Cán bộ, phóng viên Báo Hoà Bình gặp gỡ, trao đổi với cán bộ Trạm kiểm lâm chôt 1.100, đơn vị được giao quản lý Đền thờ Bác.

Cán bộ, phóng viên Báo Hoà Bình gặp gỡ, trao đổi với cán bộ Trạm kiểm lâm chôt 1.100, đơn vị được giao quản lý Đền thờ Bác.

(HBĐT) - Nhân dịp Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức hội nghị phối hợp với các báo địa phương tuyên truyền về “Kỷ niệm 40 chiến thắng Điện Biên Phủ trên không”, chúng tôi được tham gia chuyến đi thực tế về Ba Vì, vùng đất của những truyền thuyết huyền bí và những dấu ấn lịch sự trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của ông cha ta. Trong đó, khu di tích Đá Chông và đỉnh Vua - Núi Ba Vì trên độ cao 1.296 m so với mặt nước biển, nơi xây dựng đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho chúng tôi những ấn tượng không thể phai mờ.

 

Đá Chông ( K9) có diện tích 234 ha nằm trên quả đồi lớn U Ròng trong dãy núi Tản Viên, giáp địa giới hành chính của 3 xã Minh Quang, Ba Trại, Thuần Mỹ (Ba Vì - Hà Nội). Xưa kia đây là khu đồi thông yên tĩnh, xen kẽ với các loài cây gỗ lớn, lá rộng tạo thành khu rừng nguyên sinh đầy sức quyến rũ. Trên đồi có những tảng đá đứng lô nhô, sắc nhọn như những mũi chông, nên gọi là Đá Chông. Truyền thuyết kể lại rằng đây là bãi chông chà, dấu tích của những trận chiến dữ dội giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh thời tiền sử. Địa danh này có một đặc điểm rất kỳ lạ là sông Đà qua Lai Châu về Hòa Bình chảy xuôi qua làng Khê Thượng, đến đây đột ngột chuyển dòng ngược về hướng Bắc, tạo thành một khúc gãy, đến ngã ba Bạch Hạc (Việt Trì) gặp sông Hồng, sông Thao để rồi cùng chầu về đền Hùng đất tổ.

 

Năm 1957, trong một lần Bác Hồ cùng các đồng chí Quân ủy Trung ương đi kiểm tra diễn tập của Sư đoàn 308, khi dừng chân tại địa điểm này, Bác thấy phong cảnh ở đây sơn thủy, hữu tình, khí hậu ôn hòa, mát mẻ. Phía đông có dãy núi Tản Viên, có sông Đà liền kề. Phía tây có dãy núi Thiết Sơn (lưỡi hái), thế đất có dáng hình phong thủy lại lợi nhiều về mặt quân sự, Bác đã quyết định chọn vị trí này là “khu căn cứ địa” để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước lâu dài. Thể theo nguyện vọng của Bác, ngôi nhà sàn do chính Bác sửa thiết kế và cắm hướng đã được khởi công xây dựng tháng 5/1958, hoàn thành tháng 3/1960. Nhà Bác nhìn về hướng nam, phía trước có hòn non bộ “thiên tạo”, có nhiều cây cổ thụ xung quanh nên rất mát mẻ. Tiếp đó các nhà làm việc của Trung ương, Bộ Chính trị, Chính phủ và một hệ thống công sự kiên cố lần lượt được xây dựng. Điều đặc biệt là cả hầm và nhà đều do Bác cắm cọc, nhắm hướng. Khi xây dựng nhà và đào công sự, các chiến sĩ công binh phải chặt bỏ một số cây thông, nhưng Bác chỉ cho phép chặt những cây không thể để lại được, cây nào còn có thể giữ lại được phải giữ lại bằng mọi cách. Bởi thế, ngay giữa tiền sảnh của ngôi nhà lớn trước đây là nơi họp của Bộ Chính trị, mọi người còn thấy một cây thông lớn chui vượt qua hiên tỏa bóng xuống tiền sảnh. Hình ảnh đó cho thấy Bác không chỉ yêu thiên nhiên mà còn tôn trọng vẻ đẹp vốn có của thiên nhiên đến mức nào. Với riêng mình, Bác luôn mộc mạc, giản dị và hết sức tiết kiệm, phòng làm việc và cũng là phòng nghị của Bác là những đồ dùng đơn giản nhưng phòng dành cho khách, Bác yêu cầu trang bị những tiện nghi, đồ dùng lịch sự, trang nhã, Bác còn yêu cầu lắp thêm hệ thống lưới chống muỗi để bảo vệ sức khỏe cho khách. Từ những việc làm đó, chúng ta càng thấu hiểu tấm lòng của người Cha già của dân tộc bao la đến dường nào.  Địa danh Đá Chông còn có tên khác là K9, K84 (địa danh mật) do Bộ Chính trị và Ban Bí thư quy định. Gần 9 năm làm việc ở đây (1960-1969), Bác đã tiếp 2 người khách nước ngoài, đó là Anh hùng phi công vũ trụ Giecman Titop (Liên Xô) và phu nhân của Thủ tướng Chính phủ Trung Quốc Chu Ân Lai là bà Đặng Dĩnh Siêu. Hai người khách này đã trồng lưu niệm 2 cây vàng anh trước ngôi nhà làm việc của Bác. Giờ đây, 2 cây vàng anh vẫn tỏa cành xanh biếc như để lại dấu ấn mối tình hữu nghị của hai dân tộc Trung - Xô với Việt Nam đời đời bền vững.

 

Năm 1969, Bác Hồ qua đời, khu Đá Chông lại được chọn là nơi giữ gìn thi hài của Bác những năm kháng chiến chống Mỹ (từ ngày 23/12/1969 - 18/7/1975). Tại đây, cùng với những công trình và hệ thống thiết bị máy móc đặc biệt là 3 chiếc xe đã được đơn vị 295, Cục quản lý xe máy (Tổng cục Hậu cần) nghiên cứu, cải tiến để làm nhiệm vụ đặc biệt, đó chiếc Páp mang BKS 31.162, chiếc Zin 157 mang BSK 470-189 và chiếc hồng thập tự mang BKS FH 1468. Trong điều kiện chiến tranh khốc liệt, đường sá bị hư hỏng nặng nề, đi lại rất khó khăn, thi hài của Bác đã 6 lần được di chuyển đảm bảo nhanh gọn, đúng thời gian, bí mật, an toàn tuyệt đối. Điều đặc biệt là từ khi bắt đầu xây dựng cho đến khi kết thúc chiến tranh, K9 luôn bình yên, chưa một lần bị máy bay địch oanh tạc. Sau khi Tổ quốc thống nhất, Bác Hồ được về an nghỉ tại thủ đô Hà Nội (lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh) để nhân dân cả nước, bạn bè quốc tế về thăm viếng Bác.

 

Từ trạm kiểm lâm cốt 1.100 m, có hai con đường dẫn lên đỉnh của dãy Ba Vì. Phía tây là đỉnh Tản Viên, cao 1.226 m, nơi đó có đền Thượng, tương truyền là nơi hóa của Đức thánh Tản - Sơn Tinh thuộc "tứ bất tử" trong tâm linh người Việt. Còn theo hướng đông là dẫn lên đỉnh Vua, ngọn núi cao nhất của Ba Vì (1.296 m). Hơn 800 bậc đá dẫn lên đỉnh Vua như đường dẫn vào chốn bồng lai tiên cảnh, mây vần vũ bao quanh, cây cối rừng già đan nhau chằng chịt...Ngự trên đỉnh Vua lộng gió là đền thờ Bác Hồ. Công trình được khởi công ngày 1/3/1999 (tức ngày 14 tháng giêng năm Kỷ Mão) đúng vào dịp 30 năm kỷ niệm ngày mất của Bác và 40 năm kỷ niệm ngày Bác phát động Tết trồng cây và hoàn thành vào ngày 31/8/1999.

 

Theo lời anh Trần Ngọc Chính,Trạm phó kiểm lâm, khi xây dựng đền thờ Bác Hồ, để không làm ảnh hưởng tới cảnh quan, môi trường, toàn bộ nguyên vật liệu được vận chuyển bằng sức người từ dưới chân núi lên . Lúc cao điểm có tới 1.000 người, có cả bộ đội công binh và nhân dân tham gia. Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh nằm ở đỉnh Vua có diện tích 150 m2, do kiến trúc sư - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam Nguyễn Trực Luyện thiết kế”.

 

 Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây theo phong cách cổ, 2 tầng tám mái đao cong kết cấu bê tông cốt thép giả gỗ, nhìn theo hướng nam, bên dưới là dòng sông Đà. Xung quanh đền được bố trí các dãy ghế dài để mọi người đếm thăm viếng được ngồi quây quần bên Bác. Tượng Bác được đúc bằng đồng thờ chính giữa đền với tư thế tay cầm tờ báo Nhân Dân. Hai bên có hạc chầu, giữa có đài hoa sen. Phía trên bàn thờ có bức trướng đề câu nói bất hủ của Bác trong lời kêu gọi toàn dân kháng chiến chống Mỹ cứu nước “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Đối diện với bàn thờ là tấm bia đá, mặt trong trích dẫn một phần Di chúc của Bác, mặt trước ghi một đoạn điếu văn của BCH T.Ư Đảng đọc tại buổi lễ truy điệu Bác. Xung quanh đền là một khuôn viên đẹp, phía trước và sau có các đài quan sát, bàn ghế ngồi dưới bóng cây rừng để thưởng thức thiên nhiên, không khí trong lành của phong lan, các loài hoa rừng thơm ngát. Theo phong tục của người Việt Nam, hàng năm cứ vào ngày 21/7, CBCNV vườn quốc gia Ba Vì cùng các đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương và địa phương đều về ngôi Đền này để tổ chức giỗ Bác. Từ năm 1999 đến nay, vườn quốc gia Ba Vì đã đón tiếp hàng trăm nghìn lượt người trong nước và khách quốc tế đến viếng Bác. Thực hiện ước vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vườn quốc gia Ba Vì đã dành một khu đồi ở độ cao 700 m xây dựng một vườn cây “Thực hiện di chúc của Bác Hồ” để mọi người đến thăm viếng Bác được tham gia trồng cây lưu niệm.

 

Được về K9 và lên đỉnh Vua viếng Bác càng thôi thúc chúng tôi phải nỗ lực hơn trong cuộc sống và công việc bởi mọi người đều tự hào khi mà trong lịch sử hiếm có con người nào mà tên, tuổi và sự nghiệp lại gắn bó với vận mệnh của cả một dân tộc, một đất nước như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có thể tìm thấy hình ảnh của Người trong từng hơi thở của mỗi người dân và cũng có thể tìm thấy số phận của mỗi người dân trong từng ý nghĩ của Người. Bác giản dị, gần gũi và đã trở thành lẽ sống không thể thiếu được trong đời sống chính trị và tinh thần của đất nước.

 

 

                                                                                Đức Phượng

 

Các tin khác


Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục