Nhờ Tráng Y Đua, Sùng A Lấu đã đoạn tuyệt với ma túy trở về với nếp nhà bình yên, hạnh phúc.

Nhờ Tráng Y Đua, Sùng A Lấu đã đoạn tuyệt với ma túy trở về với nếp nhà bình yên, hạnh phúc.

(HBĐT) - “Nghiện ma túy. Cuộc sống trước mắt tôi đã từng là vực thẳm. Nhiều khi đứng trước ngôi nhà mình, nhìn vợ và những đứa con vui đùa, tôi đã giật mình tự hỏi: Lẽ nào mình sẽ mất tất cả?”. Cái phút trải lòng rất thật ấy của người đàn ông ngồi trước mặt chúng tôi tại cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện (phường Tân Thịnh - TPHB) đã làm chúng tôi day dứt trên suốt chặng đường về.

 

Tìm về nơi chốn bình yên

Trên suốt chặng đường vào bản Cò Tang, xã Lóong Luông (Mộc Châu - Sơn La), đôi lần chúng tôi đã định bỏ cuộc bởi chúng tôi sợ những điều không may sẽ xảy đến khi vào nơi nổi tiếng là đất dữ này. Ở “cánh cung” Tây Bắc, nói đến ma túy thì xã Lóong Luông với bản Cò Tang là địa danh được nhắc đến đầu tiên vì đây  chính là một trong số những điểm trung chuyển lớn để cho ma túy từ Lào thẩm lậu vào Việt Nam. Chưa có một thống kê nào về lượng ma túy qua đây nhưng có một thực tế là các chuyên án lớn về ma túy bị lực lượng chức năng triệt phá trong thời gian qua hầu hết đều có liên quan đến người Mông ở Lóong Luông, mà trong đó, Cò Tang được xem như là một trong những điểm nóng với các đối tượng liều lĩnh, sẵn sàng sử dụng súng để chống trả lại lực lượng truy bắt. Vậy nên, trên suốt chặng đường vào Lóong Luông chúng tôi cứ luôn có cảm giác bất an. Nhất là với những người lạ như chúng tôi. Quả thực, đó không phải là nỗi lo vô căn cứ khi trên suốt chặng đường vào Lóong Luông, chúng tôi luôn nhận được những ánh mắt soi mói và cảnh giác. Hỏi thì người già không nói, trẻ con lạ lẫm rồi chạy biến vào nép sau cánh cửa để nhìn với thái độ đầy nghi hoặc. Bản nhỏ nhưng vẫn luôn tồn tại những đợt sóng ngầm. Nếu nó bùng phát, có lẽ chúng tôi cũng sẽ bị cuốn trôi theo dòng thác trào dâng mạnh mẽ.

 

Dẫu thế, cũng khá may mắn khi chúng tôi tìm được một nơi chốn bình yên bên khung cửa có người phụ nữ đang thêu dệt nên những vuông thổ cẩm sắc màu tuyệt đẹp. Qua câu chuyện, chân thật và cởi mở như chính cái cốt cách của người Mông, người phụ nữ có tên Tráng Y Đua đã không ngần ngại “khoe” vừa mới từ Hòa Bình về tháng trước. Nghe kể, mới ngỡ ra chuyện cô gái Mông này về Hòa Bình không phải để thăm thú phố phường như tôi nghĩ mà cô bảo: Mình về chăm chồng cai nghiện ma túy. Ở Hòa Bình cũng được gần 1 tháng nhưng chẳng biết đường xá ra sao, chợ búa thế nào.

 

Chồng Đua là một gã trai Mông đẹp trai, vạm vỡ, yêu vợ, thương con và làm ăn giỏi. Đã từng là bộ đội nên Sùng A Lấu có hiểu biết hơn những trai bản cùng lứa. Dẫu ở giữa vòng vây ma túy, Lấu và cả 9 anh em trong nhà không ai dính dáng gì đến việc mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy. Đó là một điều hiếm thấy ở bản Cò Tang này. Vậy nhưng, chính cái tường thành vững chãi ấy đã bị phá vỡ. Lấu đã bước qua ranh giới mong manh trong sự ngỡ ngàng của cả gia đình, dòng họ và bản Cò Tang này. Khi biết Lấu nghiện, những người hiểu lẽ phải đã thở dài: vậy là ma túy đã len vào đến ngôi nhà cuối cùng ở bản Cò Tang này rồi. Nói chuyện với chúng tôi, Lấu còn ngượng nghịu chưa dám mở lòng: khi mọi người biết mình nghiện, cũng xấu hổ lắm chứ. Mình đã từng là người lính, đã từng là chỗ dựa cho anh em, cho vợ con ngăn không cho ma túy vào trong cuộc sống gia đình. Nhưng cuối cùng mình lại là người gục ngã.

 

Khi biết chồng mắc nghiện, Đua đã thực sự bị sốc bởi từ ngày họ nên duyên vợ chồng đã 15 năm nay, khi cô mới 15 tuổi, chỉ thấy chồng mình là một người hiền lành, biết chí thú làm ăn. Chưa bao giờ cô thấy chồng mình như thế này, nói về ma túy bao giờ anh cũng là người có phản ứng quyết liệt. Cũng chính bởi thế, Đua đã cuồng quay trong cái cảm giác chới với, không còn điểm tự vững vàng để bám víu. Nếu buông xuôi Đua cũng sẽ giống như bao người phụ nữ khác ở bản Cò Tang này chỉ biết cam chịu, nhẫn nhục. Đua đã làm một chuyện ngược đời, chưa từng có tiền lệ trong cuộc sống người Mông ở miền viễn tây xa ngái này. Đó là đưa chồng đi cai nghiện ma túy. Dù rằng đó là việc làm khó khăn khi cả gia đình, dòng họ đã không ít lần ngăn cản vì sĩ diện. Chí đã quyết cộng với sự ủng hộ từ Lấu, 2 vợ chồng đã tìm về cơ sở cai nghiện tự nguyện ở phường Tân Thịnh (TPHB) để thực hiện quyết tâm đó. Tại đây, cùng với sự giúp sức nhiệt tình của cán bộ làm công tác cai nghiện và nhất là sự động viên, giúp đỡ của vợ, chỉ trong vòng 5 ngày điều trị tích cực, Sùng A Lấu đã hoàn toàn cắt cơn. Đến giờ ngẫm lại, Lấu bảo: nếu vợ em mà buông xuôi cứ để mặc cho chồng mình nghiện chẳng biết bây giờ em sẽ ra sao nữa và cũng chẳng biết cái gia đình nhở này có tồn tại được trước những cơn sóng gió.

 

Thực tình, ở giữa những cạm bẫy và sự soi mói một cách ghê rợn nơi bản nhỏ, chúng tôi chỉ tìm thấy một nơi chốn bình yên ở trong ngôi nhà của vợ chồng Lấu. Chính sự gắn kết yêu thương sẽ là điểm tựa để Lấu vứt bỏ quá khứ, vững tin bước tiếp trên con đường đoạn tuyệt với những mộng mị, áo giác của thứ ma dược chết người.

 

 

Ngã ở đâu, đứng dậy ở đó

 

Không giống như thiện cảm dành cho Sùng A Lấu, thú thực lần đầu gặp Triệu Văn Ba ở cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện chúng tôi cứ gợn lên những ác cảm bởi cái dáng người dặt dẹo, nước da tái nhợt nhạt và đôi môi thâm xì với hàm răng vàng ệch, xỉn màu khói thuốc. Đích thị là gã nghiện có thâm niên. Nhìn vậy nhưng thực tình, Triệu Văn Ba cũng khá cởi mở, chân tình và thân thiện. Ba bảo: Không riêng gì các anh, ai cũng vậy mới lần đầu gặp em cũng đều có ác cảm vì em đã quá “dẹo” và dúm dó sau 20 năm nghiện ma túy.

 

Quả thực, ma túy tàn phá sức khỏe con người dai dẳng và thật ghê gớm. Ba kể: em vốn quê ở Hà Nam, năm 1990, khi mới 18 tuổi đã một thân một mình lên vùng đất Co Lương (Vạn Mai - Mai Châu) lập nghiệp. Tại đây, sau những tháng ngày lang bạt với nghề “cửu vạn”, em đã bị lôi kéo vào việc hút sách và trở thành con nghiện lúc nào cũng chẳng rõ. Ban đầu mới chỉ là thuốc phiện, sau đó để đủ “phê”, em đã chuyển sang dùng heroin. Như lời Ba, không có thứ gì làm cho mình “phiêu” bằng heroin thế nên khi đã “dính” vào khó lòng cưỡng lại được và cũng khó có ai bỏ được nếu không có một quyết tâm thật cao.

 

Khi cái thời vàng son của nghề “cửu vạn” ở bến Co Lương đã dần đi vào quá vãng, Ba cũng đã kịp đi học được nghề sửa chữa xe máy để về lại bến sông mở cửa hàng. Đó cũng là lúc đỉnh điểm về việc sử dụng ma túy của Triệu Văn Ba bởi cửa hàng sửa chữa xe máy làm ăn khấm khá bao nhiêu, Ba lại sử dụng ma túy nhiều bấy nhiêu. “Làm được 10 đồng, em đã mua ma túy đến 7 đồng. Số còn lại cũng chỉ đủ tằn tiện lo cho cuộc sống của gia đình, vợ con. Cũng may là nhờ vào cái cửa hàng sửa chữa xe máy nên em chưa phải đi ăn trộm, ăn cắp của ai cái gì. Thời điểm ấy, ngày nào em cũng đốt vài ba trăm nghìn, lúc có tiền, có ngày mất đến cả triệu đồng” Ba kể. Biết chồng nghiện, đã không ít lần vợ và cả gia đình nội, ngoại động viên, thậm chí ép buộc Ba cai nghiện. Nhưng những nỗ lực đó cũng chỉ như muối bỏ bể. Ma túy không chỉ ăn sâu vào máu, len lỏi vào từng thớ thịt mà nó còn ăn sâu vào trong suy nghĩ, trong tiềm thức của Ba. “Trong đầu em lúc nào cũng chỉ nghĩ đến ma túy. Không dám đi đâu xa khỏi ranh giới đất Co Lương. Kể cả khi bà cụ ở quê nằm ốm liệt giường cũng chẳng dám về thăm lâu vì sợ ra khỏi đất Co Lương không biết mua ma túy ở đâu. Lúc lên cơn vật vã trong đầu chỉ có một điều ước là mình có được một tảng heroin to bằng... cái nhà, cứ nằm đấy mà “chơi”, có chết cũng thỏa” Ba trải lòng.

 

                  

Sau khi cai nghiện thành công, Triệu Văn Ba đã quay trở lại giúp đỡ những người tại Trung tâm cai nghiện vượt qua giai đoạn khó khăn.

 

Nếu không phải về chịu tang mẹ, có lẽ cái thâm niên nghiện của Triệu Văn Ba sẽ còn kéo dài mãi chẳng biết đến khi nào mới chạm tới điểm dừng. Đứng bên linh cữu người mẹ, đứa con hư khi đói thuốc cứ vật vã nhểu nhải nước mắt, nước mũi, ai cũng xót lòng thay cho người quá cố. Sau đận ấy, ngẫm lại những tủi nhục trong suốt 20 năm trời đằng đẵng cùng với sự động viên của vợ con, gia đình, “con nghiện” Triệu Văn Ba đã hướng tâm về nẻo sáng. Ngày 11/9/2011, Ba tự nguyện đến cơ sở cai nghiện ma túy để điều trị, cắt cơn. “Những ngày đầu cai nghiện, đói thuốc vật vã nhiều lúc tưởng chừng như không thể sống nổi, chỉ muốn lao ra trở lại đường cũ. Nhưng nhờ liệu pháp tinh thần và sự tận tình giúp đỡ của anh em cán bộ tại cơ sở, em đã vượt qua quá trình cắt cơn sau 17 ngày nằm liệt một chỗ. Từ 52 kg trước khi cắt cơn, em đã gầy xọp đi, chỉ còn 40 kg. Muốn dậy phải có người đỡ, đi phải có người dìu” Triệu Văn Ba nhớ lại trong cái cảm giác hãi hùng.

 

Sau khi cắt cơn, Ba khỏe lên trông thấy, ăn được, ngủ được, không còn cảm giác thèm thuốc mỗi khi đến “cữ”. Trở về từ cơ sở cai nghiện, Ba đã đóng chặt cửa, những bạn nghiện trước đây mỗi lần đến đều bị Ba đuổi thẳng. Vẫn trong nỗi ám ảnh và sợ rằng một ngày nào đó mình sẽ lại bước qua những cám dỗ. Ba đã quay trở lại cơ sở cai nghiện, xin làm công việc giúp đỡ những người đến cắt cơn, giải độc. “Mình ngã ở đâu, đứng dậy ở đó, có như vậy mới thấy được cái giá trị của cuộc sống. Khi ta đi về hướng mặt trời, bóng tối sẽ ở sau lưng. Điều đơn giản ấy mà sau bao nhiêu năm em mới hiểu được”, Ba mở lòng. Cơ sở cai nghiện tự nguyện này, chúng tôi thấy ngoài Triệu Văn Ba còn có nhiều người nữa cũng đang bỏ lại bóng tối sau lưng. Dẫu vẫn biết rằng, đường về nẻo thiện vẫn còn lắm chông gai.

 

                                                                                  Mạnh Hùng

 

Các tin khác


Về Hà Giang ăn cháo... Ấu Tẩu

Đến Hà Giang mà chưa đi cao nguyên đá Đồng Văn, chưa ăn miếng thịt to, chưa uống bát rượu đầy, chưa ăn bát cháo độc dược... thì coi như chưa đến. Anh bạn đồng nghiệp đã khẳng định chắc nịch ngay khi chúng tôi vừa đặt chân lên mảnh đất này.

Đường Trường Sơn huyền thoại

Những ngày tháng 5 lịch sử, trong không khí hào hùng kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống bộ đội Trường Sơn mở đường (19/5/1959 - 19/5/2024), Trung tá Nguyễn Tài Ba, Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh tỉnh Hòa Bình lại cùng đồng đội ôn lại quãng thời gian được cống hiến, hy sinh, những ngày hành quân mở đường, giữ đường, đánh địch, bảo vệ huyết mạch giao thông để bộ đội ta chi viện cho tiền tuyến, giải phóng miền Nam.

Nhà tù Sơn La - “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng

Di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La - nơi được ví như "địa ngục trần gian” do thực dân Pháp xây dựng đã từng giam cầm, đày ải những người yêu nước và chiến sỹ cộng sản. Ngày nay, di tích này là "địa chỉ đỏ” trong công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ trong cả nước.

Gặp gỡ chiến sỹ Điện Biên

Các cựu chiến binh tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ nay đều ở tuổi xưa nay hiếm. Nhưng với họ, thanh xuân hào hùng của một thời hoa lửa và ký ức về những ngày tháng gian khổ mà rất đỗi tự hào năm xưa vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí.

Gặp gỡ cựu chiến binh tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ

70 năm đã trôi qua nhưng ký ức, kỷ niệm về tháng ngày tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí cựu chiến binh Lý Văn Ngoan (ảnh), hiện sinh sống tại thôn Đồng Tiến, xã Phú Thành, huyện Lạc Thủy.

Đổi thay nơi lòng chảo Điện Biên Phủ dưới góc nhìn của những “pho sử sống”

Trong ký ức của họ, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa cả vùng đất rộng lớn của cánh đồng Mường Thanh bị tàn phá nặng nề, hoang tàn, ngồn ngang vũ khí và bom đạn sau chiến tranh… Và nay, sau 70 năm nơi chiến trường xưa là một thành phố trẻ tràn đầy sức sống. Giữa nhộn nhịp của cuộc sống, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa như những "pho sử sống” trao truyền cho thế hệ hôm nay ngọn lửa của lòng tự hào, tinh thần đấu tranh anh dũng, bất khuất của dân tộc...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục