Dưới lá cờ thân yêu của Tổ quốc.

Dưới lá cờ thân yêu của Tổ quốc.

(HBĐT) - Vượt qua những cung đường “đệ nhất hùng quan” Yên Minh, Quản Bạ, Mèo Vạc gian nan trong mây mù, giá lạnh, từ thị trấn Đồng Văn, tạm biệt những địa danh hiểm trở và thơ mộng, đoàn nhà báo chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình lên cột cờ Lũng Cú của tỉnh Hà Giang, điểm xa nhất vùng cực bắc Tổ quốc. Trong ý thức mỗi người đều hồi hộp khi được tận mắt chứng kiến lá cờ tung bay trong trời đất vùng biên ải, biểu tượng của chủ quyền quốc gia.

 

Đường đi dốc tiếp đèo, cheo leo bám vực. Lũng Cú cách thị trấn Đồng Văn chừng 30 km nhưng phải mất hơn 1 giờ đi ô tô. Cả đoàn dừng chân tại đồn biên phòng Lũng Cú. Từ vị trí này nhìn lên lá cờ Tổ quốc tung bay trong gió trời lồng lộng. Một luồng cảm xúc căng tràn trong tim mỗi thành viên trong đoàn. Bước qua gần 400 bậc, 140 bậc xoáy ốc lên đỉnh cột cờ, nhìn lá quốc kỳ nước Việt thân yêu bay phần phật trong trời xanh thẳm, hồn thiêng sông núi căng đầy con tim. Địa đầu đất nước là đây. Hạnh phúc vô ngần khi đứng bên nóc nhà Việt Nam. Từ Núi Rồng nhìn xuống, thị trấn Lũng Cú ngập trong làn sương dày đặc, cuồn cuộn di chuyển, đôi lúc thấy những nóc nhà lúp xúp, con đường vùng cao như  dải lụa trên mây. Lũng Cú và cả vùng biên giới đang vào xuân mới! Sương và mây giao hòa, lúc ngập tràn trời, đất vương tóc người đi, lúc bỗng chốc quang đãng, sáng trong đến bất ngờ. Rét. Nhiệt độ thấp hơn thường lệ. Gió thổi ù ù. Sắc đào phai nở bung trên đá núi, vẫn có cánh én chao nghiêng. Tiếng khèn Mông đan môi réo rắt xa gần.

 

Cô bé Vân Anh - hướng dẫn viên có gương mặt bầu bĩnh như trẻ con, tươi như hoa đào, giọng nói trong veo giới thiệu: Nơi chúng ta đứng đây là núi Rồng, xã Lũng Cú, cao khoảng 1.700 m so với mực nước biển. Cột cờ Lũng Cú  trên đỉnh núi Rồng, cao 29,5 m, lá cờ đỏ sao vàng thiêng liêng rộng 54 m2, đại diện cho 54 cộng đồng dân tộc anh em nước Việt Nam. Cột cờ có hình dáng như cột cờ Hà Nội, chân bệ có sáu mặt phù điêu mang nét hoa văn của trống đồng Đông Sơn. Hai bên đỉnh núi là hai hồ nước Lô Lô gần như đối xứng màu xanh biếc, không bao giờ cạn, được ví là đôi mắt rồng, mang thế núi luôn đầy ắp nước, trông giữ biên ải quê hương, nét rất đặc biệt ở vùng cao nguyên miền biên viễn. Lưng chừng núi Rồng có hang Sì Mần Khan được thiên tạo mà như bàn tay thợ tài hoa, khắc họa cuộc sống người dân hòa đồng với thiên nhiên trong từng vân đá. Thung lũng Thèn Ván thăm thẳm, rộng vài chục ha, bên kia là đầu nguồn sông Nho Quế bắt nguồn từ Vân Nam - Trung Quốc đổ về Đồng Văn, Mèo Vạc hòa vào sông Gâm tạo nên mạch sinh thủy vững bền bất tận cho vùng cao cực bắc Hà Giang.

 

Đi từ xóm Séo Lủng ra khu vực Tìa Mông, xóm Cẳng Tằng, xã Lũng Cú là điểm nhô ra xa nhất của cực Bắc và là nơi thắng cảnh đẹp nhất Đồng Văn. Lũng Cú có nhiều tên gọi, mỗi tên gọi đều đẹp như huyền thoại. Có giả thiết cho rằng: Lũng Cú có nghĩa là Long Cư - Rồng trên đồng ruộng hay là Lũng Ngô vì cánh đồng Thèn Pả trồng nhiều ngô, thứ ngô gắn chặt với cuộc sống và là nét văn hóa của người Mông, người Lô Lô. Nhưng có giả thiết khoa học cho rằng, Lũng Cú bắt đầu từ chữ Long Cổ - nghĩa là trống rồng. Thời Tây Sơn, sau khi đại thắng quân xâm lược, vua Quang Trung đã cho đặt một chiếc trống rất to ở trạm gác vùng biên ải hiểm trở này. Cứ mỗi canh, tiếng trống lại vang lên ba hồi đĩnh đạc, vang xa mấy dặm như một sự khẳng định chủ quyền đất nước. Có lẽ vậy mà Lũng Cú khi đọc chệch âm sang tiếng Mông Cổ, tức là trống của nhà vua. Nơi đặt chiếc trống của nhà vua là trạm biên phòng tiền tiêu Lũng Cú hiện nay. Phải chăng đến tận ngày nay, đồng bào dân tộc nơi đây sử dụng thành thạo trống trong những ngày trọng đại. Lũng Cú vẫn giữ gìn được tiếng trống trong tâm thức và những hiện vật văn hóa biểu trưng của thời vua Hùng. Cột cờ quốc gia Lũng Cú mà chúng ta có dịp chiêm ngưỡng hôm nay được hoàn thành vào đúng ngày 2/9/2010 - Vân Anh kể. Xây dựng được cột cờ tốn rất nhiều tâm lực. Riêng phần thủ công, vận chuyển vật liệu, gọt đẽo đá núi phải do công sức của người dân địa phương vì người nơi khác chẳng thể chịu đựng được gió rét của miền cao nguyên đá Đồng Văn.

 

Ở Lũng Cú chỉ có mùa mưa và mùa khô. Mùa nào cũng khắc nghiệt, khó khăn. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, thường có mưa lớn gây sạt lở đường, ách tắc giao thông, đi lại khó khăn. Mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, nhiều mây mù, nhiệt độ xuống thấp có nơi chỉ vài độ C, nơi có tuyết sa, sương muối. Mùa này nước sinh hoạt thiếu trầm trọng. Vì thế nên sản xuất và cuộc sống người dân khó khăn, để tồn tại được cũng đã là cả một kỳ tích. ấy vậy ở vùng cực bắc này, cuộc sống của người dân vẫn hạnh phúc trong bình dị. Ngàn năm qua, khó khăn, giá rét đã tôi luyện đồng bào các dân tộc nơi biên cương của Tổ quốc ngày càng kiên cường và đoàn kết. Đồng bào dân tộc Mông, Lô Lô, Tày, Dao sống quây quần nơi đây mang trong mình truyền thống tốt đẹp con cháu tiên Rồng. Đồng bào có ý thức cộng đồng sâu sắc, tính cách thật thà, yêu hòa bình, yêu độc lập, yêu vùng cao nguyên khắc nghiệt đã và đang tạo nên những giá trị văn hóa bền vững nơi địa đầu Tổ quốc thân thương. Có ai đó rất tinh tế khi phác họa nét đặc trưng hình ảnh Đồng Văn- Mèo Vạc. Vùng cực bắc Hà Giang trùng điệp đá núi, đá như rừng, bạt ngàn đá xám, hút tận chân trời xa. Nét văn hóa đồng bào dân tộc tạo nên sinh khí, sức sống mãnh liệt vùng biên cương. Đó cũng là những chứng minh Tổ quốc đất Việt thiêng liêng.

 

Trên đỉnh Lũng Cú, con cháu Rồng, Tiên hôm nay nghĩ về đất nước thật tự hào. Lũng Cú khắc nghiệt nhưng da diết nhớ nhung nếu một lần đến. Người dân kiên cường bám trụ sinh sống, sản xuất và hạnh phúc trên cao nguyên đá núi khô cằn. Sắc đào, hoa lê, mai vẫn nở đón xuân trong giá rét. Tiếng  thiếu nữ Mông, Lô Lô vang vọng trong ngần đá núi. Ngô vẫn lên xanh trùm trên đá xám. Lũng Cú còn lưu giữ nền tảng văn hóa truyền thống, rượu ngô nồng đượm, rượu mật ong bùi bùi, ngòn ngọt chè tuyết và thắng cố. Đắm say trong tiếng khèn gọi bạn chan chứa thương yêu, dập dìu đêm chợ tình phố cổ Đồng Văn, nghe hồn dân tộc qua tiếng trống âm vang vách núi.

 

Trên đỉnh Lũng Cú, dưới lá cờ Tổ quốc, bên kia là nước bạn Trung Quốc, bên này là mênh mang cao nguyên đá Đồng Văn, là đất Việt thân yêu. ôm trọn quê hương trong tầm mắt. Lịch sử mấy ngàn năm ào ạt trong tâm hồn con dân đất Việt tạo thành sức mạnh vô biên vượt qua trập trùng gian khó. Anh Đinh Văn ổn, Tổng Biên tập Báo Hòa Bình xúc động: Biểu tượng Việt Nam thực chất là đặt trên nền tảng văn hóa tích tụ, hun đúc, bồi đắp qua mấy ngàn năm dựng nước, giữ nước; là ý chí quật cường, hy sinh, vượt qua đá núi khô khốc, chông chênh, sắc lẹm, nuôi ước mơ ươm mầm sống sinh sôi; là tình cảm yêu thương chan chứa, là tinh thần đoàn kết cộng đồng gắn kết bền vững đến cao độ... Những phẩm chất này luôn thường trực trong lòng mỗi người con Việt Nam.

 

      

                     Khám phá văn hóa miền biên ải qua các hiện vật.

 

Đến với vùng biên ải, thăm cột cờ Lũng Cú, lòng tự hào dân tộc trong sâu thẳm tâm hồn người dân Việt trỗi dậy mạnh mẽ vô biên. Sẽ thật sai lầm nếu có ai đó nhận xét về lớp trẻ hôm nay thờ ơ với lịch sử, quá khứ, truyền thống dân tộc, cha ông, cũng như tương lai. Hàng ngày, lớp lớp thanh niên mọi miền đất nước mặc áo mang sắc hình lá cờ Tổ quốc yêu thương vẫn băng đèo, vượt dốc trong giá lạnh, sương rơi đến với vùng biên cương khám phá để hiểu về truyền thống văn hóa, ý chí kiên cường của người dân vùng biên ải, sống trên đá cao nguyên, giữ trọn lời thề giữ nước với ông cha. Trên đỉnh Lũng Cú, chẳng ai bảo ai cùng nhau hít căng không khí trong lành, đồng thanh hai tiếng Việt Nam. âm thanh Việt Nam truyền mãi, truyền mãi vang vọng trong đá núi cao nguyên, trải dài khắp vùng biên ải. Có lẽ với bất cứ ai lên đỉnh cột cờ Lũng Cú, từ trong sâu thẳm tâm hồn, lòng tự hào, tự tôn dân tộc trào dâng cuồn cuộn, thôi thúc bước ta đi. Giá lạnh, thiên nhiên kỹ vĩ, sắc cờ phần phật đẹp vô hạn làm con tim thổn thức. Quê hương mình đẹp trong gian khó, quật cường trong ý chí; bền bỉ trong chống chọi với khắc nghiệt, chứa chan tình cảm yêu thương. Đó là sức sống mãnh liệt nơi địa đầu cực bắc của Tổ quốc chúng ta.

 

 

                                                                                    Lê Chung

 

 

 

 

Các tin khác


Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục