Công trình cầu treo So Lo (xã Phúc Sạn) hoàn thành xây dựng đúng tiến độ, đã được đưa vào sử dụng.
Theo thống kê của Phòng Kinh tế hạng tầng huyện Mai Châu, trong cơn bão số 3 vừa qua, mưa lớn đã làm sạt lở nhiều điểm, một số tuyến đường huyết mạch bị ách tắc giao thông, một số điểm dân cư bị cô lập trong nhiều giờ, gây khó khăn cho việc ứng cứu của nhân dân như tuyến ĐH.60 (Đồng Bảng - So Lo), tuyến ĐT.432 (Phúc Sạn - Tân Dân), tuyến ĐT.450 (Gò Lào - Ba Khan), tuyến ĐT.432B (Thung Khe - Pù Bin), tuyến ĐH.63 (Thị trấn - Bao La), Tuyến ĐH.65 (Pà Cò - Hang Kia). Tuyến quốc lộ 6 tại Km 131 + 200 bị ngập chiều sâu 2 m do nước dâng, chiều dài 400 m và một số tuyến đường liên thôn, nội xóm khác. Tuyến đường quốc lộ 6 bị sạt lở 2 điểm, chiều dài sạt lở khoảng 300 m, khối lượng sạt lở khoảng 2.466 m3. Tuyến quốc lộ 15 sạt lở rải rác nhiều điểm,chiều dài ngập khoảng 200 m, khối lượng sạt khoảng 534 m3. Các tuyến đường huyện, xã sạt lở 155 điểm, chiều dài ngập 690 m, khối lượng sạt lở khoảng 112.970 m, tổng thiệt hại ước tính lên tới trên 71,4 tỷ đồng.
Để đảm bảo an toàn cho các công trình và đảm bảo an toàn tính mạng người dân khi tham gia giao thông trên địa bàn, nhất là khi đã vào thời gian cao điểm của mùa mưa lũ, cấp ủy, chính quyền huyện chỉ đạo các xã, thị trấn thường xuyên kiểm tra hiện trạng các công trình giao thông, tuyến đường quan trọng. Đặc biệt lưu ý các khu vực nguy hiểm, công trình xung yếu để đưa ra biện pháp xử lý phù hợp, nhất là những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề trong mùa mưa lũ năm 2017 như các xã: Hang Kia, Pà Cò, Noong Luông, Phúc Sạn... Yêu cầu cơ sở và cơ quan được giao quản lý các công trình lập kế hoạch, xây dựng các phương án đảm bảo lưu thông giao thông, kịp thời ứng phó khi có tình huống xảy ra. Đối với những tuyến đường nhỏ trên địa bàn các xóm, thôn, huyện yêu cầu chính quyền và người dân cùng phối hợp theo dõi, chủ động tại chỗ trong việc gia cố, sửa chữa các công trình, kịp thời cảnh báo những điểm có nguy cơ xảy ra sự cố để người dân nắm bắt, tự cảnh giác, bảo đảm tính mạng cho bản thân và gia đình.
Cùng với đó, công tác duy tu, sửa chữa các công trình kịp tiến độ, đảm bảo an toàn giao thông cho người dân trên địa bàn được thực hiện gấp rút, hiệu quả. Với những điểm bị sạt lở đất, đá, ngay sau khi xảy ra sự cố, huyện đã chỉ đạo các lực lượng tiến hành đào, xúc đất, nạo rãnh dọc thoát nước để thông tuyến, đảm bảo việc đi lại của người dân. Đối với các công trình nhỏ, các xã chủ động huy động nguồn lực bổ sung nguyên vật liệu phục vụ cho sửa chữa và huy động người dân cùng góp sức cải tạo các công trình. Với những công trình trọng điểm, nằm ở vị trí xung yếu bị ảnh hưởng nặng nề năm 2017, huyện đã lập dự án đầu tư sửa chữa, nâng cấp, đề xuất với UBND tỉnh và đã được phê duyệt. Đến nay, huyện đã hỗ trợ kinh phí gần 3,4 tỷ đồng cho thi công sửa chữa 10 công trình giao thông quan trọng gồm: tuyến đường ĐH.65 (xã Hang Kia - Pà Cò), kè Nà Phặt (xã Pù Bin), kè Nà Đú (xã Noong Luông), đường nội xóm Diền 2 (xã Tân Dân)…
Đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Mai Châu cho biết: Rút kinh nghiệm từ mùa mưa lũ năm trước, huyện đã chủ động lập kế hoạch, huy động các nguồn lực để tiến hành thi công, cải tạo các công trình sớm nhất có thể nhằm đảm bảo an toàn cho các công trình giao thông cũng như an toàn tính mạng người dân khi tham gia giao thông. Đến nay, cơ bản các công trình đã hoàn thành xong việc sửa chữa và tiếp tục đi vào hoạt động. Để hạn chế thấp nhất thiệt hại và rủi ro trong mùa mưa bão năm nay, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn sát sao theo dõi diễn biến thời tiết, thường xuyên kiểm tra các công trình tại điểm xung yếu để kịp thời xử lý khi có sự cố xảy ra. Đồng thời, kêu gọi các lực lượng, đơn vị cùng phối hợp với chính quyền và người dân theo dõi, cảnh báo điểm nguy hiểm, sẵn sàng ứng cứu, khắc phục tại chỗ khi có sự cố xảy ra, không để xảy ra tình trạng ùn tắc gây khó khăn cho công tác tìm kiếm, cứu nạn.
Thu Hằng