Toàn cảnh Nhà máy thủy điện Sơn La

Toàn cảnh Nhà máy thủy điện Sơn La

(HBĐT) - Tôi được may mắn sinh ra và lớn lên nơi công trình thế kỷ trên dòng sông ánh sáng - Công trình thủy điện Hòa Bình. Nay, công trình thế kỷ thứ 2 trên dòng sông ánh sáng - sông Đà - Công trình thủy điện Sơn La -  Dự án thủy điện lớn nhất Đông Nam Á vừa khánh thành ngày 23/12/2012 đã để lại niềm tự hào không chỉ cho những người dân chung dòng nước sông Đà, thắp chung ánh sáng của công trình như chúng tôi mà đó là niềm tự hào, là thành quả chung của những bàn tay, khối óc tập thể, những con người Việt Nam tự tin, sáng tạo làm chủ được công nghệ hiện đại của thời kỳ CNH-HĐH đất nước và hội nhập quốc tế.

 

Sau bao ngày háo hức, mong chờ được “mục sở thị” công trình thủy điện Sơn La, tôi đã có dịp được cùng các nhà báo của Báo Đà Nẵng, Phú Yên ngược Tây Bắc tới Sơn La. Đường lên Tây Bắc, mộng mơ, thật đúng như lời những bài hát của các tác giả viết về vùng đất này như: “Đường lên Tây Bắc”, “Tình ca Tây Bắc”... con đường quanh co với “nếp nhà sàn thấp thoáng”, “muôn đóa mai rừng đón xuân về”, “vui trong nắng vàng từng đàn bướm trắng bay khắp rừng hoa”... Ngoài những nét đẹp như trong ca từ của bài hát, đường lên Tây Bắc trong hành trình của đoàn chúng tôi lần này còn được chiêm ngưỡng những vệt hoa lau ánh lên trong nắng chiều chênh chếch, đầy ấn tượng. Những vệt trắng ánh lên trong nắng đó được nhà báo Đinh Văn Ổn, TBT Báo Hòa Bình ví von: những vệt trắng đặc trưng của núi rừng Tây Bắc vào xuân khi có hoa ban nở trắng rừng.  

Chặng đường dài gần 300 km từ TP Hòa Bình lên Sơn La, cả đoàn chúng tôi mỗi người một cảm nhận, một tâm trạng. Nhà báo Phạm Ngọc Phi, TBT Báo Phú Yên và nhà Báo Đinh Văn Ổn, TBT Báo Hòa Bình đã nhiều lần đến Sơn La nên có những cảm nhận sâu lắng và nghiêng bàn luận về lịch sử vùng đất, con người Tây Bắc. Nhà báo Mai Đức Lộc, TBT Báo Đà Nẵng, lần đầu lên Tây Bắc, bao cảm xúc mới lạ, ông không ngớt thốt lên “đẹp quá”, “thật hữu tình” rồi “yêu Tây Bắc quá”! Còn tôi, trong lòng cứ chộn rộn bởi những hình dung về quy mô của công trình thủy điện Sơn La  - công trình anh em cùng một “mẹ” sông Đà - nay là công trình đã “soán ngôi” lớn nhất khu vực Đông Nam Á của công trình thủy điện Hòa Bình những năm về trước. Có lẽ là người dân của công trình bị “soán ngôi” nên có lúc tâm trạng và những háo hức của tôi có chút ích kỷ: mình đến đó xem công trình lớn hơn thủy điện Hòa Bình ở chỗ nào, đẹp hơn ở chỗ nào...!?  

Sau một đêm ngon giấc trong men nồng của rượu cần Tây Bắc và những tình cảm ấm áp của các đồng nghiệp Báo Sơn La, sáng hôm sau, chúng tôi bắt đầu hành trình đến với Mường La, nơi có công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á -  thủy điện Sơn La. Chặng đường gần 40 km từ thành phố Sơn La vào Mường La cũng đầy ấn tượng trong một ngày nắng đẹp. Nhà báo Anh Đức - Báo Sơn La, người gắn bó hay nói đúng hơn là phóng viên cắm bản tại Mường La gần 10 năm nay, từ khi công trình thủy điện Sơn La khởi công xây dựng. Chính vì thế, anh nắm địa bàn rất sát, nắm từng con số, cung đường, con dốc mà đoàn đi qua.  

Vượt qua dốc Cao Pha, con dốc mà bao người qua đây đều ngỡ ngàng khi bắt gặp dải lụa lớn vắt ngang những sườn núi. Đây cũng là con dốc mà trước kia, khi chưa xây dựng thủy điện, cánh lái xe đều e ngại bởi độ gấp khúc, dựng đứng, nhỏ hẹp và lởm chởm ổ trâu, ổ voi. Dòng Đà Giang đã dần hiện ra với màu nước xanh ngọc bích. Con đập khổng lồ ngăn nước của nhà máy nối hai bờ sông Đà được ví như bức tường thành, được làm nên bởi trí tuệ, tâm huyết, tiền của và quyết tâm của Đảng, Nhà nước, nhân dân, đặc biệt là nhân dân 3 tỉnh: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu.  

Đoàn cán bộ, PV các báo:  Hòa Bình, Phú Yên, Đà Nẵng, Sơn La chụp ảnh lưu niệm bên công trình thế kỷ.

Đoàn chúng tôi tới công trường thủy điện Sơn La vào những ngày đầu tháng 12/2012, khi Nhà máy đang tất bật với công tác chuẩn bị cho lễ khánh thành. Trên công trường lúc này chỉ có  ít bóng dáng công nhân. Một nhóm nhỏ công nhân đang mải miết chất những giàn giáo sắt lên chiếc xe tải; một nhóm khác đang làm công việc lau rửa mặt sân bê-tông gần với thân đập bức tường bao nằm bên mé dòng sông Đà ở mạn hạ du đang được xây, chuẩn bị làm màu. Bên tay phải, bức phù điêu cao chừng hơn hai mét, dài hàng chục mét trước cửa nhà máy đã được những bàn tay tài hoa kiến tạo xong. Cây xanh, thảm cỏ được trồng hai bên đường. Trên đỉnh đồi gần với thân đập của nhà máy, Đài tưởng niệm cũng đang được xây dựng, như một sự tri ân công sức, mồ hôi, nước mắt của những người tham gia lao động trên công trường thủy điện Sơn La…  

Nhà báo Anh Đức, Báo Sơn La giới thiệu để chúng tôi có cái nhìn tổng quan ban đầu về đại công trình thủy điện Sơn La: Dự án Thủy điện Sơn La là công trình trọng điểm quốc gia, bậc thang thứ hai trên sông Đà (trên là thủy điện Lai Châu, dưới là thủy điện Hòa Bình), công suất lắp đặt 2.400 MW (gồm 6 tổ máy, mỗi tổ máy 400MW), công trình chính đặt tại tuyến Pa Vinh, địa phận xã ít Ong, huyện Mường La. Nhiệm vụ chính của dự án là cung cấp điện lên hệ thống điện quốc gia với sản lượng điện trung bình hàng năm 10,246 tỷ KWh; chống lũ về mùa mưa, cung cấp nước về mùa khô cho đồng bằng Bắc Bộ và góp phần phát triển KT-XH vùng Tây Bắc. Được khởi công năm 2005, ngày 17/12/2010, tổ máy số 1 đã được hòa lưới thành công, tiếp đó, lần lượt các tổ máy số 2, 3, 4 được vận hành an toàn trong năm 2011. Đây cũng là những thông tin, thông số mà bất kỳ cán bộ, công nhân nào làm nhiệm vụ tại công trường thủy điện Sơn La đều nắm rõ. Đặc biệt, dự án về đích trước 3 năm so với dự kiến, hoàn toàn do kỹ sư và công nhân Việt Nam thiết kế, thi công.  Chuyên gia nước ngoài chỉ đóng vai trò giám sát. Có tới 13 nhà thầu thành viên do Tổng Công ty Sông Đà làm tổng thầu tham gia thi công dự án; Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư. Trên công trường, thời kỳ cao điểm có tới hơn 10.000 công nhân thường xuyên làm việc; hơn 16,6 triệu m3 đất, đá được đào xúc; hơn 20 triệu m3 khối đất, đá được vận chuyển; đầm hàng triệu m3 đất nền, đổ gần 6 triệu m3 bê tông; lắp đặt 115.000 tấn thiết bị... Ngày 26/9/2012, tổ máy số 6 - tổ máy cuối cùng của nhà máy Thủy điện Sơn La đã hòa hệ thống điện lưới quốc gia, sớm hơn 3 tháng so với dự kiến.  

Những công nhân Nhà máy thủy điện Sơn La gieo mầm xanh mới trên công trình thế kỷ.

Anh Đức nhấn mạnh: Trong “lịch sử” của ngành Điện Việt Nam, có lẽ chưa có dự án thủy điện nào có nhiều yếu tố lạ như dự án thủy điện Sơn La: trong khi chờ Quốc hội thông qua, EVN đã mạnh dạn đề xuất giải pháp đẩy nhanh tiến độ công trình theo cách “vừa khởi công, vừa lấp dòng”. Ở bất cứ công trình thủy điện nào cũng có các hạng mục: thi công, cải tạo lòng hồ; di dân tái định cư lấy mặt bằng; thi công hạ tầng giao thông, hạ tầng đường dây lưới điện... Những phần việc này thường được chủ đầu tư tiến hành làm tuần tự. Thế nhưng, ở dự án thủy điện Sơn La, tất cả đều được tiến hành cùng một lúc và có sự ráp nối, ăn khớp với nhau. Công tác di dân, tái định cư ra nơi ở mới được các Ban Di dân của các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Sơn La thực hiện nhanh và gọn, bà con đồng bào một lòng ủng hộ dự án trọng điểm của Nhà nước nên đều tự giác nhường đất, chuyển nhà bàn giao lại cho chủ dự án; thi công đường giao thông, xây dựng hạ tầng, cơ sở vật chất cho công trường cũng được tiến hành đồng bộ: 125 km đường giao thông, 2 cây cầu bê tông bắc qua sông Đà, hệ thống lưới điện 110-220KV gần 200 km, gần 60.000m2 nhà ở cho hàng vạn công nhân cùng hàng loạt công trình dẫn dòng, đê quai thượng lưu và hạ lưu đã được triển khai trước ngày khởi công. Tất cả những nỗ lực ấy thể hiện sự quyết tâm, ý chí và nó đã góp phần quan trọng để Thủy điện Sơn La phát điện trước thời hạn. Ngày 23/12/2012 vừa qua, ngành Điện Việt Nam, nhà máy thủy điện Sơn La đã tổ chức lễ khánh thành công trình. Kể từ thời điểm tháng 12/2010 khi tổ máy số 1 được đưa vào vận hành, đến thời điểm khánh thành, Nhà máy Thủy điện Sơn La đã sản xuất 12,5 tỷ KWh điện năng, làm lợi cho Nhà nước hàng ngàn tỷ đồng.  

Đứng trên mặt đập của Nhà máy Thủy điện Sơn La, giữa lồng lộng mây ngàn, gió núi, phóng tầm mắt tới mênh mông đất, trời,  hồ sông Đà..., trong tôi  có bao cảm xúc thật khó diễn tả... Cảm xúc tự hào, khâm phục sức mạnh của con người, tập thể, sự đoàn kết; cảm xúc của tình yêu đất nước, con người, dòng sông ánh sáng của quê hương... Nơi công trình thế kỷ, những nhánh Ban rừng đang chớm nở, báo hiệu một mùa xuân mới với những hy vọng, quyết tâm và thành công mới.

 

                                                                          Hồng Duyên

 

Các tin khác


Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục