(HBĐT) - Năm 2016, toàn tỉnh có gần 300 người đi xuất khẩu lao động. Năm 2017 có 420 người và năm 2018 có 386 người đi xuất khẩu lao động. Trong khi với nhiều địa bàn, xuất khẩu lao động dần trở thành một xu hướng khởi nghiệp mới của nhiều thanh niên lao động nông thôn, tại nhiều nơi, người lao động không mặn mà với việc xuất khẩu lao động. Để xuất khẩu lao động trở thành một kênh giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, đòi hỏi nhiều hơn nữa những giải pháp đồng bộ từ các cấp, ngành.


"Đổi đời" nhờ xuất khẩu lao động tại Nhật Bản, Hàn Quốc

Kim Bôi là một trong những huyện triển khai công tác xuất khẩu lao động khá hiệu quả. Ba năm gần đây, số người đi xuất khẩu lao động tăng hàng năm. Năm 2016, huyện có 40 người, năm 2017 có 46 người, năm 2018 có 53 người đi xuất khẩu lao động.

Đến xã Mỵ Hòa, huyện Kim Bôi, hỏi thăm nhà ông Bùi Văn Hìn, xóm Mỵ Đông nhiều người không khỏi ngưỡng mộ bởi cơ ngơi khang trang. Được biết, kết quả đó có được là nhờ nguồn thu nhập từ 2 người con của ông Hìn đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản và Hàn Quốc gửi về. Ông Hìn cho biết: Năm 2016, khi xã giới thiệu doanh nghiệp về tuyển dụng lao động phổ thông tại Hàn Quốc, nhận thấy đây là thị trường lao động ổn định, giá chi phí không cao, tôi đồng ý cho con trai cả đi học tiếng và đăng ký đi thi tuyển lao động, cuối năm được tuyển dụng làm việc tại Hàn Quốc. Đến nay, con trai tôi đã làm được hơn 3 năm, do làm tốt nên được gia hạn. Hiện nay, mức lương trung bình của con trai tôi mỗi tháng gần 50 triệu đồng. Cuối năm 2018, con trai thứ hai của tôi cũng thi tuyển và đi làm việc tại Nhật Bản.

Hiện nay, trên địa bàn xã Mỵ Hòa có hơn 50 con em đi xuất khẩu lao động tại các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc. Trong quý I năm nay có 6 lao động trên địa bàn xã hoàn thành thủ tục và đã đi làm, chủ yếu là thị trường Nhật Bản. Đồng chí Hà Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Mỵ Hòa cho biết: 3 năm trở lại đây, xuất khẩu lao động trên địa bàn xã đã khởi sắc, với việc tiếp cận được thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, yêu cầu lao động phổ thông cộng với kinh phí xuất khẩu chỉ hơn 150 triệu đồng, đơn hàng đảm bảo giúp người dân tin tưởng. Hiện nay, nhiều thanh niên trên địa bàn xã đã lựa chọn con đường xuất khẩu lao động như một cách khởi nghiệp bước đầu.


Thông qua các phiên giao dịch việc làm ở địa phương, các doanh nghiệp tuyển dụng lao động xuất khẩu lao động. Ảnh: Ngày hội việc làm thanh niên năm 2019 vừa được Trung tâm Dịch vụ việc làm tổ chức. Ảnh: P.V

Đồng chí Ngô Ngọc Thu, Trưởng phòng Việc làm và An toàn lao động (Sở LĐ-TB&XH) cho biết: Thu nhập từ mức lương cơ bản sau khi trừ chi phí của lao động tại thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản khoảng trên 20 triệu đồng/người/ tháng. Hiện nay, có thêm thị trường các nước Đông Âu như Rumani, Tiệp Khắc… thu nhập khoảng 8 - 10 triệu đồng/người/tháng, so với thu nhập của lao động tại địa phương thì đây là nguồn thu khá cao. Vì vậy, nếu người lao động chịu khó sẽ tích cóp được một khoản vốn tương đối sau 3 năm làm việc. Ngoài ra, tại các thị trường như Hàn Quốc, Nhật Bản đã có nhiều ưu đãi cho những lao động chịu khó và có tay nghề. Để nâng cao hiệu quả công tác xuất khẩu lao động, Sở đặc biệt chú trọng việc thẩm định các doanh nghiệp tham gia tuyển dụng trên địa bàn. Các doanh nghiệp phải có đơn hàng rõ ràng, có uy tín mới được về địa phương tuyển dụng. Bên cạnh đó, Sở chỉ đạo Phòng LĐ-TB&XH các huyện, thành phố tăng cường phối hợp tuyên truyền đến người lao động phải đảm bảo thực hiện hợp đồng lao động, không được bỏ trốn. Năm 2018, Sở phối hợp với UBND thành phố Hòa Bình và một số huyện có đông lao động làm việc tại nước ngoài tổ chức hội nghị tuyên truyền cho gia đình người lao động vận động con, em thực hiện nghiêm hợp đồng với nhà tuyển dụng. Chính động thái quyết liệt này đã giúp lấy lại uy tín đối với lao động của tỉnh tại thị trường Hàn Quốc.

Giải pháp nào để người "muốn đi" gặp đúng người "muốn tuyển"

Đã có những khởi sắc so với những năm trước đây, tuy nhiên, thực tế tại nhiều địa phương, người lao động không mặn mà với xuất khẩu lao động. Năm 2018, toàn tỉnh có 386 người đi xuất khẩu lao động, chủ yếu là thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và Đông Âu. Quý I, toàn tỉnh có 26 lao động đi làm việc tại nước ngoài. Thực tế công tác xuất khẩu lao động mới chỉ khởi sắc ở một số địa phương như Kim Bôi, Cao Phong, Tân Lạc là những địa bàn truyền thống, còn nhiều huyện, xuất khẩu lao động còn gặp nhiều khó khăn. Có nhiều nguyên nhân, trong đó phần lớn là do người lao động chưa "mặn mà” và chưa xem việc xuất khẩu lao động là nhu cầu bức thiết để giảm nghèo. Công tác tuyên truyền về xuất khẩu lao động ở một số địa phương hạn chế. Bên cạnh đó, hạn chế về sức khỏe, trình độ, tác phong làm việc trong môi trường công nghiệp và tâm lý ngại xa nhà cũng là những yếu tố cản trở người lao động tỉnh ta đi xuất khẩu lao động. Đặc biệt, đến thời điểm này, các chính sách hỗ trợ của tỉnh đối với xuất khẩu lao động chưa có. Với mức vay tối đa 50 triệu đồng cho hộ nghèo theo kênh của Ngân hàng Chính sách xã hội, đa phần người lao động thuộc diện hộ nghèo đã vay chương trình khác nên không vay được. Mặt khác, nhiều lao động thuộc diện hộ nghèo không tiếp cận được vốn vay do không có tài sản thế chấp.

Theo đồng chí Ngô Ngọc Thu, xuất khẩu lao động vẫn được xem là một kênh giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững của tỉnh. Chương trình giải quyết việc làm tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2017 – 2020 đề ra mục tiêu đến năm 2020, xuất khẩu lao động từ 400 - 500 lao động/năm. Để đạt được chỉ tiêu này, tỉnh xác định tiếp tục ổn định thị trường lao động ngoài nước hiện có và mở rộng thị trường mới, xác định thị trường trọng điểm, thị trường tiếp nhận lao động có trình độ phù hợp với lao động địa phương. Chủ trì, phối hợp cùng các ngành, địa phương và hệ thống ngân hàng hỗ trợ vay vốn cho người lao động tham gia xuất khẩu lao động để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về kinh phí cho người lao động. Lựa chọn các doanh nghiệp xuất khẩu lao động có năng lực, uy tín tổ chức hội nghị tư vấn trực tiếp tại các xã, phường, thị trấn; đẩy mạnh công tác dạy nghề gắn với xuất khẩu lao động nhằm đào tạo lao động có tay nghề, trình độ, hiểu biết pháp luật và phong tục tập quán nước sở tại.


Cần rèn tác phong làm việc trong môi trường công nghiệp

Là doanh nghiệp đã nhiều năm tuyển dụng lao động đi làm việc tại 2 thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc, chúng tôi có nhiều đơn hàng phù hợp với lao động phổ thông, không đòi hỏi tay nghề cao, phù hợp với lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh. Qua nhiều lần tổ chức hội nghị giới thiệu việc làm và cũng đã đưa lao động tại địa phương đi làm việc tại 2 nước này, tôi thấy người lao động ở Hòa Bình thật thà, hiền lành và chịu khó. Đây là ưu điểm lớn nhất mà người Nhật họ rất thích ở lao động Việt Nam. Tuy nhiên, việc tuyển dụng cũng tương đối khó khăn vì nhiều lao động có sức khỏe, chịu khó, tiếp thu nhanh, nhưng lại không có tác phong, kỷ luật lao động. Điều này chính là cản trở lớn khiến người lao động không được tuyển dụng. Vì vậy, người lao động cần nhất là rèn tác phong làm việc trong môi trường công nghiệp.

Nguyễn Văn Quang

Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Quốc tế Hà Nội

 

Xóa tâm lý e ngại, sợ bị lừa của người lao động

Trên địa bàn huyện Kim Bôi không có nhiều doanh nghiệp, trong khi tỷ lệ lao động nông thôn ở đây khá dồi dào. Chính vì vậy, công tác giải quyết việc làm, trong đó có xuất khẩu lao động luôn được cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm. Làm thế nào để xóa được tâm lý e ngại, sợ bị lừa của lao động nông thôn đối với xuất khẩu lao động là vấn đề huyện luôn trăn trở. Tôi nghĩ mấu chốt của vấn đề là việc thẩm định các doanh nghiệp tuyển dụng phải là các doanh nghiệp có uy tín, có đơn hàng đảm bảo cho người lao động. Khi có việc làm ổn định, có thu nhập, người lao động tích cóp được vốn, gửi về cho gia đình, đó là cách tuyên truyền, vận động hiệu quả nhất để người dân tin tưởng vào xuất khẩu lao động.

Bùi Văn Xiện

Phòng LĐ-TB&XH huyện Kim Bôi

 

Có chính sách hỗ trợ đối với lao động đã được doanh nghiệp nước ngoài tuyển dụng

Trước đây, gia đình tôi thuộc diện khó khăn ở xã Dân Hòa (Kỳ Sơn). Năm 2015, tôi cùng chồng đi lao động chui tại Trung Quốc với hy vọng "đổi đời". Tuy nhiên, sau 1 năm làm việc nơi đất khách, vợ chồng tôi bị quỵt lương. Rất may còn tìm cách trở về quê được. Rút kinh nghiệm từ lần đó, sẵn biết nghề may, năm 2016, tôi thi được làm thực tập sinh tại Nhật Bản, làm việc tại xưởng may. Sau 3 năm, trừ tất cả chi phí, số tiền tiết kiệm được sau khi về nước tôi đã trả được hết nợ và có một khoản tích cóp. Theo tôi, xuất khẩu lao động là một hướng đi tốt trong giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, nhất là đối với các hộ nghèo, hộ khó khăn. Tuy nhiên, cái cần nhất đối với người lao động là khoản tiền phí để đi xuất khẩu lao động rất khó khăn, không phải gia đình nào cũng có điều kiện xoay sở được. Vì vậy, chính quyền địa phương nên có chính sách hỗ trợ cho những lao động đã thi đạt và được các doanh nghiệp nước ngoài tuyển dụng.

Nguyễn Thị Ngọc Đức

Xã Dân Hòa (Kỳ Sơn)

  

Phương Linh

Các tin khác


Chủ động phòng, chống thiên tai, giảm thiểu tổn thất về người và tài sản

(HBĐT) - Những năm qua, thiên tai, mưa lũ ngày càng diễn biến cực đoan, không theo quy luật với hầu hết các loại hình thiên tai xảy ra, gây tổn thất hết sức nặng nề cho sản xuất và đời sống người dân.

Đảm bảo trật tự an toàn giao thông mùa lễ hội

(HBĐT) - Trong tháng giêng, trên địa bàn tỉnh diễn ra hơn 60 lễ hội thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh tham gia. Kéo theo là lượng phương tiện tham gia giao thông cũng tăng đột biến, tiềm ẩn nguy cơ ùn tắc, mất an toàn giao thông. Dự báo trước được tình hình, lực lượng chức năng đã tăng cường các biện pháp nhằm đảm bảo giao thông an toàn và thông suốt.

Thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính sau Tết

(HBĐT) - Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, cán bộ, công chức, viên chức (CB, CC, VC), người lao động trở lại làm việc. Kỳ nghỉ kéo dài 9 ngày đủ để thăm hỏi, chúc tụng nhau hay thực hiện một chuyến du lịch. Song trong dân gian có câu "Tháng giêng là tháng ăn chơi”. Sau Tết lại diễn ra hàng loạt lễ hội lớn, nhỏ. Những năm trước, dù đã hết kỳ nghỉ nhưng đâu đó dư âm của Tết vẫn kéo dài. CB, CC, VC chưa thực sự chuyên tâm ngay vào công việc, vẫn du xuân trong ngày làm việc, ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng, hiệu quả công việc.

Tăng cường quản lý hoạt động tổ chức lễ hội

(HBĐT) -Là vùng đất giàu bản sắc văn hóa truyền thống, nhiều dân tộc anh em cùng chung sống, hàng năm, Hòa Bình có nhiều lễ hội được tổ chức. Các lễ hội bảo tồn được nét đẹp văn hóa truyền thống của nhân dân các dân tộc, đáp ứng nhu cầu văn hóa, tinh thần của nhân dân, góp phần phát triển du lịch. Tuy nhiên, trong một số lễ hội vẫn còn những hạn chế cần sự tăng cường quản lý của các cơ quan chức năng và nâng cao ý thức của người dân khi tham gia lễ hội.

Bảo vệ kết cấu hạ tầng, hành lang an toàn giao thông: Khó như “bắt cóc bỏ đĩa”

(HBĐT) - Nhà nước giao cho ngành GTVT quản lý, bảo vệ khối tài sản lớn là kết cấu hạ tầng và hành lang an toàn giao thông. Vì lớn, vì quan trọng nên trọng trách đặt lên vai lực lượng Thanh tra giao thông khá nặng nề. Ý thức rõ điều này, ngành GTVT Hòa Bình đã vào cuộc hết sức tích cực. Tuy nhiên, hiệu quả chưa được như mong muốn và những người thực thi nhiệm vụ cho rằng, việc bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, xử lý vi phạm trật tự hành lang an toàn giao thông khó như "bắt cóc bỏ đĩa”.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, hướng tới sự hài lòng của người dân và tổ chức

(HBĐT) - Năm 2018, công tác cải cách hành chính (CCHC) tiếp tục được UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt. Các sở, ban, ngành, huyện, thành phố cùng vào cuộc triển khai với nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động của bộ máy hành chính từ tỉnh tới cơ sở. Nền hành chính có chuyển biến tích cực theo hướng hành chính phục vụ, chuyên nghiệp, hiện đại, năng động, trách nhiệm, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của người dân, tổ chức và sự phát triển KT-XH của tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục