(HBĐT) - Từ ngày 15-21/7, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và con bão số 3, địa bàn huyện Mai Châu xảy ra mưa to đến rất to trên diện rộng làm sạt lở đất, đá, ngập lụt nghiêm trọng gây thiệt hại về nhà cửa, tài sản của người dân. Trước hậu quả mưu lũ gây ra, UBND huyện Mai Châu đã chỉ đạo các cấp, ngành, các thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện xuống cơ sở xã, thị trấn rà soát, kiểm tra, đôn đốc các phương án phòng chống lũ bão với phương châm "bốn tại chỗ”, đồng thời, tập trung mọi lực lượng hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn.


Lực lượng cảnh sát và người dân sử dụng thuyền, bè hỗ trợ nhân dân di chuyển qua 2 bên đường tại khu vực bị ngập sâu gần 2m, dài 400m thuộc địa phận ngã 3 Tòng Đậu, xã Tòng Đậu (Mai Châu) nằm trên tuyến QL6, Km 131+200.

Toàn huyện không có thiệt hại về người. Có 27 nhà bị sạt lở đất cần di rời khẩn cấp, 1 nhà bị ngập nước, 19 ngôi nhà thuộc các xã Tân Mai, Tân Dân, Tân Sơn, Phúc Sạn và 1 trường Mầm non xóm Mó Rút, xã Tân Mai có nguy cơ sạt lở cao. Diện tích lúa bị ngập úng và vùi lấp, cuốn trôi là 14,91 ha cùng 10,7 ha diện tích hoa màu. 6 con gia súc bị chết và cuốn trôi. Khối lượng đất, đá, vùi lấp làm hư hỏng nhiều đoạn kênh mương và bị cuốn trôi 55 m; hồ chứa xã Chiềng Châu bị thấm qua thân đập cách đỉnh đập 3,5 m, phạm vi thấm 150 m2. Có 2 cột điện trung và hạ thế bị đổ vào nhà, đường dây điện cao thế bị đứt 1 dây hiện đang mất điện tại xã Tân Mai, 2 cột điện lưới có nguy cơ bị đổ tại xã Đồng Bảng. 3.000 m đường ống HDPE phi 26mm dẫn nước sinh hoạt của xóm Tôm, xã Tân Dân bị vùi lấp, đứt đoạn, cuốn trôi gây khó khăn về nước sử dụng cho một số hộ dân.

Đặc biệt, về giao thông, tại khu vực ngã 3 Tòng Đậu thuộc xã Tòng Đậu nằm trên tuyến QL6, Km 131+200, từ rạng sáng ngày 21/7 mưa lớn khiến nước dâng cao, đến nay đã ngập sâu gần 2m, chiều dài 400 m. Đồng chí Hà Việt Thành, Phó Trưởng Công an huyện Mai Châu cho biết: "Nước dâng cao khiến các phương tiện không thể lưu thông qua khu vực này. Lực lượng chức năng đã kịp thời có mặt phân luồng giao thông từ huyện Tân Lạc đến vị trí nước ngập tránh tình trạng ùn tắc, dồn ứ tại một điểm. Đồng thời, hỗ trợ người dân di chuyển qua 2 bên đường bằng các phương tiện thuyền, bè của người dân và thuyền phao của cảnh sát đường thủy đảm bảo an toàn. Khoảng 160 CB, CS được huy động để hỗ trợ nhân dân di dời người và tài sản”. Ngoài ra, mưa lớn làm sạt lở nhiều điểm, nhiều tuyến đường huyết mạch gây ách tắc, một số điểm bị cô lập trong nhiều giờ gây khó khăn cho việc ứng cứu nhân dân như tuyến Đồng Bảng – So Lo, tuyến Phúc Sạn – Tân Dân, tuyến Gò Lào – Ba Khan, tuyến Thung Khe – Pù Bin, tuyến Nà Mèo – Bao La, tuyến Pà Cò – Hang Kia.

Theo ghi nhận của phóng viên, tại khu vực ngã ba Tòng Đậu, các tuyến xe khách từ Sơn La, Điện Biên,… di chuyển hướng Hà Nội đều bị ách tắc kéo dài gây ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. Anh Giàng A Làng, trú tại xã Trung Thu, huyện Tủa Chùa (Điện Biên) cho biết: "Tôi đi xe khách từ Điện Biên đến tỉnh Bắc Ninh từ 5h sáng, đến đoạn ngã ba Tòng Đậu thì tắc đường. Phải đợi xe từ đầu dưới lên hỗ trợ, tôi cùng các hành khách khác xuống xe và lên thuyền cá nhân của các hộ dân để di chuyển sang bờ bên kia lên xe trung chuyển đi tiếp tới điểm đến. Mỗi lượt hành khách di chuyển, nhà thuyền thu 50 nghìn đồng/người. Do không còn cách nào khác để đi qua khu vực ngập lụt này nên mọi người đều chấp nhận mức giá đó để không ảnh hưởng tới hành trình và công việc của mình”.

Tại các khu vực trọng điểm, huyện đã huy động toàn bộ lực lượng công an, quân đội, dân quân để ứng cứu, hỗ trợ di dời người và tài sản cho nhân dân ra khỏi vùng nguy hiểm, đặc biệt là vùng có nguy cơ sạt lở cao. Ngành giao thông đã huy động các phương tiện như máy xúc, ô tô và cán bộ, công nhân viên khẩn trương giải phóng các điểm sạt lở đất, đá. Lực lượng công an và quân sự phối hợp thực hiện đồng loạt các biện pháp đảm bảo ANTT tại khu vực ngập úng, nhất là vào ban đêm khi các khu vực này bị cắt điện. Do đó, trước và sau lũ, trên địa bàn huyện không xảy ra tình trạng lợi dụng để trộm cắp, cướp bóc, gây rối mất trật tự. Các điểm nguy hiểm đã được cắm cảnh báo và cắt cử người ứng trực không cho người dân và phương tiện đi qua khi mực nước sâu, hiện tượng sạt lở đất đang ở mức cao.

Đồng chí Hà Công Soan, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Mai Châu cho biết: "Đối với 21 hộ dân và 75 nhân khẩu xóm Mó Rút, xã Tân Mai là nơi đã xảy ra lũ quét, lũ ống đe dọa đến tính mạng và tài sản, lực lượng chức năng của huyện đã kịp thời di dời các hộ đến nơi an toàn. Đồng thời, có văn bản đề nghị UBND tỉnh nghiên cứu, xem xét để xây dựng khu tái định cư mới cho các hộ xóm Mó Rút ổn định đời sống và sản xuất”.

 

Do mưa lớn gây ngập lụt nặng tại khu vực ngã 3 Tòng Đậu khiến các phương tiện ùn ứ tại đây không thể di chuyển.


                                                                                Thanh Sơn

Các tin khác


Doanh thu từ du lịch ước đạt trên 52 tỷ đồng

(HBĐT) - Trong 6 tháng đầu năm 2018, huyện Mai Châu đã tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu hình ảnh, bản sắc văn hoá dân tộc trên các phương tiện thông tin đại chúng; triển khai các chương trình, dự án du lịch trên địa bàn, nhằm thu hút khách tham quan du lịch. Đồng thời tổ chức hội nghị đánh giá thực trạng phát triển du lịch trên địa bàn huyện, từ đó xác định được hướng đi phù hợp cho ngành du lịch.

Giải quyết quyền lợi kịp thời cho người tham gia BHXH, BHYT

(HBĐT) - Triển khai Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020”, Ban Thường vụ Huyện ủy Mai Châu đã xây dựng chương trình hành động, chỉ đạo các đơn vị tham gia BHXH thực hiện Luật BHXH, Luật BHYT trên địa bàn huyện.

Xã Phúc Sạn phòng, ngừa thiên tai, mưa lũ

(HBĐT) - Năm 2017, xã Phúc Sạn (Mai Châu) chịu ảnh hưởng nặng nề của mưa lũ và sạt lở đất, đá. Xã có 1 người chết, 2 người bị thương, 18 hộ nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở cao, 4 hộ phải di dời khẩn cấp. Mưa lớn gây ngập úng gần 12 ha, 45 điểm giao thông bị sạt lở, gây tắc nghẽn giao thông, tổng thiệt hại ước tính trên 20 tỷ đồng. Trước tình hình thời tiết năm 2018 có nhiều diễn biến phức tạp, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) xã chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản của nhân dân.

Huyện Mai Châu giữ gìn và phát triển làng nghề dệt truyền thống

(HBĐT) - Nhắc đến Mai Châu không thể không nhắc đến những sản phẩm dệt từ thổ cẩm. Cùng với xu thế hội nhập và phát triển, các HTX và những hộ đang duy trì, phát triển nghề dệt thổ cẩm đã góp phần tạo hướng đi mới trong phát triển kinh tế, phát huy bản sắc văn hóa gắn liền với sự hình thành và phát triển của huyện Mai Châu.

Phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới ở Mai Châu: Khi chủ trương trở thành hành động

(HBĐT) - Có tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch và nền tảng để xây dựng NTM, Đại hội Đảng bộ huyện Mai Châu lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2015 - 2020 xác định: "… Huy động mọi nguồn lực để phát triển KT-XH, phấn đấu đến năm 2020, huyện Mai Châu thành Điểm du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới”. Để nghị quyết đi vào cuộc sống, đi vào lòng dân, 3 năm qua, huyện Mai Châu đã có nhiều nỗ lực biến chủ trương trở thành hành động.

Xã Xăm Khòe mở ra hướng đi mới từ cây dưa lê siêu ngọt

(HBĐT) - Hương vị thơm ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng, những năm gần đây, cây dưa lê Hàn Quốc siêu ngọt được người dân xã Xăm Khòe (Mai Châu) đưa vào trồng đã trở thành hướng đi mới đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, phù hợp với điều kiện thực tế địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục