Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thực hiện việc giám sát bệnh dại tại xã Trung Sơn (Lương Sơn).
Bệnh dại và cách phòng, chống
Bệnh dại là bệnh lây truyền giữa động vật và người. Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính ở động vật máu nóng gây ra do vi rút Lyssa và Vesiculo thuộc họ Rhabdoviridae. Động vật sau khi nhiễm vi rút dại có thời gian ủ bệnh khác nhau tuỳ thuộc loài, độc lực của vi rút và vị trí vết cắn. Vi rút xâm nhập vào cơ thể được nhân lên và hướng tới hệ thần kinh, phá huỷ mô thần kinh, gây nên những kích động điên dại và kết thúc bằng cái chết. Thời gian ủ bệnh ở động vật có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tháng, có thể lâu hơn, nhưng trước 10 ngày phát bệnh, vi rút có thể lây nhiễm cho người và động vật khác. Vi rút dại có nhiều trong nước bọt của chó, mèo và động vật mắc bệnh, kể cả khi con vật chưa có dấu hiệu lâm sàng. Nguồn mang mầm bệnh chủ yếu là chó (trên 90%), mèo nuôi và động vật hoang dã như chó sói, chó rừng. Ngoài ra còn ở mèo, chồn, cầy, cáo và một số loài động vật có vú khác như gấu trúc, các loài dơi hút máu, dơi ăn sâu bọ. Vi rút xâm nhập qua các vết cắn, vết liếm, vết cào, da, niêm mạc bị tổn thương, vết thương hở.
Khi phát hiện chó, mèo có biểu hiện khác thường như: trở nên hung dữ, cào cắn người hay động vật khác thì chủ nuôi phải khai báo ngay với chính quyền địa phương hoặc cơ quan thú y gần nhất. Đồng thời, nhốt riêng chó, mèo nghi mắc bệnh, không cho tiếp xúc với động vật cảm nhiễm xung quanh để theo dõi. Khi nhận được tin báo, cơ quan thú y có trách nhiệm cử cán bộ đến kiểm tra, xác minh, hướng dẫn chủ nuôi các biện pháp vệ sinh, tiêu độc khử trùng. Đồng thời, thông báo cho cơ quan y tế để tăng cường biện pháp phòng bệnh dại cho người. Tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm, nếu kết quả dương tính với bệnh dại phải áp dụng đồng bộ các biện pháp chống bệnh dại theo quy định.
Quy định về quản lý chó, mèo nuôi
Theo Quyết định số 193/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính Phủ về phê duyệt "Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2017 - 2021”, Nghị định số 90/2017/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT, đối với chủ nuôi chó, mèo: Phải đăng ký việc nuôi chó với UBND cấp xã tại các đô thị, nơi đông dân cư; xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình; khi đưa chó ra nơi công cộng phải bảo đảm an toàn cho người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm cho chó hoặc xích giữ chó và có người dắt; chấp hành tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho chó, mèo theo quy định; chịu mọi chi phí trong trường hợp có chó thả rông bị bắt giữ, kể cả chi phí cho việc nuôi dưỡng và tiêu hủy chó; trường hợp chó, mèo cắn, cào người thì chủ vật nuôi phải bồi thường vật chất cho người bị hại theo quy định của pháp luật.
Đối với UBND cấp xã: Lập danh sách các hộ nuôi chó, mèo trên địa bàn (bao gồm các thông tin sau đây: Họ tên và địa chỉ của chủ nuôi; số lượng chó, mèo nuôi; ngày tháng, năm tiêm phòng vắc xin dại); hàng năm, trước đợt tiêm phòng phải rà soát, thống kê, cập nhập thông tin về đàn chó nuôi trên địa bàn. Thành lập đội chuyên trách để thực hiện việc bắt chó thả rông ở nơi công cộng, động vật mắc bệnh dại hoặc có dấu hiệu nghi mắc bệnh dại thuộc địa bàn quản lý: thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về địa điểm tạm giữ chó bị bắt để chủ nuôi đến nhận; áp dụng các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ vật nuôi; quyết định biện pháp xử lý chó bị bắt giữ trong trường hợp sau 48 giờ kể từ khi có thông báo mà không có người nhận. Phối hợp với cơ quan thú y tổ chức tiêm phòng vắc xin dại cho chó, mèo trên địa bàn; tổ chức đợt tiêm phòng tập trung theo từng thôn hoặc cụm dân cư. Trong vòng 7 ngày trước đợt tiêm phòng và trong thời gian triển khai tiêm phòng, UBND cấp xã thông báo hàng ngày trên các phương tiện thông tin hoặc cộng đồng dân cư trên địa bàn về địa điểm và ngày tiêm phòng.
Nỗ lực của các cấp, ngành trong phòng, chống bệnh dại
Năm 2013, trên địa bàn tỉnh có 8 ca tử vong do bệnh dại. Năm 2014, 2015 có 3 ca; năm 2016 có 2 ca. Các ca tử vong đều do bị chó cắn, không được điều trị dự phòng bằng vắc xin và huyết thanh kháng dại. Năm 2017, không ghi nhận ca tử vong nào do bệnh dại. Trong năm 2018, Hòa Bình là 1 trong 3 tỉnh có tỷ lệ tử vong do mắc bệnh dại cao nhất cả nước. Cả tỉnh có 2.809 trường hợp bị chó, mèo cắn phải điều trị phơi nhiễm với bệnh dại, trong đó có 4 trường hợp tử vong đều không được điều trị dự phòng bệnh dại sau khi bị chó cắn, 3 trường hợp tử vong dưới 15 tuổi. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh có 70 trường hợp bị chó, mèo cắn phải điều trị phơi nhiễm với bệnh dại. Trong 2 ngày 2 - 3/4/2019, tại xóm Lộc Môn, xã Trung Sơn (Lương Sơn), 2 bố con anh Bùi Văn T. đã tử vong do nghi mắc bệnh dại. Tính đến thời điểm này, Hòa Bình là một trong những tỉnh dẫn đầu số người tử vong do bệnh dại.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng phòng Thú y, Chi cục Thú y tỉnh cho biết: Hàng năm, UBND tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai các biện pháp khống chế bệnh dại, Sở NN&PTNT gửi công văn cho các địa phương về công tác quản lý chó nuôi và tiêm vắc xin phòng dại trên địa bàn. Tuy nhiên, trong thời gian qua, tỷ lệ tiêm phòng cho chó ở một số địa phương đạt thấp do chính quyền địa phương chưa quan tâm, người dân thiếu ý thức, nhận thức chưa đầy đủ về công tác phòng dại. Năm 2017, tỷ lệ tiêm phòng cho chó toàn tỉnh đạt 78,2%. Nhiều địa phương đạt tỷ lệ tiêm thấp như Mai Châu 24,3%, Đà Bắc 32,8%, Lương Sơn 54,8%, Yên Thủy 72%... Năm 2018, cả tỉnh có trên 142 nghìn con chó, mèo nhưng chỉ có trên 88 nghìn con được tiêm phòng (đạt trên 60%). Từ đầu năm đến nay, ngành Thú y đã triển khai tiêm cho trên 50 nghìn con chó, đạt gần 40% tổng đàn cả tỉnh.
Để phòng, chống bệnh dại hiệu quả, vừa qua, Sở NN&PTNT có Công văn số 552/SNN-CN&TY về việc tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh dại trên địa bàn. Sở NN&PTNT đề nghị UBND các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng dân cư, các tổ chức, cá nhân để nhận biết được các dấu hiệu động vật mắc bệnh dại. Biện pháp phòng, chống bệnh dại hiệu quả và các quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh dại. Nâng cao trách nhiệm của người nuôi chó với cộng đồng và tính chất nguy hiểm của bệnh dại: "Khi đã phát hiện bệnh dại thì không thể chữa được sẽ dẫn đến những cái chết thương tâm”.
Thực hiện việc tiêm vắc xin phòng dại cho chó, mèo hàng năm triệt để là cách tốt nhất phòng tránh bệnh dại, việc "tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo chính là phòng bệnh dại cho con người”. Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn ở các địa phương chưa có dịch dại tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo là một trong những bệnh bắt buộc phải tiêm phòng đã được quy định tại Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT; khi triển khai công tác tiêm phòng bệnh dại cần tiêm triệt để 100% chó mèo trong diện tiêm. Chính quyền địa phương cần thực hiện rà soát số chó, mèo hiện có, thống kê chính xác số hộ nuôi chó, mèo, lập sổ quản lý chó nuôi, triển khai tiêm vắc xin phòng dại cho đàn chó, mèo của địa phương và báo cáo theo quy định. Các cơ sở có tỷ lệ tiêm phòng đạt thấp, tiến hành tổ chức triển khai tiêm phòng bổ sung nhằm hạn chế vắc xin phòng bệnh dại theo quy định.
Đối với xã Trung Sơn (Lương Sơn) yêu cầu thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Tổ chức tiêm phòng triệt để cho 100% chó, mèo hiện có của địa phương. Xử lý nghiêm các trường hợp cố tình chống đối và tổ chức diệt tất cả chó, mèo không thực hiện tiêm vắc xin phòng dại theo quy định. Sở NN&PTNT giao Chi cục Chăn nuôi và Thú y chỉ đạo Trạm Chăn nuôi và thú y các huyện, thành phố huy động mọi nguồn lực, chuẩn bị vật tư, vắc xin và cán bộ trạm hỗ trợ nhân viên thú y xã, thị trấn, khuyến nông phường xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện tiêm vắc xin phòng bệnh dại chi tiết đến từng xã, xóm, thôn, bản đối với các địa phương có dịch và các cơ sở tiêm đạt tỷ lệ thấp. Yêu cầu khi có bệnh dại xuất hiện trên người và động vật, lực lượng thú y địa phương cần phối hợp với cơ quan y tế cùng cấp tổ chức điều tra dịch tễ và vận động người dân bị chó, mèo cắn đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn điều trị dự phòng kịp thời trong công tác phòng, chống bệnh dại.
Bài, ảnh: Việt Lâm
Nghị định số 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy và chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình quy định: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 - 300.000 đồng đối với một trong những hành vi thả rông động vật nuôi trong thành phố, thị xã hoặc nơi công cộng. Phạt tiền từ 500.000 - 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi để động vật nuôi gây thiệt hại tài sản cho người khác.
Nghị định số 90/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y. Theo đó, phạt tiền từ 1.000.000 - 2.000.000 đồng đối với hành vi che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời cho UBND cấp xã hoặc cơ quan quản lý chuyên ngành thú y nơi gần nhất hoặc nhân viên thú y cấp xã khi phát hiện và biết động vật mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh, chết do bệnh truyền nhiễm. Phạt tiền từ 3.000.000 - 4.000.000 đồng đối với hành vi không báo cho cơ quan quản lý chuyên ngành thú y kết quả xét nghiệm xác định động vật mang mầm bệnh thuộc Danh mục bệnh động vật phải công bố dịch và Danh mục bệnh truyền lây giữa động vật và người. Phạt tiền từ 1.000.000 - 2.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y. Phạt tiền từ 600.000 - 800.000 đồng đối với các hành vi không tiêm phòng vắc xin phòng bệnh dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng, không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng.