Lãnh đạo Ban Dân tộc chia vui cùng bà con xóm Đăm, xã Đồng Nghê (Đà Bắc) trong ngày khánh thành đường mới. Ảnh LC.

Lãnh đạo Ban Dân tộc chia vui cùng bà con xóm Đăm, xã Đồng Nghê (Đà Bắc) trong ngày khánh thành đường mới. Ảnh LC.

(HBĐT) - Lần đầu tiên tôi đến Đồng Nghê (Đà Bắc) bằng mấy tiếng ngồi trên sông và đi bộ như thế. Nhưng Đồng Nghê đã làm tôi say bởi tài nguyên thiên nhiên của rừng nhất, nhì Đà Bắc; nghiến, táu mật, trai, dổi găng... ở vùng núi đá Đồng Nghê là loại cây đầu bảng. Lên khỏi mép nước xóm Mọc là gặp rừng. Đường mòn vào trung tâm xã xuyên qua giữa đại ngàn.

 

Ngày ấy nhân dân Đồng Nghê nghèo quá. Bữa cơm tiếp lãnh đạo huyện chỉ có cơm trộn hai phần sắn ăn với cá khô nướng, canh rau sắn chua nấu cá, thế là sang lắm. Những người già quấn chăn sui ngồi bên bếp lửa đôi mắt vô vọng, thở dài. Những chàng trai, cô gái  tuổi mười tám đôi mươi quần áo nhất bộ, chân trần đạp lên đá sỏi, sương muối, gặp nhau mà chẳng có nụ cười nở trên môi. Những em thơ có quần thiếu áo, không biết đến sách, vở, không biết đến mái trường, đôi mắt ngơ ngác vô hồn...Cái nghèo bao trùm làng bản ở mảnh đất tận cùng  phía bắc Hòa Bình suốt bao tháng, bao năm... Người Đồng Nghê sống biệt lập, cô quạnh giữa bốn bề núi non, sông nước hiểm trở, khắc khoải đợi chờ, khao khát một con đường, hy vọng một ngày mai tươi sáng...

 

- Này, nhìn ngắm gì mà say thế. Anh vào uống nước rồi ta còn vượt dốc đến với bà con người Dao ở bản Đăm, bản Lài chứ?

 

 Anh Xa Văn Mạnh, Chủ tịch UBND xã Đồng Nghê vỗ vai và hỏi làm tôi bừng tỉnh. Tôi nắm tay anh, chúng tôi rảo bước cùng nhau trao đổi đôi điều về quê hương, ngắm những căn nhà khang trang ở trung tâm xã, nghe tiếng ríu rít như chim sáo của học sinh, tiếng trống thể dục giữa giờ âm vang giữa núi rừng mênh mang. Bên kia là trường tiểu học, trường THCS, trạm y tế , nhà trẻ, trường mầm non... Tất cả được xây dựng kiên cố và đẹp. Tôi đứng nhìn mấy chục chiếc xe máy đủ màu sắc, nhiều hãng nổi tiếng còn cóng cạnh ở sân UBND xã của cán bộ từ thôn, bản đến chính quyền đến họp, của các cô giáo vùng cao đến lớp. Một bức tranh nhiều màu đã tự khoe với chúng tôi về sự đổi thay, phồn thịnh đã xóa đi những hình ảnh một vùng quê nghèo khó năm xưa. Chủ tịch UBND xã Đồng Nghê  còn trẻ nhưng sâu sát. Anh thẳng thắn trao đổi với tôi:

 

 - Anh biết rồi đấy, Đồng Nghê có tổng diện tích 32,3 km2 ứng với khoảng hơn 2.000 ha. Phía đông nam có hồ Hòa Bình, phía bắc giáp với rừng quốc gia Xuân Sơn - Tân Sơn Phú Thọ, phía tây giáp Phù Yên của Sơn La, phía nam giáp Suối Nánh. Rừng đã mất nhiều cũng vì hàng chục năm dân đói, chủ trương giao đất, giao rừng của Nhà nước mình ra hơi muộn và chưa hoàn chỉnh. Cả xã có 70 ha cấy lúa 1 vụ, 26,6 ha trồng lúa nước vậy mà phải làm sao cho trên 2.000 người no đủ, cho trên 400 hộ dân được sung túc. Người dân phải trông vào 1.900 ha rừng và đất rừng thôi. Khi thực hiện chính sách giao đất, giao rừng, rừng đã cạn kiệt. Vậy làm gì, làm thế nào để kinh tế phát triển lại không làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia. Một bài toán không dễ giải đâu anh. Lát nữa anh đi vào Đăm, vào Lài sẽ thấy rõ hơn. Những xóm trên đó cuộc sống  của gần 400 người Dao còn nhiều gian khổ, thiếu thốn lắm. Nếu không có đường lối đổi mới của Đảng, không có những chính sách cụ thể của Nhà nước, Chính phủ trong 10 năm gần đây đối với miền núi thì Đồng Nghê không khác là bao như ngày xưa anh đến. ở tận cùng cực bắc tỉnh mọi thứ đến với Đồng Nghê hình như cũng chậm hơn. Song Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đồng Nghê vẫn khẳng định: Hơn 10 năm qua, Đồng Nghê đã đổi thay bộ mặt xã hội. Đồng Nghê còn khó khăn nhưng đã thoát nghèo. Một sự chuyển đổi về chất đang hình thành. Những khát khao, hy vọng, đợi chờ của người dân bao đời nay đã thành sự thật. Đó là con đường thông thương về các xã bạn Suối Nánh, Mường Chiềng nối liền mạch giao thông với huyện, với tỉnh. Đó là những con đường dọc, ngang trong xã, đó là ánh sáng điện đến muôn nhà, đó là nguồn nước sạch, là những mái trường khang trang, là cơ sở văn hóa, xã hội, y tế chăm lo đời sống tinh thần cho hơn 2.000 người trên mảnh đất cách xa trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh nhà gần trăm cây số. Tuyến đường 4,2 km lên bản Đăm đã thông năm ngoái,  còn 5,8 km nữa năm nay Ban Dân tộc tỉnh cho làm nốt. Hôm nay, chúng mình sẽ chứng kiến niềm vui của hơn một trăm người dân bản Lài ở độ cao gần 800 mét so với mực nước biển. Những người ở nơi xa nhất, cao nhất, tận tận cùng cực bắc huyện Đà Bắc được nhìn thấy ô tô vào tận bản. 10 km đường thôi mà đồng bào Dao đã chờ  đợi bằng cả một đời người!

 

Nắng mùa đông yếu ớt rải vàng trên sườn núi cheo leo. Chiếc xe của chúng tôi bò chầm chậm trên con đường đá. Độ dốc cao dần, con đường mới mở lúc cắm vào khe sâu rồi bất ngờ trườn bên sườn núi đá nhấp nhô. Gần lên đến xóm Đăm, chú tài xế dừng xe, kéo phanh tay, mở cửa bê một phiến đá chèn bánh sau. Chúng tôi cũng mở cửa bước xuống nhìn phía taluy âm sâu hun hút. Phía dưới kia là xóm Nghê, nơi bắt đầu của tuyến đường mới Nghê - Đăm - Lài. Những mái nhà nhỏ xíu như chiếc hộp diêm đặt trên bàn xanh màu lá. Chao ôi, nhìn lại những cung đường vừa đi qua mới thấy sự gian nan đến nhường nào đối anh em công ty tư vấn đi khảo sát tuyến, đơn vị trúng thầu khi tổ chức thi công. Ngửa mặt ngắm ta luy dương là vách đá cao 5-6 m... Thấy chúng tôi đến, người dân đổ ra đứng bên đường đón đợi. Nhìn nét mặt các ông cụ, bà lão cười giãn những nếp nhăn do khắc khổ của thời gian, của lo toan, thiếu thốn đọng lại. Nhìn thấy những chiếc xe máy mới đã được người xóm Đăm mua về thay cho đôi chân trần mấy chục năm nay. ô tô đến bản chở ngô đã đậu ngay trước cửa mỗi nhà. Một năm nay, người bản Đăm đi xe máy xuống xã, thả mắt ngắm nhìn làng bản, sông nước từ trên con đường rộng năm mét vắt ngang sườn núi, tôi biết rằng bà con người Dao ở đây vui lắm.

 

Chúng tôi lên xe vượt con đường vừa mới mở tuyến vào trong xóm Lài. Ngồi trên xe mà thấy mây bay trước mặt, thấy ngọn núi Chim, núi Vàng, đồi Mụng ngang tầm mắt. Nhìn xuống dưới xóm Nghê, đường đi vào UBND xã như sợi chỉ thôi. Tôi ngỡ ngàng nhìn các em nhỏ ùa ra đón xe, những cô gái người Dao trong trang phục truyền thống đứng nhìn những chiếc xe đang tiến về bản mình. Bản Lài đây rồi, điểm nút cuối tuyến đường dài 5,8 km để hoàn chỉnh con đường 10 km từ vốn xây dựng cơ bản tập trung của tỉnh Hòa Bình và vốn viện trợ của Cộng hòa Ai len với kinh phí trên 10 tỷ đồng mà Ban Dân tộc là chủ đầu tư đã thông. Từ nay, bản Lài, bản Đăm không còn cô lập với bên ngoài nữa. Từ nay, hàng trăm con người không còn phải đi lại bằng đôi chân trần nữa. Những tháng năm gùi ngô, gùi sắn xuống bến Mọc bán rồi gùi gạo, gùi hàng tiêu dùng leo dốc ngược lên bản theo những lối mòn đã vĩnh viễn đi vào quá khứ. ông cụ già nhất bản Lài được con cháu nói xe ô tô vào đến bản, cụ bảo cháu con dắt ra đầu bản đợi. Đến mùa Xuân Quý Tỵ, cụ Bàn Văn Chói tròn 100 tuổi. Xe chúng tôi vừa dừng, ông bước tới đưa tay sờ vào chiếc ô tô, chầm chậm bước vòng quanh. Nước mắt ông ngân ngấn. Một trăm năm bây giờ mới thấy chiếc xe đến tận bản mình. ông nói tiếng phổ thông không được nhiều, cô chắt của ông là Bàn Thị Mai phải phiên dịch lại cho chúng tôi nghe. Lời của người già bản mới chan chứa tình, xúc đông làm sao:

 

 - Bố đến đất này đã tận mắt thấy bao cây cổ thụ già chết, biết bao người già đã về với tổ tiên. Cháu con đã đàn đàn lũ lũ, ai cũng mong mỏi, khát khao có một con đường đi cho đỡ khổ thôi. Nào ngờ, Nhà nước làm hẳn một con đường rộng năm, sáu thước vắt qua mấy ngọn núi cao, trườn qua mấy chục khe sâu cho người Dao mình. Người Dao ơn Đảng, Chính phủ suốt đời. Bố sống đã 100 năm rồi, điều mơ ước, đợi chờ cả đời người nay thành hiện thực. Bây giờ, các con, các cháu được sung sướng hơn đời bố. Bản có nước sạch để dùng, có điện sáng đến từng nhà, giờ có thêm một con đường để đi. Từ nay không phải gùi hàng tấn ngô xuống núi bằng cái đầu, bằng đôi vai nữa. Cả bản mỗi năm bán hàng trăm tấn ngô chứ có ít đâu. Có đường tốt khắc có xe to lên thôi, ngô, sắn lại được giá hơn, bản làng no ấm hơn. Bọn trẻ nó đua nhau mua xe máy để Tết này đi chơi đấy. Năm nay, con cháu nó bảo phải ăn Tết, đón xuân thật vui để mừng có đường vào.

 

Chúng tôi vui cùng người bản Lài. Niềm hân hoan bừng trên những gương mặt, đôi mắt bao người từ trẻ đến già ở vùng đất “thâm sơn cùng cốc”, nơi cực bắc xa xôi nhất của tỉnh. Bí thư Đảng ủy xã Đồng Nghê Bàn Kỳ Than đến bên tôi, giọng anh cũng xúc động như bao người dân bản Lài:

 

- Là người con của dân tộc Dao, tôi hiểu nỗi khổ ngàn đời của đồng bào mình vì thiếu chữ, thiếu cả con đường đi nên lạc hậu, thua kém anh em. Niềm vui đặc biệt của người Dao Đồng Nghê là có  được một con đường vắt ngang sườn đồi  kỳ vĩ như thế này. Bao nhiêu mùa xuân đã đến với bản làng nhưng tôi cho đây là một trong những mùa xuân vui nhất, hạnh phúc nhất của người Dao bản Lài anh ạ!

 

 Những cây đào trong bản đã chúm chím nụ hồng. Các cô gái đang in nốt những đường hoa văn trên từng chiếc khăn, tấm áo, váy của mình để chuẩn bị đón mùa xuân mới. Những cô gái Dao bản Lài hôm nay tôi gặp nở nụ cười rạng rỡ. Bởi từ mùa xuân này, họ không còn phải sống biệt lập trên núi cao như bao mùa xuân trước. Một niềm vui đến trước mùa xuân bởi  nhân dân Đồng Nghê có thêm một con đường mới. Người Dao Đồng Nghê càng thêm tin tưởng vào chính sách của Nhà nước để nhân dân vùng cao, vùng xa ngày một no ấm. Đảng đã và đang đem đến những mùa xuân hạnh phúc ở mảnh đất Đồng Nghê xa xôi bằng những quyết sách, chủ trương và bằng hành động. Mùa xuân nối tiếp những mùa xuân như niềm tin vào sự nghiệp đổi mới do Đảng lãnh đạo và khởi xướng ngày một dâng đầy trong lòng nhân dân các dân tộc Hòa Bình.                 

 

 

 

                                                                             Phạm Huy Định

 

Các tin khác

Toàn cảnh Nhà máy thủy điện Sơn La
Đồn điền Chi Nê những năm 1940 chụp từ trên máy bay (ảnh tư liệu).
Một góc Đảo Đá Tây.
Niềm vui của trẻ em bản Hang Kia (Hang Kia - Mai Châu) trong ngày tết cổ truyền.

Chuyện về những người được “thử lửa” trong bom đạn chiến tranh

(HBĐT) - Một người vừa tròn 40 năm tuổi Đảng, còn một người cũng ngấp nghé với 38 năm có lẻ. Ở họ đều có một điểm chung đó là cùng được kết nạp, đứng vào hàng ngũ của Đảng khi trên đầu bom vẫn rơi, đạn vẫn réo trong sự khốc liệt của chiến tranh...

Bò Liêm - bản vắng đàn ông

(HBĐT) - Những gia đình có đàn ông trong nhà chỉ đếm trên đầu ngón tay. Có năm, bản có đến 7 người đang tuổi ăn, tuổi làm phải về với “mường trời” vì nghiện ma túy, mắc HIV/AIDS. Số còn lại phải đi thụ án cũng có liên quan đến ma tuý. Bản gần như chỉ còn lại phụ nữ, trẻ em. Mọi công to, việc lớn đều dồn lên vai các bà, các chị. Đó là tình trạng đáng lo ngại ở bản Bò Liêm, xã Tân Sơn (Mai Châu) khi cơn bão ma túy ập đến. Tết này, nhiều gia đình không được xum họp...

Ký ức không quên trên đất nước Lào

(HBĐT) - Sau nhiều năm trở về nước, nhiều người lính tình nguyện Việt Nam năm xưa không thể quên được những tình cảm mà những người lính, người dân Lào đã dành cho mình. Nhiều người nay đã già chỉ muốn nghe một bài hát, ăn một nắm xôi, một ít “chẹo” để nhớ lại những năm tháng ở nước bạn.

Bài 2: Chiến thắng của bản lĩnh, trí tuệ và tầm vóc Việt Nam

(HBĐT) - “Trong 12 ngày đêm chống lại cuộc tập kích lớn nhất trong lịch sử chiến tranh bằng không quân của nước Mỹ, cho dù tương quan về sức mạnh quân sự nghiêng hẳn về phía Mỹ nhưng ta vẫn giành thắng lợi, bắn rơi 34 máy bay B52 và hàng chục máy bay các loại buộc Mỹ phải ký kết hiệp định Pari rút quân về nước và công nhận Việt Nam là một quốc gia. Chiến thắng đó đã khẳng định bản lĩnh, trí tuệ và tầm vóc của dân tộc Việt Nam, mở đầu cuộc nói chuyện với cánh lính trẻ Đoàn H50, vị tướng Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Phiệt đã nhấn mạnh.

Bài 1: Chuyện kể của vị tướng già

(HBĐT) - Không hẹn nhưng chúng tôi được Thượng tá Lưu Văn Đại, Chính ủy Đoàn H50 cho biết: “Nhân kỷ niệm 40 năm chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, chúng tôi có mời Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Phiệt, người trực tiếp chỉ huy tiểu đoàn tên lửa 52 chiến đấu bắn rơi 4 máy bay B52 trong 12 ngày đêm trên bầu trời Hà Nội năm 1972”. Với chúng tôi và cả cánh lính trẻ Đoàn H50 đều coi đó là một dịp may hiếm có để được nghe, được sống lại không khí chiến đấu trong 12 ngày đêm của những con người quả cảm, kiên cường.

Bí ẩn về "Giếng thần" Nam - Nữ của người Mường

(HBĐT) - Câu chuyện bí ẩn về chàng rắn trắng đào giếng tạo phúc cho dân làng có nước sinh hoạt dưới chân núi Ái Làng xưa kia, vẫn được bà con nơi đây truyền tai nhau. Những truyền thuyết ly kỳ chưa lời giải đáp xung quanh đôi "giếng thần” mang tên Nam - Nữ này.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục