Chi trường MN Bò Liêm đang chăm sóc, dạy dỗ những đứa trẻ thiệt thòi vì vắng bố.

Chi trường MN Bò Liêm đang chăm sóc, dạy dỗ những đứa trẻ thiệt thòi vì vắng bố.

(HBĐT) - Những gia đình có đàn ông trong nhà chỉ đếm trên đầu ngón tay. Có năm, bản có đến 7 người đang tuổi ăn, tuổi làm phải về với “mường trời” vì nghiện ma túy, mắc HIV/AIDS. Số còn lại phải đi thụ án cũng có liên quan đến ma tuý. Bản gần như chỉ còn lại phụ nữ, trẻ em. Mọi công to, việc lớn đều dồn lên vai các bà, các chị. Đó là tình trạng đáng lo ngại ở bản Bò Liêm, xã Tân Sơn (Mai Châu) khi cơn bão ma túy ập đến. Tết này, nhiều gia đình không được xum họp...

 

52 hộ, chỉ có 7 người đàn ông 

Tháng giêng, bản Bò Liêm mờ ảo trong sương mù. Sương dày đặc ôm    lấy những căn nhà tuềnh toàng. Mặc dù nằm sát mép QL6 lên Tây Bắc nhưng Bò Liêm lặng lẽ, u tịch từ trong những nếp nhà. Mặc dù đã được Chủ tịch UBND xã Hà Văn Thươm phác thảo tình hình từ trước nhưng chúng tôi vẫn thực sự xót xa khi được chứng kiến, nghe tâm sự của những người đàn bà cô đơn nơi đây. Gia đình đầu tiên mà chúng tôi tìm đến là hộ ông Bàn Văn Sông. Căn nhà gỗ đơn sơ cửa đóng, then cài. Phía trước nhà là khu vườn tạp và một cái chuồng lợn trống huơ, trống hoác. Chủ tịch Thươm lắc đầu nói với chúng tôi: Hai vợ chồng ông Sông đã ở cái tuổi lẽ ra được nghỉ ngơi nhưng chắc vẫn phải lên nương làm lụng kiếm cái ăn. Trụ cột của gia đình là con trai Bàn Văn Xuân hiện đang phải chịu án phạt tù vì tội buôn bán ma túy. Vợ của Xuân là Triệu Thị Sáng cũng đã từng phải bóc lịch trong tù 5 năm vì tội bán lẻ ma túy. Con trai của Xuân và Sáng cũng theo con đường của bố, mẹ mà vào tù. Không gặp được ông Sông, chúng tôi đến nhà ông Phó Chủ tịch UBND xã. Con trai của vị Phó Chủ tịch cũng đang phải chịu án phạt tù vì liên quan đến ma tuý. Bên bếp lửa bập bùng, 3 người phụ nữ đã luống tuổi cùng ngồi với nhau tâm sự chuyện đời, chuyện cơn bão ma tuý đã quần nát bản nhỏ vốn trước đây yên bình như thế nào. Không hề giấu giếm, một phụ nữ tên Ngần Thị Thảo vừa gắp thanh củi bỏ vào bếp, vừa hạ giọng: Nhà bà ở phía bên kia đường. Năm nay bà đã ngoài 70 tuổi rồi mà vẫn phải một mình nuôi 2 đứa cháu nội. Con trai bà dính vào ma tuý phải đi tù. Về được một thời gian đổ bệnh chết rồi. Con dâu tần tảo sớm hôm đi làm thuê nuôi con cũng kiệt sức, lao lực mà bỏ đi theo chồng. Con trai mất năm trước, con dâu mất năm sau. Ba bà cháu ăn rau, cháo sống dựa vào nhau cho qua ngày. Thương các cháu không được đi học như các bạn cùng trang lứa. Thằng lớn năm nay 16 tuổi. Thiếu cái ăn, cháu phải đi làm thuê lọc bột dong riềng ở Mộc Châu (Sơn La) từ năm lên 14. Đấy cũng là nơi mẹ cháu đi làm thuê trước đây.  

Ở bản nhỏ chỉ có 52 hộ nhưng hoàn cảnh như bà Thảo không hiếm. Số gia đình còn có đàn ông trụ cột trong nhà đếm chưa hết các đầu ngón tay. Bà Thảo vừa kể, vừa chìa 2 bàn tay ra đếm: Chú Phong, chú Quyền, Thổn, ông Thông, chú Xâm, chú Đức, cuối cùng là chú Quang. Cả bản chỉ còn có 7 người đều đã cao tuổi. Bây giờ, trong bản chủ yếu là đàn bà, trẻ con thôi. Mọi công to, việc lớn từ lên nương, cúng giỗ đến đào huyệt đều do bàn tay cánh nữ làm hết. Có năm, bản có 4  5 người chết vì nghiện ma tuý, HIV/AIDS. Năm nhiều lên đến 7 người, đều đang ở cái tuổi ăn, tuổi làm từ 25  35 tuổi. Nhà ông Thông có 4 đứa con: Hải, Tâm, Tuấn, Tú đều chết vì ma tuý. Có một năm ông ấy phải 3 lần chôn con. Chị Bàn Thị Hợi ngồi bên cạnh tôi đây cũng một mình nuôi 2 đứa con thơ. Chồng chị đã chết vì lên cơn nghiện. Còn nhiều, nhiều hoàn cảnh như thế nữa! Nhóm lửa sưởi ấm đấy nhưng cứ thấy lạnh ở trong lòng. 

Cách nhà ông Phó Chủ tịch xã chừng 100 m là chi trường mầm non Bò Liêm. Ngôi trường nhỏ đã được xây từ năm 2000 nhưng khuôn viên nhỏ hẹp. Nơi đây đang chăm sóc, dạy dỗ 7 cháu, lứa tuổi từ 2  4. Cô giáo Hà Thị Liên, 16 năm gắn bó với chi trường chia sẻ: Nhìn các cháu nô đùa hồn nhiên, vui tươi thế nhưng có đến 4 cháu không có bố ở nhà. Cháu thì bố đang đi tù, cháu bố đã chết đều liên quan đến ma tuý. Có cháu sinh ra không biết mặt bố. Mẹ các cháu đều phải đi làm thuê nên thường là bà đến đón về. Đáng ngại nhất là tình hình ANTT ở đây. Cứ nhìn cái nhà vệ sinh của chi trường toàn giấy bạc để hít hêrôin mới thấy sợ. Cô giáo còn chẳng dám đi vệ sinh nữa. Các cháu đành đi vào bô ở ngay trong lớp học để đảm bảo an toàn. Cứ hở cái gì ra bên ngoài là mất, ngay cả những thứ nhỏ nhặt như đôi dép, ti ô hút nước Vì vậy, tất thảy mọi thứ đều phải cho vào trong lớp học, bếp ăn và khoá lại. Chỉ còn duy nhất một thứ là chiếc cầu trượt làm bằng bê tông là có thể để ở ngoài.  

“Mong mọi người đừng dính vào ma tuý" 

Đó là lời tâm sự của bà Ngần Thị Thảo khi chia tay chúng tôi. Bà bộc bạch: “Chẳng thấy của cải, tài sản đâu, chỉ thấy sự kiệt quệ, tiều tuỵ, tang tóc. Con mất cha, mẹ mất con, bản làng vắng đàn ông. Gia đình nhà tôi đã khổ. Đến như ông Hà Ngọc Long ở bản Bò Báu bên cạnh có con đi buôn ma tuý mua cả xe ô tô tiền tỉ cho người yêu đấy mà ông bố vẫn phải sống trong căn nhà ẩm mốc, lụp xụp. Khi thằng Lương con ông ấy lĩnh án tử hình vì buôn ma tuý còn để lại cho ông món nợ hàng trăm triệu đồng. Chạy vạy, vay mượn anh em, bạn bè mà vẫn chưa trả xong". 

Về hậu quả của ma tuý, có lẽ Chủ tịch UBND xã Hà Văn Thươm là thấu hiểu nhất. Hơn 10 năm làm Chủ tịch, ông vẫn không thể tưởng tượng nổi ma tuý lại tàn phá ghê ghớm và nhanh đến vậy. Ma tuý mới tràn về xã từ cuối năm 2005 mà đến nay với hơn 200 hộ thì cứ khoảng hơn 10 hộ lại có 1 hộ dính đến ma tuý. Trong đó, tập trung ở bản Bò Liêm. Ma tuý như một cơn bão vò nát cuộc sống của bản làng vốn êm ả, thanh bình. Một số đối tượng lao vào ma tuý chỉ chớp nhoáng hào quang, căng lên rồi vỡ toang nhanh như bong bóng xà phòng. ông Thươm lo ngại: Chúng phải đền tội vì ma tuý là phải. Nhưng chỉ thương lũ trẻ bơ vơ, thiếu hơi ấm người cha rồi còn tương lai chúng nó. Nhà trường dạy dỗ liệu đã đủ?! Tân Sơn là một xã nghèo. Xã có 3 bản. Năm 2012, thu nhập bình quân đầu người toàn xã mới đạt 7,1 triệu đồng. Bản Bò Liêm là nghèo nhất và phức tạp về ma tuý nhất. Nơi đây tập hợp các dân tộc Thái, Dao, Kinh, Mường từ các nơi về lập nghiệp. Trước tình hình đó, xã đã phối hợp với huyện liên tục xuống bản để tuyên truyền. Các hội, đoàn thể như thanh niên, phụ nữ cùng vào cuộc vận động nhân dân chấp hành các quy định của pháp luật. Công an xã cũng gọi hỏi, răn đe. Nhưng vì lợi nhuận, không ít người vẫn lao như con thiêu thân vào con đường phi pháp, vào cái chết trắng. Chỉ có những người đàn bà cô độc còn lại trong bản mới thấu hiểu được hậu quả, sự tàn phá ghê ghớm của ma tuý và căm phẫn những kẻ đã gieo rắc nó.  

Địa hình hiểm trở, đất sản xuất ít, thời tiết lại khắc nghiệt nên Bò Liêm nói riêng và Tân Sơn nói chung còn gặp nhiều khó khăn. Vẫn chỉ cây ngô, cây lúa, con trâu, con bò nên cái nghèo cứ quanh quẩn. Gia đình ông Chủ tịch xã cũng mạnh dạn trồng thử su su. Ngọn tốt, quả to nhưng chẳng thương lái nào đến mua vì chỉ có duy nhất gia đình nhà ông trồng. ông hy vọng rằng, dự án nuôi cá hồi sắp tới sẽ là nét mới, đem đến sự đổi thay cho bản làng nơi đây.  

Rời Bò Liêm, lòng chúng tôi cảm thấy trĩu nặng. Cơn bão ma tuý đã dịu nhưng nỗi đau, cái khổ, cái nghèo không biết lúc nào mới hết. Nhìn những ánh mắt ngây thơ, nụ cười hồn nhiên trên gương mặt bọn trẻ, không biết tương lai các em sẽ ra sao? Điều này đặt ra sự cần thiết có các biện pháp tuyên truyền giáo dục và định hướng nghề nghiệp ngay từ khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường. Có như vậy, con đường đến với cái chết trắng mới không lặp lại. 

 

                                                                              Minh Châu

 

Các tin khác


Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục