(HBĐT) - Hàng năm, vào mùa mưa bão, trên địa bàn huyện Mai Châu lại gánh chịu những hậu quả nặng nề. Nhiều ngôi nhà bị sập, tốc mái, hàng trăm ha hoa màu bị ảnh hưởng, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Để giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ xảy ra, các cấp, ngành, địa phương đã chủ động tăng cường công tác phòng tránh.
Năm 2018, địa bàn huyện chịu ảnh hưởng của 2 cơn bão (số 3, số 4) và 2 đợt áp thấp, 1 rãnh áp thấp gây mưa to đến rất to kéo dài trên diện rộng. Mưa to kéo dài đã gây ra lũ lớn, làm ngập lụt, sạt lở đất, đá ở nhiều công trình giao thông, thủy lợi, khu dân cư sinh sống dọc theo ven suối, sườn đồi. Mưa lũ gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân. Cụ thể, sau đợt mưa lũ có 1 người chết, 1 người bị thương, 293 nhà bị ngập úng, 140 nhà bị ảnh hưởng do sạt lở đất, di dời khẩn cấp 48 nhà. Có 66,51 ha lúa bị ngập úng, vùi lấp; 40,4 ha màu bị ngập hoặc cuốn trôi; trên 700 con gia súc và gia cầm bị lũ cuốn; 7,5 ha nuôi cá ao, hồ bị ngập. Nhiều kênh, bai dâng bị hư hỏng nặng, các tuyến đường tỉnh, huyện và xã bị sạt lở 285 điểm, khối lượng sạt lở khoảng 183.000 m3; 23 cột điện hạ thế bị đổ, gãy, đường dây bị đứt khoảng 800 m. Tổng thiệt hại ước tính trên 182 tỷ đồng.
Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện, diễn biến thời tiết năm nay được cảnh báo có nhiều biến đổi phức tạp, các trận giông lốc, mưa đá có thể xảy ra nhiều hơn. Đồng nghĩa với việc có thể xảy ra những tình huống thiên tai khó lường. Đặc biệt là ở khu vực gần đồi núi, các suối có độ dốc lớn rất dễ xảy ra lũ quét và sạt lở đất.
Để bảo đảm an toàn về tính mạng, tài sản của nhân dân, trong mùa mưa lũ năm nay, huyện chủ động xây dựng các phương án PCTT&TKCN; kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện và các xã, thị trấn. Các phòng chuyên môn, thành viên Ban Chỉ huy được giao nhiệm vụ kiểm tra, đánh giá chính xác các công trình phòng, chống lũ bão. Xây dựng phương án bố trí lực lượng, kinh phí cụ thể, sát thực tế, đảm bảo phương tiện, lực lượng, vật tư sẵn sàng đối phó với mùa mưa bão năm nay. Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện tăng cường công tác chỉ đạo các xã, thị trấn, cơ quan liên quan theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo của cơ quan chuyên môn, diễn biến tình hình thời tiết, thông tin kịp thời đến người dân để chủ động phòng tránh.
Đồng thời, phối hợp cùng các đơn vị xây dựng phương án bảo vệ các hồ, đập, kè, chuẩn bị vật tư nông nghiệp, kịp thời đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống người dân. Tổ chức rà soát, kiểm tra, tổng hợp số liệu các hộ dân đang sinh sống tại các khu vực xung yếu, đặc biệt là những vùng có nguy cơ xảy ra nứt đồi, sạt lở đất như khu vực các xã: Phúc Sạn, Đồng Bảng, Tân Mai, Tân Dân để lập kế hoạch di dời người dân tới nơi an toàn.
Đồng chí Phạm Văn Tuyến, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Mai Châu cho biết: "Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra và kịp thời khắc phục hậu quả sau lũ bão, huyện đã xây dựng lịch trực PCTT&TKCN. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến để người dân tự giác tham gia phòng, chống thiên tai, chủ động huy động lực lượng khắc phục hậu quả thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ”. Bên cạnh đó, Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện dự trù kinh phí trang bị một số loại vật tư thiết yếu cần thiết gồm: 500 chiếc rọ thép B40, 1.500 chiếc áo phao, 20 nhà bạt, 2.000 bao tải dứa và 300 m3 đá hộc để sử dụng khi có sự cố xảy ra. Xe con, xe tải của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện cùng hệ thống máy bơm, máy phát điện, phao cứu sinh cũng sẵn sàng để phục vụ cho công tác PCTT&TKCN.
Năm nay, nơi trực của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tiếp tục được đặt tại Phòng NN&PTNT huyện, đảm bảo trực ban 24/24h (kể cả ngày lễ và ngày nghỉ), theo dõi thường xuyên diễn biến thời tiết để nắm bắt tình hình và chỉ đạo thực hiện, kịp thời ứng phó với mọi diễn biến của thời tiết.
Thu Hằng