Nói về sản phẩm của làng nghề, các nghệ nhân trong xóm cho hay, đây là sản phẩm được sản xuất bằng nguyên liệu tự nhiên. Cụ thể là cây lanh chế biến qua các công đoạn thành sợi, sợi dệt thành vải, đem nhuộm với chàm và vẽ sáp ong để cho ra nhiều loại sản phẩm đặc sắc của dân tộc.
Cụ bà Sùng Y Dìa kể rằng: Theo cổ tích, cây lanh và cây chàm thì cây lanh là người chồng, cây chàm là người vợ. Vải lanh nhuộm bằng bộc chàm là 2 nguyên liệu kết chặt nhau làm nên những tấm vải không bao giờ phai màu. Cùng với thời gian, cho dù vải lanh đã trở nên cũ kỹ vẫn còn chất chàm màu đen, có mùi thơm tự nhiên. Do đó, sợi lanh và bộc chàm là 2 nguyên liệu không thể thiếu để hoàn thành các sản phẩm váy, áo dân tộc Mông, bộ cạp váy 3 tầng (cạp trên, cạp dưới và sếp quần)…
Phụ nữ xóm Pà Cò Con, xã Pà Cò (Mai Châu) giới thiệu sản phẩm độc đáo của dân tộc Mông làm từ sợi lanh tự nhiên.
Trước đây, dệt, thêu, vẽ thổ cẩm của bà con người Mông dùng để may trang phục áo, váy, quần và vào việc cưới, việc tang. Tuy nhiên, cùng với thị trường phát triển, nhiều sản phẩm đã được làm thành hàng hóa. Đặc biệt kể từ năm 2015 đến nay, người dân trong xóm đã ý thức được vấn đề bảo tồn, phát huy bản sắc dân tộc mình, lựa chọn xây dựng làng nghề là hướng đi đúng đắn và bền vững. Cả xóm có 44 hộ thì có tới 39 hộ làm nghề, chiếm tỷ lệ 88,6%. Việc hướng dẫn, truyền nghề cho con cháu, các thế hệ sau được đặc biệt coi trọng. Trước tiên, các cụ bà, nghệ nhân là người truyền dạy trực tiếp cho con, cháu. Các thế hệ sau tiếp nối có ý thức và trách nhiệm gìn giữ, lưu truyền. Thế hệ tiếp nối tiêu biểu hiện nay là chị Hà Mùa Y Gánh, sinh năm 1967, Sùng Y Khia sinh năm 1971, Mùa Y Khô, sinh năm 1963, Sùng Y Váng, sinh năm 1982. Chị Mùa Y Dai, sinh năm 1971 cùng nhiều chị em trong xóm đang chung tay phát triển nghề dệt, thêu, vẽ thổ cẩm của dân tộc mình.
Với 20 khung cửi hoạt động thường xuyên, các sản phẩm đều được dệt bằng sợi lanh, hoa văn thêu may với họa tiết và nhiều hình ảnh đặc sắc mang tính đặc trưng của đồng bào dân tộc. Chủ yếu sản phẩm làng nghề là váy, quần, áo Mông, trang phục mặc thường ngày và dùng trong lễ hội, ngày Tết, lễ cưới của phụ nữ, đàn ông. Các loại sản phẩm dệt truyền thống của làng nghề được thị trường trong và ngoài nước ưa thích, đặc biệt là châu âu. Sản phẩm của làng đã tham gia hội chợ hàng thổ cẩm truyền thống các tỉnh phía Bắc dành cho người nước ngoài tại thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Nghệ An, Đà Nẵng với mục đích quảng bá sản phẩm, kết nối thị trường.
Theo đồng chí Sùng A Màng, Chủ tịch UBND xã Pà Cò: Hiện nay, các thợ giỏi, nghệ nhân trong làng đã và đang tiếp tục tìm hiểu, sáng tạo và cải tiến các mẫu hoa văn mang đặc trưng truyền thống của dân tộc mình cho các trang phục, đồ dùng phù hợp với tập quán văn hóa, đáp ứng thị hiếu tiêu dùng bằng nguyên liệu thiên nhiên như sợi lanh. Từ năm 2015 đến nay, bình quân giá trị sản xuất, doanh thu từ chăn nuôi, trồng trọt trên địa bàn xã đạt khoảng trên, dưới 900 triệu đồng/năm, tổng thu nhập 550 triệu đồng/năm. Đối với ngành nghề nông thôn (dệt vải lanh, thêu, vẽ thổ cẩm, rèn, may váy áo, đan lát, giấy dó) đạt doanh thu 560 - 650 triệu đồng/năm, thu nhập 210 - 250 triệu đồng/ năm. Như vậy, tỷ lệ ngành nghề nông thôn chiếm khoảng 41,4% giá trị sản xuất, doanh thu, 31% tổng thu nhập các ngành nghề. Các sản phẩm của ngành nghề dệt, thêu vẽ thổ cẩm đang mang lại thu nhập đáng kể cho người dân, không chỉ phục vụ nhu cầu sinh hoạt của cộng đồng, đáp ứng nhu cầu thăm quan, tìm hiểu của khách du lịch, thu hút khách tới bản mà còn làm nên diện mạo mới cho xóm, tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác các tiềm năng sẵn có phát triển kinh tế thông qua hoạt động du lịch của địa phương.
Bùi Minh