Cuộc sống của người dân xã Tự Do còn nhiều gian khó. Ảnh: Văn Tưởng.
(HBĐT) - Sau nhiều lần lỗi hẹn chúng tôi cũng có dịp đến với Tự Do, một xã vùng cao của huyện Lạc Sơn vào một ngày đầu thu. Dẫu đã chuẩn bị sẵn tinh thần bởi biết Tự Do xa lắm, khó khăn lắm vậy mà chúng tôi vẫn ngỡ ngàng, bùi ngùi với cuộc sống nơi đây.
Xa lắm Tự Do
“Vào Tự Do à, không đi đâu, đường khó đi toàn đá với ổ trâu, ổ voi thôi”. Sau mấy cái lắc đầu từ chối, cuối cùng nài nỉ mãi mới có người đồng ý chở tôi vào Tự Do. Từ xã Ngọc Lâu đến Tự Do đường rừng núi quanh co, hiểm trở, gập ghềnh đất, đá, chiếc xe máy chồm lên, chồm xuống, nhiều lần như muốn hất tung người ngồi phía sau. Ghì chặt tay lái, anh xe ôm vui chuyện: May mà mấy hôm nay nắng ráo mới đi được thế này đấy chứ vào ngày mưa thì chịu, đi bộ còn chả nổi chứ đừng nói chạy xe. Trời mà mưa lâu, hầu như con đường này không có người vào, ra. Bà con trong ấy vất vả lắm. Đoạn đường chưa đầy 5 km mà mất cả tiếng đồng hồ chúng tôi mới vào đến UBND xã. Nhìn quang cảnh và cuộc sống của người dân mới thấy Tự Do thực sự còn xa lắm.
Xã có 10 xóm nằm men các triền núi. Xóm xa nhất cách trung tâm cả chục km. Đường liên xóm, liên xã dài trên 20 km toàn bộ là đất, đá mấp mô. Tự Do vẫn còn 3 xóm Trên, Chen, Trơ chưa có điện thắp sáng. 3 xóm Mù, Sát, Rì chưa có công trình nước sạch, các hộ dân phải sống nhờ vào nguồn nước suối. Cuộc sống của trên 2.400 nhân khẩu toàn xã phụ thuộc vào sản xuất nông - lâm nghiệp nhưng diện tích đất sản xuất ít lại manh mún, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ thấp. Công trình thủy lợi xuống cấp, không phát huy hiệu quả, nhiều diện tích phải trông chờ vào tự nhiên. Cuối tháng 7 mà nhiều nơi chưa có nước để cấy lúa. Trao đổi với Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Bùi Văn Thuận được biết, cũng vì điều kiện sản xuất không thuận lợi, đường xá đi lại khó khăn nên sự trao đổi, giao lưu, cơ hội tiếp xúc với bên ngoài hạn chế đã ảnh hưởng đến nếp nghĩ, cách làm của người dân. Do vậy, tập quán canh tác của người dân trong xã còn lạc hậu, việc đầu tư thâm canh, xen canh, gối vụ chưa thực sự hiệu quả. Năm 2011, năng suất lúa bình quân của xã chỉ đạt 33,4 tạ/ha, năng suất ngô chưa đầy 36 tạ/ha. Những năm gần đây, xã đã tập trung chỉ đạo các xóm đưa cây lạc, đậu các loại vào trồng đại trà. Đồng thời, mở rộng quy mô chăn nuôi gia súc, nuôi lợn tạo nguồn hàng hóa, góp phần tăng thu nhập cho các gia đình. Tuy nhiên, một mặt do thiếu vốn, kiến thức làm ăn, mặt khác, do giao thông bất lợi, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, có tiêu thụ thì giá cả rẻ mạt đã không khuyến khích được người dân. Từ năm 2011 đến nay, diện tích một số cây trồng cũng như đàn gia súc, gia cầm của xã đều giảm so với trước. Điều kiện tự nhiên khó khăn, kinh tế chậm phát triển, khiến thu nhập bình quân mới đạt 6,5 triệu đồng/người/năm. Tự Do hiện còn tới 75 % hộ nghèo. Xã có trên 500 hộ thì 113 hộ đang ở nhà tạm cần được hỗ trợ làm nhà ở.
Tiếp chúng tôi với nụ cười buồn, chị Quách Thị Ngân, Phó Chủ tịch Hội phụ nữ xã tâm tình: Mong muốn lớn nhất của bà con trong xã là có một con đường thuận lợi, từ đó sẽ tạo cơ hội để phát triển. Cuộc sống khó khăn rồi sẽ có ngày được cải thiện nhưng thương xót nhất là các em học sinh. Học hết lớp 9, nhiều em phải nghỉ học bởi trường THPT tận dưới huyện cách xã tới 20 km, trường không có nội trú. Đi, về trong ngày không thể được mà thuê nhà ở trọ thì gia đình không có đủ điều kiện để nuôi. Học sinh ở Tự Do mà được quan tâm đến học hành cũng sẽ không thua kém gì những vùng thuận lợi đâu. Năm học vừa qua, cả xã có 6 em đi thi đại học, cao đẳng thì có 4 em đỗ. Nhưng khi được đi học rồi bố mẹ lại lo không biết làm thế nào để nuôi con ăn học. Thương lắm.
Bền bỉ niềm tin
Khó khăn là vậy nhưng lòng người dân Tự Do luôn ổn định, bền bỉ niềm tin vào ngày mai tươi sáng. Phó Bí thư TT Đảng ủy Bùi Văn Thuận chia sẻ: Với nhận thức càng khó khăn càng cần đến sự lãnh đạo, định hướng của Đảng, chính quyền và sự giúp đỡ của các tổ chức, đoàn thể CT-XH. Đảng ủy xã Tự Do đã thực hiện nghiêm túc việc phân công cấp ủy viên phụ trách địa bàn tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nắm bắt tình hình nhân dân, phản ánh những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân với cấp ủy, chính quyền. Bên cạnh đó, hàng tháng, Đảng ủy duy trì đều đặn chế độ giao ban định kỳ với các ngành, MTTQ, đoàn thể và đội ngũ bí thư chi bộ, trưởng xóm trong toàn xã để nắm bắt cơ sở, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và triển khai công việc theo đúng chủ trương, định hướng. Chính từ cách làm này, cấp ủy, chính quyền biết được những cái thiếu, cái yếu trong nhân dân để từng bước có hướng giải quyết. Về thực trạng 75% hộ nghèo trong xã, qua tìm hiểu, phân loại được biết, nguyên nhân chủ yếu là do thiếu đất canh tác, nhất là thiếu kiến thức KHKT và vốn đầu tư sản xuất, Đảng ủy đã chỉ đạo tăng cường mở các lớp chuyển giao KHKT về trồng trọt, chăn nuôi cho nhân dân. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm nay, toàn xã mở được 16 lớp KNKL. Xây dựng tại mỗi xóm một mô hình dịch vụ cung cấp phân bón, từng bước tạo sự chuyển biến trong đầu tư, thâm canh. Cùng với đó, Đảng ủy, chính quyền đã giao trách nhiệm cho các đoàn thể làm cầu nối giúp người dân được tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi. Hiện, toàn xã có gần 300 hộ được vay vốn với tổng dư nợ trên 2,5 tỷ đồng.
Với tinh thần chung tay, góp sức xây dựng cuộc sống mới, các đoàn thể trong xã luôn xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm của mình là giúp đỡ hội viên nghèo. Chính vì vậy, tuy thu nhập của hội viên không cao, song các chi hội, đoàn thể đã chú trọng hoạt động gây quỹ để giúp nhau vay vốn, tổ chức lao động sản xuất và giúp đỡ nhau về giống cây trồng, vật nuôi. Từ năm 2011 đến nay, toàn xã huy động được gần 4.000 công giúp nhau phát triển sản xuất, hỗ trợ trên 100 kg gạo cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn... Những việc làm nghĩa tình này đã góp phần động viên, khuyến khích nhiều gia đình nỗ lực vươn lên cũng như thắt chặt thêm tình làng, nghĩa xóm cùng chung sức vượt qua khó khăn.
Hoàng Nga
(HBĐT) - Một tuần, sau khi Tràng A Chia ở bản Xà Lĩnh và 6 người khác ở các bản Thung ảng, Pà Khôm, Hang Kia, Pà Cò con của hai xã Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu) tự nguyện trình diện để Công an huyện Mai Châu làm thủ tục đưa xuống Trại tạm giam Công an tỉnh chấp hành án phạt tù, trung tá Sùng A Chếnh, đội trưởng đội an ninh Công an huyện đưa chúng tôi xuống địa bàn anh trực tiếp theo dõi, quản lý.
(HBĐT) - Cho dù chuyện đã xảy ra cách đây cả chục ngày nhưng với những người tưởng chừng bị chôn sống trong vụ sập hầm khai thác than tại xóm Đồi, xã Lỗ Sơn (Tân Lạc) dường như vẫn chưa hết bàng hoàng, sợ hãi. “Đó là những giây phút sợ hãi, tuyệt vọng mà chưa bao giờ mình từng trải qua trong cuộc đời”. Cậu thanh niên trẻ vạm vỡ cuồn cuộn cơ bắp của người siêng làm những công việc nặng nhọc bẽn lẽn kể lại cảm giác hãi hùng khi cùng với 6 công nhân bị mắc kẹt trong vụ sập hầm khai thác than vào buổi sáng ngày 5/7 vừa qua.
(HBĐT) - Bụng to, da xanh xao, nhợt nhạt, mặt mày biến dạng rồi phải sống nhờ máu của người khác. Nếu không truyền máu, bệnh nhân dẫn đến tử vong. Người dân thường gọi là bệnh báng hay còn gọi là bệnh thiếu máu huyết tán bẩm sinh. Bao năm nay, căn bệnh này đã gặm nhấm nhiều gia đình nghèo trên địa bàn tỉnh.
(HBĐT) - “Bác Hồ, Người là niềm tin kính yêu nhất trong lòng dân và trong trái tim nhân loại...”. Câu hát ấy đã trở thành gần gũi, thân thương và niềm tự hào của hàng triệu người dân Việt Nam về lãnh tụ Hồ Chí Minh, vị Cha già của dân tộc. Với những người từng vinh dự được gặp Bác Hồ, kỷ niệm về Người đã trở thành ký ức thiêng liêng không thể nào quên.
(HBĐT) - Đó là những mô hình có sự tham gia của hàng trăm, hàng nghìn nông dân cả ở vùng thấp, sâu, xa, cao. Việc sản xuất mang tính ổn định, vững bền hơn, hiệu quả kinh tế mang lại cũng rõ rệt. Những mô hình này đang góp phần không nhỏ, có tác dụng cổ vũ lớn lao, khích lệ nông dân tiếp cận thị trường, nắm bắt cơ hội làm giàu.
(HBĐT) - Nếu như cái tên Ngô Đức Sinh, Giám đốc Công ty măng Kim Bôi (xã Thanh Nông - Lạc Thủy) còn khá lạ lẫm, cái tên Sinh “măng” lại là cái tên đã trở nên quen thuộc với người dân ở các xã vùng sâu, xa, nơi mà cây măng rừng đang trở thành nguồn thu nhập chính. Từ cây măng, đã có nhiều người, nhiều hộ dân thoát nghèo. Hơn thế nữa, việc mở rộng diện tích trồng bương, luồng, trúc lấy măng trên địa bàn tỉnh đang được kỳ vọng là một trong những hướng mở cho nền kinh tế xanh.