Nhờ phát huy hiệu quả nguồn vốn chính sách, các kênh vay vốn ủy thác đã hỗ trợ nhân dân xã Trung Thành (Đà Bắc) phát triển, mở rộng sản xuất, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập. Qua đó nhiều hộ xây dựng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, thoát nghèo bền vững.


Mô hình chăn nuôi lợn của gia đình ông Xa Văn Đức, xóm Búa, xã Trung Thành (Đà Bắc) giúp cải thiện thu nhập.

Thăm mô hình chăn nuôi của ông Xa Văn Đức, xóm Búa, ông Đức cho biết: "Trước kia, gia đình tôi thuộc hộ nghèo, cả nhà chỉ trông chờ vào vườn ngô, làm thuê thu nhập bấp bênh, kinh tế rất khó khăn. Được tiếp cận nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), năm 2019, tôi mạnh dạn xây dựng chuồng trại, mua lợn giống về nuôi. Tiếp đó, tôi vay thêm nguồn vốn nước sạch và vệ sinh môi trường, đến nay mô hình có 10 con lợn bản địa; đời sống, thu nhập cải thiện hơn trước, gia đình đã thoát nghèo bền vững”.

Bay, Sổ là những xóm người dân sử dụng nguồn vốn vay đạt hiệu quả cao. Ông Hà Văn Hướng, Tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) xóm Sổ cho biết: "Các khoản vay của thành viên tổ TK&VV chủ yếu là hộ nghèo, cận nghèo, sản xuất - kinh doanh, nước sạch và vệ sinh môi trường. Hàng tháng, các khoản vay được quản lý chặt chẽ bằng sổ sách, rà soát thường xuyên việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay. Nhiều hộ sau khi tiếp cận khoản vay đã xây dựng được mô hình kinh tế hiệu quả về trồng trọt, chăn nuôi, giải quyết được việc làm, số hộ nghèo trong xóm giảm qua từng năm. Mỗi khi đáo hạn khoản vay, các hộ được nhắc nhở, thông báo từ sớm để chuẩn bị, do đó nhiều năm nay không có nợ xấu, nợ quá hạn”.

Hiện, toàn xã Trung Thành có 7 tổ TK&VV từ Ngân hàng CSXH tại 5/5 xóm, tổng dư nợ 22,6 tỷ đồng; vốn tín dụng huy động từ nhân dân đạt 286,3 triệu đồng. Các ngành, đoàn thể cũng nhận vay ủy thác cho hội viên nhằm giải quyết việc làm, phát triển kinh tế gia đình. Trong đó, các khoản vay sản xuất - kinh doanh, hộ nghèo chiếm tỷ lệ lớn nhất, được quản lý chặt chẽ, không để xảy ra nợ xấu, nợ quá hạn, hỗ trợ người dân xây dựng các mô hình chăn nuôi, thả cá, kinh doanh dịch vụ. Bên cạnh đó, xã tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, đưa các loại cây, con giống phù hợp điều kiện thực tế địa phương vào sản xuất; tổ chức các lớp tập huấn về sản xuất, chăn nuôi. Tranh thủ các nguồn vốn đầu tư, chính sách giảm nghèo, xã tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đường giao thông phục vụ sản xuất, giao thương hàng hóa thuận lợi.

Hộ chị Xa Thị Chung, xóm Búa có 3 nhân khẩu, xuất phát điểm là hộ nghèo, ban đầu phát triển kinh tế gặp nhiều khó khăn. Chị Chung chia sẻ: Được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật do huyện, xã tổ chức, cùng với nguồn vốn vay hỗ trợ từ Ngân hàng CSXH và vốn vay ủy thác từ Hội Phụ nữ, gia đình đầu tư trồng trọt, chăn nuôi tổng hợp. Hiện, gia đình chăn nuôi 20 con lợn, trên 2.000 m2 chè Shan tuyết, đem lại thu nhập ổn định, có tích lũy, thoát nghèo bền vững.

Đồng chí Hà Văn Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Thành cho biết: "Từ nguồn vốn vay ủy thác của các ngành,  đoàn  thể, qua kinh nghiệm của các hộ làm ăn hiệu quả giúp định hướng xây dựng các mô hình kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập. Đồng thời, xã tổ chức các lớp tập huấn về nông nghiệp, giúp người dân có thêm kinh nghiệm về trồng trọt, chăn nuôi. Các nguồn vốn vay sử dụng đúng mục đích, đạt hiệu quả. Xã mong muốn các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm đầu tư, hoàn thiện hạ tầng, hỗ trợ vốn vay sản xuất, bao tiêu đầu ra cho nông sản địa phương, giúp bà con nâng cao thu nhập, từng bước giảm nghèo, cải thiện đời sống”.

Bên cạnh quản lý nguồn vốn vay, các tổ TK&VV hướng dẫn người dân quy trình, thủ tục để tiếp cận nguồn vốn nhanh chóng, giải quyết vấn đề phát sinh; tư vấn hướng phát triển mô hình phù hợp điều kiện thực tế về thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương; tổ chức tham quan các mô hình, chia sẻ kinh nghiệm để nguồn vốn được phát huy hiệu quả tốt nhất. Thu nhập bình quân đầu người toàn xã đến nay đạt 30,26 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm qua từng năm.


Hoàng Anh


Các tin khác


Tích cực giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động

Công tác giải quyết việc làm (GQVL), trong đó xuất khẩu lao động (XKLĐ) có vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững. Hàng năm, tỉnh Hoà Bình xây dựng kế hoạch tạo việc làm mới cho 16.000 lao động, trong đó XKLĐ khoảng 600 người.

Xã Nhân Mỹ giảm nghèo đa chiều

Cuối tháng 10 vừa qua, đoàn công tác Văn phòng Tỉnh ủy trở lại xã Nhân Mỹ (Tân Lạc) để dự lễ khởi công xây dựng nhà ở cho hộ nghèo. Đồng chí Bùi Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Về đích nông thôn mới từ năm 2023 nhưng đời sống của nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn. Trong tổng hộ nghèo, ngoài xét về tiêu chí thu nhập, nhiều hộ nghèo thiếu hụt đa chiều về tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.

Huyện Lạc Sơn đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững

Bên cạnh những dự án thành phần triển khai tích cực, việc triển khai các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024 trên địa bàn huyện Lạc Sơn năm 2024 còn chậm tiến độ. Điển hình là Dự án 2 và Tiểu dự án 1 - Dự án 3 do UBND các xã làm chủ đầu tư. Cùng với đó, chất lượng nguồn nhân lực tham gia thực hiện chương trình chưa đồng đều; tỷ lệ giải ngân chưa đảm bảo theo kế hoạch.

Phụ nữ xã Phú Nghĩa sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng giảm nghèo

Chồng mất từ lâu, con trai cả đã trưởng thành nhưng do ảnh hưởng sau tai nạn giao thông nên thần trí không ổn định, gia cảnh của chị Nguyễn Thị Thắng, hội viên phụ nữ thôn Bến Nghĩa, xã Phú Nghĩa (Lạc Thủy) gặp rất nhiều khó khăn. Với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và tổ chức hội, đoàn thể, chị được hỗ trợ kinh phí và ngày công sửa chữa nhà ở. Cùng với đó, chị được tiếp cận vốn vay ưu đãi dành cho hộ nghèo để đầu tư phát triển chăn nuôi. Cuối năm 2023, khi kinh tế ổn định hơn, chị tự nguyện viết đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo.

Điển hình người cao tuổi làm đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo

Qua giới thiệu của chính quyền địa phương, chúng tôi đến thăm gia đình ông Bùi Văn Dung ở xóm Cha, xã Ngọc Sơn (Lạc Sơn). Vợ chồng ông Dung đều đã ngoài 70 tuổi. Thời điểm cuối năm 2023, khi điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, ông Dung đã tiên phong làm đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo của xã.

Ưu tiên thực hiện chính sách giảm nghèo ở huyện Đà Bắc

Đà Bắc là 1 trong 22 huyện nghèo thuộc 17 tỉnh của cả nước. Huyện có dân số trên 60.000 người, 12/17 xã, thị trấn thuộc vùng đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 89,72%. Trên địa bàn huyện có 5 dân tộc chính: Tày, Mường, Dao, Thái, Kinh cùng chung sống.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục