Hồ Ba Bể yên ả khi chiều buông.

Hồ Ba Bể yên ả khi chiều buông.

(HBĐT) - Việt Bắc là danh từ chung chỉ 6 tỉnh: Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng và Lạng Sơn. Vùng đất này từng được coi là Thủ đô kháng chiến, là nơi trú đóng, hoạt động cách mạng của Bác Hồ và những chiến sỹ ưu tú trong thời kỳ trước cách mạng tháng 8/1945 và cũng là nơi Chính phủ Việt Minh lựa chọn làm căn cứ kháng chiến trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp giai đoạn 1945 - 1954... Có một may mắn là trong những ngày cuối tháng 3, chúng tôi có dịp được về Việt Bắc thăm lại phong cảnh sơn thủy hữu tình nơi ngọn nguồn cách mạng...

 

Bài 1: Hồ Ba Bể - Viên ngọc xanh giữa trời Việt Bắc

Choáng ngợp, ngỡ ngàng, tò mò rồi vỡ òa trong cảm giác phấn khích giống như khi mở từng trang của cuốn bích họa sơn thủy do tay họa sỹ tài danh dồn toàn bộ tâm huyết trong từng nét vẽ. Vẫn là cái cảm giác, ấn tượng ấy khi chúng tôi đặt chân trở lại hồ Ba Bể sau quãng thời gian đúng vừa tròn 10 năm.

 

Hồ Ba Bể - đêm huyền thoại

 

Chẳng biết đó có phải là một sự may mắn hay đó chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên. 10 năm trước, trú tạm một đêm trong ngôi nhà gỗ sát mép hồ của một gia đình người phụ nữ Tày , chúng tôi đã phải co ro, hãi hùng trong tiếng gió rít của cơn giông, lốc cùng những tiếng sét nổ chói tai với những luồng điện loằng ngoằng vụt sáng như xé rách trời đêm vùng rừng núi Ba Bể. 10 năm sau trong ngôi nhà sàn du lịch của đôi vợ chồng trẻ người bản xứ bên mép hồ, lại thêm một lần, chúng tôi được sống lại cảm giác co ro, hãi hùng trong đêm mưa giông lốc. Cảm giác sợ hãi cứ như luồng gió lạnh len lỏi theo mạch máu vào sâu trong từng thớ thịt, sợ đến cả những chân tơ, kẽ tóc. Nằm trong ngôi nhà sàn chắc chắn, trong gió rít, mưa xối ầm ào cứ như ai múc nước từ biển đổ vào một khe núi nhỏ hẹp cùng tiếng nổ đì đoàng của sấm sét, đôi lúc chúng tôi thoáng giật mình trộm nghĩ cơn “đại hồng thủy” nhấn chìm đồi núi, ruộng nương, làng bản của vùng đất Nam Mẫu xưa kia để hình thành nên hồ Ba Bể chắc cũng chỉ dữ dội đến vậy...

 

Chúng tôi còn nhớ, sau đêm co ro trong sợ hãi ở hồ Ba Bể cách đây 10 năm, người phụ nữ Tày có khuôn mặt phúc hậu đã không ngần ngại cho những người xa lạ qua đêm trong căn nhà gỗ đơn sơ bảo: Theo như ông bà kể lại, xưa kia, hồ Ba Bể được hình thành từ sau một trận “đại hồng thủy”. Đến giờ chẳng ai còn nhớ rõ đó là vào năm nào. Nhưng đến bây giờ và có lẽ cả sau này nữa, chúng tôi vẫn sẽ kể cho con, cho cháu nghe về truyền thuyết này bởi cho đến bây giờ, truyền thuyết ấy vẫn còn hiện hữu ở vùng đất này với những bằng chứng sống động nhất như địa danh Nam Mẫu là nơi khởi phát của cơn đại hồng thủy hay như đảo Bà Góa nổi lên giữa hồ - nơi theo truyền thuyết kể lại là sau khi được báo mộng, mẹ con bà góa đã chạy lên ngọn núi gần nhà để tránh nước lũ nhấn chìm tất cả và rồi sau nước lên ngọn núi đó chỉ còn lại phần ngọn giữa mênh mông nước hồ mà người đời vẫn gọi là đảo Bà Góa cho đến tận ngày nay, hoặc hình ảnh những con thuyền độc mộc nhẹ nhàng lướt trên mặt hồ trong vắt, thoắt ẩn, thoắt hiện giữa màn sương mờ đó là hình ảnh hiện hữu của “mảnh vỏ trấu” mà mẹ con bà góa được thần linh ban cho để khi nước lũ tràn về làm thuyền cứu vớt người bị nạn...

 

Dẫu biết, đó chỉ là sự ngẫu nhiên nhưng chúng tôi vẫn luôn nghĩ, tâm niệm rằng mình thật may mắn khi được trải qua những đêm huyền thoại; được sống trong không gian huyền thoại và được gặp những con người như vừa bước ra từ trong truyền thuyết ở vùng đất còn nhiều điều, nhiều bí ẩn chưa được khám phá...

 

Trở về từ huyền thoại

 

Hồ Ba Bể không chỉ đẹp trong huyền thoại mà theo như đánh giá của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực du lịch trong và ngoài nước, đây xứng đáng được coi là một điểm đến hấp dẫn, là viên ngọc xanh giữa trời Việt Bắc. Chẳng vậy mà theo như anh bạn là phóng viên Báo Bắc Kạn, ngoài khách du lịch trong nước, hàng năm vườn quốc gia Ba Bể, trong đó có hệ thống sinh thái hồ Ba Bể đã đón hàng vạn lượt du khách nước ngoài đến thăm. Trong đó có những người đã trở lại đây nhiều lần.  

 

Đến với Ba Bể không chỉ được chiêm ngưỡng, đắm mình trong cảnh sắc thiên nhiên sơn thủy hữu tình, độc đáo có một không hai mà du khách còn được tham gia các cuộc hành trình khám phá đầy hấp dẫn và mê hoặc. Điểm hấp dẫn nhất mà nói như một vị tiến sỹ sinh vật học người Đức có một cái tên với tôi khó đọc và khó nhớ thì bạn muốn tên mình được đặt cho một loài cây, một loài hoa hay một loài động vật mà thế giới chưa từng được biết đến, bạn hãy đến Ba Bể. Biết đâu trong cuộc hành trình khám phá Ba Bể, bạn sẽ gặp may mắn.

 

Nhận xét đó không phải là không có căn cứ. Trên thực tế, đứng về góc độ khoa học, hồ Ba Bể có diện tích mặt nước khoảng 650 ha với chiều dài khoảng 8 km. Do vậy, nó được coi là hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất Việt Nam và là một trong 20 hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất thế giới. Nó bao gồm một quần thể sinh thái độc đáo hiếm có trên thế giới được hình thành từ cách đây hơn 200 triệu năm trong cuộc kiến tạo lục địa Đông Nam Á cuối kỷ Camri. Sau quá trình vận động, đứt gãy và sụt lún đã tạo ra một vùng hồ nước ngọt ở lưng chừng vùng núi đá vôi. Hồ Ba Bể có ba nhánh thông nhau với tên gọi là Pé Lầm, Pé Lù và Pé Lèng. Theo đánh giá của các nhà khoa học trong và ngoài nước, giá trị lớn nhất của hồ Ba Bể là cảnh quan địa chất độc đáo, giá trị nổi bật về địa chất, địa mạo và có giá trị về sự đa dạng sinh học với thảm thực vật, động vật phong phú với hàng nghìn loài động, thực vật. Trong đó có nhiều loài mang tính đặc hữu. Theo anh bạn phóng viên Báo Bắc Kạn trong vai trò là người dẫn đường, giới thiệu về giá trị cảnh quan hồ Ba Bể: theo các chuyên gia ghi nhận, điểm độc đáo của hồ đó là còn rất nhiều điều bí ẩn chưa được khám phá hết. Ví như từ trước đến giờ người ta vẫn nghĩ lòng hồ nơi sâu nhất cũng chỉ vài ba chục mét nước nhưng mới đây, một đoàn chuyên gia của Bộ Tài nguyên và Môi trường về khảo sát, đánh giá lại đã thừa nhận độ sâu của hồ vượt xa con số vài ba chục mét nước, thậm chí chỗ sâu nhất có thể đến hàng trăm mét. Ngoài ra, ở đây, các nhà khoa học trong và ngoài nước đã từng tìm thấy nhiều loại động, thực vật mới, đồng thời vẫn còn ẩn chứa nhiều loại động thực vật đặc hữu chưa từng được biết đến từ trước đến nay.

 

Đó là ý kiến, nhận xét, đánh giá của những chuyên gia, những người có chiều sâu kiến thức về môi sinh, về nguồn nước và động thực vật. Còn chúng tôi, trong cuộc hành trình khám phá hồ Ba Bể cũng đã đi từ ngạc nhiên này đến những ngạc nhiên khác đầy thú vị với những câu hỏi biết là chỉ đặt ra chứ chẳng có câu trả lời như việc: “Ai đặt một Ao Tiên mát lành trên lưng chừng núi, cao hơn mặt nước hồ Ba Bể khoảng 10 m và chỉ cách mép nước hồ chỉ độ trăm bước chân”. Không dễ có câu trả lời, hay những nét đặc sắc trong cuộc sống, sinh hoạt, văn hóa của người dân bản địa sống xung quanh hồ... Thời gian cho cuộc hành trình khám phá, vốn không dài, do vậy cứ coi đó như là những điều bí ẩn, sự tò mò dành cho những chuyến hành trình khám phá Ba Bể về sau.

 

Đã nhiều lần theo thuyền, quen với hình ảnh thả lưới trên vùng lòng hồ sông Đà yên ả khi chiều buông, quen với nắng chiều óng ánh dát bạc trên sông nước. Nhưng thú thật, cho đến giờ, khi đã rời xa Ba Bể, chúng tôi vẫn cảm giác nao lòng khi thấy một dáng chèo với khăn vấn áo chàm trên con thuyền độc mộc lướt nhẹ về phía sương khói bảng lảng khi chiều buông. Cô gái ấy, có lẽ vừa trở về từ một miền huyền thoại gần nhưng lại xa. Ba Bể là vậy, cứ như thực rồi lại như mơ.

 

(còn nữa)

 

Bài 2: Pắc Pó - Nơi suối nguồn cách mạng

 

 

                                 Mạnh Hùng

 

Các tin khác

Một bể nước được xây dựng từ năm 2010 ở xóm Kim Bắc I không phát huy tác dụng và bị bỏ hoang trong những năm qua.
Những ngọn đồi trơ đá, sỏi do người dân đốt rừng làm nương ở Mường Tuổng.
Cơ sở hạ tầng xã Lạc Sỹ (Yên Thủy) được đầu tư đã cải thiện đáng kể cuộc sống của người dân. Ảnh: Trường THCS Lạc Sỹ mới được bàn giao và đưa vào sử dụng đáp ứng nhu cầu dạy và học của giáo viên, học sinh nhà trường.
Người dân xã Tự Do từng bước khôi phục và phát triển nghề dệt thổ cẩm góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa và tăng thu nhập ổn định đời sống.

Suối Nánh không xa

(HBĐT) - Nằm cách trung tâm huyện lỵ 72 km, Suối Nánh là xã lòng hồ của huyện vùng cao Đà Bắc. Khi công trình thủy điện Hòa Bình được xây dựng, nhiều nóc nhà cùng những “bờ xôi ruộng mật” của đồng bào Mường, Dao nơi đấy đã chìm sâu dưới hàng trăm mét nước và cuộc mưu sinh trên những “sườn dốc sống trâu” cũng bắt đầu từ đấy. Trở lại Suối Nánh trong những ngày đầu năm, dường như cuộc sống của người dân nơi đây đang dần đổi thay khi đường tỉnh lộ 433, khu chợ cụm Tuổng - Nghê - Nánh cùng trạm y tế, trường học đã được xây mới khang trang, chúng tôi có cảm giác Suối Nánh không còn xa.

Chuyện làm báo ở xứ Chùa Vàng

(HBĐT) - Tháng 9/2012, tôi có dịp được tham gia đoàn công tác của Hội Nhà báo Việt Nam sang thăm và làm việc tại Thái Lan - xứ sở Chùa Vàng. Đoàn gồm 10 thành viên là lãnh đạo Hội Nhà báo các địa phương và Văn phòng T.ư Hội Nhà báo do nhà báo Phạm Quốc Toàn, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam làm trưởng đoàn. Chương trình thăm và làm việc hướng tới kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao báo chí giữa Hội Nhà báo Việt Nam và Liên đoàn Báo chí Thái Lan (1993-2013).

Thiêng liêng cột cờ Lũng Cú

(HBĐT) - Vượt qua những cung đường “đệ nhất hùng quan” Yên Minh, Quản Bạ, Mèo Vạc gian nan trong mây mù, giá lạnh, từ thị trấn Đồng Văn, tạm biệt những địa danh hiểm trở và thơ mộng, đoàn nhà báo chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình lên cột cờ Lũng Cú của tỉnh Hà Giang, điểm xa nhất vùng cực bắc Tổ quốc. Trong ý thức mỗi người đều hồi hộp khi được tận mắt chứng kiến lá cờ tung bay trong trời đất vùng biên ải, biểu tượng của chủ quyền quốc gia.

Niềm vui nơi cực bắc xa xôi nhất tỉnh

(HBĐT) - Lần đầu tiên tôi đến Đồng Nghê (Đà Bắc) bằng mấy tiếng ngồi trên sông và đi bộ như thế. Nhưng Đồng Nghê đã làm tôi say bởi tài nguyên thiên nhiên của rừng nhất, nhì Đà Bắc; nghiến, táu mật, trai, dổi găng... ở vùng núi đá Đồng Nghê là loại cây đầu bảng. Lên khỏi mép nước xóm Mọc là gặp rừng. Đường mòn vào trung tâm xã xuyên qua giữa đại ngàn.

Âm vang trên công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á

(HBĐT) - Tôi được may mắn sinh ra và lớn lên nơi công trình thế kỷ trên dòng sông ánh sáng - Công trình thủy điện Hòa Bình. Nay, công trình thế kỷ thứ 2 trên dòng sông ánh sáng - sông Đà - Công trình thủy điện Sơn La -  Dự án thủy điện lớn nhất Đông Nam Á vừa khánh thành ngày 23/12/2012 đã để lại niềm tự hào không chỉ cho những người dân chung dòng nước sông Đà, thắp chung ánh sáng của công trình như chúng tôi mà đó là niềm tự hào, là thành quả chung của những bàn tay, khối óc tập thể, những con người Việt Nam tự tin, sáng tạo làm chủ được công nghệ hiện đại của thời kỳ CNH-HĐH đất nước và hội nhập quốc tế.

Nhà máy in tiền đầu tiên của Việt Nam tại đồn điền Chi Nê

(HBĐT) - Đồn điền Chi Nê được xây dựng từ thời Pháp thuộc, nay thuộc địa bàn xã Cố Nghĩa (Lạc Thủy). Đồn điền được Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Tài chính chọn là một trong những cơ sở đầu tiên đặt Nhà máy in tiền của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nơi đây đã lưu giữ những dấu ấn lịch sử đầu tiên trong những năm tháng đầy khó khăn của chính quyền cách mạng nói chung và của Bộ Tài chính nói riêng. Khu di tích này được Bộ VH-TT&DL xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 2007.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục