(HBĐT) - Đến với thung lũng Mai Châu chúng ta không những được chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp mà còn được khám phá những nét đặc sắc văn hóa dân tộc Thái. Dân tộc Thái ở Mai Châu chiếm gần 60% dân số của huyện. Ngày nay, trước sự giao thoa của các nền văn hóa khác nhau, người Thái Mai Châu đang bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mình bằng việc giữ gìn nếp nhà sàn, trang phục, chữ viết, tiếng nói…


Từ lâu đời nay người phụ nữ Thái Mai Châu đã nổi tiếng với nghề dệt. Họ là những nghệ nhân tài ba nơi núi rừng. Quan niệm về cái đẹp được người con gái Thái thể hiện trên mỗi tấm thổ cẩm. Nhà nào cũng có một đến hai khung dệt. Các cô gái Thái ngày đêm cần mẫn bên khung cửi, tỉ mỉ, khéo léo dệt những tấm thổ cẩm với nhiều họa tiết hoa văn độc đáo. Khách ở xa vào nhà người Thái sẽ cảm nhận được ngay những sản phẩm dệt trưng bày rực rỡ trong lòng ngôi nhà sàn của họ qua những xấp chăn đệm, gối, áo… Trong các sinh hoạt văn hóa, người Thái thường lấy thổ cẩm làm vật trang trí thể hiện quan niệm thẩm mỹ. Hiện nay, huyện Mai Châu còn khoảng hơn 300 khung cửi. Huyện đã thành lập được các nhóm sản xuất dệt thổ cẩm để phát triển tìm kiếm thị trường ổn định cho nghề dệt của người Thái Mai Châu. Những tấm thổ cẩm được người con gái Thái khéo léo may thành trang phục truyền thống. Người Thái duy trì việc mặc trang phục truyền thống vào các ngày lễ, Tết truyền thống của dân tộc mình. Tại các trường học khuyến khích học sinh mặc trang phục dân tộc Thái đi học đặc biệt là thứ 2 đầu tuần.

Nếp sống văn hóa "mình vì mọi người, mọi người vì mình” đã ăn sâu vào mỗi người Thái. Người Thái phát huy được bản tính phóng khoáng, sôi nổi trong sinh hoạt cộng đồng, nhất là chị em phụ nữ. Múa xòe là sinh hoạt cộng đồng đã ngấm vào máu thịt của mỗi người Thái với đủ các loại xòe như: xòe vòng, xòe trống chiêng, xòe kéng loóng… Truyền thống kể chuyện vui của người Thái ở xã Bao La, tạo ra nét riêng của người Thái Mai Châu.


Dệt thổ cẩm là nghề truyền thống được người Thái Mai Châu giữ gìn theo thời gian.

Dù cuộc sống khó khăn vất vả nhưng người Thái quyết tâm giữ bằng được chữ viết và tiếng nói. Chữ viết người Thái là vốn tri thức vô giá của tổ tiên để lại cho con cháu. Nhờ vào chữ viết, vốn liếng tri thức các đời được ghi chép và trao truyền cho các thế hệ tiếp thu để chăm lo sản xuất, bảo vệ sức khỏe, đặt ra luật lệ quản lý xã hội. Trung bình mỗi năm huyện Mai Châu mở từ 1 - 2 lớp dạy chữ viết và tiếng Thái, mỗi lớp khoảng 30 - 40 học viên. Tiếng Thái và chữ Thái được nhiều người nghiên cứu, học tập để phục vụ công việc.

Với từ 80 - 85% các hộ gia đình người Thái giữ được kiến trúc nhà sàn. Nhà sàn là tài sản của gia đình người Thái, đồng thời là diện mạo văn hóa của người Thái. ông Hà Văn Thiết, bản Pom Cọong, thị trấn Mai Châu chia sẻ: Ngôi nhà của người Thái Mai Châu gần với kiểu dáng của nhà sàn Mường Bi nhưng đã được nâng cao để sàn nhà thoáng hơn, chân cột thanh hơn, cầu thang lên có lan can vịn. Nhà nọ liền kề nhà kia vừa để chống thú dữ, vừa là cách gắn kết các thành viên người Thái trong một cộng đồng chống lại bạo lực từ bên ngoài vào gia đình.

Đồng chí Hà Thị Hòa, Trưởng Phòng VH - TT huyện Mai Châu cho biết: Để bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc Thái, Phòng văn hóa huyện đã tham mưu cho UBND huyện đề án bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc Thái. Huyện Mai Châu gắn với bảo tồn và phát huy văn hóa Thái qua hoạt động du lịch. Mai Châu hình thành được nhiều bản du lịch của người Thái như bản Lác, bản Văn, bản Hịch, bản Pom Coọng…Vấn đề giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Thái được đưa vào quy chế hoạt động của các homestay. Các hộ gia đình làm du lịch homestay phải nghiêm túc thực hiện các quy định như đón tiếp khách phải mặc trang phục dân tộc Thái, homestay phải là nhà sàn, chăn, đệm phải là sản phẩm thổ cẩm. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ phục vụ du khách cũng phải là những làn điệu dân ca, dân vũ của người Thái.

Bản Lác là bản du lịch nổi tiếng của người Thái Mai Châu. Đến với bản Lác, du khách được nghỉ tại những ngôi nhà sàn Thái. Tất cả vẻ đẹp của văn hóa Thái biểu hiện trong ngôi nhà sàn ấy. Du khách sẽ được thưởng thức ẩm thực Thái, gia đình sẽ phục vụ những món ăn Thái như thịt nướng, cá đồ chua, cơm lam, thịt gà măng chua đậm hương vị hạt cây, rau thơm ở rừng. Càng về khuya, không khí ở bản càng đông vui tấp nập. Bản có 8 đội văn nghệ, mỗi đội 15 người chủ yếu là các bà, các cô phục vụ cho nhu cầu hưởng thụ văn hóa của các đoàn khách. Du khách còn được thưởng thức hát đối đáp, biểu diễn khèn bè, sáo và một số điệu múa cổ gắn với các lễ hội lớn của người Thái như múa chá chiêng, múa khăn, múa khèn. Uống rượu cần, múa sạp, xòe vòng là những sinh hoạt tập thể rất vui diễn ra trong lòng nhà sàn Thái. Con trai Thái giỏi khèn, con gái Thái giỏi múa, tiếng khèn gọi bạn, bước chân của cô gái Thái gọi bạn, rượu cần say men lá, chếnh choáng nhà sàn, thổ cẩm, bếp lửa, khung cửi, trống chiêng và nụ cười đôn hậu của người Thái hiếu khách níu giữ chân bạn. Bản Lác đã làm mềm lòng du khách, ai đã lên một lần lại muốn lên nữa. Văn hóa truyền thống Thái từ đó được giữ gìn và phát triển.


Thu Thủy


Các tin khác


Hiệu quả từ trồng lặc lày ở xã Tòng Đậu

(HBĐT) - Những năm gần đây, xã Tòng Đậu, huyện Mai Châu tích cực thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển giao đến nông dân tiến bộ KHKT mới vào sản xuất nhằm tăng năng suất, sản lượng. Một trong những cây trồng được chính quyền và người dân quan tâm đó là cây lặc lày. Lặc lày là cây thân leo, quả nhỏ, ăn mát và bùi. Trước kia, người dân chỉ trồng vài gốc quanh nhà để phục vụ bữa ăn hằng ngày nhưng hiện giờ, lặc lày đã trở thành món ăn quen thuộc được nhiều người ưa thích.

Truyền thông pháp luật và Trợ giúp pháp lý cho nhân dân xã Phúc Sạn và xã Tân Mai (huyện Mai Châu)

(HBĐT) - Trong 2 ngày (22 và 23/8/2018), tại xóm Gò Lào, xã Phúc Sạn và xóm Đoi, xã Tân Mai (huyện Mai Châu), Trung tâm Trợ giúp pháp lý của nhà nước tỉnh Hòa Bình phối hợp với Phòng Tư pháp huyện Mai Châu tổ chức truyền thông pháp luật và Trợ giúp pháp lý cho trên 100 người dân của 2 xóm.

Tập huấn chuyển giao kỹ thuật nuôi cá lồng thương phẩm vùng lòng hồ Sông Đà cho ĐVTN

(HBĐT) - Nhằm triển khai có hiệu quả chương trình hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, giúp ĐVTN tại các xã vùng lòng hồ sông Đà được trang bị kiến thức, kinh nghiệm trong phát triển các mô hình kinh tế. Vừa qua, CLB cán bộ trẻ, đội Tri thức trẻ tình nguyện tỉnh Hòa Bình phối hợp với huyện đoàn Mai Châu tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật nuôi cá lồng vùng lòng hồ cho ĐVTN xã Tân Mai.

Ấm tình quân - dân nơi đất khó Nà Mèo

(HBĐT) - Cũng như nhiều gia đình trong xã, từ khi trời còn mờ sáng, tiếng gà nơi đầu bản vừa dứt, gia đình ông Vì Văn Song ở xóm Nà Mèo, xã Nà Mèo (Mai Châu) đã đến trạm y tế xã. Hôm nay có đoàn y, bác sĩ Bộ CHQS tỉnh đến khám bệnh, tư vấn sức khỏe và cấp thuốc miễn phí cho nhân dân nơi đây.

Noong Luông trồng bắp cải trái vụ

(HBĐT) - Trước đây, bắp cải - cây trồng ưa lạnh thường được trồng ở vụ đông. Tuy nhiên, dựa vào điều kiện khí hậu của từng vùng, loại cây này vẫn có thể trồng ở vụ xuân - hè. Xã Noong Luông là địa bàn đầu tiên được huyện Mai Châu lựa chọn thử nghiệm mô hình trồng bắp cải trái vụ theo hướng an toàn thực phẩm và liên kết tiêu thụ.

Huyện Mai Châu tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ

(BĐT) - Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và cơn bão số 3 xảy ra vào trung tuần tháng 7, địa bàn huyện Mai Châu có mưa to đến rất to trên diện rộng, tổng lượng mưa đo được trên 566 mm. Mưa lũ làm ngập lụt và gây thiệt hại về nhà cửa, tài sản, lúa, hoa màu, đường giao thông và các công trình mang ý nghĩa dân sinh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục