CB-CS Cảnh sát PCCC thường xuyên luyện tập các phương án, rèn luyện thể lực, kỹ năng... đáp ứng những yêu cầu, đòi hỏi thực tế công việc.
(HBĐT) - Nếu không được nghe thượng tá Bùi Văn Ân, Phó phòng Cảnh sát PCCC và cứu hộ cứu nạn kể, chúng tôi không thể hình dung hết được những vất vả, hiểm nguy mà CBCS lực lượng PCCC phải đối mặt mỗi khi đứng trước “giặc” lửa. Cái khó khăn và nguy hiểm ấy đã được thượng tá ân chốt lại: chỗ nào khó khăn, nguy hiểm người ta chạy ra thì mình lại vào.
Phương án không có trong bài học.
Đối với thượng tá Bùi Văn Ân, trong suốt hơn 20 năm làm nghề, anh cũng chẳng nhớ được mình đã tham gia bao nhiêu trận đánh với giặc lửa. Với anh bao nhiêu trận đánh thì cũng là bấy nhiêu kỷ niệm. Bởi mỗi vụ cháy là một thử thách, là những khó khăn khác nhau. Thậm chí, có những trận đánh, phương án tác chiến đưa ra chưa từng có ở trong bài học hay giáo án nào. Nhưng từ việc vận dụng linh hoạt, sáng tạo những kiến thức, kinh nghiệm thực tế cũng như huy động sức mạnh tổng hợp của lực lượng PCCC kết hợp với lực lượng tại chỗ, nên nhiều vụ cháy lớn được xử lý triệt để. Điền hình như vụ cháy tại kho chứa hàng của Công ty TNHH Thành Đạt (Kỳ Sơn) vào ngày 27/2/2010. Kể về vụ cháy đó, thượng tá Bùi Văn Ân cho biết: đây là một vụ cháy lớn kéo dài từ 2 giờ sáng ngày 27 - 7h sáng ngày 28/2/2010 lực lượng PCCC mới dập tắt được ngọn lửa. Đơn vị vừa tổ chức khoanh vùng tâm cháy, vừa chống cháy lan và tổ chức chữa cháy. Khu vực cháy cách xa nguồn nước nên việc chữa cháy cũng gặp khá nhiều khó khăn. Lực lượng PCCC đã sáng tạo, dùng cách chập bơm để lấy nước từ khu vực cách đó hàng trăm mét để phục vụ chữa cháy. Thực tế qua cách làm đó đã đạt hiệu quả cao. Vừa tiết kiệm thời gian chữa cháy, vừa có nguồn nước liên tục để xử lý tốt vùng cháy lan.
Phát huy tính sáng tạo, vận dụng linh hoạt phương tiện, trang thiết bị hiện có, vừa qua lực lượng Cảnh sát PCCC cũng đã nhanh chóng dập tắt vụ cháy lớn tại kho hàng của Công ty cổ phần Đan Ly ở tổ 13, phường Thái Bình (TPHB) kéo dài từ 20h ngày 2/9 đến 7h sáng ngày 3/9. Trong vụ cháy này, thay vì sử dụng phương pháp chuyển nước con thoi, CBCS cảnh sát PCCC đã sử dụng phương pháp chập bơm để bơm nước từ nguồn cấp cách xa điểm cháy hàng trăm mét. Thượng tá Bùi Văn ân cho biết: Phương pháp chập bơm chúng tôi chưa từng được học trong nhà trường. Đó là một sáng tạo trong quá trình tổ chức chữa cháy. Qua thực tế đã chứng minh, phương pháp này đã mang lại hiệu quả tối ưu trong việc chữa cháy. Nhất là ở những khu vực xa nguồn cấp nước, đường giao thông nhỏ hẹp, khó khăn. Đặc biệt hơn, với phương pháp này đã hạn chế tối đa thời gian đi lại, vận chuyển nước, việc tổ chức chữa cháy luôn đạt hiệu quả cao.
Giá trị của những giọt mồ hôi
Thượng tá Bùi Văn Ân bộc bạch: khách quan mà nói công việc của chúng tôi là một trong những công việc có tính chất, mức độ nguy hiểm và độc hại rất cao bởi trên thực tế hiện nay, tính chất các vụ cháy phức tạp, trong quá trình cháy có nhiều loại hóa chất độc hại và tiềm ẩn những nguy cơ đổ, gãy các kết cấu xây dựng lớn do bị nhiệt hóa làm thay đổi tính chất. Trước những khó khăn đó, CBCS cảnh sát PCCC đã thường xuyên luyện tập các phương án, rèn luyện thể lực, kỹ năng... để đủ sức đáp ứng những yêu cầu, đòi hỏi thực tế công việc. Có thấy những giọt mồ hôi đổ ra trên thao trường mới thấy giá trị của nó trong thực tiễn với từng động tác, yếu lĩnh được thực hành một cách thuần thục, nhanh chóng, chính xác và hiệu quả cao. Theo thống kê, bình quân mỗi năm trên địa bàn tỉnh xảy ra 22 vụ cháy có gây thiệt hại về tài sản và phải tổ chức chữa cháy. Tuy nhiên, do được phát hiện sớm, kịp thời huy động lực lượng nên công tác chữa cháy đã đạt hiệu quả cao. Đã bảo vệ được số lượng tài sản, hàng hóa có giá trị của Nhà nước, của tập thể của nhân dân. Điển hình như vụ cháy ngày 3/2/2009 xảy ra tại hầm cáp thuộc Công ty thủy điện Hòa Bình, ngay sau khi nhận được tin báo, lực lượng Cảnh sát PCCC đã huy động lực lượng kịp thời dập tắt đám cháy, không để xảy ra cháy lan sang toàn bộ hệ thống cáp điện động lực của các tổ máy phát điện, đảm bảo cho công tác vận hành, sản xuất điện và an toàn cho toàn bộ hệ thống lưới điện quốc gia. Hay như vụ cháy 2 nhà sàn ngày 6/1/2009 tại Công ty Cổ phần Du lịch Hòa Bình, lực lượng cảnh sát PCCC đã nhanh chóng dập tắt đám cháy, không để cháy lan, đồng thời cứu được nhiều tài sản vật thể, phi vật thể có giá trị văn hóa lịch sử như cồng chiêng, trống đồng...; Vụ cháy kho chứa hàng của Công ty TNHH Thành Đạt ngày 27/2/2010 đã cứu chữa và bảo vệ an toàn hơn 4.000 tấn sắn khô và nhà xưởng với trị giá hàng chục tỷ đồng. Tính riêng từ đầu năm 2012 đến nay, lực lượng cảnh sát PCCC cũng đã trực tiếp tham gia cứu chữa 6 vụ cháy, không để xảy ra cháy lan, cháy lớn điển hình như vụ cháy 4 kiốt bán hàng xảy ra vào hồi 9h30 ngày 13/8/2012 tại khu vực chợ tạm huyện Lương Sơn gây thiệt hại khoảng 200 triệu đồng. Vụ cháy xảy ra ngày 2/9/2012 tại kho hàng của Công ty cổ phần Đan Ly, tổ 13, phường Thái Bình (TPHB), lực lượng PCCC đã có mặt kịp thời, tổ chức chữa cháy hiệu quả đã góp phần bảo vệ, giữ gìn một lượng lớn tài sản của doanh nghiệp.
Trao đổi với chúng tôi, thượng tá Bùi Văn Ân còn trăn trở khi hiện nay nhận thức và ý thức PCCC của một bộ phận người dân vẫn còn hạn chế, lơ là, chủ quan với việc PCCC bảo vệ tài sản của mình và những người xung quanh. Đáng buồn là điều này lại xảy ra khá phổ biến ở những khu vực tập trung đông người như các khu nhà nhiều tầng, khu thương mại dịch vụ... là những nơi tiềm ẩn nguy cơ rất cao về cháy nổ. Theo thiếu tá Trần Anh Tuấn, đội trưởng Đội hướng dẫn, kiểm tra an toàn PCCC: từ đầu năm đến nay, đơn vị đã tiến hành đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, tổ chức kiểm tra theo các chuyên đề, định kỳ, đột xuất tại các cơ sở trọng điểm tiềm ẩn nhiều nguy cơ về cháy nổ. Qua đó đã kiểm tra, phúc tra được 284 lượt cơ sở trọng điểm, có nhiều nguy cơ tiềm ẩn về cháy nổ, lập 284 biên bản kiểm tra, kiến nghị 949 thiếu sót không đảm bảo an toàn PCCC, phòng nổ. Ngoài ra, đơn vị còn phối hợp với các đơn vị, cơ quan ban ngành, địa phương tổ chức đẩy mạnh công tác tuyên truyền PCCC tới người dân và khu dân cư, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của người dân trong việc PCCC, bảo vệ tài sản của mình và những người xung quanh.
Mạnh Hùng
(HBĐT) - Tính ra, câu chuyện được người dân Phú Lương (Lạc Sơn) kể nhiều nhất không phải là những mùa vàng bội thu mà đó là câu chuyện về những người con mưu trí, quả cảm chỉ bằng một... vò rượu cần đã tiêu diệt được 105 tên giặc. Câu chuyện đó đã được ghi vào trang sử vàng của dân và quân Mường Vang như một chiến công sáng chói trong những năm kháng chiến chống Pháp. Quá khứ đã xa nhưng lại thật gần trong ký ức và trong trang sử của người Yên Lương - Phú Lẫm (xã Phú Lương ngày nay).
(HBĐT) - Đồng Nghê là xã xa nhất, cao nhất, khó khăn nhất của huyện Đà Bắc. Xóm Lài là xóm xa nhất, cao nhất, khó khăn của xã Đồng Nghê. Ở đây chỉ có 15 hộ dân với 80 nhân khẩu sinh sống. Bao năm nay, sống của họ dựa vào rừng. Giờ đây, rừng đã làm cuộc sống của họ dần thay đổi.
(HBĐT) - Dù đã 47 năm trôi qua nhưng trong tâm trí những người dân, chiến sỹ dân quân xóm Lục, xã Liên Hòa (nay là xã Yên Nghiệp - Lạc Sơn) khi xưa trên trận địa phòng không đồi Mèng, đồi Nâu vẫn luôn còn nguyên cảm giác sung sướng vỡ òa khi chiếc máy bay Mỹ trúng đạn bốc cháy rơi ở địa phận xã Văn Nghĩa. Chiến công đó đã mở đầu cho phong trào bắn máy bay Mỹ bằng súng bộ binh của quân và dân các tỉnh thuộc Quân khu 3 trong những năm chống chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của không quân Mỹ.
(HBĐT) - Gặp thượng tá Nguyễn Ngọc Quang, Phó phòng Cảnh sát ĐTTP về ma túy (Công an tỉnh) khi anh vừa dự lễ tôn vinh các điển hình tiên tiến nhân kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống lực lượng CSND (20/7) do Bộ Công an tổ chức. Trông anh thật gần gũi, dễ gần, khác xa một chỉ huy của lực lượng chủ công trong đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy tại địa bàn “nóng bỏng” về ma túy của cả nước. Qua những câu chuyện anh kể, chúng tôi càng thấu hiểu nỗi vất vả, khó khăn mà các anh phải trải qua.
(HBĐT) - Sau nhiều lần lỗi hẹn chúng tôi cũng có dịp đến với Tự Do, một xã vùng cao của huyện Lạc Sơn vào một ngày đầu thu. Dẫu đã chuẩn bị sẵn tinh thần bởi biết Tự Do xa lắm, khó khăn lắm vậy mà chúng tôi vẫn ngỡ ngàng, bùi ngùi với cuộc sống nơi đây.
(HBĐT) - Tham gia cuộc kháng chiến vệ quốc từ mùa đông năm 1946 khi mới 15 tuổi; là chiến sỹ Trung đoàn 52 Tây Tiến hoạt động ở vùng Hòa Bình trong những năm 1947 - 1950. ông cũng là một trong số ít người được giữ lại “làm khung” để xây dựng Trung đoàn 12 với nhiệm vụ vừa là bộ đội địa phương, vừa đóng vai trò là Tỉnh đội Hòa Bình sau khi Trung đoàn 52 hoàn thành sứ mệnh lịch sử trong giai đoạn 1950 - 1954. ông là Giang Hồng Phúc, hiện đang sống ở tổ 29, phường Phương Lâm (TPHB).