Xe vận tải nặng gặp khó khăn khi vào xã Hưng Thi.

Xe vận tải nặng gặp khó khăn khi vào xã Hưng Thi.

(HBĐT) - “Tiếng là có đường ôtô vào đến trung tâm xã từ năm 1998 nhưng trên thực tế, mỗi khi vào Hưng Thi, chúng tôi đều phải tự lội sông, đi bộ vào. Đó là những ngày nắng ráo, nếu gặp ngày mưa thì không thể đi được do nước sông Bôi dâng cao. Khi đó, cả xã bị chia cắt, cô lập” - Bí thư Huyện ủy Lạc Thủy Trần Văn Tiệp chia sẻ.

 

Nói về những khó khăn do sự tác động của sông Bôi gây chia cắt, Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Thi Bùi Minh Thẩm ngao ngán: cả xã có 10 KDC nếu đi từ trung tâm xã đến các thôn, xóm cũng phải mất 5 lần cầu đi qua sông, suối. Như ở xóm Niếng là xóm cách xa trung tâm xã nhất, trên quãng đường khoảng 7 km ngoài những con dốc cao ngút cũng phải đi qua 4 lần cầu phao qua sông, suối. Hàng năm, tính từ tháng 4 đến tháng 10, nước sông Bôi dâng cao, hầu hết các phương tiện giao thông đều không thể đi lại qua sông được nên việc giao lưu, trao đổi hàng hóa giữa vùng trong với vùng ngoài, giữa các xóm với nhau gần như bị tê liệt. Việc đi lại chỉ còn phụ thuộc vào những cây cầu phao bằng tre, gỗ chông chênh do người dân đóng góp ngày công, nguyên vật liệu để làm. Nếu mưa to, nước sông dâng cao, những tuyến đường độc đạo này cũng tạm dừng hoạt động. Kể cả chiếc cầu phao được làm bằng sắt chắc chắn trị giá gần 1 tỷ đồng mà phải mất nhiều năm xã mới xin được từ nguồn vốn đầu tư Chương trình 135 cũng phải tạm dừng hoạt động cho đến khi nước rút.  

Tính từ năm 2007 đến nay, Hưng Thi chỉ duy nhất một dự án được thực hiện có hiệu quả đối với đời sống người dân đó là cây cầu phao bằng sắt trị giá gần 1 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình 135.

Đáng buồn hơn, theo ông Bùi Hồng Diên, Bí thư Đảng ủy xã thì không chỉ là sự chông chênh, khó khăn chia cắt khi không có đường giao thông đi lại mà chính việc qua sông trên những chiếc cầu phao tạm bợ luôn trở thành mối lo thường trực của người dân bởi sự bất trắc luôn ở dưới mỗi nhịp cầu. Bằng chứng là mỗi năm có đến hàng chục vụ tai nạn ngã từ trên cầu xuống sông và đã có người chết đuối.

Năm 2006 tỉnh đã có chủ trương và ra Quyết định số 1860/QĐ-UBND về việc đầu tư xây dựng tuyến đường giao thông nông thôn B05 - Thơi - Niếng với tổng chiều dài gần chục km từ Thung Voi đến tận thôn Niếng là thôn cuối cùng, xa nhất xã cùng 2 cầu bê tông vĩnh cửu, 4 cầu qua suối nhằm chấm dứt tình trạng cô lập, chia cắt giữa các xóm và giữa xã Hưng Thi với các xã lân cận.  

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Thi, Bùi Minh Thẩm thì: sau khi có Quyết định của UBND tỉnh, xã phối hợp với các ngành chức năng đã tổ chức triển khai công tác kiểm đếm, đo đạc, tính giá trị đền bù GPMB đã cơ bản hoàn thành. Tuy vậy, dự án đã không được triển khai như dự kiến. Nguyên nhân là do sau cơn bão số 5 năm 2007, Bộ NN&PTNT có chủ trương xây dựng hồ thoát lũ cho một số địa phương của tỉnh Ninh Bình tại Hưng Thi. Nếu xây dựng hồ thoát lũ, toàn bộ các hộ dân trong xã sẽ phải di dời. Điều đó, đồng nghĩa với việc không cần thiết phải đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng nông thôn ở đây. Tuy thế, từ khi có chủ trương xây hồ chứa cho đến nay đã hơn 5 năm, chúng tôi chưa được nhận bất kỳ một văn bản, hay thông báo gì về việc có hay không triển khai dự án dù đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền để có câu trả lời chính thức. Chính từ việc không rõ ràng về chủ trương nên từ năm 2007 đến nay, khi đề xuất các kế hoạch phát triển KT-XH, đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn của xã đưa lên huyện, chúng tôi đều bị bác ngay. Ngoài ra, cũng chính vì chưa rõ ràng việc có thực hiện dự án hay không mà tất cả các chương trình đầu tư đều không thể vào được Hưng Thi, tất cả đều bị điều chuyển đi nơi khác. 

Không có cầu qua sông, cuộc sống người dân cũng trở nên bấp bênh theo những nhịp cầu, mong manh trong từng mùa mưa lũ.

Cũng vì thế mà cho đến nay, hệ thống đường giao thông nông thôn của Hưng Thi vẫn 100% là đường đất, ngày nắng thì bụi, ngày mưa lầy lội. Ngay như năm 2011, khi lập kế hoạch phát triển KT-XH, xã đề nghị huyện đầu tư xây dựng hệ thống kênh mương thủy lợi tưới tiêu cho hơn 60 ha lúa ở xóm Măng nhưng bị gạt đi vì liên quan đến dự án xây dựng lòng hồ. Tính ra, trong gần chục năm trời, cả xã chỉ duy nhất một dự án được thực hiện có hiệu quả đối với đời sống người dân, đó là cây cầu phao trị giá gần 1 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình 135 - Bí thư Đảng ủy xã Bùi Hồng Diên giãi bày: Không có cầu, đường, đời sống người dân bấp bênh; nông sản hàng hóa làm ra không tiêu thụ được nên bây giờ vận động người dân trồng dưa hấu hay các loại nông sản mà thời gian bảo quản ngắn, chẳng ai dám trồng vì có đường đâu mà mang đi tiêu thụ. Chẳng may gặp lũ 2 - 3 ngày chỉ có bỏ thối. Cũng chính vì khó khăn như thế nên chẳng ai dám đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Hệ quả đó làm cho Hưng Thi vẫn là xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất huyện với gần 40% trong tổng số hơn 900 hộ.  

Không chỉ tác động đến sản xuất, thực tế trên còn tác động đến cả việc học hành, chăm sóc sức khỏe của người dân. Về chuyện học hành, đường sá đi lại khó khăn, nhiều học sinh ở Hưng Thi không thể học lên cao. Cả xã chỉ có 1 trường cấp II với 170 học sinh có đến 90% học sinh phải đi học qua sông. Đường từ nhà đến trường, có nhiều em phải vượt sông 3 - 4 lần. Trường tiểu học, ngoài chi chính tại trung tâm xã có thêm 1 chi lẻ ở Thung Trâm nhưng cũng có đến 70% trong số 230 học sinh tiểu học hàng ngày đến trường trên những cây cầu đầy bất trắc. Trong đó, năm 2010 và năm 2011 đều xảy ra tai nạn chết người khi qua sông, cả 2 nạn nhân đều là học sinh khi đang trên đường đến trường. Không chỉ tác động đến việc dạy, học mà những khó khăn về đường sá đã tác động trực tiếp đến chăm sóc sức khỏe cho người dân ở Hưng Thi. Anh Trịnh Văn Minh, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Hưng Thi cho biết: Cả xã có 10 thôn nhưng hầu như xóm nào cũng có sông, suối. Vì vậy, khi triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia về chăm sóc sức khỏe rất khó khăn như khi triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng, chỉ mưa một chút là các cháu và cán bộ y tế không đến được địa bàn nên không triển khai được. Dẫu thế, đó chưa phải là điều đáng nói mà điều đáng nói ở đây chính là cấp cứu những bệnh nhân nặng, bệnh nhân nguy cấp cần phải chuyển lên tuyến trên điều trị. Đó thực sự là một thử thách nhất là trong điều kiện mưa bão. Trước đây, khi có ca bệnh nặng cần đưa đi cấp cứu tuyến trên mà gặp phải trời mưa lũ chịu chẳng thể chuyển đi đâu được. Bây giờ có khá hơn khi năm 2010 xã được dự án UNPA chu kỳ 7 hỗ trợ đầu tư cho một chiếc xuồng cấp cứu để đưa người qua sông. Dù vậy, chỉ khi lũ lớn, nước chảy xiết cũng chẳng ai dám đưa người qua sông. Khi đó, phải nhờ đến xuồng cứu hộ của công an hoặc Ban CHQS huyện. Nếu không gọi được  đành chịu, cố gắng cứu chữa tại trạm, được đến đâu hay đến đó.  

Thực tế đó cho thấy, điều quan trọng nhất đối với Hưng Thi lúc này mà nói như Bí thư Đảng ủy xã là các cấp, ngành cần phải có câu trả lời rõ ràng cho người dân được biết là có triển khai hay không triển khai thực hiện dự án xây hồ. Có như vậy, người dân mới yên tâm về tư tưởng, tập trung nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế gia đình và đầu tư phát triển hạ tầng xã hội tại xã.

 

                                                                                Mạnh Hùng

Các tin khác


Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục