Một bể nước được xây dựng từ năm 2010 ở xóm Kim Bắc I không phát huy tác dụng và bị bỏ hoang trong những năm qua.

Một bể nước được xây dựng từ năm 2010 ở xóm Kim Bắc I không phát huy tác dụng và bị bỏ hoang trong những năm qua.

(HBĐT) - Trái ngược hẳn với màu xanh mướt mát của những ruộng lúa xuân ở cánh đồng Thung Củ, cách đó chỉ một con dốc, cả vùng Thung Rếch (Tú Sơn - Kim Bôi) lại hiện ra ngột ngạt, khô rang. Những chân ruộng ngô, mía vốn mỡ màng xanh tốt, giờ chỉ còn trơ lại đất, bạc phếch màu nắng.

 

Đất khát, người khát

 

Nước! Đó là điều mà thời gian qua người dân ở vùng Thung luôn nhắc đến trong câu chuyện của mình. Nước cho sản xuất vốn đã thiếu nay lại càng thiếu hơn. Thiếu đến nỗi nói như ông Bàn Văn Thắng, Trưởng xóm Kim Bắc I, như mọi năm đến tầm này, nhà nào làm đất, gieo muộn thì cây ngô cũng đã mọc được cỡ 1 gang tay. Nhưng năm nay, mưa chẳng đủ thấm đất nên gieo xong chẳng có cây nào mọc nổi.

 

Ông Trưởng xóm có dáng người thấp đậm, vạm vỡ với những bước chân chắc nịch trên những chân ruộng đã cày bung lớp đất mặt, khoát tay một vòng rộng phía trước mặt, ông bảo: Như mọi năm giờ này cả vùng Thung Rếch đã xanh mướt màu ngô. Nhưng năm nay chỉ có một màu đất bạc như thế này. Từ khi chuyển cư về đây theo chương trình di dân tái định cư vùng lòng hồ sông Đà năm 1994, tôi chưa thấy năm nào vùng Thung Rếch lại hạn hán ghê gớm như năm nay. Sau hạn hán rồi đây sẽ là cuộc sống khó khăn của người dân vùng Thung.

 

Mải chuyện, mải hướng tầm mắt về phía xa, khi nhìn lại chẳng hiểu nắm đất khô khốc trong tay ông Trưởng xóm đã bị bóp nát vụn từ lúc nào. Bụi đất từ bàn tay thô ráp của ông Trưởng xóm phần thì rơi xuống chân, phần theo gió cuốn mù về phía đám cỏ, lau lách đã cháy vàng vì nắng và “khát”. Lau lách, cỏ dại ở vùng Thung vốn có sức sống mạnh mẽ nhưng giờ đều đã lụi tàn. Chỉ cần một đốm lửa nhỏ, trong chốc lát chúng sẽ ngùn ngụt bốc cháy. Không có mưa, lối canh tác “nhờ trời” của người dân ở Thung Rếch vốn đã khó khăn nay lại càng khó khăn gấp bội. Hạn hán ngày càng tăng, kéo dài trước mắt người dân Thung Rếch sẽ là một vụ mùa thất bát.

 

Mùa này ở đỉnh Thung không chỉ có đất mà con người cũng đang gồng mình trong cơn khát. Ông Bạch Công Diển, Phó Chủ tịch UBND xã Tú Sơn cho biết: Thung Rếch có 7 xóm với khoảng 350 hộ dân cùng gần 1.000 nhân khẩu. Mặc dù trước đây đã được Nhà nước đầu tư xây dựng hệ thống bể chứa nước sinh hoạt nhưng theo tính toán, vào thời điểm này ít nhất cũng phải đến trên 80% số hộ khó khăn về nguồn nước sinh hoạt. Chia sẻ với chúng tôi, anh Bàn Văn Hưng, Phó Bí thư chi bộ xóm Kim Bắc II cho biết: Thời điểm này, tất cả các nguồn sinh thủy ở Thung Rếch đã cạn kiệt. Chưa đến nỗi phải mua nước từ vùng dưới nhưng hầu như gia đình nào cũng phải cắt cử một người hàng ngày ở nhà đi tìm, lấy nước về phục vụ sinh hoạt. Có khi người ta phải đi cả cây số, mất đến nửa buổi mới lấy được vài can nước về sử dụng trong ngày. Gặp chị Bàn Thị Tư ở xóm Kim Bắc I khi đang hứng từng chút nước vào can nhựa mang về sử dụng, chị cho biết: hiện nay, nguồn nước sinh hoạt ở đây cực kỳ khó khăn, tất cả cả mó nước đều đã cạn. Cả xóm có có 50 hộ chỉ trông vào nguồn nước giếng khoan của nhà ông Bí thư chi bộ và nhà ông Trưởng xóm. Do nước ít nên hàng ngày chúng tôi cũng chỉ đến để xin về phục vụ sinh hoạt, còn chuyện tắm rửa phải hạn chế đến mức tối đa, khi nào muốn tắm giặt phải đi xe máy xuống vùng dưới chứ trên này nước ăn còn khó chứ nói gì đến nước để tắm giặt.

 

Dân “khát” vì công trình chất lượng kém

 

Đó là một thực tế ở Thung Rếch trong nhiều năm qua. Theo những người dân ở Thung Rếch, được biết thực hiện chính sách chuyển cư vùng lòng hồ sông Đà từ năm 1994 tính đến nay, Nhà nước đã đầu tư xây dựng cho người dân ở đây 3 hệ thống công trình nước hợp vệ sinh với hàng chục bể chứa có dung tích lớn. Nhưng cho đến nay, cả 3 hệ thống công trình nước này không hoạt động hiệu quả. Hầu hết các hệ thống bể chứa không phát huy tác dụng. Trong đó có nhiều bể chứa bị hư hỏng, không được sửa chữa nên đã bị bỏ hoang từ nhiều năm qua.

 

Đưa chúng tôi đến khu bể chứa nước gần nhà ông Bàn Văn Thắng, Trưởng xóm Kim Bắc I ngán ngẩm: Từ năm 1994 đến nay, xóm Kim Bắc I được Nhà nước đầu tư xây dựng 2 hệ thống bể nước sinh hoạt với 4 bể trong đó có 2 bể với dung tích 20 m3 được xây dựng từ năm 1994, 2 bể được xây dựng với dung tích 60 m3. Nhưng cho đến nay chỉ có 1 bể xây dựng từ năm 1994 còn sử dụng được nhưng lượng nước về bể cũng rất kém, chỉ đủ phục vụ cho 3 - 4 hộ dân, còn 2 bể nước với dung tích 60 m3 đã từ lâu không có tác dụng. Do quá trình thi công xây dựng, nhà thầu làm ẩu, chất lượng kém nên khi đưa vào sử dụng một thời gian ngắn đã xuống cấp, thành bể bị nứt vỡ, rò rỉ nước. Cho dù đơn vị thi công đã khắc phục, sửa chữa sau kiến nghị của nhân dân nhưng tình trạng rò rỉ nước vẫn không được khắc phục dứt điểm. Ngoài ra, một bộ phận người dân không có ý thức bảo vệ hệ thống đường ống dẫn nước nên hệ thống bể nước này đã bị bỏ hoang từ năm 2010 cho đến nay.

 

Trao đổi với chúng tôi xung quanh vấn đề này, ông Bạch Công Diển, Phó Chủ tịch UBND xã Tú Sơn cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô ở vùng Thung Rếch trong những năm qua đó là các công trình nước sinh hoạt được đầu tư sau khi xây dựng xong đều kém chất lượng. Hệ thống bể nước dù chỉ đưa vào một thời gian bị thấm, nứt không giữ được nước; hệ thống ống dẫn, van cũng kém chất lượng. Bên cạnh đó, ý thức tự quản của một bộ phận người dân cũng không cao nên đã gây ảnh hưởng, tác động đến sự bền vững của các công trình. Với những yếu tố đó đã làm cho nhiều bể chứa nước không có tác dụng chứa nước nên hầu hết đã không phát huy tác dụng và bị bỏ hoang trong nhiều năm qua.

 

                    

Năm nào cũng vậy cứ đến “mùa khát”, chị Bàn Thị Tư ở xóm Kim Bắc I phải đi xin từng can nước về để sử dụng.    

         

Trước thực trạng đó, theo ông Phó Chủ tịch UBND xã Tú Sơn để giải quyết tình trạng thiếu nước trong mùa khô ở Thung Rếch, trước hết, người dân cần chủ động rà soát, thiết lập lại hệ thống bể chứa nước được xây dựng trong những năm trước đây. Chỗ nào hỏng hóc cần phải xem xét có phương án sửa chữa, khắc phục. Nếu là hỏng hóc, sửa chữa lớn đề xuất sự hỗ trợ của các cấp, ngành chức năng để sớm đưa công trình vào sử dụng. Ngoài ra cần đảm bảo các công trình sau khi đưa vào sử dụng phải có sự quản lý, cộng đồng cùng chung tay bảo vệ, giữ gìn một cách hợp lý. Có như vậy mới phát huy tốt tác dụng của các công trình và giải quyết bài toán thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô ở Thung Rếch trong những năm qua.

 

                                                         Mạnh Hùng  

 

 

Các tin khác

Những ngọn đồi trơ đá, sỏi do người dân đốt rừng làm nương ở Mường Tuổng.
Cơ sở hạ tầng xã Lạc Sỹ (Yên Thủy) được đầu tư đã cải thiện đáng kể cuộc sống của người dân. Ảnh: Trường THCS Lạc Sỹ mới được bàn giao và đưa vào sử dụng đáp ứng nhu cầu dạy và học của giáo viên, học sinh nhà trường.
Người dân xã Tự Do từng bước khôi phục và phát triển nghề dệt thổ cẩm góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa và tăng thu nhập ổn định đời sống.
Cửa Nánh nhìn từ tuyến tỉnh lộ 433.

Chuyện làm báo ở xứ Chùa Vàng

(HBĐT) - Tháng 9/2012, tôi có dịp được tham gia đoàn công tác của Hội Nhà báo Việt Nam sang thăm và làm việc tại Thái Lan - xứ sở Chùa Vàng. Đoàn gồm 10 thành viên là lãnh đạo Hội Nhà báo các địa phương và Văn phòng T.ư Hội Nhà báo do nhà báo Phạm Quốc Toàn, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam làm trưởng đoàn. Chương trình thăm và làm việc hướng tới kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao báo chí giữa Hội Nhà báo Việt Nam và Liên đoàn Báo chí Thái Lan (1993-2013).

Thiêng liêng cột cờ Lũng Cú

(HBĐT) - Vượt qua những cung đường “đệ nhất hùng quan” Yên Minh, Quản Bạ, Mèo Vạc gian nan trong mây mù, giá lạnh, từ thị trấn Đồng Văn, tạm biệt những địa danh hiểm trở và thơ mộng, đoàn nhà báo chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình lên cột cờ Lũng Cú của tỉnh Hà Giang, điểm xa nhất vùng cực bắc Tổ quốc. Trong ý thức mỗi người đều hồi hộp khi được tận mắt chứng kiến lá cờ tung bay trong trời đất vùng biên ải, biểu tượng của chủ quyền quốc gia.

Niềm vui nơi cực bắc xa xôi nhất tỉnh

(HBĐT) - Lần đầu tiên tôi đến Đồng Nghê (Đà Bắc) bằng mấy tiếng ngồi trên sông và đi bộ như thế. Nhưng Đồng Nghê đã làm tôi say bởi tài nguyên thiên nhiên của rừng nhất, nhì Đà Bắc; nghiến, táu mật, trai, dổi găng... ở vùng núi đá Đồng Nghê là loại cây đầu bảng. Lên khỏi mép nước xóm Mọc là gặp rừng. Đường mòn vào trung tâm xã xuyên qua giữa đại ngàn.

Âm vang trên công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á

(HBĐT) - Tôi được may mắn sinh ra và lớn lên nơi công trình thế kỷ trên dòng sông ánh sáng - Công trình thủy điện Hòa Bình. Nay, công trình thế kỷ thứ 2 trên dòng sông ánh sáng - sông Đà - Công trình thủy điện Sơn La -  Dự án thủy điện lớn nhất Đông Nam Á vừa khánh thành ngày 23/12/2012 đã để lại niềm tự hào không chỉ cho những người dân chung dòng nước sông Đà, thắp chung ánh sáng của công trình như chúng tôi mà đó là niềm tự hào, là thành quả chung của những bàn tay, khối óc tập thể, những con người Việt Nam tự tin, sáng tạo làm chủ được công nghệ hiện đại của thời kỳ CNH-HĐH đất nước và hội nhập quốc tế.

Nhà máy in tiền đầu tiên của Việt Nam tại đồn điền Chi Nê

(HBĐT) - Đồn điền Chi Nê được xây dựng từ thời Pháp thuộc, nay thuộc địa bàn xã Cố Nghĩa (Lạc Thủy). Đồn điền được Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Tài chính chọn là một trong những cơ sở đầu tiên đặt Nhà máy in tiền của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nơi đây đã lưu giữ những dấu ấn lịch sử đầu tiên trong những năm tháng đầy khó khăn của chính quyền cách mạng nói chung và của Bộ Tài chính nói riêng. Khu di tích này được Bộ VH-TT&DL xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 2007.

Nhớ mãi ngày xây bia chủ quyền trên đảo Đá Tây - Trường Sa

(HBĐT) - Đã 18 năm trôi qua, những ngày đầy gian nan, vất vả nhưng cũng thật vinh dự, tự hào khi được cùng đồng nghiệp tham gia xây dựng bia chủ quyền trên đảo Đá Tây - quần đảo Trường Sa vẫn in đậm ký ức của Đặng Văn Hậu, chàng trai sinh ra và lớn lên trên vùng đất Xuân La, Thanh Sơn, Kiến Thụy (Hải Phòng) và hiện là Giám đốc Công ty cổ phần Hapaco Đông Bắc (Vạn Mai - Mai Châu).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục