Ông Cao Viết Bảo cho biết, người dân gọi đây là khu giếng nữ.

Ông Cao Viết Bảo cho biết, người dân gọi đây là khu giếng nữ.

(HBĐT) - Câu chuyện bí ẩn về chàng rắn trắng đào giếng tạo phúc cho dân làng có nước sinh hoạt dưới chân núi Ái Làng xưa kia, vẫn được bà con nơi đây truyền tai nhau. Những truyền thuyết ly kỳ chưa lời giải đáp xung quanh đôi "giếng thần” mang tên Nam - Nữ này.

 

Hàng bao đời nay người dân xã Cẩm Quý, huyện Cẩm Thủy vẫn thường kể cho nhau nghe về truyền thuyết đôi "giếng thần” và coi đôi giếng này như một "của hồi môn", một giá trị tinh thần vô giá đối với cộng đồng người Mường nơi đây.

Sự tích "chàng rắn” và cuộc hành trình tìm nới trú ẩn

Trải qua quãng đường gần 100km từ thành phố Thanh Hoá, chúng tôi tìm về xã Cẩm Quý để mục sở thị và nghe câu chuyện kỳ bí về đôi "giếng thần” (giếng trời ban). Các cụ cao niên trong làng Chiềng, xã Cẩm Quý cho biết, đôi "giếng thần" có từ khi nào cũng chẳng ai biết được, người dân nơi đây chỉ biết rằng khi sinh ra đã thấy có đôi giếng nước đó rồi.

Bà Cao Thị Chắt (77 tuổi), người dân tộc Mường, cho biết, từ ngày còn bé bà đã thấy đôi "giếng thần”, nước trong xanh không bao giờ vơi cạn nằm ở đó, hỏi cũng chẳng ai rõ về thời gian xuất hiện hai giếng nước. Bà Chắt chỉ nghe kể lại rằng, trước đây ở làng bà đang ở chỉ có hơn 20 hộ gia đình dân tộc Mường sinh sống. Ngày đó, nơi đây xung quanh còn là rừng rậm hoang vu.

Tương truyền, vào một ngày nọ có người đàn ông họ Cao tên tuổi không ai nhớ rõ, đi xúc tôm, xúc tép ở bờ suối, xúc được một quả trứng to bằng quả trứng ngan, ông nghĩ quả trứng này không còn ăn được nữa liền ném nó đi nhưng lạ thay, mỗi lần xúc tiếp theo quả trứng lại nằm trọn trong rổ, bực mình ông xách rổ ra về mang theo quả trứng.

Về nhà, ông bỏ quả trứng cho gà ấp, hơn một tháng trôi đi trong yên lặng rồi vào một ngày trời đất bỗng tối sầm lại, đàn gà kêu lên thảng thốt, đàn trâu cũng lồng lên trong chuồng, một con rắn màu trắng tinh nằm cuộn tròn trông ổ gà. Thấy đó không phải là điềm lành ông liền mang con rắn đi vứt bỏ nhưng lạ thay, cứ mỗi lần ném nó thật xa thì về nhà lại thấy rắn trên xà nhà.

Vứt bỏ không được, ông đành phải nuôi nó, rồi ông gọi rắn bằng con. Rắn mỗi ngày một to lớn cho đến khi ông già đi không còn đủ sức nuôi rắn nữa, ông nói với rắn rằng: "Bố đã già rồi không còn đủ sức nuôi con nữa. Vì vậy, bố phải mang con đi ở chỗ khác".

Ông bắt đầu cuộc hành trình đi tìm chỗ ở cho chàng rắn. Lúc đầu ông mang rắn đến "vực cùng” của con sông Mã nhưng rắn không đồng ý, hai cha con lại đi, đi hết cánh rừng già này đến vực thẳm khác rắn cũng không đồng ý ở lại. Bực mình, ông liền lấy mai nhằm mình rắn đâm thẳng, may mắn rắn chỉ đứt phần đuôi, thấy máu rắn đổ ra lênh láng, thương rắn ông lại tiếp tục cuộc hành trình đi tìm chỗ ở cho rắn.

Cách xa chỗ làng của ông ở đến mấy ngày đường có một con sông, ở đó có nhiều vực thẳm sông lại không chảy xiết rắn ngụp lên ngụp xuống mấy cái rồi gật đầu ưng ý ở lại. Trước khi ra về ông dặn rắn ở lại đừng quấy phá dân làng xung quanh, rắn bất ngờ khóc và nói với ông bố hãy ước một điều ước để con đền ơn nuôi dưỡng của bố bấy lâu nay. Ông nghĩ làng mình quanh năm khô hạn, bà con phải đi xa mới có nước ăn, vậy con hãy cho làng một nguồn nước không bao giờ cạn để bà con đỡ khổ.

Về đến làng ông thấy có hai cái giếng ùn lên dòng nước vô tận ngập hết một khu vực quanh làng. Và từ đó đền giờ chưa năm nào hai cái giếng cạn nước. Tương truyền rằng, sau này ông họ Cao chết, rắn mang về cúng bố rất nhiều cá rồi từ đó không bao giờ rắn quay trở lại nữa.

Những bí ẩn quanh "Giếng thần”

Thấy nguồn nước quá mạnh, dân làng phải tìm những tảng đá to nhất từ trên núi về chặn bớt sức chảy. Ông Cao Viết Bảo (60 tuổi), người trông coi đôi "giếng thần” cho biết: "Trước đây có tảng đá to lắm nhưng từ khi làng tu sửa lại giếng, đã mang tảng đá ra bắc làm cái cầu đi ở đầu làng rồi”.

Lúc đầu giếng rất sâu nhưng càng tôn cao bao nhiêu nước lại dâng lên bấy nhiêu. Ông Bảo cho biết thêm: "Trước đây cá trong giếng nhiều lắm, có đủ các loại cá nhưng do thanh niên trong làng bắt hết, mấy năm nay không thấy nhiều nữa”.

 

Tương truyền, sau khi về làm ma cho bố, rắn quay lại sông, rắn ngày một to lớn hơn, thức ăn quanh vùng không đủ ăn nữa, rắn thường xuất hiện quấy phá và ăn thịt những ai qua sông, người dân quanh vùng đã đổ vôi bột xuống sông khiến rắn chết.

Cách đây gần 10 năm, trong lần tu tạo đôi giếng khi cho vôi làm vữa xây thì giếng bất ngờ chảy mạnh và nước đục ngầu lên, dân làng phải xây xi măng thì đôi giếng mới trở lại bình thường, cho đến nay cũng chưa ai giải thích được hiện tượng kỳ lạ này.

Theo bà Nguyễn Thị Hằng (55 tuổi), nhà ngay cạnh đôi giếng thần: "Quanh đây cũng có nhiều cái giếng khác nhau nhưng ít nước hơn, nhà tôi cũng có một cái ở cuối vườn nhưng tôi lấp để làm vườn rồi”.

Hàng năm vào mỗi đêm giao thừa, cả làng lại tụ tập quanh giếng đốt lửa hát hò, nhảy múa. Đúng thời khắc giao thừa, người cao niên nhất trong làng dâng một mâm cỗ gồm một con gà (phải là gà trống tơ), xôi, hoa quả, một chai rượu làm lễ cúng giếng.

Lễ cúng kết thúc, lộc được chia đều cho tất cả những người có mặt. Lễ xong mỗi người lấy một ít nước mang về nhà lấy may đầu năm, phong tục đó đã trở thành thông lệ và không chỉ có người dân ở làng mà còn rất nhiều người từ nơi khác đến lấy nước vào đêm 30 tết mang về cầu mong cho một năm mới gặp nhiều may mắn.

Ông Bảo cho biết, trước đây khung cảnh nên thơ, hùng vĩ đó như tôn thêm vẻ kỳ bí cho đôi giếng Thần. Bà con dân tộc Mường ở làng Chiềng tôn thờ, coi đôi giếng thần này là hiện thân của bản làng và là nơi giao lưu văn hóa tâm linh của bà con trong làng.

Những năm 60, khi phong trào bài trừ mê tín diễn ra mạnh mẽ, cây đa và rừng tre cũng bị người dân nơi đây phá bỏ để làm ruộng. Trải qua thời gian, tấm bia đá khắc những dòng chữ Nho ghi lại lich sử của đôi giếng thần kỳ bí này đã mờ đi phần nào.

Để cho tiện cho việc sinh hoạt hơn, dân làng đã quy định một bên là giếng nam bên kia là giếng nữ, từ đó mới có tên là đôi đôi giếng thần Nam - Nữ.

Ngoài bia đá cổ có khắc chữ nho trong khu vực đôi "giếng thần”, ở giữa làng vẫn còn ngôi mộ tổ của dòng họ Cao đang được con cháu dòng họ Cao thờ cúng. Đây là đôi giếng kỳ bí, là nguồn nước phục vụ cho việc sinh hoạt ăn uống của người dân nơi đây.

 

                                            HBĐT tổng hợp

Các tin khác


Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục