Miệng cống thoát nước nơi anh Bùi Văn Phương bị nước cuốn va đập vào đá gây tử vong.

Miệng cống thoát nước nơi anh Bùi Văn Phương bị nước cuốn va đập vào đá gây tử vong.

(HBĐT) - Dù đám tang người xấu số trong vụ tai nạn đã qua được nhiều ngày nhưng lối vào nhà anh Bùi Văn Phương ở xóm Dài, xã Bắc Phong (Cao Phong) vẫn còn vương kín tiền, vàng mã. Mùi nhang khói đọng lại trong ngôi nhà sàn xiêu vẹo cứ cọt kẹt theo mỗi bước chân người cộng với những khuôn mặt thẫn thờ của ông lão ngoài 80 tuổi bên cửa voóng chốc chốc lại đưa vạt áo lên chấm giọt nước đặc quánh trên khóe mắt khiến người ta không khỏi chạnh lòng.

 

“Số nó khổ đến thế, vậy mà trời lại không cho sống...”

 

Xóm Dài u tịch, nằm mãi tận chân núi vốn đã buồn, nay càng như buồn thêm sau cái chết thương tâm của anh Bùi Văn Phương (sinh năm 1974) trong vụ tai nạn xảy ra ngày 15/9 tại thủy điện suối Tráng. Lúc chúng tôi đến, cũng là thời điểm những người thân của anh Phương đang dỡ bỏ ngôi nhà nhỏ nằm chênh chếch ven đồi. “Ngôi nhà này giờ có ai ở, ai về chăm nom nữa đâu. Để bàn thờ anh bên ấy cũng rất hiu quạnh, lạnh lẽo. Cực chẳng đã chúng em mới quyết định dỡ bỏ căn nhà, chuyển bát hương về bên nhà...”, vừa nói, anh Bùi Văn Hương (em ruột anh Phương) vừa quay mặt lau vội những giọt nước mắt đang tuôn trào từ đôi mắt đã đỏ hoe. Còn ở bên cửa voóng ông Bùi Văn Ửn (bố anh Phương) vẫn chưa thôi thẫn thờ sau nỗi đau quá lớn, nghe tin mất con, ông đã bị sốc nặng. 80 tuổi, sức cùng lực kiệt, người cha già đã phải chứng kiến 2 trong số 5 đứa con lần lượt qua đời. Nỗi đau ấy, khiến ông lão trở nên mộng mị. Để rồi khi trở về thực tại với nỗi đau mất con, ông cứ luôn miệng than trời: “Số nó đã khổ như thế, vậy mà trời lại không cho nó sống...”

 

Theo anh Bùi Văn Hương, khoảng 5 năm về trước, do cuộc sống khó khăn, vợ chồng anh Bùi Văn Phương trở nên bất hòa và cuối cùng đường ai nấy đi. Khi ấy, họ đã có với nhau 2 mặt con, đứa lớn 4 tuổi, đứa nhỏ chưa đầy 1 tuổi. Sau khi chia tay, vợ anh Phương đã mang theo đứa con gái 4 tuổi về nhà mẹ đẻ. Còn cậu con trai chưa đầy 1 tuổi lúc nào cũng ngằn ngặt khát sữa, khát hơi ấm của mẹ ở lại với bố. Dù vất vả nắng mưa với ruộng, vườn, nương rẫy, nhưng cuộc sống của cha con họ nay thiếu mai, hụt. Bùi Văn Phương buộc phải dứt lòng cho cậu con trai chưa đầy tuổi làm con nuôi để đi làm thuê, làm mướn kiếm kế sinh nhai. Từ ấy, ngôi nhà tranh vách đất bên triền đồi chỉ có một người đàn ông thui thủi đi về. Nhiều khi nỗi nhớ con da diết ập về, Bùi Văn Phương cũng chỉ dám đứng từ xa nhìn con vui đùa để rồi tự mình lau đi những giọt nước mắt xót xa. Tưởng rằng đau đến thế đã là tột cùng thì anh Phương lại vĩnh viễn ra đi bởi một cái chết thương tâm trong một tai nạn được coi là “hy hữu” như lời của ông Đặng Văn Hồng - người đứng đầu Nhà máy thủy điện suối Tráng.

 

 

Ký ức kinh hoàng trước vực “tử thần”...

 

Sức khỏe đã hồi phục, các vết thương trên cơ thể đã phần nào bớt nhức nhối. Nhưng suốt từ khi may mắn thoát chết trong vụ tai nạn xảy ra vào hồi 16h30 ngày 15/9 tại Nhà máy thủy điện suối Tráng chẳng đêm nào Bùi Văn Đông (sinh năm 1993 ở xóm Cạn, xã Tân Phong - Cao Phong) có được một giấc ngủ trọn vẹn. Gặp chúng tôi khi còn đang nằm điều trị tại BVĐK Cao Phong, Đông bảo: Cứ mỗi khi nhắm mắt là ký ức kinh hoàng ấy lại trở về. Ông Bùi Ngọc Hình (bố Đông) cho biết: Từ hôm xảy ra tai nạn, chẳng đêm nào cháu được ngon giấc. Cứ ngủ được một lúc là miệng lại ú ớ la, tay chân khua khoắng trong sự hoảng loạn, sợ hãi.

 

       

      May mắn thoát chết trong vụ tai nạn nhưng Bùi Văn Đông vẫn bị thương tích khắp người.

 

Để có thể kể cho chúng tôi nghe về những giây phút kinh hoàng đó, phải mất một lúc khá lâu, Đông mới trấn tĩnh được tinh thần khi nỗi sợ hãi vẫn còn in hằn trên khuôn mặt chàng trai trẻ có đôi phần dạn dày mưa nắng. Chỉ có may mắn, Đông mới thoát chết trong vụ tai nạn này nhưng cũng phải mang thương tích khắp người. Nằm trên giường bệnh, Đông kể: em là một trong 9 thành viên trong nhóm người nhận khoán làm kè rọ đá chống sạt lở cho khu vực thủy điện suối Tráng của cho Công ty TNHH Văn Hồng. Công việc tuy vất vả nhưng cũng kiếm được khoảng 180 nghìn đồng/ngày. Làm việc tại khu vực thủy điện suối Tráng đến ngày thứ 3, giữa nắng nóng thì hết nước. Khi ấy, chú Phương bảo em cùng đi xuống khu vực máy phát điện lấy nước. Trên đoạn đường đi xuống khu vực đặt tổ máy phát điện, không thấy có tí nước nào. Tuy nhiên, khi trở về thì lại thấy nước chảy tràn từ bể áp lực nhưng lượng nước không lớn. Khi cách khu vực bể tràn khoảng chục mét thì bất ngờ có một lượng nước lớn tràn xuống, tạo thành dòng chảy xiết đã cuồn cuộn lao xuống trùm kín người, cuốn phăng cả 2 chú cháu cùng chiếc xe máy xuống cống thoát cách đó chừng 50 - 60m. Đông kể: khi bị dòng nước xiết cuốn vào trong lòng cống, cháu đưa tay cào cấu xung quanh và may mắn bám được vào một sợi dây. Tuy nhiên, do nước chảy quá mạnh và không có không khí để thở, cháu đành phải buông tay ra khỏi sợi dây và phó thác cho số phận. Đoạn cống dài 8m có đường kính khoảng 1m khi ấy như con đường đi xuống địa ngục. Khi ấy, cháu không nghĩ mình có thể sống sót trước sự va đập liên tục vào thành cống và các tảng đá. Nhưng Đông đã may mắn hơn người đi cùng, bám được vào một tảng đá từ đó cố hết sức để leo lên, gọi người xuống suối cứu anh Phương rồi ngất xỉu. Khi ấy, toàn bộ thân thể Đông thấm đỏ một màu máu và Đông đã được mọi người đưa đi cấp cứu kịp thời tại BVĐK Cao Phong. Đến khi tỉnh lại, Đông mới được biết anh Phương đã tử vong và chiếc xe máy bị nát vụn do va đập vào đá.

 

Trên thực tế, thì khu vực nước tràn chính là đường đi lại trong khu vực nhà máy. Nơi ấy không hề có cảnh báo nguy hiểm tại 2 đầu đường, không có barie cấm trong khi người dân và công nhân làm việc tại nhà máy thường xuyên qua lại khu vực này. Và phải đến khi sự cố xảy ra, khu vực này mới được treo biển cảnh báo. Trao đổi với chúng tôi về sự cố trên, ông Đặng Văn Hồng - Giám đốc Công ty TNHH Văn Hồng lý giải: sự cố nước tràn khỏi bể áp lực tại khu vực nhận nước vào tổ máy phát điện vẫn thường xuyên xảy ra do liên quan đến quá trình vận hành các tổ máy. Khi có sự cố, lượng điện sản xuất của nhà máy không cấp được lên điện lưới thì máy phát sẽ tự động dừng hoạt động. Cánh phai ở đường mương dẫn nước sẽ được đóng xuống ngừng việc cung cấp nước cho hệ thống. Tuy nhiên, việc ngắt nước phải mất 10 - 15 phút do hệ thống mương dẫn có chiều dài 1,8km nên lượng nước khổng lồ trong mương dẫn vẫn sẽ tiếp tục dồn về tràn qua bể áp lực ra đường thoát và cũng là đường đi trong khu vực nhà máy ra suối Tráng với lưu lượng 9m3/giây.

 

Với lưu lượng đó cộng với độ dốc lớn của đường thoát thì nó đủ sức cuốn trôi tất cả những vật cản trên đường. “khi qua khu vực bể áp lực, lúc nào em cũng phải đi thật nhanh vì sợ nước tràn. Sự cố có thể xảy ra bất cứ lúc nào và bất ngờ, nước tràn ra rất nhanh với lưu lượng rất lớn nên cực kỳ nguy hiểm”, một công nhân làm việc tại nhà máy cho biết. Nói về sự cố để xảy ra tai nạn, ông Đặng Văn Hồng cũng đã thừa nhận thiếu sót trong công tác xây dựng, quản lý nên đã xảy ra vụ tai nạn đáng tiếc trên. Đồng thời cũng đã cam kết sẽ có phương án xử lý tránh lặp lại sự cố trên. Trước mắt, Công ty mới chỉ hỗ trợ gia đình có người chết 5 triệu đồng tiền mai táng, người bị thương 1 triệu đồng.

 

 

... và tiếng nói của chính quyền địa phương

 

Sau khi xảy ra vụ tại nạn, ông Bùi Văn Bình, Chủ tịch UBND xã Bắc Phong cho biết: Nhà máy thủy điện suối Tráng đi vào hoạt động từ tháng 9/2011 nhưng từ trước đó trong quá trình xây dựng đã có gây những ảnh hưởng nhất định đến hệ thống đường giao thông liên xã ở địa phương. Mặc dù, Nhà máy có cam kết sửa chữa sau khi hoàn thành công trình nhưng đến nay cũng chỉ sửa chữa chắp vá tạm bợ. Ngoài ra, trong quá trình tích nước đã gây ngập úng, thiệt hại hoa màu cho hàng chục hộ dân và làm mất đất sản xuất của một số hộ dân. Nhưng cho đến nay, Công ty TNHH Văn Hồng mới chỉ đền bù thiệt hại về hoa màu cho 6 hộ với tổng số tiền gần 80 triệu đồng. Còn tiền đất bị ngập vĩnh viễn, hoa màu thiệt hại của khoảng 40 hộ dân vẫn chưa được đền bù. Đây là sự việc kéo dài, theo thẩm quyền thì chúng tôi chỉ có thể phản ánh lên huyện, đề nghị giải quyết, tuy vậy việc giải quyết lại đang diễn ra rất chậm đã gây bức xúc trong nhân dân.

 

Nói về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Phong Vũ Đình Việt cho biết: Huyện đã nhiều lần nhận được phản ánh của quần chúng nhân dân về những tác động của thủy điện suối Tráng đến đời sống, sản xuất. Tiếp thu ý kiến phản ánh của quần chúng nhân dân và chính quyền địa phương, hiện nay huyện đang đốc thúc yêu cầu Công ty TNHH Văn Hồng giải quyết những vướng mắc, đền bù thiệt hại về hoa màu, đất đai chậm nhất đến tháng 11/2012 phải xong để người dân yên tâm sản xuất. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng yêu cầu Công ty TNHH Văn Hồng triển khai ngay các biện pháp an toàn, không để nước tại bể áp lực tràn ra đường, gây nguy hiểm cho người qua lại. Về vụ tai nạn xảy ra ngày 15/9, lực lượng chức năng huyện cũng đang tích cực điều tra, làm rõ trên tinh thần ai sai người đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

 

Có thể nói, sự cố vừa xảy ra tại thủy điện suối Tráng làm 1 người bị chết, 1 người bị thương cùng với việc làm dâng nước, gây thiệt hại về hoa màu của nhân dân đã phần nào nói lên những tác động tiêu cực của nó tới đời sống người dân địa phương. Do vậy, về phía Công ty TNHH Văn Hồng phải nêu cao tinh thần trách nhiệm tích cực khắc phục hậu quả đối với những sự việc đáng tiếc trên góp phần giải quyết những bức xúc trong nhân dân địa phương thời gian qua.  

                                                                              

 

                                                        Mạnh Hùng

 

 

Các tin khác

Bị cáo Lê Văn Tuấn, kẻ đã bán người yêu với giá... 1 triệu đồng đứng trước vành móng ngựa chịu sự trừng phạt của pháp luật.
Lực lượng công an kiểm tra hiện trường và tang vật vụ án.
Vò rượu cần được dùng làm vũ khí tiêu diệt hơn 100 tên giặc trong ngày 30/10/1948.
Nhờ sự đầu tư của chương trình 135 nên các hộ dân xóm Lài được sử dụng nước hợp vệ sinh.

Liên Hòa - nơi ghi dấu chiến công đầu của lưới lửa phòng không tầm thấp

(HBĐT) - Dù đã 47 năm trôi qua nhưng trong tâm trí những người dân, chiến sỹ dân quân xóm Lục, xã Liên Hòa (nay là xã Yên Nghiệp - Lạc Sơn) khi xưa trên trận địa phòng không đồi Mèng, đồi Nâu vẫn luôn còn nguyên cảm giác sung sướng vỡ òa khi chiếc máy bay Mỹ trúng đạn bốc cháy rơi ở địa phận xã Văn Nghĩa. Chiến công đó đã mở đầu cho phong trào bắn máy bay Mỹ bằng súng bộ binh của quân và dân các tỉnh thuộc Quân khu 3 trong những năm chống chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của không quân Mỹ.

Phía sau những chiến công

(HBĐT) - Gặp thượng tá Nguyễn Ngọc Quang, Phó phòng Cảnh sát ĐTTP về ma túy (Công an tỉnh) khi anh vừa dự lễ tôn vinh các điển hình tiên tiến nhân kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống lực lượng CSND (20/7) do Bộ Công an tổ chức. Trông anh thật gần gũi, dễ gần, khác xa một chỉ huy của lực lượng chủ công trong đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy tại địa bàn “nóng bỏng” về ma túy của cả nước. Qua những câu chuyện anh kể, chúng tôi càng thấu hiểu nỗi vất vả, khó khăn mà các anh phải trải qua.

Trăn trở với Tự Do

(HBĐT) - Sau nhiều lần lỗi hẹn chúng tôi cũng có dịp đến với Tự Do, một xã vùng cao của huyện Lạc Sơn vào một ngày đầu thu. Dẫu đã chuẩn bị sẵn tinh thần bởi biết Tự Do xa lắm, khó khăn lắm vậy mà chúng tôi vẫn ngỡ ngàng, bùi ngùi với cuộc sống nơi đây.

 Ký ức thời binh lửa

(HBĐT) - Tham gia cuộc kháng chiến vệ quốc từ mùa đông năm 1946 khi mới 15 tuổi; là chiến sỹ Trung đoàn 52 Tây Tiến hoạt động ở vùng Hòa Bình trong những năm 1947 - 1950. ông cũng là một trong số ít người được giữ lại “làm khung” để xây dựng Trung đoàn 12 với nhiệm vụ vừa là bộ đội địa phương, vừa đóng vai trò là Tỉnh đội Hòa Bình sau khi Trung đoàn 52 hoàn thành sứ mệnh lịch sử trong giai đoạn 1950 - 1954. ông là Giang Hồng Phúc, hiện đang sống ở tổ 29, phường Phương Lâm (TPHB).

Bài II: Sức sống Bồ đề

(HBĐT) - “Đường đi tới ngày toàn thắng đâu phải được trải bằng nhung lụa, cỏ mềm mà phải được tôn đắp bằng máu xương của biết bao đồng bào, đồng chí là cán bộ, chiến sĩ, TNXP, dân công hỏa tuyến, bộ đội Trường Sơn đã vĩnh viễn nằm lại vì sự sống của con đường.... Cho đến giờ, sau hơn 50 năm đường Trường Sơn được khai mở, vị tướng Tổng tư lệnh Binh đoàn 559, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên vẫn còn bùi ngùi, xúc động khi nói về sự hy sinh của những đồng chí, đồng đội đã hy sinh xương máu trong suốt 16 năm chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam.

Bài I: Ký ức tuổi 20 trên đỉnh Trường Sơn

(HBĐT) - Thật khó để lý giải cảm xúc trên suốt chặng đường Hồ Chí Minh chạy qua dãy Trường Sơn với đích đến là Nghĩa trang liệt sỹ (NTLS) quốc gia Trường Sơn (Quảng Trị). Dù đã từng được đến đây không ít lần trong những chuyến đi dài ngày nhưng đó chẳng phải là cảm giác nhàm chán thường thấy mà vẫn nguyên sự háo hức như tìm về một nơi chốn bình yên với những khúc hát tuổi 20 còn đọng trong ký ức một thời.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục