(HBĐT) - Tháng 10/2012, tỉnh ta triển khai thí điểm chương trình sử dụng methadone trong việc điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện. Qua hơn 6 năm triển khai đã cho thấy tính ưu việt từ phương pháp cai nghiện này. Mở rộng diện bao phủ và tăng cường tiếp cận điều trị methadone cho người nghiện các chất dạng thuốc phiện là mục tiêu tỉnh ta đang hướng tới.


Giờ uống thuốc của bệnh nhân điều trị methadone tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 tỉnh. 

Methadone là gì?

Thuốc methadone có tên gọi hoá học là 6 - (Dimethyl lamino) - 4,4 diphenylheptan-3-one với công thức phân tử C21H27NO. Ðây là một chất opioid tổng hợp. Methadone được sử dụng rộng rãi trên thế giới để điều trị đau mạn tính và điều trị thay thế duy trì cho người nghiện chất dạng thuốc phiện. Hiệu quả chính từ việc điều trị nghiện bằng methadone đã được đánh giá tại các nước trên thế giới là giúp người nghiện giảm và tiến tới dừng sử dụng ma túy bất hợp pháp. Từ đó góp phần kéo giảm tội phạm trong xã hội và giảm bạo lực trong gia đình. Cai nghiện ma túy bằng methadone chi phí điều trị thấp (ở tỉnh ta trước đây thuốc methadone được phát miễn phí, nay có thu tiền với giá 10.000 đồng/ngày sử dụng thuốc). Qua điều trị, người nghiện phục hồi sức khỏe, có khả năng lao động và tạo thu nhập, sống hòa nhập với gia đình, cộng đồng. 

Cai nghiện ma túy bằng thuốc methadone được triển khai thí điểm tại Việt Nam từ năm 2008, đến nay được triển khai tới 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Trên cơ sở báo cáo của Bộ Y tế về kết quả tích cực sau 10 năm thực hiện Chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone, cuối tháng 2 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan nâng cao hiệu quả Chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone. Trong đó chỉ rõ nhiệm vụ của các Bộ, ngành Trung ương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bảo đảm cơ sở vật chất, thuốc, trang thiết bị, nguồn lực phục vụ chương trình. Tăng cường và đa dạng hóa các hình thức truyền thông về các hoạt động và hiệu quả của Chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone.

Còn nhiều khó khăn trong điều trị  cai nghiện bằng methadone 

Xác định rõ tác dụng, hiệu quả của việc điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone, 6 năm qua, tỉnh ta đã nỗ lực không ngừng để mở rộng diện bao phủ. Theo đó, việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc và nhân lực phục vụ cho việc điều trị cai nghiện bằng methadone luôn được quan tâm.

 Từ 1 cơ sở điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone đặt tại Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh (năm 2012), đến nay, toàn tỉnh phát triển được 11 cơ sở điều trị (CSĐT) và 5 cơ sở cấp phát thuốc (CSCPT) methadone. Hàng nghìn lượt bệnh nhân đã được điều trị cai nghiện bằng phương pháp này. 

Theo phác đồ điều trị, mỗi ngày bệnh nhân (người nghiện ma túy) đến CSĐT hoặc CSCPT để uống thuốc 1 lần: đơn giản, chi phí thấp và hầu như không có tác dụng phụ, người nghiện tăng cân, phục hồi sức khỏe tốt… thế nhưng vẫn chưa thu hút được nhiều đối tượng nghiện ma túy tham gia. Theo thống kê của Ban chỉ đạo Chương trình Methadone tỉnh, tính đến cuối tháng 12/2018 có 707/1.953 người nghiện ma túy đang điều trị tại các CSĐT và CSCPT methadone trong tỉnh, con số này mới đạt 70,7% chỉ tiêu UBND tỉnh giao. Lý do đến thời điểm này mới vận động được 70,7% người nghiện tham gia điều trị methadone, theo Ban chỉ đạo chương trình Methadone tỉnh là do: Địa hình tỉnh ta phức tạp, điều kiện đi lại khó khăn trong khi các CSĐT chủ yếu được đặt ở trung tâm huyện, thành phố dẫn đến khó tiếp cận, điều trị. Nhiều bệnh nhân đã điều trị nhưng bỏ giữa chừng vì thiếu quyết tâm trong điều trị, đi làm ăn xa, bị mắc AIDS giai đoạn cuối hoặc do vi phạm pháp luật bị bắt…

Là đơn vị 3 năm thực hiện công tác điều trị cai nghiện bằng methadone, đồng chí Nguyễn Thị Hường, Phó Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 TP Hòa Bình chia sẻ: Một trong những khó khăn trong công tác điều trị methadone hiện tại là các chế tài đối với người điều trị methadone còn lỏng lẻo, dẫn đến việc tuân thủ điều trị thấp. Đặc biệt, một số bệnh nhân có biểu hiện chống đối, đe dọa bác sỹ, cán bộ điều trị. Mặt khác, sự kỳ thị, phân biệt biệt đối xử với người nghiện ma túy, người có HIV/AIDS trong cộng đồng xã hội vẫn còn khá nặng nề… dẫn đến khó khăn trong thực hiện chương trình methadone. 
  Cần sự chung tay  

Trên cơ sở tình hình nghiện ma túy vẫn diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng, ngày 4/3/2019, UBND tỉnh đã có Kế hoạch số 36 về "Duy trì và mở rộng Chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone/buprenorphin tỉnh Hòa Bình năm 2019". Mục tiêu cụ thể: Đến cuối năm 2019 có 1.100 người nghiện ma túy được điều trị cai nghiện bằng thuốc methadone/ buprenorphin. 

Nếu so sánh với kết quả thực hiện trong năm 2018 và những khó khăn đang gặp phải trong điều trị cai nghiện dạng ma túy bằng thuốc methadone thì chỉ tiêu này là quá cao. Tuy nhiên, đó là chỉ tiêu pháp lệnh nên dù khó vẫn phải thực hiện. Để thực hiện có hiệu quả cần có sự chung tay - đồng chí Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ Chương trình Methadone tỉnh nhấn mạnh và khẳng định rõ điều này tại hội nghị triển khai kế hoạch điều trị methadone năm 2019. Theo đồng chí Bùi Văn Cửu, cần sự chung tay để: Tăng cường vai trò giám sát, chỉ đạo của hệ thống chính trị, các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội và chính quyền các cấp trong công tác cai nghiện ma túy. Một mặt, đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc điều trị methadone cho người nghiện ma túy. Vận động, hướng dẫn người nghiện ma túy và các gia đình có người nghiện ma túy tự nguyện đăng ký tham gia chương trình điều trị. Các cấp, ngành hữu quan cùng quan tâm tạo điều kiện về cơ sở vật chất, tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng cho cán bộ làm công tác điều trị để mở rộng diện bao phủ, tăng cường tiếp cận điều trị methadone/buprenorphin đến cơ sở. Từ đó tạo đà đẩy lùi nạn ma túy trên địa bàn.
                 

Thúy Hằng

Quyết liệt rà soát, cưỡng chế cai nghiện ma túy

Phạm Văn Sử Phó Giám đốc Công an tỉnh

Hiện, tình hình nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Con số 1.953 người nghiện được nêu trên đã có hồ sơ quản lý và chưa sát với thực tế (bởi còn nhiều đối tượng nghiện được gia đình che giấu khiến lực lượng chức năng khó kiểm tra, kiểm soát). Bên cạnh đó, tình hình sử dụng ma túy tổng hợp ngày càng tăng, nhưng chưa có biện pháp điều trị hữu hiệu.

Thực tế, khi đã nghiện ma túy thì việc cai nghiện hết sức khó khăn, kể cả phương pháp hữu hiệu và phổ biến nhất hiện nay là điều trị bằng thuốc methadone. Để huy động tối đa người nghiện ma túy điều trị methadone hay cai nghiện bằng các phương pháp khác, trước hết phải đẩy mạnh việc tuyên truyền tới các gia đình người nghiện và bản thân người nghiện ma túy. Một mặt triển khai quyết liệt việc rà soát các đối tượng nghiện ma túy trên địa bàn và tăng cường việc cưỡng chế cai nghiện. Có như vậy mới khắc phục được tình trạng "bắt cóc bỏ đĩa” trong cai nghiện ma túy trên địa bàn.

Tăng cường tuyên truyền, phổ biến về chương trình điều trị cai nghiện ma túy bằng methadone

Nguyễn Linh Ngọc Phó Giám đốc Sở LĐ- TB & XH

Với con số thống kê 707/1.953 người nghiện ma túy tham gia điều trị cai nghiện bằng thuốc methadone cho thấy, việc thực hiện chương trình điều trị này còn gặp nhiều khó khăn. Một trong những nguyên nhân mà chúng tôi xác định qua các chuyến đi về với cơ sở là: Hiện, vẫn còn một bộ phận người dân và lãnh đạo cấp xã chưa biết methadone là gì, điều trị cai nghiện bằng methadone như thế nào? hiệu quả ra sao?… Ngay cả lãnh đạo xã, xóm không biết gì về methadone thì không thể tuyên truyền, vận động người nghiện ma túy tham gia điều trị. Để thực hiện được mục tiêu cuối năm 2019 huy động được 1.100 người nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh điều trị cai nghiện bằng methadone, cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ về chương trình điều trị. Một mặt, tăng cường các biện pháp triệt phá các tụ điểm bán lẻ ma túy, làm trong sạch địa bàn để tránh sự lôi kéo những bệnh nhân đã và đang điều trị methadone tái nghiện.

Mở thêm cơ sở cấp phát thuốc methadone ở các xã vùng sâu, xa

Hà Quang Thắng Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mai Châu

Mai Châu là địa phương có số người nghiện ma túy và nhiễm HIV cao (đứng thứ 2 trong toàn tỉnh). Hiện tại, trên địa bàn huyện có 1 cơ sở điều trị và 3 cơ sở cấp phát thuốc methadone. Tính đến tháng 3/2019, huyện có 333 bệnh nhân được điều trị. Tuy nhiên, trong quá trình điều trị, nhiều bệnh nhân đã bỏ giữa chừng. Hiện tại chỉ còn 116 người điều trị. Năm 2016 có 13 bệnh nhân xã Hang Kia tham gia điều trị, nhưng nay không còn bệnh nhân nào. Hiện, Trung tâm Y tế huyện Mai Châu chỉ đạo các cơ sở tìm hiểu nguyên nhân các bệnh nhân bỏ điều trị. Qua nắm bắt tình hình đã thấy nổi lên nguyên nhân chủ yếu là do đường sá đi lại khó khăn, người nghiện thiếu tính kiên trì. Để đảm bảo mở rộng diện bao phủ, tăng cường tiếp cận điều trị methadone cho người nghiện, Trung tâm Y tế huyện Mai Châu đề nghị Ban chỉ đạo Chương trình methadone tỉnh quan tâm tạo điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực để mở thêm 2 cơ sở cấp phát thuốc methadone đặt tại 2 xã Hang Kia và Đồng Bảng. Đồng thời có biện pháp hỗ trợ người nghiện ma túy có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục được điều trị methadone.

 



Các tin khác


Bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại

(HBĐT) - Xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em là vấn nạn không mới nhưng cũng chưa bao giờ là cũ khi vụ việc vẫn thường xảy ra. Các hành vi XHTD trẻ em đều gây tổn thương, hậu quả nặng nề, lâu dài về cả thể chất, tâm lý và sức khỏe của trẻ. Bởi vậy, bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị XHTD là vấn đề cần quan tâm, trách nhiệm của toàn xã hội.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu quả bộ máy chính quyền

(HBĐT) - Với sự tập trung chỉ đạo các nội dung cải cách hành chính (CCHC), tỉnh ta đã đạt được những kết quả quan trọng. Ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, hiệu quả bộ máy chính quyền được cải thiện, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương. Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, tỉnh đang tập trung chỉ đạo các giải pháp siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy dịch vụ công, trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC); phát huy trách nhiệm của người đứng đầu trong điều hành, quản lý thực thi công vụ, xây dựng chính quyền đồng hành phục vụ doanh nghiệp và người dân. 

“Phòng hỏa hơn cứu hỏa” trong cao điểm nắng nóng

(HBĐT) - Mùa nắng nóng đang bước vào giai đoạn cao điểm. Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an tỉnh khuyến cáo người dân nâng cao hơn nữa ý thức phòng ngừa.

Tìm giải pháp cải thiện chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công

(HBĐT) - Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) là công cụ theo dõi thực thi chính sách, phản ánh của người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công (DVC) của chính quyền các cấp; là kênh tham khảo của các địa phương trong quản lý nhà nước, thực hiện chính sách, nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Năm 2022, chỉ số PAPI của tỉnh xếp thứ 43/63 tỉnh, thành phố, giảm 24 bậc so với năm 2021, nằm trong nhóm trung bình thấp. Tỉnh đang tập trung các giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao chỉ số PAPI năm 2023 và những năm tiếp theo.

Để hạn chế tình trạng cưỡng chế thi hành án dân sự

(HBĐT) - Thực hiện công tác thi hành án dân sự (THADS), mỗi năm toàn tỉnh thụ lý giải quyết từ 4.600 - 4.800 vụ việc. Số án năm sau cao hơn năm trước cả về số lượng và giá trị, nguyên nhân do số lượng vụ việc tranh chấp tăng. Những năm qua, xác định công tác THADS là một trong những nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần ổn định xã hội, Cục THADS tỉnh đưa ra nhiều giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến cơ bản trong công tác này. Tuy nhiên, vẫn còn không ít bản án, quyết định có hiệu lực thi hành nhưng không được tự nguyện thi hành và phải cưỡng chế THADS.

Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội

(HBĐT) - Giám sát, phản biện xã hội (GS, PBXH) là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH). Quyền này được quy định trong Hiến pháp, Luật MTTQ Việt Nam và được cụ thể hoá bằng các quyết định, chỉ thị, quy định của Đảng. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành các chỉ thị, kết luận về công tác này. Việc thực hiện góp phần tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Tuy nhiên, GS,PBXH của MTTQ và các tổ chức CT-XH còn những hạn chế, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả nhằm đáp ứng kỳ vọng của Đảng và mong đợi của Nhân dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục