Nông dân xóm Bôi Câu, xã Kim Bôi (Kim Bôi) vận dụng kiến thức nghề chăn nuôi vào thực tiễn sản xuất của gia đình, giúp nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.
Hiện nay, nghề thủ công mây tre đan, thêu ren phát triển ở nhiều xóm, thôn trên địa bàn các xã: Sào Báy, Đông Bắc, Hợp Tiến, Kim Tiến, Vĩnh Đồng… Đa số lao động tham gia các nhóm, tổ nghề đều được hỗ trợ đào tạo từ nguồn kinh phí của 2 CTMTQG giảm nghèo bền vững và phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Chị Bùi Thị Tuyết ở xóm Quê Rù, xã Vĩnh Đồng chia sẻ: Trước đây khi chưa được tiếp cận lớp đào tạo nghề, phụ nữ nông thôn, nhất là chị em đang nuôi con nhỏ không làm ra thu nhập nên phụ thuộc kinh tế vào chồng. Nghề mây tre đan giúp cải thiện đời sống, thu nhập bình quân đạt 100 nghìn đồng/ người/ngày. Chị em có thể mang hàng về nhà làm, tranh thủ thời gian rảnh rỗi lúc nông nhàn, khi các con đi học…
Khi chưa được mở mang kiến thức, việc chăn nuôi, trồng trọt của bà con làm nông nghiệp hầu hết dựa vào kinh nghiệm, thực trạng sản xuất trong các hộ gia đình manh mún, nhỏ lẻ, năng suất, sản lượng dễ bị tổn thất do hạn chế trong phòng chống, kiểm soát dịch bệnh. Năm 2023, bà Bùi Thị Tỵ ở thôn Bôi Câu, xã Kim Bôi đăng ký tham gia lớp đào tạo nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm. Từ những kiến thức khoa học kỹ thuật nắm bắt được thông qua khóa học, bà Tỵ đã áp dụng vào công việc chăn nuôi của gia đình, mạnh dạn mở rộng quy mô đàn gà thả vườn và lợn thịt. Nhờ chọn giống, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, thường xuyên tư vấn nhân viên thú y trong phòng, trị bệnh cho vật nuôi nên doanh thu, lợi nhuận thu được cao gấp 2 lần so với trước.
Năm 2024, huyện có 2 nguồn vốn hỗ trợ đào tạo nghề, trong đó có 800 triệu đồng từ nguồn vốn thuộc CTMTQG giảm nghèo bền vững, trên 10,8 tỷ đồng chuyển nguồn của năm 2023 và vốn giao năm nay thuộc CTMTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Từ nguồn vốn chương trình đã mở 30 lớp đào tạo cho người dân tộc thiểu số với tổng số trên 1.000 học viên. CTMTQG giảm nghèo bền vững mở 7 lớp, tổng số 245 học viên.
Đồng chí Trần Nam Hải, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Giáo dục nghề nghiệp huyện Kim Bôi chia sẻ: Hiện nay, nhận thức của các cấp chính quyền và người dân về công tác đào tạo nghề có nhiều thay đổi theo hướng tích cực. Bên cạnh nguồn lực chính sách, nhiều địa phương huy động được sự tham gia của hệ thống chính trị, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và nguồn lực xã hội đầu tư cho công tác đào tạo nghề và hỗ trợ, tạo điều kiện giúp người sau học nghề tổ chức sản xuất, kinh doanh. Người học cũng ý thức hơn về nghề nghiệp, từ chỗ học nghề theo phong trào, học chỉ để biết chuyển sang học nghề để tìm việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp, nắm vững khoa học kỹ thuật, từng bước thay đổi thói quen canh tác theo hướng tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng hàng hóa và dịch vụ, nâng cao thu nhập.
Hoạt động đào tạo nghề, tạo việc làm đã gắn kết người lao động với doanh nghiệp, thị trường lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm mới, tăng thu nhập cho người lao động. Cùng với đó, góp phần nâng cao chất lượng các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy công cuộc giảm nghèo bền vững. Ước năm 2024, huyện giải quyết 2.200 việc làm mới, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 8,9%. Qua khảo sát, số học viên sau đào tạo nghề có việc làm tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong và ngoài huyện đạt trên 85%. Học viên nhóm ngành nông nghiệp áp dụng khoa học kỹ thuật vào thực tế trồng trọt, chăn nuôi của gia đình, gia trại nâng cao hiệu quả so với trước học nghề.
Lạc Bình