(HBĐT) - Nhằm tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, bình đẳng, thân thiện, nâng cao năng lực cạnh tranh (NLCT) cấp tỉnh để các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn sản xuất, kinh doanh (SX-KD) có hiệu quả; thu hút nhiều hơn nữa DN có năng lực đầu tư đến tỉnh Hòa Bình. Những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã quyết liệt, rốt ráo lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, ngành vào cuộc thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để tạo sự chuyển biến tích cực đối với chỉ số NLCT cấp tỉnh (PCI).


Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng công vụ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh

Đồng hành giải quyết vướng mắc của nhà đầu tư

Liên tiếp trong 2 năm (2016, 2017), kết quả xếp hạng chỉ số PCI của tỉnh không thay đổi (đứng thứ 52/63 tỉnh, thành phố). Điều này là nỗi trăn trở lớn, từ đó, cấp ủy, chính quyền tỉnh đặt ra quyết tâm chính trị là phải cải thiện chỉ số PCI, tạo được niềm tin với nhà đầu tư.

Theo đó, việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh (MTĐTKD), nâng cao NLCT cấp tỉnh trở thành một trong những nhiệm vụ trọng yếu, được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của các đồng chí lãnh đạo tỉnh. Không chỉ trực tiếp chỉ đạo trong nhiều cuộc họp của Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng như tại các buổi làm việc, kiểm tra ở các sở, ngành chức năng và DN, thời gian qua, hệ thống chính trị của tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành về vấn đề này và hỗ trợ tối đa DN, nhà đầu tư triển khai các thủ tục hành chính (TTHC) và hoạt động đầu tư tại tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết: Điểm nhấn trong năm 2018 là Tỉnh ủy đã ban hành quyết định giao nhiệm vụ cho các đồng chí lãnh đạo tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm; giải quyết vướng mắc trong quá trình triển khai dự án, sớm đi vào SX-KD. UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố, nghiêm cấm việc tự ý đặt ra và yêu cầu người dân, DN phải nộp các khoản chi phí ngoài quy định hoặc tự quy định thủ tục, điều kiện ràng buộc trong giải quyết các hồ sơ có liên quan đến người dân, DN, nhà đầu tư không đúng các quy định của pháp luật hiện hành.

Những khó khăn, vướng mắc của các nhà đầu tư, DN luôn được chú trọng giải quyết thông qua các hội nghị đối thoại và các cuộc làm việc trực tiếp với từng DN. Bên cạnh đó, công tác quảng bá hình ảnh tỉnh Hòa Bình, xúc tiến đầu tư được đẩy mạnh thực hiện ở trong và ngoài nước. Đặc biệt, ngày 11/12/2018, tỉnh tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ. Tại hội nghị, tỉnh đã trao Quyết định chủ trương 9 dự án, ký bản ghi nhớ đầu tư với 15 nhà đầu tư, vốn đăng ký trên 94.000 tỷ đồng.

Với nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền cùng niềm tin và sự đồng thuận của cộng đồng DN, trong năm qua, nhận định, đánh giá của DN về chỉ số PCI của tỉnh ta đã có sự cải thiện, tăng cả về tổng điểm và thứ hạng so với 2 năm trước.

Theo kết quả công bố của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, năm 2018, chỉ số PCI tỉnh Hòa Bình đạt 61,73 điểm (tăng 4,93 điểm so với năm 2016 và tăng 2,31 điểm so với năm 2017). Chất lượng điều hành của chính quyền tỉnh được nâng cao so với năm 2017 thông qua tăng điểm của 7 chỉ số thành phần, bao gồm: Môi trường cạnh tranh giữa các DN dân doanh, DN có vốn đầu tư nước ngoài và DN Nhà nước bình đẳng hơn (tăng 1,3 điểm); chi phí không chính thức thấp (tăng 1,21 điểm); thời gian thanh tra, kiểm tra và thực hiện các quy định, TTHC nhanh chóng (tăng 1,02 điểm); chính quyền tỉnh năng động, sáng tạo trong giải quyết vấn đề cho DN tiếp tục tăng điểm trong 3 năm gần đây; thủ tục giải quyết tranh chấp nhanh chóng, công bằng, hiệu quả của các cơ quan tòa án các cấp và bảo đảm tốt công tác ANTT cho hoạt động của DN (tăng 0,6 điểm); dịch vụ hỗ trợ DN và tiếp cận đất đai từng bước được cải thiện với điểm số tăng lần lượt là 0,46 và 0,19 điểm.

Trong kết quả đánh giá các chỉ số thành phần, đáng chú ý là điểm số chi phí thời gian đạt cao nhất trong 3 năm gần đây (6,12 điểm), tăng 1,02 điểm so với năm 2017, vị trí được cải thiện 9 bậc, từ vị trí thứ 61 lên vị trí thứ 52.

Về điểm số chi phí không chính thức đạt 5,35 điểm, cao hơn 1,21 điểm so với năm 2017 (vị trí cải thiện từ thứ hạng 60 năm 2017 lên vị trí thứ 50). Kết quả điều tra ghi nhận tích cực của cộng đồng DN dân doanh về nỗ lực của chính quyền trong phòng, chống tham nhũng và cắt giảm chi phí không chính thức.

Đặc biệt, điểm số tính năng động của chính quyền tỉnh năm 2018 đạt 5,4 điểm, so với năm 2017 tăng 0,18 điểm. Tỷ lệ DN dân doanh nhận định chính quyền cấp tỉnh linh hoạt, sáng tạo trong việc đưa ra những sáng kiến riêng nhằm phát triển khu vực kinh tế tư nhân là 71%; UBND tỉnh năng động và sáng tạo trong việc giải quyết các vấn đề mới phát sinh, nhận định này được 54% DN đánh giá. 65% DN cho biết khó khăn, vướng mắc được tháo gỡ kịp thời qua các cuộc đối thoại, tiếp xúc với DN; 81% DN hài lòng với phản hồi và cách giải quyết của cơ quan chính quyền đối với những vướng mắc, khó khăn mà họ đã phản ánh.

Vẫn còn những "nút thắt” cần tháo gỡ

Có thể khẳng định, việc cải thiện MTĐTKD, nâng cao NLCT của tỉnh ta đã có những tín hiệu vui. Tuy nhiên, nhiệm vụ này vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. Bên cạnh những chỉ số thành phần có điểm số tăng thì vẫn còn 3 chỉ số điểm số sụt giảm so với năm 2017, đó là: Chi phí gia nhập thị trường giảm 0,4 điểm; điểm số tính minh bạch giảm 0,28 điểm, thứ hạng giảm 10 bậc; điểm số đào tạo lao động giảm 0,35 điểm, thứ hạng giảm tới 17 bậc. So với 14 tỉnh thuộc khu vực miền núi phía Bắc, tỉnh ta đứng ở vị trí thứ 8; so với 6 tỉnh vùng Tây Bắc thì xếp ở vị trí thứ 4.

Theo báo cáo đánh giá của Sở KH&ĐT, tỉnh ta hiện đang làm tốt công tác đăng ký thành lập DN, cấp mã số thuế, đăng ký mẫu dấu. Tuy nhiên, điểm số gia nhập thị trường chưa được đánh giá cao và đang có xu hướng giảm điểm.

Ngoài ra, DN tiếp cận đất đai vẫn gặp nhiều khó khăn, thời gian giải phóng được mặt bằng, hoàn thành thủ tục đất đai còn quá dài; thủ tục bổ sung dự án vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất mất nhiều thời gian. Nguyên nhân một phần do cơ chế tự thỏa thuận, bồi thường đối với các dự án SX-KD. Nhiều dự án chỉ còn một phần đất rất nhỏ chưa giải phóng được và thiếu sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương dẫn đến phải điều chỉnh giảm diện tích, ảnh hưởng đến cơ hội đầu tư.

Mặc dù điểm số chi phí không chính thức tăng và có sự cải thiện về thứ hạng, song vẫn còn 54% DN được hỏi tại tỉnh Hòa Bình cho rằng "Tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết TTHC cho DN là phổ biến”; tỷ lệ DN có chi trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh tra, kiểm tra là 44% (trung vị cả nước là 39%); tỷ lệ DN có chi trả chi phí không chính thức trong thực hiện TTHC đất đai là 63%, cao gấp đôi so với trung vị cả nước.

Hạ tầng kỹ thuật thiếu đồng bộ, nhiều nơi có DN nhưng không có đường giao thông, không có điện. Tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp, chất lượng chưa đáp ứng được yêu cầu. Tính chấp hành kỷ luật lao động của người lao động chưa cao.

Ngoài ra, vẫn còn 80% DN đồng ý với nhận định "Có sáng kiến hay ở cấp tỉnh nhưng chưa được thực thi tốt ở các sở, ngành”, 64% DN đánh giá "Lãnh đạo tỉnh có chủ trương đúng nhưng chưa được thực hiện tốt ở cấp huyện”.

Cần sự vào cuộc tích cực, đồng bộ của cả hệ thống chính trị

Nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém, tiếp tục tạo lập MTĐTKD thông thoáng, minh bạch; phấn đấu tăng tổng điểm số PCI từ 2-5 điểm so với năm 2018, ngay từ những ngày đầu năm 2019, UBND tỉnh đã có Quyết định số 02 ban hành Kế hoạch tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện MTĐTKD, nâng cao NLCT tỉnh Hòa Bình năm 2019 và định hướng đến năm 2021. UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cụ thể cho người đứng đầu các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố; các cơ quan, đơn vị được giao chủ trì từng chỉ số thành phần. Nâng cao nhận thức, tạo sự vào cuộc tích cực, chủ động, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, từng bộ phận, đơn vị trực thuộc các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố và toàn thể CB, CC, VC về cải thiện MTĐTKD, nâng cao NLCT của tỉnh.

UBND tỉnh yêu cầu các địa phương, đơn vị không tự đặt thêm điều kiện kinh doanh trái quy định của pháp luật. Xử lý nghiêm CB, CC không thực hiện đúng, đầy đủ các quy định về điều kiện kinh doanh. Đồng thời thực hiện đầy đủ các quy định về cắt giảm danh mục mặt hàng và cải cách TTHC về kiểm tra chuyên ngành...

Trên cơ sở kết quả chỉ số PCI và phân tích cụ thể từng chỉ số thành phần, Sở KH&ĐT đã đề xuất với UBND tỉnh một số giải pháp chủ yếu cải thiện chỉ số PCI trong năm 2019. Cụ thể, lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố cần tập trung bám sát chỉ đạo, điều hành của Chính phủ về phát triển KT-XH, cải thiện MTĐTKD, hỗ trợ DN..., các chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh về lĩnh vực này, tạo điều kiện thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển; hỗ trợ, tạo điều kiện thúc đẩy SX-KD, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho DN.

Rà soát, rút ngắn thời gian thực hiện TTHC, đặc biệt là các TTHC được tiếp nhận tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, huyện, thành phố; đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong giải quyết TTHC và cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với DN. Đa dạng kênh công khai, minh bạch các TTHC, quy trình, quy định hành chính để DN, cá nhân tiếp cận dễ dàng nhất.

Kịp thời tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo với tinh thần các cấp, ngành từ tỉnh đến địa phương đồng hành cùng DN, hỗ trợ và khuyến khích khởi nghiệp. Đa dạng cách thức đối thoại DN, tăng cường đối thoại mở với DN theo hình thức chuyên đề, thiết thực và giải quyết đến cùng những khó khăn, vướng mắc của DN...

 

H.N - H.T


                  Ưu tiên nguồn lực cho đào tạo nghề để nâng cao chất lượng lao động


Trong những năm qua, chất lượng đào tạo nghề của tỉnh ta chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động; đào tạo nghề chưa gắn với quy hoạch phát triển KT-XH; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề không đáp ứng yêu cầu; công tác khảo sát nhu cầu học nghề và ngành nghề cần đào tạo còn lúng túng, thiếu sự gắn kết chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo nghề với DN, hiệu quả đào tạo nghề chưa cao. Nguồn kinh phí hỗ trợ của T.Ư, của tỉnh dành cho công tác giáo dục nghề nghiệp (GDNN) hạn chế. Địa phương chưa bố trí kinh phí cho việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo GDNN cũng như kinh phí tổ chức các hội thi, hội giảng cấp tỉnh...

Để nâng cao chất lượng đào tạo lao động, góp phần cải thiện MTĐTKD, mong muốn các cấp, ngành, cơ sở GDNN chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 38, ngày 14/3/2018 của BTV Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác GDNN trên địa bàn tỉnh. T.Ư quan tâm bố trí kinh phí hỗ trợ cho tỉnh và các cơ sở GDNN thông qua dự án đầu tư các ngành nghề trọng điểm; dự án nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đặc biệt, người lao động và gia đình người lao động phải hiểu được lĩnh vực đào tạo nghề, nắm được kỹ năng, kiến thức thuần thục, tuân thủ kỷ luật lao động để đáp ứng nhu cầu của DN.

 Nguyễn Duy Thanh(Trưởng phòng Quản lý dạy nghề (Sở LĐ-TB&XH)

                             

 

Doanh nghiệp mong muốn tiếp cận gần hơn với nguồn vốn ngân hàng


Nhu cầu về vốn của DN luôn là vấn đề quan trọng trong hoạt động SX-KD. Trên địa bàn tỉnh hiện nay, nhiều DN không có đủ vốn để hoạt động. Song mỗi khi cần vốn vay ngân hàng thì khá khó khăn bởi liên quan đến tài sản thế chấp.

Để thu hút đầu tư, một trong những vấn đề hiện được quan tâm là làm sao ngân hàng và DN có thể tiếp cận nhau gần hơn về cả "cơ chế” nhằm tháo gỡ khó khăn giúp DN, nhất là DN trẻ trong tỉnh có điều kiện phát triển. Bên cạnh sự nỗ lực của DN, các ngân hàng thương mại cũng cần có chính sách cụ thể hơn, cần chọn lọc những DN có tiềm năng để thiết kế lại điều kiện cho vay, chấp nhận một phần rủi ro với DN. Đồng thời, các ngân hàng cũng nên thiết kế các gói vay tín chấp phù hợp với mô hình kinh doanh của các DN. Có như vậy, các DN trong tỉnh mới có đủ nguồn lực đầu tư phát triển, cạnh tranh với DN trong và ngoài nước.

 

Phạm Thị Ngọc Ánh(Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh)



Cần có cơ chế phù hợp, tạo thuận lợi về mặt bằng cho các doanh nghiệp

 

Hyundai Hòa Bình vừa khai trương showroom tại TP Hoà Bình. Với mục tiêu đặt sự hài lòng và chất lượng lên hàng đầu, Hyundai Hòa Bình không ngừng mở rộng và đổi mới đem lại những tiện ích lớn nhất đến với khách hàng. Tuy nhiên, khi đầu tư vào địa bàn tỉnh, một trong những khó khăn chính DN gặp phải là mặt bằng. Showroom hiện mới có khoảng 400 m2 được thuê lại đất của tư nhân.

Trong chiến lược phát triển, chúng tôi đang có chủ trương mở rộng lĩnh vực sửa chữa, bảo dưỡng, bảo hành, cung cấp phụ tùng chính hiệu… với dịch vụ 3S chuyên về dòng xe Hyundai. Hiện, chi nhánh đang tìm quỹ đất khoảng 3.000 m2 để triển khai đầu tư vào các dịch vụ 3S này nhưng rất khó khăn. Chính vì vậy, mặt bằng đang là rào cản lớn nhất đối với chi nhánh trong thực hiện kế hoạch đầu tư của mình tại TP Hoà Bình. Chúng tôi mong muốn địa phương có cơ chế phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa về mặt bằng cho các DN, nhà đầu tư ngoài tỉnh có đủ nguồn, đầu tư thật có điều kiện phát triển, qua đó góp phần thúc đẩy bộ mặt đô thị, tránh tình trạng lãng phí đất đai.

Đỗ Xuân Hùng (Giám đốc Chi nhánh Hyundai Hoà Bình)

 

Các tin khác


Khống chế và loại trừ bệnh dại ra khỏi cộng đồng

(HBĐT) - Trong những năm gần đây, bệnh dại đang có nguy cơ phát triển mạnh ở địa bàn tỉnh. Năm 2018, Hòa Bình là một trong những tỉnh có số người phải điều trị bệnh dại và tử vong cao nhất cả nước. Năm nay, ngay từ đầu mùa đã có 2 người tử vong nghi do chó dại cắn. Đâu là nguyên nhân và cách phòng, chống bệnh dại?

Tháo gỡ khó khăn trong điều trị nghiện ma túy bằng methadone

(HBĐT) - Tháng 10/2012, tỉnh ta triển khai thí điểm chương trình sử dụng methadone trong việc điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện. Qua hơn 6 năm triển khai đã cho thấy tính ưu việt từ phương pháp cai nghiện này. Mở rộng diện bao phủ và tăng cường tiếp cận điều trị methadone cho người nghiện các chất dạng thuốc phiện là mục tiêu tỉnh ta đang hướng tới.

Xuất khẩu lao động - gỡ "nút thắt" không khó, nhưng cần giải pháp đồng bộ

(HBĐT) - Năm 2016, toàn tỉnh có gần 300 người đi xuất khẩu lao động. Năm 2017 có 420 người và năm 2018 có 386 người đi xuất khẩu lao động. Trong khi với nhiều địa bàn, xuất khẩu lao động dần trở thành một xu hướng khởi nghiệp mới của nhiều thanh niên lao động nông thôn, tại nhiều nơi, người lao động không mặn mà với việc xuất khẩu lao động. Để xuất khẩu lao động trở thành một kênh giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, đòi hỏi nhiều hơn nữa những giải pháp đồng bộ từ các cấp, ngành.

Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm bếp ăn trường học

(HBĐT) - Vụ việc hơn 200 trẻ trường mầm non Mão Điền, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh nhiễm sán lợn hồi giữa tháng 3 vừa qua đã khiến cho phụ huynh cả nước, nhất là phụ huynh bậc học mầm non rất lo lắng, băn khoăn. Câu chuyện "bữa ăn trường học” cũng trở nên "nóng” hơn bao giờ hết. Tại tỉnh ta, theo số liệu thống kê, có khoảng trên 50 trường tiểu học tổ chức bếp ăn bán trú, 99,4% trẻ ở các trường mầm non ăn tại trường. Tuy chưa xảy ra vụ việc đáng tiếc nào, nhưng câu chuyện trẻ nhiễm sán lợn nghi do ăn thực phẩm bẩn tại Bắc Ninh là bài học cảnh tỉnh không bao giờ cũ đối với ngành Giáo dục cũng như toàn xã hội về vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) bếp ăn trường học.

Từ vụ 8 học sinh đuối nước - Đừng để nối tiếp những đau thương

(HBĐT) - Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh năm nào cũng có trẻ bị đuối nước tử vong. Năm 2017 có 39 trẻ, năm 2018 có 27 trẻ bị đuối nước. Tuy nhiên, chưa bao giờ có sự việc thương tâm như vụ 8 học sinh bị chết đuối khi tắm sông Đà xảy ra vào chiều 21/3. Đây thực sự là hồi chuông cảnh báo nghiêm khắc cho gia đình, nhà trường, chính quyền cần quan tâm, để ý nhiều hơn đến các em và có những giải pháp hiệu quả hơn để không còn nối tiếp những đau thương.

Trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội

(HBĐT) - Hai chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) và bảo hiểm y tế (BHYT) đã và đang phát huy vai trò là chính sách lớn trong hệ thống an sinh xã hội của đất nước. Hai chính sách này luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm phát triển, coi đó vừa là mục tiêu, vừa là động lực đối với sự phát triển bền vững đất nước, cũng như thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ XHCN. Trong những năm gần đây, hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH không ngừng được bổ sung, hoàn thiện, ngày càng phù hợp hơn với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; góp phần quan trọng vào nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy tiến bộ và công bằng xã hội…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục