Người dân xã Tự Do từng bước khôi phục và phát triển nghề dệt thổ cẩm góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa và tăng thu nhập ổn định đời sống.

Người dân xã Tự Do từng bước khôi phục và phát triển nghề dệt thổ cẩm góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa và tăng thu nhập ổn định đời sống.

(HBĐT) - Sau Tết Quý Tỵ, chúng tôi có dịp trở lại Tự Do. Đường lên trung tâm cụm xã của 3 xã vùng cao huyện Lạc Sơn gồm Ngọc Sơn, Ngọc Lâu, Tự Do, tuy còn nhiều đoạn cua gấp nhưng đi lại khá thuận tiện vì mặt đường đã được thảm nhựa và cứng hóa bằng bê tông khá phẳng phiu. Từ Ngọc Lâu xuống Tự Do, mặc dù chưa đầy 10 km nhưng với bất cứ ai phải vượt qua chặng đường này cũng là một thử thách lớn, nhất là vào những ngày trời mưa, khiến mặt đường luôn trong tình trạng lầy lội, trơn trượt.

 

Đúng vào ngày trời mưa lâm thâm nên phải mất gần một tiếng, xe chúng tôi cũng “bò” được đến xóm Kháy, trung tâm xã. Trên đường đi, chúng tôi gặp những thầy, cô giáo, ai nấy đều lấm lem bùn đất. Thật đáng trân trọng vì yêu nghề, mến trẻ để “đưa cái chữ về bản” và đường xa, đường xấu, họ chỉ được xum họp với người thân vào 2 ngày nghỉ cuối tuần. Những ngày thường đành “góp gạo thổi cơm chung” tại nhà công vụ. Dù sao, bước khởi đầu tuy gian nan nhưng là dịp để chúng tôi được chia sẻ với người dân ở vùng đất còn nhiều khó khăn này. 

   

Xã Tự Do có 562 hộ, trên 2.400 nhân khẩu với 98,2% là người dân tộc Mường. Qua các xóm Mòn, Kháy, Khướng, Sát Thượng, Tren, Trên, Mu, Chơ, Rỳ... ngắm nhìn những nếp nhà sàn, gặp gỡ chuyện trò với các mẹ, các chị, chúng tôi cảm nhận người dân Tự Do gần như vẫn giữ trong mình nguyên vẹn những phong tục, nếp sống, bản sắc của đồng bào dân tộc Mường trên vùng đất Mường Vang. Đó là sự chân tình, mộc mạc, bộc trực, thẳng thắn và vô cùng hiếu khách.  Chắc hẳn, những nét đẹp văn hóa truyền thống với những lời ca, điệu múa trong âm thanh rộn ràng, trầm hùng của dàn chiêng cổ. Nếp sinh hoạt với “cơm đồ, nhà gác, nước vác, lợn thui” cùng những hình ảnh rất đặc trưng “trâu đeo mõ, chó trèo thang” và cảnh quan thiên nhiên còn được giữ gìn tại Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn - Ngổ Luông, Pù Luông đã tạo Tự Do thành điểm đến hấp dẫn du khách trong nước và nước ngoài. Chả thế mà năm 2012, Tự Do đứng đầu các xã của huyện Lạc Sơn về phát triển du lịch, xã đã đón tiếp 71 đoàn với 564 lượt khách. Trong đó có 386 khách nước ngoài với doanh thu đạt 400 triệu đồng.

      

Cùng với bước khởi sắc về du lịch văn hóa và sinh thái, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước từ các Chương trình 135, 167, Dự án giảm nghèo... KT-XH, cơ sở hạ tầng của Tự Do cũng có tiến triển tích cực. Trong 3 năm (2010-2012) có 104 hộ được hỗ trợ trên 873 triệu đồng làm nhà ở. Hàng chục hộ ở các xóm Trên, Mòn, Khướng, Sát Thượng được hỗ trợ trên 124 triệu đồng để khôi phục và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Người dân các xóm Tren, Chơ, Sát, Rỳ được hỗ trợ gần 125 triệu đồng để phát triển nuôi bò, lợn. Nhiều công trình điện, đường, trường, trạm, thủy lợi, nước sinh hoạt được đầu tư xây dựng. Ngoài ra còn được hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi trong vay vốn đầu tư sản xuất... Người dân Tự Do cũng biết phát huy tiềm năng, lợi thế trong phát triển kinh tế. Hiện cả xã có tới 115 tổ ong, một số hộ đang đầu tư nuôi động vật hoang dã như don, nhím. Ngoài các cây trồng chính như lúa, ngô, sắn, mấy năm gần đây, diện tích các loại cây như lạc, đậu, khoai từng bước được mở rộng. Tuy nhiên, Tự Do vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là tình trạng xuống cấp của tuyến đường liên xã đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất, lưu thông. Đến nay, toàn xã mới có 68% hộ được sử dụng điện lưới quốc gia nên cũng tác động không nhỏ đến sản xuất và đời sống. Vì vậy, Tự Do là một trong những xã có số hộ nghèo cao nhất huyện Lạc Sơn với tỷ lệ tới 65%, thu nhập bình quân hiện mới chỉ đạt 8,6 triệu đồng/người/năm.

      

Một ngày ở Tự Do, tiếp xúc với cấp ủy, chính quyền và người dân ở các thôn, bản đã để lại cho chúng tôi ấn tượng sâu sắc về sự mộc mạc, chân tình, của cán bộ, dân cư xã ở đặc biệt khó khăn này. Qua báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH, AN-QP năm 2012 của UBND xã và cách giải thích của cán bộ và dân cư trên địa bàn về những vấn đề mà chúng tôi quan tâm càng thể hiện rõ cấp ủy, chính quyền và người dân Tự Do rất thẳng thắn trong phê bình, tự phê bình, không ngại ngần trong việc góp ý, đánh giá những tồn tại, vướng mắc đối với cán bộ, đảng viên và những vấn đề liên quan đến sản xuất, đời sống. Không vì thành tích mà bao che, giấu giếm những khuyết điểm, hạn chế, yếu kém, một điều không phải ở đâu cũng có được. 

      

Đơn cử một vài ví dụ. Khi biết diện tích tự nhiên của xã trên 5.056 ha, nhưng đất canh tác chỉ chiếm 5,2%, còn lại 91,8% là đất lâm nghiệp và đất phi nông nghiệp, chúng tôi hỏi công tác quản lý, bảo vệ rừng của xã có khó khăn lắm không? nhận được câu trả lời khá bất ngờ: “Việc quản lý, bảo vệ rừng của xã chưa chặt chẽ, tệ khai thác, vận chuyển gỗ lậu xảy ra triền miên. Nguyên nhân do quản lý không đồng bộ, ý thức chấp hành của người dân yếu”. Nhiều năm qua, năng suất lúa, ngô của xã khá thấp, chỉ đạt bình quân 35 - 37 tạ/ha, nguyên nhân vì sao? Câu trả lời về vấn đề này cũng hết sức thẳng thắn: “Vì người dân sử dụng giống không đồng bộ, ít dùng loại giống có năng suất cao, chủ yếu là giống thuần, trình độ thâm canh còn hạn chế. Hơn nữa giá giống cao, cung ứng lại chậm”. Khi nói về hoạt động của trạm y tế xã  là một nhận xét rất trung thực: “Vẫn còn tình trạng một bộ phận cán bộ trạm y tế thường xuyên say rượu trong giờ làm việc, không giữ được phong cách của người thầy thuốc. Vẫn xảy ra tình trạng thiếu thuốc để phục vụ bệnh nhân, nhất là thuốc BHYT. Nguyên nhân do hệ thống quản lý và đoàn kết nội bộ yếu, không có sự phối hợp trong công việc nên đã làm giảm uy tín trong nhân dân”. Về việc trong năm 2012 trên địa bàn xã còn 5 trường hợp sinh con thứ 3 trở lên được giải thích rất rõ ràng: “Đó là do cán bộ chưa chú ý đến công tác tuyên truyền. Một số bộ phận nhân dân còn mang ý thức trọng nam, khinh nữ”. Đến cuối năm 2012, số hộ nghèo của xã còn chiếm tỷ lệ cao, nguyên nhân được xác định “Do một số bộ phận hộ dân không muốn thoát nghèo, chủ yếu là trông chờ để được hưởng lợi từ sự đầu tư theo chế độ cho hộ nghèo của Nhà nước”...

 

       

Cơ sở vật chất các ngành học, bậc học được quan tâm đầu tư tạo điều kiện cho 100% trẻ trong độ tuổi ở Tự Do được đến trường.

       

Dù cuộc sống còn nghèo khó nhưng nhịp sống của người dân Tự Do đã có bước khởi sắc. Thực hiện CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở KDC”, năm 2012 có 50,3% hộ và các xóm Mòn, Kháy, Khướng, Sát Thượng được công nhận là gia đình văn hóa và làng văn hóa. Nhiều năm qua, xã giữ vững là địa bàn trong sạch, không có ma túy, mại dâm. 100% trẻ trong độ tuổi được đến trường, đến lớp. Đặc biệt, với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, phát huy những thành quả đã đạt được, có giải pháp cụ thể, hữu hiệu để khắc phục những tồn tại, hạn chế, yếu kém..., những quyết sách của Cấp ủy, chính quyền là cơ sở vững chắc để người dân Tự Do càng thêm vững tin để chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

 

  

                                                                            Đức Phượng

 

 

 

Các tin khác

Cửa Nánh nhìn từ tuyến tỉnh lộ 433.
Nhà báo Phạm Quốc Toàn, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam trao quà lưu niệm cho Bộ trưởng Phủự Thủ tướng Thái Lan.
Dưới lá cờ thân yêu của Tổ quốc.
Lãnh đạo Ban Dân tộc chia vui cùng bà con xóm Đăm, xã Đồng Nghê (Đà Bắc) trong ngày khánh thành đường mới. Ảnh LC.

Âm vang trên công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á

(HBĐT) - Tôi được may mắn sinh ra và lớn lên nơi công trình thế kỷ trên dòng sông ánh sáng - Công trình thủy điện Hòa Bình. Nay, công trình thế kỷ thứ 2 trên dòng sông ánh sáng - sông Đà - Công trình thủy điện Sơn La -  Dự án thủy điện lớn nhất Đông Nam Á vừa khánh thành ngày 23/12/2012 đã để lại niềm tự hào không chỉ cho những người dân chung dòng nước sông Đà, thắp chung ánh sáng của công trình như chúng tôi mà đó là niềm tự hào, là thành quả chung của những bàn tay, khối óc tập thể, những con người Việt Nam tự tin, sáng tạo làm chủ được công nghệ hiện đại của thời kỳ CNH-HĐH đất nước và hội nhập quốc tế.

Nhà máy in tiền đầu tiên của Việt Nam tại đồn điền Chi Nê

(HBĐT) - Đồn điền Chi Nê được xây dựng từ thời Pháp thuộc, nay thuộc địa bàn xã Cố Nghĩa (Lạc Thủy). Đồn điền được Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Tài chính chọn là một trong những cơ sở đầu tiên đặt Nhà máy in tiền của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nơi đây đã lưu giữ những dấu ấn lịch sử đầu tiên trong những năm tháng đầy khó khăn của chính quyền cách mạng nói chung và của Bộ Tài chính nói riêng. Khu di tích này được Bộ VH-TT&DL xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 2007.

Nhớ mãi ngày xây bia chủ quyền trên đảo Đá Tây - Trường Sa

(HBĐT) - Đã 18 năm trôi qua, những ngày đầy gian nan, vất vả nhưng cũng thật vinh dự, tự hào khi được cùng đồng nghiệp tham gia xây dựng bia chủ quyền trên đảo Đá Tây - quần đảo Trường Sa vẫn in đậm ký ức của Đặng Văn Hậu, chàng trai sinh ra và lớn lên trên vùng đất Xuân La, Thanh Sơn, Kiến Thụy (Hải Phòng) và hiện là Giám đốc Công ty cổ phần Hapaco Đông Bắc (Vạn Mai - Mai Châu).

Trở lại Hang Kia

(HBĐT) - Đúng vào những ngày đồng bào Mông hồ hởi đón Tết cổ truyền, chúng tôi có dịp trở lại Hang Kia (Mai Châu). Trên đường đi, ngay chặng đường đầu tiên vượt qua dốc Cun, dốc Má, dốc Quy Hậu sương mù đã dày đặc. Lên đến đèo Thung Khe thì sương mù gần như “đặc quánh” khiến xe chúng tôi phải “Dò dẫm” mất gần 1 tiếng đồng hồ mới qua được đoạn đường hơn 30 km.

Chuyện về những người được “thử lửa” trong bom đạn chiến tranh

(HBĐT) - Một người vừa tròn 40 năm tuổi Đảng, còn một người cũng ngấp nghé với 38 năm có lẻ. Ở họ đều có một điểm chung đó là cùng được kết nạp, đứng vào hàng ngũ của Đảng khi trên đầu bom vẫn rơi, đạn vẫn réo trong sự khốc liệt của chiến tranh...

Bò Liêm - bản vắng đàn ông

(HBĐT) - Những gia đình có đàn ông trong nhà chỉ đếm trên đầu ngón tay. Có năm, bản có đến 7 người đang tuổi ăn, tuổi làm phải về với “mường trời” vì nghiện ma túy, mắc HIV/AIDS. Số còn lại phải đi thụ án cũng có liên quan đến ma tuý. Bản gần như chỉ còn lại phụ nữ, trẻ em. Mọi công to, việc lớn đều dồn lên vai các bà, các chị. Đó là tình trạng đáng lo ngại ở bản Bò Liêm, xã Tân Sơn (Mai Châu) khi cơn bão ma túy ập đến. Tết này, nhiều gia đình không được xum họp...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục