất để dạy bơi cho trẻ em tại địa phương. Đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy bơi, dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Các địa phương xây dựng và triển khai cơ chế phối hợp giữa các ngành, đoàn thể trong phòng, chống đuối nước cho trẻ em. Ngành GD&ĐT, LĐ-TB&XH, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tăng cường phối hợp thực hiện tốt công tác quản lý trẻ em, đảm bảo an toàn cho trẻ ở trường, trong gia đình, cộng đồng… 

                                                                                                          Cẩm Lệ 

* Giáo dục kỹ năng xử lý tình huống trong trường hợp khẩn cấp cho trẻ 

Để phòng tránh tai nạn đuối nước cho trẻ em, cần tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng hơn tới các đối tượng trong cộng đồng. Cho trẻ học bơi và kỹ năng cứu người bị nạn. Tăng cường giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng xử lý tình huống trong trường hợp khẩn cấp cho trẻ. Hiện nay, trẻ em vẫn thiếu điểm vui chơi, cần quan tâm hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất như sân chơi cho trẻ, bể bơi di dộng... Sắp tới là mùa hè và dịp nghỉ hè, trước hết, các gia đình cần tăng cường quản lý, giám sát con em mình. Khi nhà trường bàn giao các em về sinh hoạt ở địa phương, tổ chức Đoàn cần nhận phiếu và sáng tạo tổ chức các hoạt động sinh hoạt hè hấp dẫn, bổ ích để trẻ tránh xa những nơi và trò chơi nguy hiểm. Ngày 13/3, Sở đã ban hành Công văn số 306 hướng dẫn công tác trẻ em năm 2019. Trong đó có việc UBND các huyện, thành phố chỉ đạo UBND cấp xã, các phòng, ban, ngành, các tổ chức thực hiện bàn giao, quản lý học sinh, tổ chức các hoạt động cho trẻ em trong dịp hè để giảm thiểu trẻ em bị tai nạn đuối nước, có một mùa hè an toàn.

Nguyễn Thị Linh Ngọc

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH 

* Mong có nhiều hoạt động hè, hoạt động ngoài giờ học bổ ích 

Ngày nghỉ và hết giờ học, bố mẹ đăng ký cho cháu đi học võ, học bơi. Các bạn cũng có lần rủ cháu đi tắm sông Đà nhưng nghe lời bố mẹ, cháu không đi khi không mặc áo phao và không có người lớn đi kèm cho dù biết bơi. Cháu rất sợ khi biết vụ việc 8 bạn trường tiểu học và THCS Hữu Nghị bị chết đuối khi tắm sông Đà. Từ đó, cháu đã rút ra được bài học cho mình và càng cẩn thận hơn. Dịp nghỉ hè sắp đến và được nghỉ khá dài, trong khi bố mẹ vẫn phải bận rộn đi làm, cháu mong được tham gia nhiều hoạt động vui chơi, bổ ích như tham gia trại hè, các giải thể thao; tắm tại các bể bơi có người giám sát…

Nguyễn Quang Hanh

Học sinh lớp 8A4, trường THCS Sông Đà, TP Hòa Bình 

* Cần có biện pháp cảnh báo rõ hơn khu vực nguy hiểm 

Chúng tôi vô cùng bàng hoàng khi hay tin về việc 7 cháu trong tổ và 1 cháu ở tổ bên cạnh bị chết đuối. Tôi thấy rằng, cùng với việc tăng cường quản lý, giám sát con em mình của gia đình, các cấp chính quyền cần có biện pháp hữu hiệu để không để xảy ra những vụ việc đau lòng. Bọn trẻ bình thường cũng không có chỗ đủ rộng để đá bóng, lôi cả bóng ra đường đá. Chúng tôi nhà có con nhỏ rất lo lắng. Buổi nghỉ học, ngày cuối tuần, không ai bảo chúng ra sông, ao, hồ chơi cả nhưng chúng lén tự đi. Chúng tôi mong nhà trường tăng cường dạy kỹ năng sống cho học sinh, đưa môn bơi vào chương trình học thể dục. Có thêm nhiều điểm vui chơi cho trẻ. Có biện pháp cảnh báo ở những nơi nguy hiểm, nghiên cứu có thể làm rào chắn ở những điểm nguy hiểm cấm tắm hay thậm chí cắm cờ đen.

 Nguyễn Văn Đại

Tổ 16, phường Hữu Nghị, TP Hòa Bình 


Các tin khác


Bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại

(HBĐT) - Xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em là vấn nạn không mới nhưng cũng chưa bao giờ là cũ khi vụ việc vẫn thường xảy ra. Các hành vi XHTD trẻ em đều gây tổn thương, hậu quả nặng nề, lâu dài về cả thể chất, tâm lý và sức khỏe của trẻ. Bởi vậy, bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị XHTD là vấn đề cần quan tâm, trách nhiệm của toàn xã hội.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu quả bộ máy chính quyền

(HBĐT) - Với sự tập trung chỉ đạo các nội dung cải cách hành chính (CCHC), tỉnh ta đã đạt được những kết quả quan trọng. Ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, hiệu quả bộ máy chính quyền được cải thiện, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương. Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, tỉnh đang tập trung chỉ đạo các giải pháp siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy dịch vụ công, trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC); phát huy trách nhiệm của người đứng đầu trong điều hành, quản lý thực thi công vụ, xây dựng chính quyền đồng hành phục vụ doanh nghiệp và người dân. 

“Phòng hỏa hơn cứu hỏa” trong cao điểm nắng nóng

(HBĐT) - Mùa nắng nóng đang bước vào giai đoạn cao điểm. Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an tỉnh khuyến cáo người dân nâng cao hơn nữa ý thức phòng ngừa.

Tìm giải pháp cải thiện chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công

(HBĐT) - Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) là công cụ theo dõi thực thi chính sách, phản ánh của người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công (DVC) của chính quyền các cấp; là kênh tham khảo của các địa phương trong quản lý nhà nước, thực hiện chính sách, nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Năm 2022, chỉ số PAPI của tỉnh xếp thứ 43/63 tỉnh, thành phố, giảm 24 bậc so với năm 2021, nằm trong nhóm trung bình thấp. Tỉnh đang tập trung các giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao chỉ số PAPI năm 2023 và những năm tiếp theo.

Để hạn chế tình trạng cưỡng chế thi hành án dân sự

(HBĐT) - Thực hiện công tác thi hành án dân sự (THADS), mỗi năm toàn tỉnh thụ lý giải quyết từ 4.600 - 4.800 vụ việc. Số án năm sau cao hơn năm trước cả về số lượng và giá trị, nguyên nhân do số lượng vụ việc tranh chấp tăng. Những năm qua, xác định công tác THADS là một trong những nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần ổn định xã hội, Cục THADS tỉnh đưa ra nhiều giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến cơ bản trong công tác này. Tuy nhiên, vẫn còn không ít bản án, quyết định có hiệu lực thi hành nhưng không được tự nguyện thi hành và phải cưỡng chế THADS.

Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội

(HBĐT) - Giám sát, phản biện xã hội (GS, PBXH) là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH). Quyền này được quy định trong Hiến pháp, Luật MTTQ Việt Nam và được cụ thể hoá bằng các quyết định, chỉ thị, quy định của Đảng. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành các chỉ thị, kết luận về công tác này. Việc thực hiện góp phần tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Tuy nhiên, GS,PBXH của MTTQ và các tổ chức CT-XH còn những hạn chế, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả nhằm đáp ứng kỳ vọng của Đảng và mong đợi của Nhân dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục