Học viên lớp nghề chăn nuôi của xã Văn Sơn (Lạc Sơn) thực hành kỹ thuật tiêm phòng bệnh cho đàn lợn.
Trên địa bàn vừa có 1 lớp đào tạo nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm và 1 lớp may công nghiệp được mở từ nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, đơn vị tổ chức là Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện. Tham dự các lớp có 70 lao động nông thôn thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Ông Bùi Văn Nghị, Trưởng xóm Lội Mương chia sẻ: Cùng với hộ dân các xóm tham gia chương trình học, học viên của xóm đăng ký lớp nghề đã được truyền giảng lý thuyết và thực hành tại chỗ nên thuận tiện trong quá trình tiếp thu, theo học. Mong rằng sau khi hoàn thành khóa học, những kiến thức, kỹ năng trang bị sẽ giúp bà con chăn nuôi hiệu quả, tạo nghề mới phù hợp với khả năng và nhu cầu của thị trường lao động, việc làm, góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.
Là địa bàn thuộc khu vực III với 7 xóm, 1.064 hộ, xã Văn Sơn còn không ít khó khăn trong công tác lao động, việc làm, dạy nghề và giảm nghèo bền vững. Qua điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo theo tiêu chí mới giai đoạn 2022 - 2025, toàn xã có 409 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 38,5%. Đồng chí Bùi Văn Cường, Chủ tịch UBND xã cho biết: Để có những chuyển biến tích cực trong phát triển KT-XH, địa phương đã và đang thực hiện nhiều giải pháp, trước hết là tạo điều kiện cho nông dân phát triển sản xuất, ổn định đời sống, tạo nhiều việc làm và thực hiện xã hội hóa các hoạt động giảm nghèo, nhất là về nguồn lực huy động để giảm nghèo đa chiều, bền vững.
Với đặc thù kinh tế chủ yếu sản xuất nông, lâm nghiệp, xã đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới. Cùng với nâng cao kiến thức, tay nghề cho nông dân, chuyển giao KHKT, xã tăng cường hỗ trợ bà con vay vốn mở rộng sản xuất, kinh doanh, mở các lớp nghề ngắn hạn, dài hạn, dạy về các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, may mặc. Mặt khác, phát động sâu rộng phong trào nông dân thi đua SX-KD giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo, làm giàu chính đáng. Qua đó, nông dân trở thành các hạt nhân trong ứng dụng tiến bộ KHKT, thành kỹ thuật viên trực tiếp hỗ trợ kỹ thuật cho các thành viên trong cộng đồng. Toàn xã hiện có 7 tổ vay vốn của Ngân hàng NN&PTNT với 123 hộ thành viên, tổng dư nợ trên 5,3 tỷ đồng; 15 tổ vay vốn của Ngân hàng CSXH với 658 hộ thành viên, tổng dư nợ gần 28,2 tỷ đồng. Vốn vay được quản lý tốt và phát huy hiệu quả, không có trường hợp nợ quá hạn.
Bên cạnh sự tiếp sức của các chương trình, dự án, chính sách về cơ sở hạ tầng, phát triển KT-XH, công tác giảm nghèo bền vững tác động trực tiếp đến nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Xã Văn Sơn đang tập trung thúc đẩy công tác giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng đào tạo nghề, gắn công tác giáo dục nghề nghiệp với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tuyên truyền và hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài có thời hạn theo hợp đồng. Năm 2023, xã phấn đấu nâng tỷ trọng ngành nghề thương mại, dịch vụ, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp; tăng thu nhập bình quân đạt 40 triệu đồng/người, đạt thêm 2 tiêu chí nông thôn mới, giải quyết việc làm cho 250 lao động, giảm tỷ lệ hộ nghèo đạt và vượt mục tiêu kế hoạch đề ra.
Bùi Minh