Khách du lịch thưởng thức ẩm thực Mai Châu. Ảnh chụp tại bản Hịch, xã Mai Hịch.
Thời gian qua, huyện Mai Châu có nhiều giải pháp thu hút khách du lịch. Đồng chí Hà Thị Hòa, Trưởng phòng VH - TT huyện cho biết: Với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và nhân dân, du lịch Mai Châu đã khẳng định được vị trí trên bản đồ du lịch Việt Nam. Tháng 10/2016, huyện Mai Châu được UBND tỉnh phê duyệt quyết định quy hoạch phát triển là điểm du lịch quốc gia đến năm 2030. UBND huyện ban hành Quy chế quản lý du lịch gồm 4 chương, 27 điều; tăng cường công tác quản lý và tuyên truyền, quảng bá du lịch. Huyện mở nhiều lớp tập huấn, đào tạo nguồn nhân lực du lịch. Bên cạnh đó, huyện đặc biệt quan tâm đầu tư phát triển du lịch cộng đồng. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2015 - 2020 xác định rõ: "Tiếp tục phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới”. Hiện nay, huyện đã có 13 xóm, bản làm du lịch cộng đồng với 103 nhà nghỉ cộng đồng.
Tại Mai Châu, mỗi mùa có một nét đẹp riêng. Tháng 3 hoa ban nở trắng đồi. Tháng 5, tháng 6 lúa chín nhuộm vàng. Tháng 12 hoa đào, hoa mận bung nở, đón chào mùa xuân. Du khách thăm quan, khám phá Mai Châu sẽ cùng ăn, ở, cùng làm với người dân. Du lịch cộng đồng Mai Châu hướng tới sự hòa hợp giữa người dân bản địa và khách du lịch. Các chủ homestay tổ chức cho khách trải nghiệm các hoạt động như cùng thu hoạch lúa, hái mận, hái đào… Khách du lịch được vào bếp tự tay chế biến món ăn truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc người Mai Châu. Khi màn đêm buông xuống, chủ nhà và du khách cùngngủ trong ngôi nhà sàn của người Thái, nhà gỗ của người Mông. Từ đó, khách du lịch hiểu và cảm nhận được văn hóa đặc sắc của từng dân tộc ở huyện Mai Châu.
Bên cạnh đó, du lịch Mai Châu không gò bó trong không gian hẹp một xã, một bản mà hướng mở liên kết giữa các xã, các bản với nhau. Khách có thể thuê xe đạp để trải nghiệm Mai Châu. Từ thị trấn, du khách có thể đạp xe đến xã Chiềng Châu, ghé thăm bản Lác. Cách đó không xa là bản Văn, vượt qua con đường quanh co, uốn lượn đến với bản Hịch, bản Bước. Các bản đều na ná nhau bởi không gian sống và phong tục tập quán. Những ngôi nhà sàn của người Thái liền kề nhau, dưới gầm sàn là các mẹ, các chị miệt mài bên khung cửi dệt vải. Ngoài ra, còn nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách khám phá như: vẻ đẹp hùng vĩ của thác Gò Lào, thơ mộng của hồ Ba Khan, huyền bí của hang Mỏ Luông và hang Chiều. Đi xa hơn, du khách có thể khám phá phong tục tập quán của đồng bào Mông 2 xã Hang Kia, Pà Cò.
Chị Bùi Thị Hương, đến từ Cầu Giấy (Hà Nội) chia sẻ: Năm nào tôi cũng đến du lịch Mai Châu vào dịp hè và đầu xuân. Đến Mai Châu tôi cảm thấy tâm hồn thư thái. Cách đây 2 năm, tôi thường nghỉ tại bản Lác, bản Hịch. Năm nay, trở lại Mai Châu tôi lên Pà Cò khám phá cảnh sắc thiên nhiên, phong tục tập quán người Mông. Được trải nghiệm cuộc sống của người dân, thăm quan, khám phá những phong tục tập quán của địa phương giúp tôi hiểu hơn về con người và mảnh đất Mai Châu hiền hòa, thân thiện, mến khách.
Với sức hấp dẫn riêng, du lịch Mai Châu trở thành ngành kinh tế quan trọng, góp phần thay đổi diện mạo thung lũng Mai Châu. Năm 2018, huyện đã đón 332.000 lượt khách (tăng 7.464 lượt khách so với năm 2017), trong đó có 132.500 lượt khách quốc tế, 199.500 lượt khách nội địa. Tổng doanh thu từ du lịch đạt 107,6 tỷ đồng (tăng 18 tỷ đồng so với năm 2017).
Thu Thủy