Những lão dân quân xã Hợp Hòa năm xưa ôn lại trận đánh lịch sử,  bắt sống 2 giặc lái, bắn cháy 1 máy bay trực thăng Mỹ tại Đồi Bù.

Những lão dân quân xã Hợp Hòa năm xưa ôn lại trận đánh lịch sử, bắt sống 2 giặc lái, bắn cháy 1 máy bay trực thăng Mỹ tại Đồi Bù.

(HBĐT) - Sau 40 năm, cuộc sống đã thay đổi quá nhiều nhưng vẫn còn nụ cười ấy, vẫn những con người ấy của những chiến sỹ dân quân lòng gang, dạ sắt trong trận đánh Đồi Bù không quản ngại khó khăn, hy sinh gian khổ góp sức làm nên một “Điện Biên Phủ trên không” chấn động địa cầu trong 12 ngày đêm đỏ lửa.

 

Hoãn đám cưới cùng cả làng đánh giặc  

Về Hợp Hòa (Lương Sơn) những ngày này, không chỉ được nghe chuyện về cây đa nghìn tuổi đã nhiều lần được chọn làm bối cảnh trong các bộ phim truyền hình nổi tiếng mà chúng tôi còn được nghe những câu chuyện kể về chiến thắng Đồi Bù, bắt sống 2 giặc      lái Mỹ trong chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không cuối tháng 12/1972 từ chính những chiến sỹ dân quân nay đã thành những cụ ông, cụ bà. Không hẹn trước nhưng cũng thật may mắn trong chuyến đi này, chúng tôi đã gặp được đông đủ cả trung đội dân quân - những người trực tiếp tham gia chiến đấu, truy bắt giặc lái Mỹ tại cao điểm 833 Đồi Bù. Dù cho da mồi, tóc bạc nhưng ký ức về trận đánh Đồi Bù vẫn vẹn nguyên trong tâm trí của những lão dân quân năm xưa. Kể về trận đánh trên Đồi Bù, sau tiếng cười khoái trá, lão dân quân Hoàng Văn Lẫy hiện ở xóm Suối Cốc (xã Hợp Hòa) đầy phấn khích: đến tận bây giờ tôi vẫn còn nhớ rõ, vào khoảng 9h15 tối ngày 22/12/1972, khi anh em chúng tôi đang trực chiến, nghe thấy một tiếng nổ rất to kèm theo một luồng sáng chói. Khi ánh sáng còn chớp lòe trong bóng đêm đen kịt, chúng tôi phát hiện có một chiếc dù đang rơi về phía Thung Vầu trên khu vực Đồi Bù. Nhận định đây là giặc lái nhảy dù xuống địa bàn sau khi máy bay của chúng bị quân ta bắn cháy, ngay lập tức, chúng tôi đã triển khai đội hình bí mật tiến về khu vực có giặc lái Mỹ nhảy dù xuống. Dù rừng núi hoang vu, cây cối rậm rạp nhưng cũng không khó để tìm ra buồng lái của chiếc máy bay phản lực F111 bị quân ta bắn rơi. Khi chúng tôi tiếp cận buồng lái, những tên phi công đã không còn ở đó. Xác định chúng chưa thể đi xa khỏi ngọn đồi và chưa thể có sự ứng cứu từ đồng bọn, trung đội dân quân du kích đã tổ chức bao vây, truy bắt giặc lái. Sau một ngày 2 đêm truy lùng theo dấu tích, đến 7h sáng ngày 24/12/1972, trung đội dân quân Hợp Hà đã bắt được tên đại úy phi công Mỹ đang run rẩy nép mình trong đám cỏ lau. Tên thiếu tá còn lại đã kịp trốn lên điểm cao cho đến mãi ngày 29/12/1972 mới bắt được cũng trong bộ dạng tiều tụy đói khát, toàn thân loang lổ vết máu do muỗi, vắt cắn.  

Cũng trong dòng chảy ký ức của trận đánh Đồi Bù, lão dân quân Hoàng Thị Xô nhớ lại: thời điểm trước khi giặc lái Mỹ nhảy dù, anh chị em trong đội dân quân chúng tôi cũng vừa bàn bạc, hẹn nhau đến sáng ngày 23/12/1972 đi rừng lấy củi về để phục vụ cho đám cưới của anh Vũ Văn Chang và chị Hoàng Thị Bướm. Nhưng nhận lệnh của trên, tập trung cho nhiệm vụ bắt giặc lái, đám cưới đã hoãn lại dù mọi công việc chuẩn bị đã cơ bản hoàn tất. Cả làng, cả xã đều nô nức tham gia chiến đấu, có gia đình cả nhà cùng tham gia. Trong trận đánh này, cả anh Vũ Văn Chang và chị Hoàng Thị Bướm đều tham gia, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Không chỉ có vậy, cô dâu Hoàng Thị Bướm đã trở thành một trong những tấm gương dũng cảm, mưu trí bám trận địa, đánh địch. Sau trận đánh, đám cưới của đôi vợ chồng chiến sỹ dân quân đã được tổ chức trọn vẹn cùng niềm vui chiến thắng của chiến dịch Điện Biên Phủ trên không trong 12 ngày đêm địch dùng không quân điên cuồng đánh phá hậu phương lớn miền Bắc. Ngày đó, trong đám rước dâu, họ còn được chứng kiến máy bay trực thăng của ta cẩu buồng lái chiếc máy bay Mỹ về Hà Nội trong niềm vui sướng vỡ òa xen lẫn với cảm giác tự hào. Càng tự hào hơn khi ngay sau đó cô dâu Hoàng Thị Bướm cùng với một số anh chị em dân quân xã vinh dự được kết nạp Đảng.  

Những ngày mưa rừng, cơm vắt bắt giặc lái   

Sau chiến thắng Đồi Bù, bắt sống 2 tên giặc lái Mỹ, cho đến tận bây giờ, có nghĩa là sau 40 năm, những lão dân quân ở Hợp Hòa mới biết chiếc máy bay F111 rơi xuống Đồi Bù là loại máy bay hiện đại nhất thế giới lúc bấy giờ đã bị những chiến sỹ tự vệ Công ty Cơ khí Mai Động bắn cháy khi chúng ngông cuồng vào ném bom, bắn phá thủ đô Hà Nội. Điều đó, họ chỉ biết được khi đại tá Bùi Phương Diện, cán bộ thuộc Tổng Cục Chính trị QĐND Việt Nam về tìm hiểu tư liệu để chuẩn bị kỷ niệm 40 năm chiến thắng chiến dịch Điện Biên Phủ trên không trong 12 ngày đêm mùa đông năm 1972.  

         

           

Thiếu tá phi công Mỹ William Winson bị dân quân xã Hợp Hòa bắt tại Đồi Bù ngày 29/12/1972. (Ảnh TL)

Đến nay, sau 40 năm, trong câu chuyện của họ vẫn còn nguyên khói lửa đạn bom, còn nguyên những gian nan, vất vả và sự lạc quan như thủa nào. Lão dân quân Hoàng Văn Lẫy nhớ lại: trận đánh truy bắt giặc lái và chiến đấu ngăn chặn lực lượng giải cứu tại Đồi Bù là trận chiến đấu kéo dài ở khu vực rừng núi phức tạp, trong thời tiết mưa rét, được tổ chức triển khai với quy mô lớn, có sự chỉ đạo chặt chẽ của Quân khu, Bộ CHQS tỉnh, huyện đã giành được thắng lợi quan trọng. Bắt sống được 2 tên giặc lái Mỹ là tên thiếu tá William Winson và đại úy Robert David Raybanger, thu toàn bộ vũ khí, phương tiện chiến đấu, liên lạc, đảm bảo an toàn tuyệt đối, không có ai bị thương vong là một chiến công lớn. Ngoài ra, trong quá trình vây bắt giặc lái, chúng tôi đã phối hợp với các lực lượng tổ chức chiến đấu chống trả kiên cường các đợt không kích nhằm giải cứu phi công của địch và bắn cháy 1 máy bay trực thăng.  

Không thể kể hết những khó khăn, vất vả của những chiến sỹ dân quân và nhân dân khi tham gia vây bắt giặc lái. Từ trong gian khó đã có nhiều tấm gương dũng cảm không ngại gian khổ, vượt qua bom đạn ác liệt như những nữ dân quân Hoàng Thị Bản, Hoàng Thị Nghè dù dẫm phải gốc lành hanh sắc nhọn, chân bị sưng tấy, nhức buốt nhưng vẫn không rời bỏ nhiệm vụ. Dù cho bom đạn ác liệt, sự sống, cái chết cận kề nhưng những chiến sỹ dân quân Đồi Bù vẫn không sờn lòng, mảy may khiếp sợ,   họ chỉ sợ không hoàn thành nhiệm vụ để những tên giặc lái thoát chạy.  Tuy vậy, trong ngày chiến đấu, có những chuyện mà nói như lão dân quân Hoàng Thị Xô, cho đến bây giờ nghĩ lại mà vẫn thấy sợ đó là chuyện mưa rừng trong tiết trời mùa đông buốt lạnh và ăn cơm lẫn vắt. Hẳn nhiên đó là những kỷ niệm không bao giờ quên. Chẳng vậy mà mỗi lần gặp nhau, những lão dân quân Hợp Hòa vẫn vui vẻ kể lại chuyện ông Hoàng Văn Liễu được giao nhiệm vụ canh gác tại khu vực buồng lái máy bay rơi. Nơi rừng rậm, muỗi, vắt nhiều vô kể. Nhưng để đảm bảo an toàn, bí mật, đêm tối không được thắp đuốc nên khi mở nắm cơm ra ăn đã ăn cả những con vắt rừng dai nhách mà cứ ngỡ... thịt trâu. Không chỉ ông Liễu mà trong bóng đêm đặc quánh, nhiều người cũng đã phải ăn cơm lẫn cả vắt rừng còn ngoe nguẩy sống. 

Những câu chuyện chiến đấu bắt sống giặc lái, bắn cháy máy bay Mỹ của lão dân quân ở xóm Suối Cốc chắc chắn sẽ còn được kể mãi. Chiến công đó của những chàng trai, cô gái thủa đôi mươi nay đã nên ông nên bà không chỉ được ghi lại trong trang sử hào hùng của xứ Mường Hòa Bình mà còn được ghi dấu đậm nét trong chiến công của quân và dân miền Bắc đánh thắng giặc Mỹ trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không năm 1972. Đó là một trang sử chói lọi, hào hùng,  mốc son không thể nào quên trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.      

 

                                                                                 Mạnh Hùng

 

Các tin khác


Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục