Một góc Đảo Đá Tây.

Một góc Đảo Đá Tây.

(HBĐT) - Đã 18 năm trôi qua, những ngày đầy gian nan, vất vả nhưng cũng thật vinh dự, tự hào khi được cùng đồng nghiệp tham gia xây dựng bia chủ quyền trên đảo Đá Tây - quần đảo Trường Sa vẫn in đậm ký ức của Đặng Văn Hậu, chàng trai sinh ra và lớn lên trên vùng đất Xuân La, Thanh Sơn, Kiến Thụy (Hải Phòng) và hiện là Giám đốc Công ty cổ phần Hapaco Đông Bắc (Vạn Mai - Mai Châu).

 

Tròn 20 tuổi, tháng 3/1986, Đặng Văn Hậu hồ hởi lên đường tòng quân. 3 năm trong quân ngũ, chàng trai đất Cảng đã chững chạc, dạn dày hơn khi  được rèn luyện trong môi trường kỷ luật thép của Sư đoàn 371 (Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân). Xuất ngũ, Đặng Văn Hậu xin vào làm công nhân Công ty sửa chữa đóng tàu sông Cấm - Hải Phòng. Năm 1994, anh được chọn và chuyển sang làm công nhân Công ty ứng dụng Công nghệ cao (Bộ Quốc phòng). Cuối năm 1994, anh và 80 đồng nghiệp khác cùng Công ty, đa số xuất thân ở thành phố hoa phượng đỏ, những người đã dạn dày với sóng nước, biển cả được điều động vào cảng Cát Lở (Vũng Tàu) để chuẩn bị đi xây dựng quần đảo Trường Sa.

 

Ba tháng trên công trường cảng Cát Lở, công việc của những người thợ Công ty ứng dụng công nghệ cao là đúc các cấu kiện bê tông cốt thép để xây dựng đảo Đá Tây trên quần đảo Trường Sa. Đó là những khối bê tông rộng 10 m, dài 30 m, dày 60 cm. Đến đầu tháng 1/1995, cả đội cùng những khối bê tông được đưa lên xà lan 2.000 tấn và được đầu kéo 4.800 mã lực đưa ra đảo Đá Tây.

 

Đặng Văn Hậu nhớ lại: Sau 4 ngày đêm lênh đênh trên biển, qua đảo Nhà Đèn, đảo Đá Lát, tàu cập bến tại đảo Đá Tây. Đón chúng tôi không chỉ có những CBCS đảo Đá Tây mà cả những người lính đến từ đảo Đá Nam cách đó chừng 20 km. Khi tàu cập bến, thật khó tả tâm trạng khát khao những người ngày đêm nơi đầu sóng, ngọn gió canh giữ hải đảo của Tổ quốc  đến từ đất liền mãnh liệt đến nhường nào. Người cười hớn hở, người rơm rớm lệ, rồi tất cả cùng ùa đến ôm ghì lấy nhau mặc cho những con sóng bạc đầu khiến ai nấy đều chao đảo, ướt sũng.

 

Đoàn chúng tôi được bộ đội trên đảo nhường cho ăn ngủ trên khu nhà sàn DK, cách địa điểm xây dựng khoảng 300 m. Ngày hôm sau, chúng tôi bắt tay ngay vào công việc. Theo con nước của thủy triều, những khối bê tông được cẩu và đưa vào vị trí trước đó đã được tạo mặt bằng với diện tích khoảng 3.000 m2. Những ngày ở đảo, cuộc sống rất kham khổ, thức ăn của 80 người mỗi bữa chỉ có 2 quả bí đao cùng thịt hộp, cá hộp. Bữa sáng có mì tôm, lương khô là món ăn truyền thống. Vì vậy, sau hơn 2 tuần, cả đoàn có đến hơn 20 người bị kiết lỵ. Mỗi ngày, mọi thứ đều phải chắt chiu vì từ củi, đến lương thực, thực phẩm, nước ngọt, thuốc men đều phải đưa ra từ đất liền. Đặc biệt là nước ngọt ở đảo rất khan hiếm, chủ yếu trông chờ vào nước mưa nên buổi sáng, mỗi người chỉ được phát 1 ca để đánh răng, rửa mặt. Hàng ngày tắm nước mặn rồi lên bờ tráng qua nước ngọt. Khi đi làm, sáng sớm cởi trần, khi nắng lên mới mặc quần áo, hầu như suốt ngày ngâm mình dưới nước biển và phơi người trong nắng. Do mải mê làm việc nên không ai cạo râu, cắt tóc, ai nấy râu, tóc lởm chởm, da đen sạm.

 

     

Anh Đặng Văn Hậu thắp hương tại bia chủ quyền trên đảo Đá Tây trước khi trở về đất liền. (ảnh: T.L)

 

Những ngày trên công trường, chúng tôi và lính đảo luôn kề vai, sát cánh bên nhau. Qua những chuyến du ngoạn trên đảo khi thủy triều rút và những câu chuyện lính đảo kể, chúng tôi càng tường tận hơn với vùng biển đảo mà mình đang được góp phần xây dựng. Cụm đảo Đá Tây nằm trong số 12 đảo đá ngầm của huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hoà), nằm cách Vũng Tàu khoảng 600 km, cách Nha Trang 500 km, ở vĩ độ 8o52’ Bắc, 112o15’30’’ độ kinh Đông. Đảo ngầm Đá Tây dài khoảng 7 hải lý, rộng 4 hải lý, nằm theo hướng đông bắc - tây nam, cách đảo Trường Sa Lớn 22 hải lý về phía đông bắc. Đảo hình quả trám, với diện tích khoảng 41 km2, có 4 bãi san hô riêng biệt, ở giữa đảo có hồ nước sâu hình vành khuyên rất thuận tiện cho các tàu, thuyền của ngư dân vào tránh gió, tránh giông bão. Nhìn bằng mắt thường, Đá Tây gồm 4 đảo nhỏ riêng biệt được ngăn cách bằng các luồng. ở bãi san hô phía đông có một doi cát di động theo gió mùa và dòng chảy của biển, hết một năm là tròn một chu kỳ. Theo lời anh Sáu bác sĩ, kiêm đảo trưởng: ở đảo Đá Tây, một năm có tới 130 ngày gió mạnh từ cấp 6 trở lên. Từ tháng 7 đến tháng 12 hàng năm bão lớn thường tràn qua đảo. Những khi gió bão, sóng biển táp cả lên phòng nghỉ của bộ đội, gây nhiều khó khăn cho tàu ra vào, neo đậu làm nhiệm vụ. Khó khăn là thế nhưng tất cả luôn  vững vàng.

 

6 tháng trên đảo với biết bao nỗi niềm, ai cũng đau đáu hướng về đất liền bởi từ khi lên tàu ra khơi và đến đảo là hoàn toàn mất liên lạc với quê nhà. Thời điểm đó, Đặng Văn Hậu vừa cưới vợ được hơn 2 tháng, anh nhớ lại: cả đoàn đi mang theo gần 2.000 lít rượu, vậy mà gần 2 tháng sau đã hết sạch. Để khuây khỏa, chúng tôi tự nấu rượu (men được mang theo từ nhà). Anh em trong đoàn còn xin đất của bộ đội, gom nhặt bã chè, cơm thừa rồi đóng hộc gieo trồng các loại rau để cải thiện. Tự làm cung, xiên để đánh bắt tôm, cá, bạch tuộc cải thiện thêm cho bữa ăn. Cách vài ba tuần, dân chài từ đảo Phú Quý lại ghé vào thăm cho công nhân tôm, cá và cùng xum vầy bên bếp lửa với những chén rượu nhạt, cuộc sống giản dị nhưng thật đầm ấm. Trong tổng số 3.000 m2 mà chúng tôi chịu trách nhiệm xây dựng trên đảo, bia chủ quyền là hạng mục quan trọng nhất và để lại ấn tượng    sâu sắc nhất. Đế bia rộng khoảng 4 m2, chiều cao thân bia trên 3 m, 4 góc trên cùng có ngôi sao 5 cánh, 4 mặt bia đều khắc dòng chữ “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - đảo Đá Tây, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa - vĩ độ 8o52’ Bắc, 112o15’30’’ độ kinh Đông”. Mặt chính của bia khắc bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của Việt Nam:

 

Nam quốc sơn hà Nam đế cư

Tiệt nhiên định phận tại thiên thư

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.

 

Chúng tôi thấu hiểu, bài thơ là để nhắc nhở mọi người dân Việt dù ở trong hay ngoài nước, ở biên giới hay hải đảo hãy giữ vững chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải, bảo vệ từng tấc đất biên giới, vùng trời, vùng biển của Tổ quốc. Hoàn thành nhiệm vụ, chúng tôi tạm xa đảo Đá Tây. Tàu rời bến, mọi người đều vô cùng xúc động khi phải chia tay với những người lính đảo, với những người dân ngày đêm bám trụ trên vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Giữa mênh mông biển cả, ai nấy nghẹn ngào khi ngắm nhìn lá cờ đỏ sao vàng tung bay, nổi bật giữa màu xanh của trời, biển. 18 năm đã trôi qua, dù bận rộn với cuộc sống đời thường nhưng chúng tôi vẫn từng ngày dõi theo và thực sự vui mừng trước những đổi thay ở đảo Đá Tây và huyện đảo Trường Sa. Giờ đây, đảo Đá Tây đã có Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá Bộ NN&PTNT, cùng cơ sở y tế giúp sơ cứu, điều trị cho những ngư dân gặp nạn, có hệ thống cung cấp nhiên liệu và nước ngọt cho các tàu cá hoạt động xa bờ. Tại đây, tàu bè của ngư dân được cung cấp nước ngọt miễn phí, nhiên liệu được bán cho ngư dân bằng với giá trên đất liền, giúp bà con tăng thời gian bám biển, tận dụng được thời điểm thuận lợi để khai thác, đánh bắt cá... Quả thực, với những người đã từng ra đảo xa mới thấy mình thực sự bé nhỏ trước sự hy sinh, đóng góp của các chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ biên cương, hải đảo của Tổ quốc. Chúng tôi luôn tin tưởng các anh tiếp tục phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, giữ vững tay súng, tỉnh táo và mưu lược để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải của Tổ quốc, giữ cho vùng biển đảo của quê hương luôn bình yên.

 

 

                                                                         Đức Phượng

 

 

Các tin khác


Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục