Đoàn công tác thăm quan tại đền thờ Bác Hồ tại khu di tích Pắc Bó.

Đoàn công tác thăm quan tại đền thờ Bác Hồ tại khu di tích Pắc Bó.

(HBĐT) - Trong ngôn ngữ của đồng bào dân tộc Tày vùng đất Cao Bằng, hai từ “Pắc Bó” được hiểu là cội núi, nguồn sông. Nơi đây được ví như nơi đầu nguồn của những con suối mát lành nuôi dưỡng đất mẹ. Cũng ở chính nơi ngọn nguồn dòng nước mát lành, nơi rừng núi hoang vu rộn ràng tiếng chim, sau bao năm bôn ba xứ người, tháng 2/1941, khi về nước, Bác Hồ đã chọn Pắc Bó để khơi mở một dòng suối cách mạng...

 

Hơi ấm của Người vẫn còn ở nơi cội núi, nguồn sông

Rời hồ Ba Bể với những đêm huyền thoại, cuộc hành trình của chúng tôi tiếp tục theo tuyến QL3, qua Phủ Thông, Nà Phặc rồi vượt đèo Mây, đèo Gió trùng điệp núi rừng để về vùng đất Cao Bằng. Con đường từ Bắc Kạn đến Cao Bằng nay đã cơ bản được sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, không còn khó đi như trước nữa. Cung đường này, tính ra cũng chỉ hơn 100 km nhưng phải mất đến hơn 3 tiếng xe chạy mới đến điểm đích là thành phố Cao Bằng. Lịch trình đã được vạch sẵn, sau bữa cơm trưa với những đồng nghiệp ở Báo Cao Bằng, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình về Pắc Bó. Về nơi mà bao năm qua người dân Cao Bằng nói riêng và người dân Việt Nam nói chung đều coi là cội núi, nguồn sông. Cách thành phố Cao Bằng khoảng hơn 40 km, đường về Pắc Bó là con đường nhựa chạy đều, chẳng còn mấy dốc núi, chẳng còn mấy quanh co. Hai bên đường lùi dần sau xe chạy là một bức tranh quê nơi địa đầu Tổ quốc xanh một màu trù phú của ngô, cây thuốc lá. Xen lẫn với đó màu xám mái ngói rêu phong của những ngôi nhà nhỏ thoáng vụt qua cửa xe. Trên suốt chặng đường dài, cô bạn đồng nghiệp Phương Oanh - phóng viên Báo Cao Bằng được cử đi như người dẫn lối cứ luôn chuyện, không ngơi nghỉ giới thiệu với những người bạn ở xa về thứ sản vật vùng đất quê mình như thuốc lá Hòa An, bánh khảo, khẩu sli Hà Quảng cùng với những điểm nhấn là khu di tích Kim Đồng và Pắc Bó. ấy vậy lại hay cho những người vừa vượt qua một chặng đường xa mỏi mệt. Cũng nhờ có vậy mà quãng đường hơn 40 km từ thành phố Cao Bằng về Pắc Bó như gần lại.  

Điểm mở đầu của khu di tích Pắc Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng hiện giờ là ngôi đền thờ Bác Hồ uy nghi như tô sắc màu cho sơn thủy thêm hữu tình. Không cầu kỳ, không tráng lệ mà thật mộc mạc, ngôi đền được xây dựng trên đỉnh một quả đồi hợp với thế phong thủy tựa sơn, ngoạn thủy. ở đó nói như cô hướng dẫn viên người bản địa Dương Thị Loan, ngoài bức tượng Bác được tạc bằng đồng uy nghi với dòng chữ sơn son thiếp vàng Hồng Nhật Cao Minh, trên 4 bức tường của đền thờ đã tái hiện lại toàn bộ cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác từ khi Người trở về nước ngày 8/2/1941 sau bao năm bôn ba tìm đường cứu nước nơi xứ người bằng những bức phù điêu khắc họa trên đá thật giản dị, thật mộc mạc. Đó là điểm dừng chân đầu tiên trên con đường đi đến tận ngọn nguồn dòng nước mát lành. Quần thể khu di tích Pắc Bó cách khu đền thờ Bác chẳng bao xa. Nói với chúng tôi bằng chất giọng ngọt ngào, trong trẻo cô hướng dẫn viên Nông Thị Liễu chia sẻ: Các anh, các chú cứ đi rồi sẽ thấy, dù cho thời gian đã trôi qua rất lâu nhưng khi đến đây ta vẫn có cảm giác từng thân cây, ngọn cỏ, khe đá nơi Bác ngồi câu cá; chiếc giường chông chênh trong hang Cốc Bó hay trên bộ bàn ghế đá... vẫn như còn tạc lại dáng hình, lưu lại hơi ấm của Người. Nó luôn gợi nhớ về một ông Ké giản dị luôn trăn trở với con đường giải phóng dân tộc khỏi ách lầm than, nô lệ.  

Pắc Bó - Nơi suối nguồn cách mạng  

Pắc Bó không chỉ là nơi đầu nguồn của dòng suối Giàng và cội rễ của dãy núi Đào mà sau này đã được Bác đề nghị đổi tên thành suối Lê - nin và núi Các Mác để tưởng nhớ những bậc tiền nhân đã tìm ra con đường chủ nghĩa xã hội khoa học để đưa loài người bước sang một trang mới của lịch sử. Mà Pắc Bó còn được ví như là nơi suối nguồn cách mạng. Cột mốc 108, biên giới Việt - Trung là nơi mà ngày 8/2/1941, sau hơn 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, Bác đã trở về Tổ quốc, trở về đất mẹ với hành trang là nỗi đau đáu về con đường cứu nước, cứu giống nòi thoát khỏi kiếp lầm than, đọa đầy. Cũng bắt đầu từ mùa xuân ấy, Người đã mang về cho dân tộc ta những mùa xuân bất diệt là độc lập, tự do, bình đẳng, tiến bộ. Có thể nói, từ Pắc Bó, Người đã vạch ra đường lối, sách lược để lãnh đạo, chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, từ thành công này đến thành công khác. Đến cái đích cuối cùng là độc lập dân tộc, là ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Có đến thăm hang Pắc Bó - nơi Bác đã từng sống và làm việc lại càng thấy kính trọng, khâm phục nhân cách lớn của Người. Trong hang đá tối tăm lạnh lẽo, nơi ở của Bác thật đơn sơ, giản dị. Cuộc sống thường ngày cũng thật giản dị với lá ổi được đun thành nước uống thay chè; nơi làm việc là bàn đá mộc mạc, thô ráp tự nhiên để dịch cuốn lịch sử cách mạng Liên Xô làm tài liệu huấn luyện cán bộ cách mạng. Khó khăn là vậy, gian khổ là vậy nhưng Người vẫn luôn lạc quan, ung dung tự tại. Sáng ra bờ suối, tối vào hang/Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng/Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng/Cuộc đời cách mạng thật là sang. Đó là phong thái của Người, của một nhà cách mạng vĩ đại, của một nhân cách lớn suốt đời chỉ đau đáu nỗi lo cho dân, cho nước. Điều giản dị ấy, người Việt Nam nào cũng hiểu. Nhân cách ấy cũng đã làm cho bè bạn khắp năm châu cùng thán phục ý chí, cốt cách của Người. Dẫu thế, vẫn luôn luôn có những ngạc nhiên và lạ lẫm đến từ một nền văn hóa khác. Chẳng vậy mà trong khi thăm quan hang Cốc Bó, bên cạnh chiếc giường Bác ngủ, cô Nông Thị Liễu đã kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện có thật xảy ra năm 1997 khi Khu di tích tiếp một vị khách đặc biệt, đó là một hậu duệ của cố tổng thống Mỹ J.F.Kenedy đến thăm. Sau khi đã thăm quan xong khu di tích, vị khách đặc biệt này đã luôn thắc mắc và không tin rằng trong cái hang lạnh lẽo, tối tăm này là nơi Bác Hồ đã từng sống và hoạt động cách mạng. Để chứng thực, vị khách này đã tìm gặp BQL khu di tích đề nghị cho ngủ lại một đêm trong hang Cốc Bó, trên chính chiếc giường chông chênh được ghép bằng những tấm gỗ mỏng mà Bác đã từng nằm ngủ để thử cảm giác được ngủ trong hang như Bác. Trước yêu cầu đó, BQL khu di tích đã thực sự bối rối bởi đây là một việc chưa có tiền lệ, ngoài ra khi xem xét lại, đây là khu vực thuộc vành đai biên giới nên có yếu tố chính trị vô cùng nhạy cảm. Vì không muốn có những điều không hay xảy ra với người nước ngoài, do vậy, BQL khu di tích đã không chấp thuận yêu cầu trên nhưng BQL khu di tích đã mời vị khách đặc biệt này về ngủ ở khu trưng bày. Cho dù đã bố trí chu đáo nơi nghỉ trong khu trưng bày nhưng vị khách trên đã nhất định không chịu và chỉ ngủ một đêm trong trời mưa rét buốt giữa mùa đông ở ngoài hành lang khu trưng bày. Kết thúc chuyến thăm quan, mang theo trăn trở về hang Cốc Bó trở lại nước Mỹ, vị khách này đã viết một bài đăng trên báo Washington post gây được nhiều sự chú ý bởi những nhận xét về đất nước, con người Việt Nam. Đặc biệt là những trăn trở về hang Cốc Bó - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng ở và hoạt động cách mạng. Trong bài báo có đoạn: Tôi nghĩ mãi mà không hiểu tại sao mà trong một cái hang nhỏ hẹp và ẩm thấp mà ông Hồ Chí Minh lại có thể ở đó được, vạch ra một kế hoạch lâu dài giành lại đất nước mà không ai hay biết.  

Bằng chất giọng trong trẻo, cô hướng dẫn viên Nông Thị Liễu đã khẳng định: Có lẽ câu hỏi này không chỉ dành riêng cho vị khách đặc biệt đó mà nó còn dành cho cả những vị khách nước ngoài. Khi đến thăm quan nơi đây, hầu như ai cũng ngạc nhiên trước điều đó. Nhưng có một điều dám khẳng định với hàng triệu vị khách đã từng đến vào thăm hang Cốc Bó là chính trong cái hang này và trên chiếc giường này là nơi Bác Hồ đã từng ở, từng nằm và hoạt động cách mạng trong thời kỳ mới về nước năm 1941. Tại đây, Người đã nhen nhóm ngọn lửa cách mạng đầu tiên trong cả nước.  

(Còn nữa)  

Bài 3: Chuyện ghi ở nơi biên cương đất mẹ

  

                                                                   Mạnh Hùng

 

 

Các tin khác

Hồ Ba Bể yên ả khi chiều buông.
Một bể nước được xây dựng từ năm 2010 ở xóm Kim Bắc I không phát huy tác dụng và bị bỏ hoang trong những năm qua.
Những ngọn đồi trơ đá, sỏi do người dân đốt rừng làm nương ở Mường Tuổng.
Cơ sở hạ tầng xã Lạc Sỹ (Yên Thủy) được đầu tư đã cải thiện đáng kể cuộc sống của người dân. Ảnh: Trường THCS Lạc Sỹ mới được bàn giao và đưa vào sử dụng đáp ứng nhu cầu dạy và học của giáo viên, học sinh nhà trường.

Một ngày ở Tự Do

(HBĐT) - Sau Tết Quý Tỵ, chúng tôi có dịp trở lại Tự Do. Đường lên trung tâm cụm xã của 3 xã vùng cao huyện Lạc Sơn gồm Ngọc Sơn, Ngọc Lâu, Tự Do, tuy còn nhiều đoạn cua gấp nhưng đi lại khá thuận tiện vì mặt đường đã được thảm nhựa và cứng hóa bằng bê tông khá phẳng phiu. Từ Ngọc Lâu xuống Tự Do, mặc dù chưa đầy 10 km nhưng với bất cứ ai phải vượt qua chặng đường này cũng là một thử thách lớn, nhất là vào những ngày trời mưa, khiến mặt đường luôn trong tình trạng lầy lội, trơn trượt.

Suối Nánh không xa

(HBĐT) - Nằm cách trung tâm huyện lỵ 72 km, Suối Nánh là xã lòng hồ của huyện vùng cao Đà Bắc. Khi công trình thủy điện Hòa Bình được xây dựng, nhiều nóc nhà cùng những “bờ xôi ruộng mật” của đồng bào Mường, Dao nơi đấy đã chìm sâu dưới hàng trăm mét nước và cuộc mưu sinh trên những “sườn dốc sống trâu” cũng bắt đầu từ đấy. Trở lại Suối Nánh trong những ngày đầu năm, dường như cuộc sống của người dân nơi đây đang dần đổi thay khi đường tỉnh lộ 433, khu chợ cụm Tuổng - Nghê - Nánh cùng trạm y tế, trường học đã được xây mới khang trang, chúng tôi có cảm giác Suối Nánh không còn xa.

Chuyện làm báo ở xứ Chùa Vàng

(HBĐT) - Tháng 9/2012, tôi có dịp được tham gia đoàn công tác của Hội Nhà báo Việt Nam sang thăm và làm việc tại Thái Lan - xứ sở Chùa Vàng. Đoàn gồm 10 thành viên là lãnh đạo Hội Nhà báo các địa phương và Văn phòng T.ư Hội Nhà báo do nhà báo Phạm Quốc Toàn, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam làm trưởng đoàn. Chương trình thăm và làm việc hướng tới kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao báo chí giữa Hội Nhà báo Việt Nam và Liên đoàn Báo chí Thái Lan (1993-2013).

Thiêng liêng cột cờ Lũng Cú

(HBĐT) - Vượt qua những cung đường “đệ nhất hùng quan” Yên Minh, Quản Bạ, Mèo Vạc gian nan trong mây mù, giá lạnh, từ thị trấn Đồng Văn, tạm biệt những địa danh hiểm trở và thơ mộng, đoàn nhà báo chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình lên cột cờ Lũng Cú của tỉnh Hà Giang, điểm xa nhất vùng cực bắc Tổ quốc. Trong ý thức mỗi người đều hồi hộp khi được tận mắt chứng kiến lá cờ tung bay trong trời đất vùng biên ải, biểu tượng của chủ quyền quốc gia.

Niềm vui nơi cực bắc xa xôi nhất tỉnh

(HBĐT) - Lần đầu tiên tôi đến Đồng Nghê (Đà Bắc) bằng mấy tiếng ngồi trên sông và đi bộ như thế. Nhưng Đồng Nghê đã làm tôi say bởi tài nguyên thiên nhiên của rừng nhất, nhì Đà Bắc; nghiến, táu mật, trai, dổi găng... ở vùng núi đá Đồng Nghê là loại cây đầu bảng. Lên khỏi mép nước xóm Mọc là gặp rừng. Đường mòn vào trung tâm xã xuyên qua giữa đại ngàn.

Âm vang trên công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á

(HBĐT) - Tôi được may mắn sinh ra và lớn lên nơi công trình thế kỷ trên dòng sông ánh sáng - Công trình thủy điện Hòa Bình. Nay, công trình thế kỷ thứ 2 trên dòng sông ánh sáng - sông Đà - Công trình thủy điện Sơn La -  Dự án thủy điện lớn nhất Đông Nam Á vừa khánh thành ngày 23/12/2012 đã để lại niềm tự hào không chỉ cho những người dân chung dòng nước sông Đà, thắp chung ánh sáng của công trình như chúng tôi mà đó là niềm tự hào, là thành quả chung của những bàn tay, khối óc tập thể, những con người Việt Nam tự tin, sáng tạo làm chủ được công nghệ hiện đại của thời kỳ CNH-HĐH đất nước và hội nhập quốc tế.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục