Đồng chí Sùng A Màng, Chủ tịch UBND xã Pà Cò cho biết: "Phong trào thi đua "Dân vận khéo” lan tỏa sâu rộng trong toàn xã. Từ cán bộ, đảng viên đến nhân dân đều tham gia làm dân vận bằng nhiều cách. Nhờ sự đồng thuận đó đã tạo cho Pà Cò bộ mặt nông thôn mới, giúp nhân dân ổn định cuộc sống, an ninh trật tự được giữ vững”.
Thông qua tuyên truyền, vận động, dòng họ Sùng ở xã Pà Cò (Mai Châu) hiến 3.000 m2 đất xây dựng trường mầm non xã, đáp ứng nhu cầu giảng dạy, học tập cho giáo viên, học sinh nhà trường.
Hiệu quả công tác "Dân vận khéo” đem lại cho xã được thấy rõ qua chương trình xây dựng nông thôn mới. Tuy còn nhiều khó khăn nhưng xã đã hoàn thành 10/19 tiêu chí với sự tham gia tích cực của nhân dân trong hiến đất, đóng góp ngày công lao động, tiền mặt. 9 tháng năm nay, xã huy động nguồn lực trên 326 triệu đồng, trong đó, nhân dân đóng góp hơn 46 triệu đồng xây dựng công trình sân vận động xóm Pà Háng Lớn. Các dòng họ trong xã cũng tích cực tham gia vào chương trình này, tiêu biểu có dòng họ Sùng đã hiến 600 m2 đất làm đường giao thông nông thôn ở xóm Pà Háng Lớn và xóm Chà Đáy; 3.000 m2 đất xây dựng trường mầm non xã. Trong đó, với vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên, đồng chí Chủ tịch UBND xã Sùng A Màng đã hiến 2.000 m2 đất xây dựng trường. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, 100% người dân tham gia BHYT; tỷ lệ phổ cập giáo dục và số hộ sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%; tỷ lệ hộ gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm đạt 100%...
Đặc biệt, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm. Trước đây, việc tổ chức tang lễ cho người mất ở 8 dòng họ trong xã đều theo phong tục, tập quán cũ, có khi mổ trâu, bò, lợn, ăn uống kéo dài tới 3 - 4 ngày. Tuy nhiên, việc tang lễ kéo dài và nghi thức mai táng người mất theo tục lệ cũ là không đưa vào quan tài đến nay không còn phù hợp. Do đó, chính quyền địa phương đã khéo vận động nhân dân từ bỏ tập tục lạc hậu để thực hiện nếp sống văn minh. Đã có 5/8 dòng họ đổi mới cách tổ chức tang lễ theo hình thức đưa người mất vào quan tài và chỉ kéo dài trong 24 giờ. Ngoài ra, nghi thức nổ súng trong tang lễ để tiễn đưa người đã khuất cũng được từ bỏ để đảm bảo an toàn.
Trong công tác thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, từ năm 2011 đến nay, xã đã vận động nhân dân tự nguyện giao nộp 260 khẩu súng tự chế các loại, trong đó, có 2 khẩu AK. Việc giữ súng trong nhà đã hình thành từ lâu trong đời sống của người dân tộc Mông, không chỉ để săn bắn, súng còn dùng trong việc cưới, việc tang của gia đình. Việc người dân tự nguyện giao nộp vũ khí hàng năm cho thấy sự sáng tạo, khéo léo trong cách vận động nhân dân của chính quyền địa phương và sự phối hợp chặt chẽ với các dòng họ trong xã.
Pà Cò được biết đến là địa bàn trọng điểm về ma túy, giai đoạn 2011-2015, xã có 58 đối tượng tàng trữ, mua bán và sử dụng trái phép chất ma túy. Trước thực tế đó, cấp ủy, chính quyền địa phương phối hợp với các ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại của ma túy, vận động, giáo dục pháp luật nâng cao kiến thức cho nhân dân. Thành lập CLB "Quản lý, giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và mắc các tệ nạn xã hội” của Hội LHPN xã nhằm tăng cường quản lý con em trong gia đình không vi phạm pháp luật, đặc biệt là việc mua bán, tàng trữ và sử dụng trái phép chất ma túy. Nhờ đó, từ năm 2016 đến nay, xã giảm đối tượng vi phạm xuống 34 người và tiếp tục vận động các dòng họ khuyên giải, nhắc nhở gia đình có người vi phạm từ bỏ ma túy.
Thanh Sơn