Hệ thống thạch nhũ với muôn hình vạn trạng trong các hang động ở Cao Phong
(HBĐT) - Sau khi đi qua những đỉnh dốc mù sương chúng tôi đến với Cao Phong, mảnh đất của cam ngọt, mía tím. Trong rất nhiều thế mạnh của Cao Phong, người ta không thể không nhắc đến thế mạnh về du lịch. Cao Phong có một Thung Nai thơ mộng bên dòng Đà giang, một Giang Mỗ mộc mạc nguyên sơ và mới đây việc phát hiện quần thể hang động tại núi Hàm Rồng một lần nữa tạo thêm điểm nhấn cho du lịch Cao Phong.
Quần thể hang động thuộc địa phận thị trấn Cao Phong, cách Quốc lộ 6 khoảng 1 km. Nhìn từ xa, ngọn núi trông như một chiếc đầu rồng quay về hướng đông. ở dưới chân núi có 2 miệng nước khá lớn tạo thành 2 giếng nước tự nhiên chảy ra từ lòng núi quanh năm trong vắt không bao giờ cạn. Người dân địa phương gọi đây là những giếng mắt rồng. Hệ thống hang động này bao gồm hơn 10 hang lớn, nhỏ chia đều ra các khu vực xung quanh núi. Điểm đặc biệt thú vị là hệ thống hang động ở đây bao gồm cả một số hang cạn nằm ở lưng chừng núi và một số hang nước nằm ở chân núi. Dựa trên đặc điểm tự nhiên của từng hang mà người dân địa phương đặt cho nó những cái tên gọi khá kỳ thú như: Thạch Động Hoa Sơn, Phong Sơn Động, Động Thuỷ Phong, Lưu Thuỷ Phong
Việc phát hiện quần thể hang này cũng rất tình cờ. Trong những lần đi săn, người dân địa phương đã lần lượt khám phá ra một hệ thống hang động nằm khuất trong những rặng cây rừng. Người dẫn đường cho chúng tôi trong chuyến khám phá hang động Cao Phong là anh Dương Ngọc Chiến, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Cao Phong - một thổ địa của vùng đất này. Vừa đi, anh Chiến vừa kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện ly kì về việc phát hiện ra những hang động. Những hang động này đã được những người dân phát hiện ra từ những năm 1980. Trong một số hang còn tìm được những mảnh sành, bát vỡ, kéo, vòng tay bằng đồng. Một người dân địa phương khi đánh mìn nổ để lấy đá nung vôi đã tìm thấy cả một chum tiền cổ. Thế nhưng, những câu chuyện đó đã lùi xưa vào quá khứ. Giờ đây, trong các hang động chỉ còn lại dấu vết của quá trình kiến tạo hàng triệu năm của tự nhiên.
Chúng tôi bắt đầu hành trình khám phá quần thể hang động núi Đầu Rồng của huyện Cao Phong bắt đầu từ Phong Động hay còn gọi là động không đáy. Lối vào hang tương đối hẹp chỉ một người chui lọt. Anh Chiến phải làm công tác chuẩn bị buộc dây rồi chúng tôi từng người đu xuống lòng hang. ánh sáng le lói chiếu qua một giếng trời xuống lòng hang làm cho không khí càng trở nên mờ ảo. Trong hang động, nhũ đá chảy dài từ trên đỉnh hang rủ xuống. Đi sâu vào bên trong, hang tối dần, dưới nền đất là vô số những hòn đá tròn nhỏ như quả mận rải khắp nơi mà có người vui mồm gọi đó là bãi bánh trôi. Phía dưới bãi đá nhỏ này là những thửa đá có bờ trông giống như ruộng bậc thang của người dân xứ Mường. Dọc lối đi trong hang còn có những khối đá có hình thù giống con rùa, cây bụt mọc, tòa sen, đặc biệt là hình tượng hòn vọng phụ - người mẹ bồng con đầy sinh động. Đặc biệt, trong tận cùng hang có một vách đá khá lớn được bào mòn theo thời gian không nhìn thấy đáy mà chỉ thấy hơi nước từ dưới vực sâu bốc lên.
Lên một lối mòn khác là Thạch Động Hoa Sơn. Hang này có vị trí khá thuận tiện, nằm ở lưng chừng núi và quay mặt ra hướng Quốc lộ 6. Miệng hang rộng, thẳng đứng, sâu khoảng 30m, chiều dài từ 600 - 700m chia làm 3 khoang lớn gồm 2 tầng và nhiều ngách nhỏ. Trong đó có khá nhiều ngách hang nhỏ chứa đựng hàng vạn nhũ đá được thiên nhiên tạo nên từ ngàn năm. Nhũ đá từ dưới mọc lên, từ trên phủ xuống, lớp lớp chồng lên nhau tạo nên nhiều hình thù kỳ bí. Có khối đá trắng với hàng trăm dải nhũ đá rủ xuống nhìn từ xa trông giống con voi trắng khổng lồ hay mềm mại như những dải san hô dưới đáy đại dương. Mỗi khi gặp đèn flash của máy ảnh hay đèn pin chiếu vào khối đá lại ánh lên tia lấp lánh. Khi dùng tay gõ các khối thạch nhũ phát ra tiếng động vui tai như tiếng cồng, chiêng.
Nằm ở phía đông bắc dưới chân núi Đầu Rồng là một chiếc hang được gọi là Lưu Thủy Phong. Hang này được tạo thành bởi dòng suối chạy xuyên qua lòng núi quanh năm nước chảy, có chiều dài trên 600m. Để đi được vào bên trong lòng hang, phải dùng thuyền nhỏ lách quả các ngách nhỏ ở cửa hang. Cũng giống như những hang cạn, ở hang nước này có khá nhiều thạch nhũ với muôn hình sắc thái theo trí tưởng tượng của chúng ta. Phía trên trần hang cũng có nhiều thạch nhũ phủ xuống. Những thạch nhũ lấp lánh phản chiếu xuống mặt nước trong xanh tạo cho khung cảnh càng trở nên huyền ảo, lung linh.
Mỗi hang đều chứa đựng những sắc thái riêng của tự nhiên, nhưng tất cả tạo nên một quần thể độc đáo hiếm có. Nếu được đầu tư hợp lý, quần thể hang động sẽ là một điểm du lịch sinh thái độc đáo, phục vụ cho nhu cầu tham quan nghỉ mát trong tương lai. Đồng chí Nguyễn Hồng Thủy, Chủ tịch UBND thị trấn Cao Phong cho biết: Ngay sau khi phát hiện quần thể hang động tại núi Đầu Rồng, Huyện ủy đã chỉ đạo các cơ quan chức năng trong huyện phối hợp với thị trấn Cao Phong xây dựng phương án bảo vệ. Đồng thời phối hợp với ngành Văn hóa và các cơ quan chức năng của tỉnh khảo sát kỹ lưỡng, đánh giá đúng tiềm năng để lập phương án bảo tồn, gìn giữ và đầu tư khai thác. UBND thị trấn đã lập đề án xây dựng khu du lịch sinh thái. Trước mắt, trong năm 2011 sẽ đầu tư xây dựng một bể bơi rộng khoảng 1.800m2, và làm đường bê tông lên các hang động. Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Anh Dũng, Trưởng phòng Quản lý di tích, Bảo tàng Hòa Bình cho biết thêm: lãnh đạo Sở VH-TT & DL cũng như Bảo tàng Hòa Bình đã tiến hành điều tra, khảo sát hệ thống hang động tại Cao Phong. Ngoài vẻ kỳ thú của các khối thạch nhũ thì điều đặc biệt là hệ thống hang động bao gồm cả hang cạn và hang nước. Trong năm nay, Bảo tàng sẽ hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị Bộ VH-TT & DL công nhận quần thể thắng cảnh Quốc gia. Cùng với rất nhiều điểm du lịch hấp dẫn khác như: Thung Nai, Giang Mỗ, lễ hội Đền Bờ, hội Chùa Khánh, việc đưa quần thể hang động ở Cao Phong vào khai thác du lịch sẽ tạo nên động lực mới cho phát triển kinh tế của huyện.
Hoàng Toản (T.T.V)
(HBĐT) - Trong không gian mùa xuân, chúng tôi cùng được ngợp trong “ Không gian văn hóa Mường” đặc sắc của họa sỹ Vũ Đức Hiếu - người sưu tầm, gom nhặt, ghi chép và cất giữ những gì thuộc về văn hoá Mường để phần nào tái hiện được đầy đủ các mặt trong đời sống sinh hoạt, kinh tế, tinh thần của người Mường. Ở đây, chúng tôi đã được cảm nhận một buổi lễ thật ý nghĩa với mùa xuân – lễ mát nhà!
(HBĐT) - Trong bữa ăn cộng đồng của người Mường thường có mâm ăn cho trẻ em. Ít nhất thì một, hai mâm nhiều thì cũng đến ba, năm mâm cho trẻ em. Bữa ăn cộng đồng chỉ có một khi có công có việc như ma chay, cưới xin, ngày khánh thành nhà, ngày mượn việc và ngày lễ hội.
(HBĐT) - Nhuộm răng là truyền thống đẹp của người Việt cổ, nhưng đến nay, chuẩn mực cái đẹp đã thay đổi nên còn ít người giữ được tục nhuộm răng. Đất Hòa Bình là cái nôi của người Việt cổ, vì thế, người Mường cũng có tục nhuộm răng đen độc đáo và khác lạ so với người Kinh, người Thái. Nét đẹp văn hóa này đến nay vẫn được lưu giữ ở rất nhiều vùng, nhiều thôn, bản trên đất Hòa Bình.
(HBĐT) - Mặc dù chỉ cách QL6 với những nhà xây cao tầng, với ôtô chạy tấp nập không xa nhưng xóm ải, xã Phong Phú (Tân Lạc) vẫn giữ được cái “gốc” của người Mường. Họ vẫn ở nhà sàn cổ, quần một ống, áo pắn (áo ngắn), gặp nhau hát đúm... Đây được coi là xóm cổ nhất của đất Mường Bi. Vừa qua, xóm được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chọn là đại diện dân tộc Mường xây dựng 20 làng truyền thống của cả nước.
(HBĐT) - Lễ hội Mường Động được tổ chức 2 năm một lần vào ngày 7 “cây ” tháng hai (theo lịch Mường). Đây là lễ hội lớn nhất trong vùng 5 xã Vĩnh Đồng, Vĩnh Tiến, Đông Bắc, Hợp Đồng, Thượng Tiến (Kim Bôi), mỗi lần tổ chức thu hút hàng nghìn lượt người tham dự.
(HBĐT) - Mỗi miền quê của các dân tộc Việt Nam đều có những đặc sản rất riêng của từng vùng, miền, nhất là các DTTS ở vùng cao. Ngày Tết, xin giới thiệu hương vị rượu hoãng của dân tộc Dao Tiền - Hòa Bình. Đặc điểm vừa là rượu dùng trong ngày Tết Nguyên đán và các lễ hội. Nhưng rượu còn kết hợp với một số củ, quả, cây lá thuốc tại quê hương dân tộc để chữa bệnh rất kết quả…