(HBĐT) - 1. Người Thái ở Mai Châu có quan niệm về sự tồn tại hai thế giới: Thế giới sự sống và thế giới cõi hư vô. Thế giới sự sống là thế giới mường trần gian, bao gồm tất cả các sự vật, hiện tượng trong thiên nhiên và xã hội. Thế giới cõi hư vô bao gồm thế giới của mường trời, thế giới thần linh, ma quỷ, thế giới dưới mặt đất, thế giới dưới nước... không trực giác được. Người Thái quan niệm vạn vật hữu linh, muôn vật, muôn loài đều có hồn (Mí khoăn), đều có chủ cai quản (Mí chảu), tất cả dưới sự cai quản chung của đấng tối thượng là Then Luông (Đấng siêu nhiên cao cả ở mường trời). Dưới Then Luông là hệ thống các thứ cấp trên trần gian và thế giới khác.

Tổ chức xã hội Thái là chế độ xã hội bản - mường, tương đương với giai đoạn phát triển tiền dân tộc quốc gia. Ngoài một hệ thống cai quản xã hội bao gồm thế lực của các dòng họ quý tộc đứng đầu là Chảu Mường (Chủ mường), còn có các ông Mo chuyên chăm sóc phần hồn cho chúng sinh. ông Mo (còn gọi là ông Mùn, ông Mường) được tôn trọng kính nể trong xã hội vì am hiểu sâu sắc vốn tín ngưỡng tâm linh dân tộc, có vai trò giúp Chảu Mường trong công việc cai quản bộ tộc, tổ chức các lễ nghi, các lễ hội trong sinh hoạt tinh thần của cộng đồng. Xã hội Thái mặc nhiên công nhận sự tồn tại của ông Mo cùng với những hoạt động tâm linh.

Người hành nghề cúng mo cũng có các thứ bậc từ thấp lên cao. Bậc thấp nhất có thể cúng những lễ nhỏ như cúng gia tiên (bậc này chưa gọi là ông Mo) trong những dịp lễ, tết. Tiếp theo, có thể gọi là Mo, thực hiện các cuộc gọi vía, cúng mời tổ tiên trong các đám cưới. Thực hiện những cuộc lễ lớn hơn như các lễ hội, đám tang phải là những Mo luông (Mo lớn). Mo luông là người dày dạn kinh nghiệm trong hành lễ, đặc biệt là đã được Păn Mường (tức là đã được làm lễ nhập Phi mùn. Phi mùn là cái thần đã nhập vào ông Mo từ thuở mới đầu thai do Then Luông sắp đặt, khi sinh ra, lớn lên là làm thầy mo, thầy cúng, giao tiếp với thần linh, thần trời, xua đuổi ma quỷ... theo quan niệm dân gian Thái).

Như đã nói, ông Mo mùn (tức Mo luông) là người có uy tín lớn trong xã hội cộng đồng qua việc chăm sóc phần hồn cho người dân. Những người ốm đau được ông Mo mùn cúng khỏi, trở thành con nuôi của ông Mo mùn. Những người này được gọi là Lục liểng hay Lục nà, Lục mày. Cứ ba năm, ông Mo mùn lại tổ chức một lễ cúng tạ ơn Then Luông và các Then khác của mường trời. Ngày lễ này, Then Luông và tất cả quan quân của mường trời đều xuống trần gian ăn cỗ. Lễ này gọi là lễ làm Chá hay còn gọi là Chá Chiêng. Với sự phong phú của các tục lệ, lễ nghi và các hình thức sinh hoạt trong buổi lễ nên việc làm lễ Chá đã hội đủ cả phần lễ và hội.

2. Lễ Chá Chiêng được tổ chức vào dịp cây cối đâm chồi, nảy lộc, lúc "soái boóc mạ” (lá non cây mạ) buông rủ xuống mượt mà, mềm mại. Trong lời mo có câu: Lồng kin chiêng boóc mạ/Lồng kin chá ngài sệt ban pùn... (xuống ăn chiêng hoa mạ/Xuống ăn chá cỗ tết hoa ban...)

Tức Chá Chiêng gắn với mùa hoa mạ, hoa ban, là mùa xuân. Có ông Mùn cho rằng, nói là mùa xuân nhưng thực ra thời gian làm lễ Chá Chiêng cũng co giãn, nới rộng và lễ có thể bắt đầu từ tháng một (tức tháng 11 âm lịch). ở người Thái, họ quan niệm tháng một, tháng chạp là tháng lành. Cưới vợ gả chồng, làm nhà, dựng cửa... tập trung tổ chức vào những tháng lành này.

Không gian hành lễ diễn ra trong phạm vi ngôi nhà sàn của ông chủ lễ (tức là ông Mùn Luông). Ngoài ra còn khoảng sân rộng xung quanh nhà, giữa sân đặt một cái máng bằng thân cây to (máng dùng để giã lúa hàng ngày khi có việc lễ thì sử dụng máng như một nhạc cụ). Trong ngôi nhà sàn, xà ngang, xà dọc được trang trí bằng các loại vải thổ cẩm muôn màu rực rỡ. Ngay chính giữa nhà đặt cây hoa chá. Cột trụ cây hoa là một cây tre được đục nhiều lỗ để cắm cành hoa, những cành hoa do con nuôi mang đến. Tất cả các bông hoa được gọt rất khéo léo từ thân cây Phá Phước (một loại cây dại có thân mềm, dẻo và xốp) và được nhuộm các loại phẩm màu. Trên chóp cao cây hoa là bông hoa của chủ lễ, đó là "Bông hoa bua dùa suốt đời không héo” (Boóc bua dùa báu hụ sụt chua), chỉ sự linh thiêng vĩnh hằng của ông Mo Mùn.

Không gian lễ hội còn tỏa ra ngoài sân, đâm máng, đánh trống chiêng và sự nhộn nhịp của những người dự hội và phục vụ bếp núc. Tuy chỉ diễn ra trong phạm vi hẹp trên nhà dưới sân nhưng cả không gian lễ hội đầy ắp nội dung, trò diễn với những ý nghĩa của nó.

Lễ hội Chá Chiêng diễn ra hai ngày một đêm. Ngày đầu tiên là lễ hát mo Pôn Côn Pời Mường giao tiếp với Then Luông, xin phép được làm lễ Chá và xin phép thuật của trời được nhập vào Mùn Luông ở mường trần, do một ông Mo Mùn khác thực hiện. Mo Pôn Côn Pời Mường có hai mâm cỗ (Pàn khài) gồm gạo, trứng, sáp ong, bông hoa... đặt trước cửa sổ thiêng nơi Phi mùn mường trời sẽ xuống gặp Mùn Luông. Cỗ này do chủ lễ sắm.

Sau mo Pôn Côn Pời Mường là mo Lảng bán, Lảng mường (rửa bản, rửa mường) do Mùn Luông hát mo sau khi đã nhận được đầy đủ phép thuật của trời ban cho.

Ngày thứ hai mới là ngày chính của lễ hội. Lễ hội diễn ra suốt từ sáng sớm đến hết đêm. Mở đầu bằng việc hát mo xin phép Phi Mùn ở hạn ho (Hạn ho là gác nhỏ như kiểu bàn thờ, chỗ ở của Phi Mùn. Sau đó là mo đuổi ma dữ, ma xấu còn lẩn khuất trong nhà (Xặp Phi khỏ). ông Mùn vừa mo vừa múa kiếm, các Lục mày dập boóng bu phụ họa rộn rã.

Sau hai lễ này, các Lục mày phục vụ mới bắt đầu mổ lợn, gà, vịt và sắp năm mâm để Mùn Luông mời quan quân mường trời xuống ăn cỗ. Các mâm cỗ đều sắm đủ các loại thịt: lợn, gà, vịt, cá, trứng...

Tiếp theo là lễ "àn pàn kháu”. ăn cơm xong, đến phần các Lục mày đến dâng cỗ. Đây là cỗ riêng của các Lục mày tự nguyện mang đến. Các mâm cỗ xếp lần lượt đầy hai gian nhà phía trong. Mùn Luông dẫn đầu, tiếp là Mùn khách, ông Nhồm, ông thổi pí mùn và tất cả các Lục mày nối thành một hàng theo nhau, vừa đi vừa hát múa vòng quanh các mâm cỗ. Trong lời mo, Mùn Luông còn cầu nguyện điều lành, xua đuổi điều xấu cho dân chúng bản mường. Cùng với mo là sự phụ họa của các trò diễn rất vui nhộn.

Trong các trò diễn, đáng lưu ý các trò diễn về các loài người. Có thể nói, mỗi trò diễn đều miêu tả hoặc hàm ý về tính cách các loại người, có tốt và có cả xấu. Người xem có thể nhận ra về các ẩn ý tôn vinh, đề cao đạo đức, lối sống đẹp, phê phán loại trừ những thói hư tật xấu trong xã hội. Đó là các trò diễn: Me mường (người mẹ trời sinh ra con người), người mù, người què, người bướu cổ, kẻ trộm cắp, kẻ tham ăn, nàng Sen Bèn (thần tình yêu), trai Lào, khách buôn người Hán...

Ngoài thể hiện bằng tính cách, nết na từng loại người, các trò diễn còn diễn tả các động tác lao động của con người, khỏe khoắn, mạnh mẽ, thể hiện tình yêu lao động, quý trọng thành quả lao động như các trò diễn: Cưỡi voi, phi ngựa (én chạng, én mạ), dắt trâu (Chung khoài), dệt vải (Tắm húc), tìm ong mật trên vách đá (Sóc phứng), hái nấm (Pịt hệt), xúc cá (Pay xón), ru cá (ứ ừ pa)...

Trò diễn nói về lao động sản xuất trên đồng ruộng, kể quá trình làm ra hạt lúa và bảo vệ cuộc sống, bắt đầu từ việc chặt cây làm Phai (đập ngăn suối), đào mương dẫn nước vào ruộng, qua các công đoạn cày bừa ruộng mạ, cấy lúa, gặt hái, đến các động tác mừng cơm dẻo, xôi thơm. Tiếp theo là các trò diễn tả cảnh quân đi đánh giặc bảo vệ bản mường (Pay tục xậc), cảnh trai gái tỏ tình duyên qua các làn điệu hát khắp, điệu khèn... Tất cả như một bức tranh toàn cảnh về xã hội loài người, tuy đơn sơ nhưng nói lên tinh thần cần cù lao động, tinh thần đấu tranh chống sự khắc nghiệt của thiên nhiên, giặc giã để tồn tại và giành lấy cuộc sống thanh bình. Trò diễn mang tính liên hoàn này đã thực sự đọng lại nhiều ý nghĩa nhân văn và đề cao giá trị lao động của người dân…

Mo và trò diễn tiễn quan quân Mường Then về trời có thể coi là phần kết thúc lễ hội. Lễ tiễn quan quân mường Then về trời thật tưng bừng, rộn rã với những điệu múa khăn, múa Cho hạng, múa kiếm, đánh máng, trống chiêng, boóng bu, pí mùn... của cả hội lễ, cùng lời hát mo thống thiết say sưa cho đến tận sáng hôm sau.

Lễ hội Chá Chiêng là một sinh hoạt tín ngưỡng, sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người Thái Mai Châu. Đến với lễ hội Chá Chiêng, người dân được tự do bày tỏ nỗi niềm, nỗi khát vọng thông qua các động tác nghệ thuật dân gian, thông qua những lời mo, lời khắp với một tâm thức, một tình cảm đặc biệt theo truyền thống đạo lý "Uống nước nhớ nguồn”, "ăn cơm không quên đũa, được ở không quên công”... từ đó sống có tình, có nghĩa với nhau hơn, gắn bó và có trách nhiệm hơn với cộng đồng.

Tuy nhiên, lễ hội Chá Chiêng cũng có những góc nhìn khác. Về mặt nội dung có ý kiến cho rằng, thực chất của lễ hội Chá Chiêng chính là nhằm đề cao vai trò của ông Mo Mùn (ông Mùn Luông), cột chặt ràng buộc các con nuôi vào thày, mê hoặc ru ngủ dân chúng tin vào các thần linh ma quỷ. Về mặt hình thức, có thể thấy rõ sự rườm rà, diễn xướng lặp đi lặp lại, nhiều trò diễn ồn ào kéo dài và gây cười một cách vô nghĩa, nhàm chán... Với cách nhìn nhận như vậy nên từ sau Cách mạng tháng Tám 1945, lễ hội Chá Chiêng ở Mai Châu đã bị quên lãng rồi chìm hẳn. Cùng số phận như vậy, ông Mùn lớn còn bị hạn chế rất nhiều phần thực hành các nghi thức tín ngưỡng, đặc biệt là không còn dịp diễn xướng các bài mo dài, là những áng văn vần của người Thái có giá trị về nhiều mặt. Lễ hội Chá Chiêng chứa đựng tập trung văn hóa vật thể và phi vật thể như thế, rất xứng đáng được bảo lưu và duy trì trong đời sống cộng đồng người dân tộc Thái ở Mai Châu.

Lò Cao Nhum

(Bản Lác, xã Chiềng Châu, Mai Châu)

 


Các tin khác


Sáng tạo gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc

(HBĐT) - Nhằm góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc ở huyện vùng cao Mai Châu, từ đầu năm học 2017 - 2018, trường tiểu học thị trấn Mai Châu đã phát động phong trào học sinh mặc trang phục dân tộc đến lớp vào một ngày trong tuần nhằm giúp các em thêm hiểu biết, trân trọng và tự hào về nét đẹp truyền thống của dân tộc mình.

Tòng Đậu sau 3 năm về đích nông thôn mới

(HBĐT) - Đến Tòng Đậu (Mai Châu) những ngày này có thể cảm nhận rõ đổi thay trong diện mạo nông thôn. Những tuyến đường nội thôn, liên thôn đã được đổ bê tông sạch đẹp. Các công trình phúc lợi, trường học được xây dựng khang trang, kiên cố.

Giao ban MTTQ và các đoàn thể huyện quý I năm 2018

(HBĐT)- Ngày 18/04, huyện Mai Châu đã tổ chức hội nghị giao ban MTTQ và các đoàn thể huyện để đánh giá kết quả công tác quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II năm 2018. Đồng chí Đặng Mai Sơn – Phó bí thư TT huyện ủy chủ trì hội nghị.

Chiềng Châu: Điểm sáng trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ Quốc

(HBĐT) - Nhận thức sâu sắc vai trò to lớn của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ ANTQ. Những năm qua, Công an xã Chiềng Châu (Mai Châu) đã chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo và tổ chức xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ có hiệu quả, tạo được niềm tin trong nhân dân.

Chuyển biến trong công tác dân số ở xã Nà Mèo

(HBĐT) - Trong khi nạn tảo hôn, tình hình vi phạm các chính sách về DS- KHHGĐ vẫn là vấn đề nóng ở huyện Mai Châu thì tại Nà Mèo - xã khu vực III còn nhiều khó khăn của huyện, vấn đề này được kiểm soát khá tốt. Minh chứng thực tế đó là năm 2017, xã không có trường hợp tảo hôn và sinh con thứ 3.

Khai mạc Hội chợ Thương mại huyện Mai Châu năm 2018

(HBĐT)- Tối ngày 12.4, huyện Mai Châu phối hợp với công ty trách nhiệm hữu hạn tư vấn đầu tư thương mại toàn diện, đã tổ chức khai mạc Hội chợ thương mại năm 2018.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục