Khu du lịch Hideaway thuộc xã Tân Mai (Mai Châu) là điểm đến lý tưởng của du khách nước ngoài.
Biết vậy chứ nào đâu dám nghĩ là mình sẽ có lúc được đi trên những con đường quê mềm lòng theo thơ nhạc ấy. Trong "Tây Tiến” của Quang Dũng có nhiều nơi mãi mãi "Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống” như Sài Khao, Mường Lát, Pha Luông... mà hôm nay đọc lại vẫn như còn nghe tiếng "cọp trêu người”. Nhưng cũng có những nơi đường không còn xa, cảnh không còn lạ, 60 năm căng tràn mời gọi mới. "Mai Châu mùa em thơm nếp xôi” không chỉ là câu thơ đẹp, mà còn là sự trở về.
Có những chuyến đi phải chuẩn bị thật lâu, phải qua bao nhiêu lần "kế hoạch”, nhưng cũng có những chuyến đi thật nhẹ, thật "bất ngờ” nhưng để lại biết bao thương nhớ. Sự khác biệt của những lần đi, đến ấy không chỉ là danh lam thắng cảnh hay chốn phồn hoa đô hội, mà có khi chỉ là con suối nhỏ thật hiền khép mình bên chân núi hay chút nắng chiều thật nhẹ trên cánh đồng rạ nếp.
Mai Châu đang ở trước mắt tôi hiền hòa như câu thơ ngày ấy. Có chút bồn chồn sợ chiều buông nhanh không cho mình đi khắp, có chút phân vân khi quá nhiều người phương xa xuôi ngược như giành hết những góc đẹp vào thơ. Những khung dệt mỏi mòn đang kiên nhẫn làm những vuông thổ cẩm hoa văn sắc màu rực rỡ, ánh chiếu mấy trăm năm làm đẹp những cô gái Thái, Mường níu chân du khách.
Xa xa tầm mắt là từng chân ruộng đã xong bao tảo tần, để giờ trơ gốc nằm nhớ mùa em thơm nếp xôi. Những nhà sàn bên đồi cây xanh như thầm thì với ta về sự bình yên, những hàng tre mát rượi che chở cho con suối nhỏ ngân mãi khúc đằm thắm thật thà. Trên bãi cỏ xanh, người đàn ông tỉ mẫn ngồi cắt từng chút cỏ. "Chú cắt cỏ để làm gì?”, "Cho bò ăn”, "Sao không dắt bò ra cho nó gặm?”, "Thả bò, bản phạt đấy”. Ừ thôi nhé, chút thong dong bờ bụi, bò cũng tạm chịu đựng cho công cuộc du lịch bản làng phát triển nhưng chợt nhận ra rằng, biết đâu tiếng nghé ọ, hay những bước tung tăng của chú bê non theo mẹ lại là những thứ du khách đang cần.
Mai Châu giờ chia ba vùng rõ rệt: thị trấn với nhà hàng, khách sạn chẳng thua gì phố hội; vùng bản làng "lên đời”: cũng nhiều nhà sàn, khu lưu giữ văn hóa dân tộc và mỗi nhà như bung ra hết cỡ cho việc kinh doanh những vật dụng lật tung trí tò mò: những cung, nỏ nửa như đồ chơi, nửa có chút thôi thúc nhắc thời săn bắn, phát đốt, chặt tỉa, những gùi, thổ cẩm, những bộ chiêng to, nhỏ sắp thành hàng, nhiều nhất là những homestay và vùng tôi thích nhất những cánh đồng, vườn cây ăn trái, những mái nhà sàn như trôi trong nắng hoàng hôn…
Đường về Mai Châu giữa bồng bềnh mây trắng, đá trắng, Thung Khe như bàn tay ấm, với biết bao lửa cho chín những ống nứa cơm lam. Ngồi bên chiếc bàn nhỏ, dưới chân bếp lửa hồng khói trắng, cầm lóng cơm lam, nhẹ tay tước từng mảnh nứa, để lộ ra đoạn cơm nếp mà chung quanh được bao bằng một lớp lụa trắng của ruột nứa tinh khôi, tôi bẻ từng chút cơm pha gạo nếp ấy chấm vào đĩa muối vừng. Tôi nhai thật chậm để cho mình niềm vui như tiếng reo ca mây trắng Thung Khe đang ngấm vào cơ thể… Qua Thung Khe, đường uốn lượn đẹp nao lòng, nắng về rực rỡ, ghé một điểm dừng ven đường, nơi có vị trí tốt nhất để du khách ngắm nhìn toàn cảnh Mai Châu từ trên cao. Rất nhiều khách Tây trầm trồ chụp ảnh. Rất ít lời, họ nhìn rất lâu núi đồi và những con đường, chân ruộng, những mái nhà sàn hiền hòa rất gần và cũng rất xa dưới kia...
Chiều Mai Châu lắng lại trong tôi từng nụ cười em bé thân thiện, từng con đường quê mà thuở nào người lính đã qua. Nơi đây đã góp cho Tây Tiến lời ân cần khao khát cuộc sống thanh bình và Quang Dũng đã nạm vào thơ một địa danh đẹp, lãng mạn mà ít bản làng nào có được. Tôi về lại thị thành mà trong lòng ngân mãi "Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi”.
T.T.T.T (Báo Đà Nẵng)