Thành viên HTX Dệt thổ cẩm và dịch vụ Du lịch bản Lác Mai Châu, xã Chiềng Châu tỉ mỉ tạo ra những sản phẩm thổ cẩm phục vụ nhu cầu của người dân và khách du lịch.
Năm 2019, Mai Châu là huyện duy nhất của tỉnh có sản phẩm dịch vụ du lịch đạt tiêu chuẩn OCOP. Toàn huyện có 3 sản phẩm được gắn sao OCOP, gồm: 2 sản phẩm 4 sao là sản phẩm thổ cẩm dệt tay của HTX Dệt thổ cẩm và dịch vụ du lịch bản Lác Mai Châu, xã Chiềng Châu và du lịch homestay bản Lác, chủ thể HTX Dịch vụ nông lâm nghiệp và dịch vụ du lịch xóm Lác, xã Chiềng Châu; sản phẩm rượu Láu Siêu của hộ kinh doanh Vì Thị Tồn, xóm Chiềng Hạ, xã Mai Hạ đạt 3 sao.
Cấp ủy, chính quyền huyện Mai Châu xác định Chương trình OCOP là giải pháp quan trọng thúc đẩy phát triển sản xuất, xây dựng NTM, tạo động lực phát triển KT-XH. Để thực hiện hiệu quả chương trình, huyện tập trung tuyên truyền để người dân hiểu được mục đích, ý nghĩa của Chương trình OCOP. Từ đó, tạo động lực cho người sản xuất mạnh dạn đầu tư, phát triển sản phẩm lợi thế của từng xã. Huyện chủ trương lựa chọn những sản phẩm truyền thống để tham gia Chương trình OCOP. Năm 2020, huyện đăng ký 3 sản phẩm truyền thống, tiềm năng tham gia Chương trình OCOP cấp tỉnh, gồm: Dệt thổ cẩm truyền thống xã Chiềng Châu, chủ thể hộ kinh doanh Mạc Văn Phang, xóm Chiềng Châu, xã Chiềng Châu; khoai sọ xã Sơn Thủy; tỏi tía xã Thành Sơn.
Đồng chí Khà Văn Diện, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết: Các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP đều là những sản phẩm tiềm năng, đã mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho địa phương. Đạt tiêu chuẩn OCOP là cơ hội để sản phẩm phát triển thương hiệu, mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị sản phẩm gắn với phát triển du lịch, xây dựng NTM trên địa bàn. Hiện nay, Mai Châu là điểm du lịch nổi tiếng, đây cũng chính là cơ hội lớn để sản phẩm OCOP phát triển thương hiệu, trở thành quà tặng cho khách du lịch trong và ngoài nước. Thời gian qua, huyện luôn quan tâm gìn giữ, phát triển thương hiệu của các sản phẩm truyền thống như dệt thổ cẩm, rượu Láu Siêu. Hàng năm, cơ sở sản xuất rượu của hộ bà Vì Thị Tồn (xã Mai Hạ), HTX Dệt thổ cẩm và dịch vụ du lịch bản Lác Mai Châu (xã Chiềng Châu) đón nhiều đoàn khách du lịch đến thăm quan, mua sản phẩm. Đặc biệt, khách du lịch rất thích trải nghiệm tự tay tham gia nấu rượu, dệt thổ cẩm.
Đồng chí Bùi Văn Đông, Chủ tịch UBND xã Sơn Thủy cho biết: Hiện tại, diện tích trồng khoai sọ của xã Sơn Thủy khoảng 15 ha, năng suất đạt 68 tạ/ha, giá bán đạt từ 15.000 - 20.000 đồng/kg. Năm nay, xã nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng diện tích trồng, thực hiện làm tem truy xuất nguồn gốc, bao bì, nhãn mác để khoai sọ đủ điều kiện trở thành sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền xã tích cực giới thiệu sản phẩm khoai sọ tới khách du lịch thông qua các món ăn chế biến từ khoai. Tăng cường kết nối giữa nông dân và các homestay, khu nghỉ dưỡng làng Ba Khan, để xây dựng các tour đưa khách đi trải nghiệm trồng, thu hoạch, chế biến món ăn từ khoai sọ...
Thời gian tới, Mai Châu đẩy mạnh thực hiện xây dựng nhiều tuyến du lịch cộng đồng kết nối với các vùng sản xuất nông nghiệp. Tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực, liên kết các Tour với hoạt động trải nghiệm làm nông nghiệp, thủ công. Vì vậy, những sản phẩm của huyện đạt tiêu chuẩn OCOP sẽ giúp nâng tầm sản phẩm, quảng bá hình ảnh du lịch các địa phương, góp phần tăng thu nhập cho người dân, hướng tới phát triển du lịch và phát triển nông thôn bền vững.
Thu Thủy