Trước tình hình đó, cấp ủy, chính quyền xã Cun Pheo đã thành lập tổ công tác trực tiếp xuống khu vực suối Rằm rà soát, nắm tình hình các hộ di cư trái phép, đồng thời tham mưu UBND huyện làm việc, làm rõ trách nhiệm của Công ty TNHH &XNK Mai Bình trong công tác quản lý đất đai được giao để các hộ dân đến xâm canh, xâm cư. UBND huyện đã thành lập đoàn công tác do đồng chí Bí thư Huyện ủy làm trưởng đoàn tuyên truyền, vận động bà con di cư trái phép quay trở về nơi cư trú cũ; tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 17/QĐ-UBND, ngày 4/1/2018 thành lập Ban chỉ đạo tuyên truyền, vận động đồng bào xâm canh, xâm cư tại khu vực suối Rằm, xóm Táu Nà, xã Cun Pheo trở về địa phương; phối hợp với UBND các tỉnh Sơn La, Yên Bái đón các hộ dân trở về địa phương nơi cư trú ổn định cuộc sống.
Với sự nỗ lực, kiên trì và tích cực tuyên truyền, vận động của các ban, ngành toàn huyện, 15 hộ dân với 58 khẩu đã đồng ý ký cam kết tự giác rời khỏi khu vực suối Rằm và trở về nơi cư trú cũ. Hiện nay vẫn còn 23 hộ với 132 khẩu đang xâm canh, xâm cư tại khu vực suối Rằm, trong đó, công dân tỉnh Sơn La 20 hộ với 108 nhân khẩu (huyện Phù Yên 4 hộ, 18 nhân khẩu; huyện Bắc Yên 16 hộ, 91 nhân khẩu), công dân tỉnh Yên Bái 3 hộ với 23 nhân khẩu. Theo lãnh đạo UBND xã Cun Pheo, các hộ xâm canh, xâm cư chủ yếu canh tác các mảnh nương và diện tích nương rẫy cũ. Báo cáo của Công an huyện Mai Châu nêu rõ, 23 hộ đang xâm canh, xâm cư không khai phá rừng tự nhiên mà chỉ phát lại nương cũ. Khu vực đất đai bị xâm canh, xâm cư có vị trí thuộc lô 2, khoảnh 26, tiểu khu 137, tên đồi theo địa phương là suối Rằm, diện tích khoảng 70 ha nằm trong tổng diện tích 1.600 ha mà UBND tỉnh Hòa Bình đã giao cho Công ty TNHH & xuất nhập khẩu Mai Bình quản lý, sử dụng để trồng rừng với thời hạn 50 năm.
Khảo sát thực tế đầu năm 2018 được biết: Xã Cun Pheo đã phát hiện 4 điểm bị khai phá tài nguyên rừng với diện tích rừng bị phá khoảng 9,22 ha thuộc khu vực suối Rằm nằm trong khuôn viên rừng và đất lâm nghiệp đã được giao cho Công ty TNHH & xuất nhập khẩu Mai Bình quản lý, sử dụng tại khoảnh 30, tiểu khu 137, trong đó 7,47 ha rừng tái sinh và 1,744 ha rừng giang nứa. Đối tượng vi phạm được xác định là một số hộ người Mông, xã Hang Kia, bên cạnh đó, tổ công tác của xã Cun Pheo phát hiện 2 đối tượng vác súng đi lại trong khu vực khoảnh 30 và đối tượng bỏ chạy khi bị phát hiện; bắt giữ 4 đối tượng người Mông, xã Hang Kia đang thực hiện hành vi phá rừng để làm nương rẫy, thu giữ 1 khẩu súng kíp tự chế. Với thực trạng vụ việc phức tạp, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp, lập biên bản, nắm bắt tình hình các hộ xâm canh, xâm cư trên địa bàn, gặp gỡ để tuyên truyền, vận động các hộ dân trở về địa phương. Kết quả bước đầu đã ngăn chặn được tình trạng phát rừng mới, ngăn chặn các hành vi xâm hại tài nguyên rừng và ngăn đốt, dọn thực bì trên các phần diện tích vi phạm đã phát hiện.
Để hạn chế tình trạng phá rừng làm nương rẫy, giảm diện tích rừng bị xâm hại, góp phần đảm bảo an ninh trật tự tại các xã vùng cao của huyện Mai Châu, việc làm quan trọng nhất hiện nay là sớm tìm ra các giải pháp mang tính bền vững, từ đó mới có thể giải quyết tình trạng xâm canh, xâm cư của đồng bào Mông tại xã Cun Pheo, trong đó giải pháp có tính quyết định là cấp quỹ đất cho bà con yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống. Đề nghị Ban chỉ đạo của tỉnh Hòa Bình tại Quyết định số 17, ngày 4/1/2018 sớm có kế hoạch triển khai vận động các hộ xâm canh, xâm cư trái phép trở về địa phương. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng tỉnh tham mưu, xem xét lại dự án giao Công ty TNHH & xuất nhập khẩu Mai Bình thực hiện; thu hồi một số diện tích đất sử dụng không đúng mục đích của dự án trả lại cho địa phương quản lý và phối hợp làm rõ trách nhiệm trong công tác quản lý đất đai.
Thu Hà