(HBĐT) - Đồng bào người Mông ở 2 xã Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu) còn gìn giữ được nhiều nét đẹp văn hóa qua trang phục, lời ăn tiếng nói, phong tục tập quán và các nghề thủ công truyền thống... Trong số đó, nghề dệt vải lanh, vẽ sáp ong, làm giấy dó sau một thời gian mai một đang được bảo tồn và phát huy. Đông đảo du khách khi đến đây đều muốn tìm hiểu, trải nghiệm nghệ thuật làm nghề độc đáo này.


Phụ nữ người Mông bản Chà Đáy, xã Pà Cò (Mai Châu) thực hiện công đoạn làm giấy dó.

Bằng đôi bàn tay cần mẫn và khéo léo, bà Mùa Y Mái ở xóm Chà Đáy, xã Pà Cò dát đều chỗ bột giang đã tan trong nước lên khung vải xô màn trước khi đem hong nắng. Đây là công đoạn gần như sau cùng và để đến được công đoạn này, người phụ nữ Mông tốn không ít thời gian. Bà Mái cho hay: Để làm ra loại giấy dó từ nguyên liệu cây giang, trước tiên phải tìm những đoạn giang non, gọt hết phần vỏ cứng, sau đó trộn với tro bếp cho vào chảo gang nấu. Thời gian nấu giang mất tới 3 ngày, 2 đêm. Kỳ công hơn là sau đó chúng được cho vào bao tải, ngâm vào nước chừng 10 ngày rồi vớt ra, rửa hết tro và đập cho nát nhuyễn thành bột. Bột giấy tiếp đó được hoà vào nước sạch, đảo đi, đảo lại cho đến khi bột tan hết. Lúc bấy giờ, chị em chuẩn bị khuôn làm giấy được căng bằng lớp vải xô, dùng muôi lớn múc dung dịch bột giấy nước tán đều lên tấm vải. Giấy dó thành phẩm sau khi hong khô bằng nắng và gió sẽ được bóc và gấp lại để sử dụng vào việc trọng của gia đình.

Bên cạnh nghề làm giấy dó, nghề dệt vải lanh, vẽ sáp ong của phụ nữ người Mông cũng giống như một nghệ thuật. Theo lời kể của chị Sùng Y Múa ở xóm Hang Kia, xã Hang Kia, chị học làm nghề vẽ sáp ong qua truyền dạy của mẹ, của bà. Trước khi vẽ hoa văn phải lấy sáp ong đun nóng để sáp chảy ra. Lưu ý giữ đều lửa khi đun để sáp không bị khô, vì thế khi vẽ, người vẽ luôn ngồi cạnh bếp, chấm bút vào chảo sáp đang nóng, đưa tay kẻ những đường thẳng trên vải. Quy trình vẽ sáp ong trên vải tưởng chừng đơn giản nhưng thực ra tốn rất nhiều công sức, thời gian. Trước tiên phải làm lanh, dệt vải. Một chiếc váy Mông được làm từ 6 -7 m vải lanh. Để làm ra một tấm vải lanh phải trải qua tới 32 công đoạn. Lanh được cắt từ rừng về phơi khô, giã cho mềm rồi mới nối. Trước khi dệt vải, sợi lanh được đem ngâm tro bếp trắng, tro càng trắng bao nhiêu đem ngâm vải lanh càng trắng bấy nhiêu. Lúc đó mới bắt đầu dệt vải. Để miếng vải có được màu trắng tinh giúp chàm bám chắc hơn khi nhuộm, chị em giặt, phơi cẩn thận và mang đi lu cho mặt vải bóng mịn. Sang đến công đoạn vẽ sáp ong trên vải, người vẽ đặt vải lên một tấm ván bằng phẳng và nhẵn, một đầu để phần đã vẽ xong, một đầu cuộn vải để tiếp tục vẽ, vẽ đến đâu quấn đến đấy để không bị bẩn. Vẽ xong hoa văn thì bỏ vải vào nồi nước đun sôi, đảo đều tay sao cho lớp sáp bong hết, để lại những nét hoa văn đẹp trên nền vải. Sau khi luộc, vải được mang đi nhuộm chàm, phơi nắng. Hết công đoạn này sẽ có được tấm vải lanh thành phẩm với những nét hoa văn từ sáp ong bền màu.

Với bà con người Mông Hang Kia, Pà Cò, sản phẩm giấy dó luôn gắn với đời sống tâm linh. Theo đồng chí Sùng A Màng, Chủ tịch UBND xã Pà Cò, giấy dó được dùng trong các ngày lễ, Tết, thờ cúng. Vào dịp đó, những mảnh giấy được cắt nhỏ dán vào các góc nhà, cột nhà, những vật dụng trong sinh hoạt, có ý nghĩa như niêm phong, kết thúc năm cũ và chào đón năm mới với những điều may mắn, tốt đẹp, an lành cho mọi người trong gia đình. Điều đặc biệt là giấy được dùng để treo lên tường giữa nhà có gắn ít lông gà trống, treo bàn thờ thờ cúng tổ tiên. Mỗi năm, người Mông thay lại giấy mới vào dịp Tết thể hiện lòng báo hiếu của con cháu với tổ tiên, dòng họ, cầu mong con cháu có cuộc sống hạnh phúc, ấm no, thành đạt. Còn nghề dệt lanh, vẽ sáp ong lên vải là công việc theo phụ nữ người Mông từ nhỏ. Họ ý thức rằng việc làm lanh dệt vải, vẽ sáp ong không chỉ để làm đẹp, thể hiện sự khéo léo, tài hoa mà còn là trách nhiệm, bổn phận của mình.

Cảnh sắc thiên nhiên kỳ thú, bản sắc văn hóa truyền thống, bản làng người Mông Hang Kia, Pà Cò đã tạo ra sức hút du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước khi đến Mai Châu trong những năm gần đây. Ý thức được tiềm năng, thế mạnh đó, đồng bào người Mông đã và đang chú trọng gìn giữ, bảo tồn những giá trị đó của dân tộc mình, trở thành điểm nhấn du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng. Các nghề, làng nghề truyền thống được bảo tồn và phát triển gắn với phát triển du lịch, trong đó có 1 làng nghề dệt thổ cẩm xóm Pà Cò Con - xã Pà Cò được cấp bằng công nhận từ năm 2017. Trong các tour, tuyến du lịch đến với Pà Cò, Hang Kia, việc đưa du khách đi thăm các làng nghề, hộ làm nghề, tự tay làm giấy dó, vẽ sáp ong lên vải là cách giúp họ tìm hiểu, thâm nhập, trải nghiệm nhiều hơn nét đẹp văn hóa, cuộc sống, sinh hoạt của người dân bản xứ.

 
Bùi Minh

Các tin khác


Huyện Mai Châu gỡ khó trong việc trưởng thôn chưa là đảng viên

(HBĐT) -Trưởng thôn có vai trò đặc biệt quan trọng. Họ vừa đại diện cho nhân dân, vừa đại diện cho chính quyền xã đứng ra tổ chức, quản lý mọi mặt hoạt động trong khu dân cư mình phụ trách. Năng lực và hiệu quả hoạt động của trưởng thôn sẽ tác động trực tiếp đến kết quả thực hiện mục tiêu phát triển KT-XH, đảm bảo ANTT… trên địa bàn. Tuy nhiên, hiện nay, một số trưởng thôn chưa là đảng viên nên đã gặp khó khăn trong việc tiếp thu, triển khai thực hiện chủ trương, nghị quyết của cấp trên tại địa bàn dân cư. Do đó, thời gian gần đây, các cấp ủy Đảng ở huyện Mai Châu chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ trưởng thôn, nhất là trong việc kết nạp đội ngũ này vào Đảng.

Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Ngô nếp Thung Khe - Mai Châu”

(HBĐT) - Đó là mục tiêu đặt ra đối với sản phẩm đặc sản ngô nếp Thung Khe ở giai đoạn 2019 - 2020. Theo đó, huyện Mai Châu sẽ tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận "Ngô nếp Thung Khe – Mai Châu” nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, phát triển thương hiệu, mở rộng diện tích trồng, góp phần giảm nghèo, tăng thu nhập cho bà con địa phương.

Trường THPT Mai Châu tổ chức cuộc thi học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

(HBĐT) - Vừa qua, trường THPT Mai Châu (Mai Châu) tổ chức cuộc thi "Đoàn viên, thanh niên trường THPT Mai Châu học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, góp phần đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngày càng hiệu quả trong đoàn viên, thanh niên và học sinh.

LOTTE Mart ký thỏa thuận hỗ trợ 1,4 tỷ đồng cùng Good Neighbors Việt Nam cải thiện nguồn nước sạch tại huyện Mai Châu

(HBĐT) - LOTTE Mart, tổ chức phi chính phủ nhân đạo và phát triển quốc tế Good Neighbors (GNI) vừa tổ chức chương trình ký kết thỏa thuận hợp tác dự án cải thiện nước sạch vệ sinh tại huyện Mai Châu.

Người dân xã Tân Sơn thay đổi nếp nghĩ, cách làm

(HBĐT) - Năm 2019, xã Tân Sơn (Mai Châu) vừa tròn 20 năm thành lập (năm 1999 xã được chia tách từ xã Bao La). Dẫu còn nhiều trở ngại khi cơ sở hạ tầng thiếu thốn, chưa đồng bộ; đời sống người dân vẫn khó khăn nhưng cái được lớn nhất sau những nỗ lực lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền xã trong phát triển KT-XH, chăm lo đời sống người dân chính là sự thay đổi trong nếp nghĩ, cách làm của bà con khi từng bước tiếp cận với kinh tế thị trường, sản xuất biết đầu tư và áp dụng tiến bộ kỹ thuật.

Huyện Mai Châu đa dạng các hoạt động hướng nghiệp cho học sinh

(HBĐT) - Hiện nay, toàn huyện Mai Châu có 4.010 học sinh trường THCS và THPT. Nhằm thực hiện chỉ đạo của Sở GD&ĐT về việc đẩy mạnh tổ chức các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp cho học sinh, thời gian qua, huyện đã phối hợp với các đơn vị tổ chức hiệu quả các hoạt động hướng nghiệp cho học sinh, nhất là học sinh cuối bậc học.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục