Cán bộ Dân số - KHHGĐ xã Pà Cò (Mai Châu) tới từng gia đình tuyên truyền về hệ lụy của tảo hôn cho trẻ vị thành niên.
Đồng chí Hà Thị Dậu, Trưởng Phòng Dân số - KHHGĐ (Trung tâm Y tế huyện) cho biết: Trước thực trạng và những hệ lụy nghiêm trọng của nạn tảo hôn, BTV Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết số 03, ngày 19/4/2016 về phòng, chống tảo hôn trên địa bàn huyện giai đoạn 2016 - 2020, trong đó, giao nhiệm vụ cho từng ngành, hội, đoàn thể cùng chung tay giải quyết vấn nạn tảo hôn. Trên cơ sở Nghị quyết số 03, các xã, thị trấn tùy vào thực tiễn địa phương đã cụ thể hóa bằng nghị quyết chuyên đề về phòng, chống tảo hôn. Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo công tác Dân số - KHHGĐ huyện tăng cường tuyên truyền, vận động người dân nghiêm túc thực hiện các chính sách dân số trong tình hình mới. Trung tâm Y tế huyện phân công Phòng Dân số - KHHGĐ phối hợp với Phòng Tư pháp huyện tới từng thôn, bản tuyên truyền về tảo hôn bằng hình thức phong phú, đa dạng như thông qua tranh, ảnh minh họa, loa đài, phóng sự truyền hình... Vận động già làng, trưởng bản tuyên truyền người dân nghiêm túc thực hiện chính sách dân số; phối hợp với các trường học tuyên truyền về Luật Hôn nhân và gia đình…
Hiện nay, trên địa bàn huyện, tình trạng tảo hôn còn tồn tại ở xã Hang Kia và Pà Cò. Trong quý I, xã Pà Cò có 4 cặp vợ chồng tảo hôn, giảm một nửa so với cùng kỳ năm ngoái. Xã Hang Kia có 12 cặp, giảm 2 cặp so với cùng kỳ.
Hang Kia và Pà Cò là 2 xã người Mông sinh sống. Người Mông có tư tưởng muốn con em lập gia đình sớm, sinh đông con để có nhân lực phục vụ lao động sản xuất. Một số gia đình đưa ra những lý do không thể hoãn cưới để trốn tránh chính quyền. Ngoài ra, trước sự phát triển của internet tạo cơ hội cho thanh niên làm quen trên zalo, facebook, dẫn đến một số trường hợp tảo hôn ngoài ý muốn.
Từ xa xưa, với tục bắt vợ của người Mông, khi hoa đào, hoa mận bung nở báo hiệu mùa xuân đến, cũng là lúc những cô gái 13 - 14 tuổi về nhà chồng. Ở độ tuổi đẹp nhất, ngây thơ nhất nhưng các em đã phải lo toan việc nương rẫy, chăm chồng, chăm con. Ngày 25/3, S.Y.T (SN 1/1/2008) kết hôn với T.A.N (SN 13/3/2006) ở xóm Xà Lĩnh 1, xã Pà Cò. S.Y.T chia sẻ: Em và anh T.A.N mặc dù vẫn còn đi học, nhưng chúng em đã tìm hiểu và hai đứa thấy ưng nhau nên quyết định lấy nhau. Vào ngày Tết cổ truyền của người Mông, chồng em đã tiến hành nghi thức bắt em về làm vợ. Sau đó, chúng em được bố mẹ tổ chức đám cưới cho chúng em.
Đồng chí Khà A Váu, Chủ tịch UBND xã Hang Kia cho biết: Tảo hôn là vấn đề nhức nhối mà thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã Hang Kia tập trung giải quyết. Thực hiện Nghị quyết số 03 của Huyện ủy Mai Châu, xã cụ thể hoá bằng nghị quyết chuyên đề về phòng, chống tệ nạn tảo hôn. Đảng ủy xã nghiêm túc thi hành kỷ luật đối với những đảng viên có con tảo hôn. UBND xã xử phạt hành chính những trường hợp tảo hôn. Bên cạnh đó, tại tất cả các xóm, thậm chí ở các dòng họ xây dựng được quy ước, hương ước về phòng, chống tảo hôn. Đội ngũ cộng tác viên dân số thường xuyên rà soát, thống kê tại địa bàn phụ trách số lượng, thông tin liên quan đến trẻ ở độ tuổi vị thành niên, để tổ chức tới từng gia đình tuyên truyền, vận động các em và gia đình không tảo hôn. Ngoài ra, chúng tôi còn phối hợp với trường học tổ chức ngoại khóa tuyên truyền về tảo hôn… Tuy vậy, kết quả chưa đạt được như mong muốn, hầu như năm nào trên địa bàn xã cũng có trường hợp tảo hôn.
Thực tế cho thấy, để ngăn chặn, loại bỏ hoàn toàn nạn tảo hôn tại 2 xã Hang Kia, Pà Cò là bài toán nan giải. Trận chiến với những hủ tục lạc hậu bắt đầu có tín hiệu khả quan, khi tỷ lệ cặp vợ chồng tảo hôn ở Hang Kia và Pà Cò giảm theo thời gian. Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền 2 xã cần thực hiện phương châm "mưa dầm thấm lâu”, "đi từng ngõ, gõ từng nhà”, hướng tới xóa bỏ hoàn toàn hủ tục lấy vợ sớm, tảo hôn của người Mông. Nếu không loại bỏ được nạn tảo hôn, người Mông 2 xã Hang Kia, Pà Cò không thoát ra được vòng luẩn quẩn tảo hôn - bỏ học - đói nghèo.
Thu Thủy