(HBĐT) - Ngày 10/5/2019, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Công văn số 560/TTg-CN yêu cầu các bộ, ngành, Ủy ban ATGT quốc gia, UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương thực hiện các biện pháp ngăn chặn tai nạn giao thông (TNGT) do uống rượu, bia. Điều đó cho thấy, việc người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ vi phạm quy định về nồng độ cồn đã và đang trở thành một vấn nạn nhức nhối cần được loại bỏ trong đời sống xã hội.


Tiết mục sân khấu hoá tuyên truyền pháp luật về vi phạm quy định điều khiển phương tiện giao thông
 sau khi sử dụng rượu, bia của Đoàn thanh niên xã Bao La trong buổi giao lưu truyền thông tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật do Huyện Đoàn Mai Châu tổ chức. 

Khi "rượu" cầm lái

Sau bữa cơm tại nhà bạn ở khu vực xã Yên Mông (TP Hòa Bình), Quàng Văn Long (SN 1988), trú tại phố Ngọc, xã Trung Minh (TP Hòa Bình) một mình đi xe máy về nhà trong trạng thái say rượu. Do uống quá nhiều nên khi điều khiển xe máy, Long đã không làm chủ được tốc độ và tự ngã trên đường Hòa Bình, đoạn trước cổng Công an phường Hữu Nghị. Cú ngã tuy không làm cho Quàng Văn Long mất mạng nhưng toàn bộ phần mặt và tay chân bị xây xước, chấn thương nghiêm trọng. Vụ tai nạn xảy ra từ đầu tháng 2, đến nay những vết sẹo vẫn còn hiện hữu trên khuôn mặt Long. Nhớ lại vụ tai nạn Quàng Văn Long vẫn còn rùng mình: Khi ấy đúng là cái cảm giác "rượu" lái xe chứ không phải em lái xe nữa. Bình thường, em không bao giờ đi nhanh, nhất là hôm đấy lại là xe đi mượn nên em lại càng không dám đi nhanh. Nhưng khi uống rượu vào không còn cái cảm giác dè dặt, thận trọng như mọi khi nữa mà chỉ biết lên xe nổ máy và phóng đi. Càng đi lại càng muốn đi nhanh hơn nữa. Lúc ngã xe em cũng chẳng còn biết gì nữa, hôm sau tỉnh lại thấy mình đang ở trong bệnh viện và được nghe kể lại cú ngã làm em và chiếc xe máy văng xa, trượt trên mặt đường hàng chục mét. May là mình không đâm vào ai và may mắn hơn là mình vẫn còn sống...

Trên thực tế, không phải ai cũng may mắn như Quàng Văn Long. Vụ việc xảy ra vào đầu tháng 3 vừa qua, sau khi sử dụng rượu bia, Ngần Văn Thương, trú tại xóm Nà Mèo, xã Nà Mèo (Mai Châu) điều khiển xe máy BKS 28F5 - 0515 đi theo hướng Hồi Xuân - Tòng Đậu (quốc lộ 15) đã đâm vào xe máy BKS 28G1 - 132.04 do Trịnh Viết Việt, trú tại xã Chiềng Châu (Mai Châu), hậu quả vụ tai nạn làm Việt bị thương nặng. Trước đó, vào cuối tháng 2, tại km 14+300 quốc lộ 15 thuộc địa phận xóm Nghẹ, xã Vạn Mai (Mai Châu), xe máy BKS 076.68 do Hà Văn Ngọc, trú tại xóm Chiềng Sại, thị trấn Mai Châu (Mai Châu) điều khiển đâm vào xe máy BKS 28M - 2582 do Hà Thị Íu, trú tại xóm Báo, xã Bao La (Mai Châu) điều khiển. Hậu quả vụ tai nạn làm Hà Văn Ngọc bị thương nặng, còn Hà Thị Íu bị chấn thương phần mềm. Nguyên nhân vụ tai nạn do Hà Văn Ngọc vi phạm quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Di chứng của vụ tai nạn này không chỉ là những vết thương hiện hữu trên da thịt mà hậu quả để lại là việc xử lý về hình sự, kinh tế khi phải đền bù, thuốc thang chữa trị cho người bị nạn vẫn còn đeo bám những người trực tiếp gây ra bằng một cái giá rất đắt sau một phút bốc đồng vì ngồi phía sau tay lái sau khi sử dụng rượu, bia.
   

Lực lượng Cảnh sát giao thông (Công an TP Hòa Bình) kiểm tra, xử lý người điều khiển phương tiện giao thông có sử dụng rượu, bia và chất kích thích trên các tuyến đường thành phố.

     
Đừng biến mình thành kẻ giết người sau tay lái
           
Theo trung tá Đinh Thị Thu Hằng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh, thời gian qua, tình trạng người tham gia giao thông vi phạm quy định về nồng độ cồn trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn ra khá phổ biến. Qua thống kê, hàng năm, số vụ TNGT do người điều khiển phương tiện vi phạm quy định về nồng độ cồn chiếm khoảng 50% số vụ. Trong đó, có nhiều vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng.

Theo những nghiên cứu, đánh giá khoa học, bất kỳ mức độ cồn nào trong máu cũng đều có thể ảnh hưởng đến khả năng lái xe. Để lái xe an toàn, người điều khiển xe cần sự tập trung, phán đoán, phản xạ nhanh chóng và chính xác. Trong khi đó, cồn có trong bia, rượu ảnh hưởng đến tất cả những kỹ năng này. Uống bia, rượu làm chậm thời gian phản xạ của người điều khiển phương tiện, tăng nguy cơ dẫn đến tai nạn. Chẳng hạn, khi đang tham gia giao thông, có xe chuyển hướng bất ngờ hoặc một vài tình huống cần phải phanh gấp, nhưng não của người có sử dụng rượu, bia phải mất một khoảng thời gian lâu hơn để đưa ra quyết định này. Khi uống nhiều bia rượu, các kỹ năng phối hợp vận động giữa mắt, tay và chân của người điều khiển xe bị ảnh hưởng. Sự tập trung sẽ bị giảm, không chạy đúng làn đường, không kiểm soát được tốc độ, dừng đèn giao thông hay tránh các phương tiện giao thông khác; giảm tầm nhìn vì mắt bị mờ đi do ảnh hưởng của chất cồn, thậm chí không thể điều khiển mắt nên không thể đưa ra những phán đoán chính xác về khoảng cách giữa xe của mình với các phương tiện khác cùng lưu thông trên đường; chỉ thấy được hướng nhìn thẳng mà không nhìn rõ vật thể xung quanh; giảm khả năng phán đoán nên không có khả năng xử lý tình huống khi các phương tiện tham gia giao thông khác đột nhiên chuyển hướng hoặc dừng đột ngột...

Uống rượu bia thì không lái xe vì gia đình và xã hội

Đó là thông điệp được nhiều người gửi đến cho nhau trong suốt thời gian qua khi chứng kiến quá nhiều vụ TNGT đau lòng do người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm quy định về nồng độ cồn. Thống kê cho thấy, những nạn nhân nhập viện do TNGT phần lớn là nạn nhân của đối tượng sử dụng rượu, bia hoặc trước đó có sử dụng rượu, bia. Trung tá Đinh Thị Thu Hằng cho biết: Mặc dù quy định xử phạt vi phạm nồng độ cồn đã được đưa vào Luật Giao thông đường bộ và Nghị định hướng dẫn thi hành với mức xử phạt rất nặng. Theo Nghị định số 46/NĐ-CP, người điều khiển phương tiện sử dụng, rượu bia khi tham gia giao thông sẽ bị phạt tiền đến 17 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 5 tháng. Tuy nhiên, tình trạng sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông vẫn diễn biến phức tạp do thói quen uống rượu, bia của người dân còn phổ biến. Đặc biệt, vào mỗi dịp lễ, Tết, những kỳ nghỉ dài ngày.

Để ngăn chặn vấn nạn này, thời gian qua, lực lượng CSGT trong toàn tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, mạnh mẽ các biện pháp kiểm tra, xử lý người điều khiển phương tiện cơ giới tham gia giao thông đường bộ vi phạm quy định về nồng độ cồn. Theo ghi nhận, từ đầu năm đến nay, lực lượng CSGT - Công an TP Hoà Bình thường xuyên thực hiện kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vào tất cả các thời điểm và trên tất cả các tuyến giao thông thành phố. Qua đó, đã phát hiện, xử lý 23 trường hợp vi phạm quy định về nồng độ cồn, xử phạt 51,7 triệu đồng. Từ tháng 1 đến hết tháng 4, lực lượng CSGT - Công an huyện Lạc Sơn đã phát hiện, xử lý 20 trường hợp người điều khiển xe máy vi phạm quy định về nồng độ cồn mức độ 1; phát hiện, xử lý 21 trường hợp điều khiển xe máy vi phạm quy định về nồng độ cồn ở mức cao; lập biên bản, ra quyết định xử phạt hành chính gần 100 triệu đồng. Trong đó, có những trường hợp bị xử phạt mức cao nhất như Bùi Văn Cường (SN 1972) trú tại xóm Ấm, xã Văn Nghĩa vi phạm quy định về nồng độ cồn khi điều khiển xe máy bị xử phạt mức cao nhất là 3,5 triệu đồng.
Theo trung tá Đinh Thị Thu Hằng, việc tuyên truyền về tác hại của rượu, bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông được lực lượng CSGT trong toàn tỉnh thường xuyên tổ chức thực hiện. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức chấp hành của người dân. Tuy vậy, vẫn còn nhiều người cố tình không chấp hành. Lực lượng CSGT đã tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các lỗi vi phạm quy định về nồng độ cồn. Coi đây là biện pháp căn cơ để giảm thiểu tình trạng này. 

Mới đây, thực hiện Kế hoạch số 104/KH-CAT-PC08 của Công an tỉnh, lực lượng CSGT Công an tỉnh đồng loạt ra quân thực hiện công tác tuyên truyền, kiểm tra, xử lý người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ vi phạm quy định về nồng độ cồn trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tính riêng trong 1 tháng (từ ngày 5/4 - 5/5/2019) đã có hàng trăm lượt người được kiểm tra. Qua đó, phát hiện nhiều trường hợp vi phạm quy định về nồng độ cồn. Riêng Phòng CSGT (Công an tỉnh) đã kiểm tra, phát hiện 10 trường hợp vi phạm quy định về nồng độ cồn trong khí thở trên các tuyến quốc lộ qua tỉnh. Trong đó, 3 trường hợp là lái xe ô tô con, 1 trường hợp là lái xe ô tô tải, 6 trường hợp là người điều khiển xe máy. Các trường hợp này đã được xử lý nghiêm theo quy định. Đáng nói, từ việc tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nên từ ngày 5/4 - 10/5/2019, trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ TNGT nào liên quan đến nồng độ cồn.


Nhóm P.V                                                                              

Cần có chế tài để xử lý tận gốc hành vi lạm dụng rượu, bia

Quách Thanh Hải Phó Ban Pháp chế (HĐND tỉnh)

Thời gian qua, dư luận vô cùng phẫn nộ về việc nhiều lái xe say rượu, bia gây tai nạn nghiêm trọng. Nói như nhiều người thì hành vi này cũng không khác gì tội giết người hàng loạt. Chính vì vậy, tôi đồng tình với quan điểm phải xử lý nghiêm, xử lý hình sự đối với những đối tượng do lạm dụng rượu, bia lái xe gây tai nạn chết người. Thực tế, từ nhiều năm nay, pháp luật nước ta đã có nhiều chế tài xử phạt đối với lái xe có nồng độ cồn, cụ thể như Nghị định số 46 của Chính phủ quy định xử phạt về nồng độ cồn. Tuy nhiên, thực tế, thời gian gần đây, tình trạng này vẫn có biểu hiện gia tăng và xảy ra nhiều vụ việc đau lòng.

Vì vậy, theo tôi nghĩ, nếu chỉ dựa vào xử phạt của lực lượng công an thì đây mới chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề. Gốc rễ của vấn đề là làm sao xây dựng được một chế tài quản lý ở nhiều khía cạnh như vấn đề tuổi nào được uống rượu, quản lý người mua, người bán rượu. Đồng thời, nên tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng rượu, bia và xây dựng một cơ chế xử phạt đủ sức răn đe đối với các đối tượng cố ý vi phạm. Bên cạnh đó, cần nâng cao, giáo dục ý thức của người dân trong chấp hành pháp luật về an toàn giao thông, từ đó thay đổi hành vi của người tham gia giao thông.

Không điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi đã uống rượu, bia

Chu Văn Sơn, Trung tâm Đào tạo và sát hạch lái xe Lương Sơn (Lương Sơn)

Bản thân tôi là người dạy lái xe. Do vậy, chúng tôi luôn ý thức được sự nguy hiểm khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi uống rượu, bia. Tôi cho rằng, hành vi này đáng lên án và cần được loại bỏ trong xã hội hiện nay. Bởi nó không chỉ gây nguy hiểm cho chính bản thân người điều khiển mà nó còn gây nguy hiểm đến tính mạng của những người ngồi trên xe. Đó là những người thân thiết trong gia đình như bố, mẹ, vợ con, anh chị em, bạn bè... Không chỉ vậy, đây là hành vi gây nguy hiểm cho xã hội khi tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây tai nạn cho người khác khi tham gia giao thông.

Ý thức được điều này, mỗi khi lên xe, chúng tôi đều lưu ý các học viên phải chấp hành nghiêm các quy định về nồng độ cồn. Bản thân tôi cũng đề ra một nguyên tắc yêu cầu mọi học viên phải nghiêm chỉnh chấp hành là đã uống rượu, bia thì không lái xe. Thực hiện điều này chưa khi nào tôi dám mạo hiểm để cho học viên cầm tái sau khi họ đã uống rượu, bia. Để giảm thiểu tình trạng này, tôi đồng tình với việc nâng cao mức xử phạt và xử phạt thật nghiêm. Chỉ có như vậy thì mỗi người mới ý thức để tự điều chỉnh hành vi. Tiến tới xoá bỏ vấn nạn nhức nhối này trong đời sống xã hội. 

Lái xe có nồng độ cồn là một tội ác

Nguyễn Thị Vân, Phường Phương Lâm (TP Hòa Bình)

Là một người đã từng chứng kiến người thân của mình không làm chủ được tốc độ sau khi uống bia, rượu và vĩnh viễn không trở về nhà nữa, tôi hiểu bia, rượu thật đáng sợ đối với người điều khiển phương tiện ô tô, xe máy. Ám ảnh với sự ra đi đột ngột của người thân, nhưng tôi còn ăn năn và xấu hổ hơn rất nhiều khi nhìn thấy nạn nhân không may chết oan vì sự quá chén của người khác. Thực tế, tai nạn giao thông đã cướp đi rất nhiều sinh mạng vô tội, đó là những người mẹ, người cha trụ cột trong gia đình, có cả những em bé tuổi đời còn rất nhỏ. Vì vậy, lái xe khi có nồng độ cồn thực sự là một tội ác.

Tôi nghĩ, để chấm dứt tình trạng này, xã hội cần mạnh mẽ lên tiếng, mạnh mẽ phê phán những người cố tình điều khiển phương tiện giao thông khi có nồng độ cồn. Phải tạo dư luận xã hội để bất cứ người nào cũng cảm thấy chùn tay, ghê sợ khi tham gia giao thông trong tình trạng say xỉn. Để làm được điều đó, ngoài chế tài xử phạt thật nặng đối với lái xe có nồng độ cồn, bản thân mỗi người cũng cần nâng cao ý thức trách nhiệm xã hội của mình, phải hiểu rằng giao xe cho người say hoặc đồng tình để người có rượu điều khiển phương tiện giao thông cũng là tiếp tay cho tội ác.

 

 


Các tin khác


Xuất khẩu lao động - gỡ "nút thắt" không khó, nhưng cần giải pháp đồng bộ

(HBĐT) - Năm 2016, toàn tỉnh có gần 300 người đi xuất khẩu lao động. Năm 2017 có 420 người và năm 2018 có 386 người đi xuất khẩu lao động. Trong khi với nhiều địa bàn, xuất khẩu lao động dần trở thành một xu hướng khởi nghiệp mới của nhiều thanh niên lao động nông thôn, tại nhiều nơi, người lao động không mặn mà với việc xuất khẩu lao động. Để xuất khẩu lao động trở thành một kênh giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, đòi hỏi nhiều hơn nữa những giải pháp đồng bộ từ các cấp, ngành.

Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm bếp ăn trường học

(HBĐT) - Vụ việc hơn 200 trẻ trường mầm non Mão Điền, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh nhiễm sán lợn hồi giữa tháng 3 vừa qua đã khiến cho phụ huynh cả nước, nhất là phụ huynh bậc học mầm non rất lo lắng, băn khoăn. Câu chuyện "bữa ăn trường học” cũng trở nên "nóng” hơn bao giờ hết. Tại tỉnh ta, theo số liệu thống kê, có khoảng trên 50 trường tiểu học tổ chức bếp ăn bán trú, 99,4% trẻ ở các trường mầm non ăn tại trường. Tuy chưa xảy ra vụ việc đáng tiếc nào, nhưng câu chuyện trẻ nhiễm sán lợn nghi do ăn thực phẩm bẩn tại Bắc Ninh là bài học cảnh tỉnh không bao giờ cũ đối với ngành Giáo dục cũng như toàn xã hội về vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) bếp ăn trường học.

Từ vụ 8 học sinh đuối nước - Đừng để nối tiếp những đau thương

(HBĐT) - Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh năm nào cũng có trẻ bị đuối nước tử vong. Năm 2017 có 39 trẻ, năm 2018 có 27 trẻ bị đuối nước. Tuy nhiên, chưa bao giờ có sự việc thương tâm như vụ 8 học sinh bị chết đuối khi tắm sông Đà xảy ra vào chiều 21/3. Đây thực sự là hồi chuông cảnh báo nghiêm khắc cho gia đình, nhà trường, chính quyền cần quan tâm, để ý nhiều hơn đến các em và có những giải pháp hiệu quả hơn để không còn nối tiếp những đau thương.

Trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội

(HBĐT) - Hai chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) và bảo hiểm y tế (BHYT) đã và đang phát huy vai trò là chính sách lớn trong hệ thống an sinh xã hội của đất nước. Hai chính sách này luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm phát triển, coi đó vừa là mục tiêu, vừa là động lực đối với sự phát triển bền vững đất nước, cũng như thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ XHCN. Trong những năm gần đây, hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH không ngừng được bổ sung, hoàn thiện, ngày càng phù hợp hơn với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; góp phần quan trọng vào nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy tiến bộ và công bằng xã hội…

Lời giải cho bài toán phát triển bền vững vùng cây ăn quả có múi

(HBĐT) - Đến cuối năm 2018, vùng cây ăn quả có múi (CAQCM) của tỉnh được mở rộng với tổng diện tích khoảng 9.839 ha. Trong đó, trên 47% là diện tích mới trồng và thời kỳ kiến thiết cơ bản cho thấy sự phát triển mạnh về diện tích cũng như quyết tâm đầu tư của các địa phương. Tuy nhiên, lời giải cho bài toán phát triển bền vững loại cây trồng chủ lực này không nằm ở những con số về diện tích. Thậm chí ngược lại, tốc độ gia tăng diện tích trong vài năm gần đây đang trở thành một thách thức lớn đối với nỗ lực phát triển CAQCM của toàn tỉnh.

Chủ động phòng, chống thiên tai, giảm thiểu tổn thất về người và tài sản

(HBĐT) - Những năm qua, thiên tai, mưa lũ ngày càng diễn biến cực đoan, không theo quy luật với hầu hết các loại hình thiên tai xảy ra, gây tổn thất hết sức nặng nề cho sản xuất và đời sống người dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục