Xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.

Xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.

(HBĐT) - Theo lời mời của các bạn đồng nghiệp Hà Giang, đoàn cán bộ, phóng viên các báo: Kinh tế Đô thị, Hải Dương, Hải Phòng và Hòa Bình ngủ trọn đêm trong hương rượu ngô nồng ấm tại thành phố Hà Giang. Sáng tinh mơ hôm sau, cả đoàn thực hiện cuộc hành trình lên miền cực Bắc của Tổ quốc.

 

Kỳ vĩ  Mã Pì Lèng

 

Cuối thu, nhiều mù hóa mưa, đường sáng trơn ướt nhẹp, đèo dốc lên xuống  ai cung nơm nớp lo sợ. Đường lên các xã vùng biên trập trùng trong gian khó thử thách cánh lái xe. Ông Lê Trọng Lập, Tổng Biên tập Báo Hà Giang chấn an: Mùa này, bắt đầu trở rét, trời nhiều sương về sớm và tối nhưng có nắng, lại khá thuận lợi đến với vùng biên cương. Vượt qua mấy chục km đường đèo, chúng tôi dừng chân ăn sáng tại thôn Tráng Kìm, xã Đông Hà, Quản Bạ. Bánh phở chấm nước ớt, trộn tỏi tía núi cay chảy nước mắt xua tan giá rét vùng cao. Mây mùa sang vùng cao Hà Giang mê hoặc lòng người. Qua Quản Bạ, Yên Minh gió đèo lồng lộng, đất trời vùng cao ngợp tầm mắt. Hà Giang hiểm trở - đẹp vô hạn. Núi tiếp núi. Đường đèo quanh có, khúc khửu, liên tục cua gấp. Đèo núi nối tiếp, một bên là vực sâu thăm thẳm, một bên non cao chót vót. Ruộng bậc thang vàng óng. Những trải rừng thông Pơ Mu nằm rải rác đường đi. Thi thoảng bắt gặp những trảng hoa tam giác mạch, hoa bạc hà trắng ngần, đỏ rực kéo dài đến chân núi xa. Những ngôi nhà đồng bào Mông nằm chênh vênh sườn núi. Tiếng cười thiếu  nữ đựu ngô, đựu cỏ, nông sản vùng cao trong ngần vang vọng đá reo. Cả đoàn liên tục ù tai vì thay đổi áp suất. Anh Chung, tay săn ảnh Báo Hải Dương máy đeo tứ bề, nháy máy lia lịa lặng trước thiên nhiên: Lên Hà Giang lần nào cũng tận dụng thời gian thu vào ống kính tất cả đất trời nên thơ hùng vĩ, con người miền cao nguyên đá. Đoàn dừng chân nơi cổng trời Quản Bạ. Trời đã quang mây. Thiên nhiên xuất hiện rõ nét dần trong mây vờn núi. Nắng trải dài như những mảng vàng trên lớp lớp đá xám vùng cao. Nhìn xuống con đường đã vượt như những sợi chỉ trắng vắt vẻo bám vực. Tạo hóa ban tặng nơi “cổng trời” này nét duyên tha thướt của người thiếu nữ trông trăng, sóng tóc mây mềm mại, đầy nhựa sống tuổi xuân. Khắp kế bên là những khối núi sừng sững, gân guốc như mãnh lực của những chàng trai tranh tài cầu hôn sở hữu nàng tiên trong ước nguyện.

 

              

                     Đường lên cao nguyên đá gập gềnh, trắc trở.

 

Đường từ thành phố Hà Giang, qua Yên Minh, lên Mèo Vạc, Đồng Văn là những con đèo hùng vĩ và hiểm trở nhất đất Việt. Khi trước, từ thành phố Hà Giang muốn lên vùng biên cương chỉ có cắt bộ, hay ngựa thồ vắt vẻo trên các sườn núi. Giờ đã có đường. Con đường dài hàng trăm cây số, bám trên những sườn núi hiểm trở là biểu trưng cho tinh thần quả cảm của lớp lớp thanh niên xung phong thuộc 6 khu tự trị Việt Bắc cũ (Cao, Bắc, Lạng, Hà, Tuyên, Thái). Hồi ấy mở đường chỉ bằng sức người với những dụng cụ thô sơ. Đoạn đi qua Mã Pì Lèng dài mấy chục km phải mất tới mấy năm mới có hình hài, đã có tới cả ngàn thanh niên ròng rã treo mình trên đá núi mở đường. Mồ hôi, xương máu và cả tính mạng đã làm nên con đường huyền thoại. Hôm nay, tên tuổi họ đã tạc vào thời gian, đá núi sừng sững trên đỉnh Mã Pì Lèng. Đó cũng là ngày khai sinh là con đường mang tên Hạnh Phúc mang lại sự đổi thay lớn lao cho đồng bào vùng cao nguyên đá Hà Giang. Ông Lập, Tổng Biên tập Báo Hà Giang bảo: Mình đang đi trên “đệ nhất hùng quan đấy”. Con đường hiểm trở và kỳ vĩ nhất đất nước. Đèo Mã Pì Lèng dài cỡ 7 cây số nối giữa huyện Mèo Vạc và Đồng Văn. Đi lên vùng biên Hà Giang, đặc biệt là qua đèo Mã Pì Lèng, những lái xe dày dạn kinh nghiệm cũng phải tập trung cao độ. Vách đá dựng đứng, sâu hun hút. Sơ xểnh một chút là “ăn đòn”. Thế nên, lính xế thường nắn gân nhau: Chưa đến Mèo Vạc, Đồng Văn, Lũng Cú, thì chưa đến Hà Giang. Địa hình, địa chất chia cắt mạnh, cao nguyên đá Đồng Văn- Mèo Vạc hình thành từ hàng trăm triệu năm và được công nhận là di sản địa chất cấp quốc gia. Vùng cao Hà Giang mỗi ngày mỗi vẻ. Sáng tối mịt mùng sương, nắng lên trời trong xanh bát ngát, chiều xuống, hoàng hôn tím lịm da diết nhớ nhung. Lên cao nguyên đá dịp xuân có sắc đào, sắc mận điểm xuyết núi rừng. Còn những ngày cuối thu này, sắc đá xám rằng rặc, rét mướt. Trên đỉnh Mã Pì Lèng lộng gió, cả vùng đất quê hương như ôm trọn tầm mắt. Đưa tay lên như nắm được cả mây. Dòng sông Nho Quế, bắt nguồn từ Trung Quốc, nằm miên miên dưới những vách núi dựng đứng, lấp lánh những trảng cát trắng tinh khôi, mịn màng, uốn lượn thật nên thơ hào sảng.

 

 

Sức sống trên cao nguyên đá

 

Đứng trên đỉnh Mã Pì Lèng kỳ vĩ, tráng lệ, Ông Đinh Ổn, Tổng Biên tập Báo Hòa Bình tâm tư: Hà Giang đẹp hùng vĩ và nhiều gian khó. Nhưng lại đầy khắc nghiệt đối với cuộc sống đồng bào dân tộc nơi đây. Đi “phượt” bằng ô tô, xe máy đã cảm thấy nhọc nhằn.  Đúng là quyết tâm không cao, không có chất làm báo, chẳng thể có dũng khí đến với vùng phên dậu miền cực Bắc Tổ quốc- Hà Giang. Có đến vùng cao Hà Giang mới thấm thía và thấy mình hạnh phúc, được sống, làm việc ở những vùng thuận lợi hơn rất nhiều.  Đến nơi đây phải là những người  cá tính thích phưu lưa mạo hiểm, ưa khám phá. Địa hình chia cắt. Giao thông khó khăn. Núi chồng núi dựng đứng sắc lẹm nhìn xuống chống chếnh  cả người.  Khí hậu khắc nghiệt. Quanh năm mây mù bao phủ. Mỗi mùa mỗi vẻ gian nan. Nắng hạ cả cao nguyên như chảo lửa, nhưng lại có thể rét ngay trong ngày. Đông rét mướt, băng vương trên núi, dòng sông Nho Quế mang trên mình lớp băng mỏng tang. Cây cối, thảm thực vận tồn tại hiểm hoi trên đá núi. Ngàn năm qua, người Mèo vẫn vẫn kiên cường bám trụ lưng chừng núi. Cuộc sống, sản xuất phụ thuộc cả vào thiên nhiên nhiên. Anh Hòa, PV Báo Hà Giang chỉ tay những căn nhà khép nép, treo leo bám vực bảo: Bây giờ cuộc sống người Mèo được cải thiện nhiều nhưng vẫn còn đầy rẫy khó khăn. Đảng, Nhà nước thực hiện chương trình 30a hỗ trợ phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống người dân, nhiều hồ nước treo trên núi đưa vào khai thác giúp đồng bào yên tâm sản xuất, sinh sống. Với khí hậu thay đổi liên tục như ở đây, căn nhà tránh mưa gió, lạnh giá của người dân địa phương chỉ có vật liệu duy nhất là đất nhào rơm, bột đá trộn xi măng. Quả đúng vật liệu làm nhà bằng đá, đất nhào, lợp mái xi măng. Hàng rào, tường xây bằng đá tai mèo. Ruộng vườn lởm chớp đá núi tai mèo. Trên cao nguyên đá, đất và nước đều hiếm hoi. Trên đá núi, người Mèo bám trụ kiên cường, chắt chiu từng giọt nước, tận dụng những thửa đất ít ỏi trồng ngô, lúa. Nhiều nơi người dân phải gùi đất đổ vào hốc đá để trồng ngô, trồng cải. Chẳng có phương tiện nào hỗ trợ sản xuất ngoài sức người. Đồng bào lấy mũi cầy, con dao nhọn, cái thuống đục lỗ đất, đá tra ngô, gieo mầm cây cải. Người Mèo căn cơ trong gian khó, bền bỉ mưu sinh trên cao nguyên đá. Với cây ngô, người Mèo đem lại sinh khí cho vùng đá cao nguyên. Ngô làm men mén có nhiều dinh dương hương thơm, vị đượm, rất bùi và ngậy giúp người Mèo tồn tại vượt qua khó khăn, gắn bó với vùng cao. Mèn mén, thắng cố, rượu ngô, thịt lợn, lạp sường hun khói cũng là đặc trưng và là nét văn hóa của đồng bào dân tộc cao nguyên đá. Đó là chất men say, vùng cao Hà Giang, tạo nên kỳ tích, tính cách con người vùng biên ải.

 

      

                                Phút nghỉ chân trên đỉnh Mã Pì Lèng.

 

Lên với biên cương nơi địa đầu cực Bắc của Tổ quốc. Đi qua vùng cao nguyên đá, gian khó. Chứng kiến cuộc sống, nét văn hóa đồng bào các dân tộc Hà Giang. Cảm nhận cuộc mưu sinh bền bỉ trên đá núi. Đắm mình trong trong tiếng khèn da diết gọi bạn phiên chợ tình phố cổ Đồng Văn. Thiêng liêng chạm tay vào cột cờ Lũng Cú, địa đầu đất nước nhớ hồn dân tộc. Thăm dinh thự tráng lệ nguy nga của gia tộc Vua Mèo họ Vương. Đó là hạnh phúc vô ngần của những người làm báo. Chúng tôi, những người sinh sống và làm việc ở vùng điều kiện thuận lợi hơn, trân trọng và  thầm cảm phục ý trí, nghị lực của đồng bào các dân tộc và những đồng nghiệp làm báo nơi đây. Họ đang mang trong trách nhiệm lớn lao của cả dân tộc, nỗ lực chịu đứng, vượt qua khó khăn nơi phên dậu đất nước, trở thành những biểu tượng sống ở vùng cực Bắc của Tổ quốc Việt Nam thân yêu.

 

 

                                                                                    Lê Chung

 

 

Các tin khác


Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục