Mâm cỗ  cúng trong  Tết cơm Đe của  người dân Lạc Thịnh (Yên Thủy).

Mâm cỗ cúng trong Tết cơm Đe của người dân Lạc Thịnh (Yên Thủy).

(HBĐT) - Trong cái se lạnh của những ngày cuối tháng 10 âm lịch, bát cơm đe khiến đôi má thiếu nữ thêm ửng hồng, mâm cơm chay làm cả gia đình nhớ về những năm tháng khó khăn gian khổ nhưng thắm thiết ân tình đoàn kết. Thời gian đã làm cho Đình Rậm không còn giữ được nguyên trạng vẻ linh thiêng, cổ kính nhưng Tết cơm đe vẫn được người dân Lạc Thịnh (Yên Thuỷ) trân trọng, lưu giữ như một niềm tự hào dân tộc.

 

Tích xưa kể lại rằng, xưa có một vị tướng đem quân đi đánh giặc, trong lúc loạn lạc lại bị thương nên vị tướng đó phải vượt qua dãy núi Trường Sơn, chạy về Yên Thuỷ để lánh nạn. Đến vùng Mường Rậm xưa (nay là xã Lạc Thịnh), người đau, bụng đói, sức kiệt nên mới xin vào nghỉ nhờ tại nhà một gia đình dân tộc Mường. Trời lúc này chưa sáng hẳn, nhà nghèo, quanh năm chỉ có ngô, gạo để dành, trong nhà không có thịt, cá nhưng vì thương vị tướng, gia đình đã chạy ra vườn hái mấy quả mướp, đu đủ vào luộc, luộc thêm ít măng giang vừa lấy được hôm trước cho vị tướng ăn. Trước đây, ở các vùng Mường, hạt muối rất hiếm nên chủ nhà rang ít vừng cho vị tướng chấm. Trong lúc đang ăn, chủ nhà mới nhớ ra là gia đình mấy hôm vừa rồi có ủ cơm đe để chuẩn bị nấu rượu dùng cho ngày Tết Nguyên đán. Thế là chủ nhà vội lấy ra cho vị tướng dùng tạm. Thứ cơm này không còn là cơm nữa nhưng cũng chưa thành rượu, nó có vị thơm của gạo nếp hương, vị ngọt từ lá men rừng. Một chút thơm, một chút ngọt, một chút cay của cơm đe làm cho vị tướng thêm ấm lòng. Sáng hôm sau, trước khi ra đi, xúc động trước tấm chân tình, cảm thương vì sự nghèo khó của người dân nơi đây do hạn hán quanh năm, vị tướng này đã lập đàn cầu mưa. Thật linh diệu, vị tướng vừa cúng xong thì trời đổ mưa khiến người dân vui mừng khôn xiết. Từ đó đến nay, cứ đến gần ngày 26/10 âm lịch, vùng Mường Rậm trời lại âm u đổ mưa không to thì nhỏ.

Nhớ ơn vị tướng đánh giặc cứu nước lập đàn cầu mưa cho nhân dân nên hàng năm cứ đúng vào ngày 26/10 âm lịch, người dân Lạc Thịnh lại tổ chức Tết cơm đe. Không giống như các lễ, tết nông nghiệp khác, có cả hai phần lễ và hội, Tết cơm đe chỉ có phần lễ. Nghi lễ cúng trong Tết cơm đe được tiến hành vào khoảng 4, 5 h sáng, trước lúc mặt trời mọc. Theo quan niệm của người dân Lạc Thịnh, thời điểm này linh thiêng, mát mẻ và sạch sẽ nhất trong ngày. Khi đó, con kiến, con ruồi cũng chưa kịp thức dậy nên mâm cơm cũng giữ trọn vẹn được sự sạch sẽ.

 

Ông Quách Hữu Mưu - Chủ tịch UBND xã cho biết: Mâm cỗ cúng trong Tết cơm đe phải được đặt ở hướng chính giữa ngôi nhà sàn. Đặt mấy mâm tuỳ từng gia đình. Nét độc đáo của Tết cơm đe thể hiện ở mâm cúng là cỗ chay. Mâm cỗ cúng bao giờ cũng phải có quả đu đủ, quả mướp và măng giang luộc hoặc đồ chín. Vừng rang chín giã nhỏ, không cho gia vị làm đồ chấm, đặc biệt không thể thiếu cơm đe. Cơm đe được làm từ gạo nếp đồ chín ủ với men lá cây rừng, thường cơm đe được làm trước đó một tuần. Tất cả những lễ vật này bày trên tàu lá chuối xanh. Sau khi gia đình sắp lễ xong sẽ mời thầy mo uy tín nhất làng đến cúng. Trong lúc thầy mo cúng, những người trong gia đình sẽ ngồi theo thứ tự lùi dần từ cao xuống thấp. Kết thúc lễ cúng, cả gia đình tổ chức ăn tết luôn trong sáng sớm. Mỗi người không phân biệt già trẻ, gái trai đều thưởng thức một bát cơm đe để lấy may và cầu khoẻ mạnh.

 

Cùng với Tết Nguyên đán, Tết Độc lập thì Tết cơm đe là một trong 3 cái tết lớn nhất của người dân Lạc Thịnh. Tuy nhiên, theo lề lối, phép tắc truyền lại từ bao đời nay, ở Lạc Thịnh chỉ có dòng họ Bùi là dòng họ chính tổ chức Tết cơm đe. Các dòng họ như Quách, Nguyễn... chỉ đến chia vui chứ không làm lễ.

 

Về Lạc Thịnh ăn Tết cơm đe hôm nay có thể dễ dàng nhận ra những tác động của sự phát triển KT-XH lên cái tết truyền thống này. Tết cơm đe bây giờ được tổ chức to  rộn ràng, ăn uống linh đình hơn thể hiện sự đủ đầy về vật chất. Nhưng có một điều đặc biệt và cũng là điều đáng quý nhất là những nghi lễ, phép tắc truyền thống vẫn được giữ nguyên. Nghi lễ cúng vẫn được diễn ra trước khi trời sáng, trên mâm cỗ cúng vẫn là những đồ ăn chay cổ truyền. Mở rộng sự giao lưu, trao đổi văn hoá, Tết cơm đe của Lạc Thịnh bây giờ được đông đảo bạn bè các xã bạn, huyện bạn đến cùng chia vui. Tết cơm đe còn là dịp để con cháu Lạc Thịnh đi xa tìm về quê hương, nguồn cội.

 

Với ý nghĩa thể hiện lòng biết ơn với các vị thần, tổ tiên gia đình mình, Tết cơm đe đã được lưu giữ khá nguyên vẹn bằng niềm tự hào, ý thức dân tộc của lớp lớp người dân Lạc Thịnh. Ngoài ra, Tết cơm đe còn nhắc nhở thế hệ cháu con nhớ về những năm tháng khó khăn, thiếu thốn của cha ông để từ đó có thêm ý chí, nghị lực xây dựng cuộc sống ấm no, đầy đủ. Là cơ hội để anh em xa gần, làng trên,  xóm dưới hội tụ, Tết cơm đe đã thắt chặt thêm tình đoàn kết anh em của người dân Mường Rậm.

 

                                                                           Dương Liễu

 

Các tin khác

Thờ cúng  tổ tiên trong  lễ cơm mới  của dân tộc Thái, Mường
Thi đấu thể thao trong ngày hội.
Lễ cúng của người Mường
Lễ hội Khai hạ Mường Bi (Tân Lạc) thu hút nhân dân nhiều bản Mường trong vùng tham gia.

Trống Đồng - Tài sản vô giá của nền văn hóa Hòa Bình

(HBĐT) - Trống đồng là tài sản quý giá được coi là báu vật mà cha ông để lại cho chúng ta hôm nay, là biểu tượng của nền văn minh và văn hoá Việt Nam thời dựng nước. Hoà Bình là một trong những tỉnh phát hiện và lưu giữ nhiều trống đồng nhất trong cả nước.

Văn hoá Hoà Bình

(HBĐT) - Sau những kết quả thu được từ việc khai quật 9 trong số 20 địa điểm di tích hang động tại vùng núi đá vôi Hoà Bình, năm 1927, nhà khảo cổ học người Pháp- Madelene Colani đã đề xuất khái niệm “Văn hoá Hoà Bình” chia làm 3 giai đoạn: Hậu kỳ đồ đá, Tiền đá mối, Sơ kỳ đá mới.

“Lịch Đoi - nét văn hoá truyền thống của người Mường Bi

(HBĐT) - Tại Mường Bi (Tân Lạc) vẫn còn nhiều gia đình còn giữ được những nóc nhà sàn, nhiều giá trị văn hoá cổ của người Mường, một trong những giá trị văn hoá đó là cách tính lịch riêng mà người Mường ở Mường Bi hay gọi là lịch Đoi loại lịch này hiện vẫn còn giữ gìn trong các gia đình trí thức truyền thống của người Mường hay những gia đình thuộc tầng lớp các thầy mo.

Nghệ thuật múa của người Mường

(HBĐT)- Chuyện cũ kể rằng: tiếng hát, điệu múa của người Mường có từ lâu lắm rồi, từ thời “Đẻ đất, đẻ nước” tạo ra đất mường. Ngày ấy Dạ Dân gánh một gánh nặng những tiếng hát, điệu múa đi gieo khắp cả vùng quê của người Mường. Tiếng hát thường tình tứ, những điệu múa rộ ràng, uyển chuyển hoà cùng với tiếng cồng, tiếng chiêng, ngân vang xa mãi từ mường này tiếp sang mường khác không dứt. Người mường Bi có múa và biết múa từ đấy.

Trang phục của người Tày – Thái ở Đà Bắc

(HBĐT) - Người Tày – Thái ở Đà Bắc có hai bộ phận: bộ phận đông nhất là người Tày – Thái, một bộ phận ít hơn là người Tày ở các tỉnh thuộc khu vực Việt Bắc tới. Trang phục của bộ phận người Tày giống như trang phục của người Tày giống như trang phục của người Tày ở các tỉnh thuộc khu Việt Bắc. Vì vậy, phần này chỉ tập trung trình bày về trang phục của người Tày – Thái ở Đà Bắc.

Hội, Lễ ở Mường Bi (Phần II)

1/ Lễ nạ mụ:

 

Có dịp chúng ta vào bất kỳ một ngôi nhà sàn của người mường Bi nào hễ ngước nhìn lên mái gianh gian trong sẽ thấy những giỏ đan mắt cáo, nguyên liệu bằng tre nứa cắm ở phía trên đoàn tay, người mường gọi cái đó là nạ mụ ( giả làm mặt người giữ vía). Bao nhiêu nạ mụ là bấy nhiêu người con.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục