Những ngọn đồi trơ đá, sỏi do người dân đốt rừng làm nương ở Mường Tuổng.
(HBĐT) - Vượt gần 80 km đường đèo dốc quanh co, chúng tôi đến được Mường Tuổng, xã cao, xa nhất của huyện Đà Bắc đã hơn 12 giờ trưa. Trong cái nắng hanh vàng, đập vào mắt chỉ là những sườn đồi trơ sỏi đá, thảng hoặc một vài “đốm đỏ” của những cây gạo mùa trổ bông nổi bật giữa một màu nâu đất ngút ngàn. Lý giải cho cảnh tượng ấy, đồng chí Bí thư Đảng uỷ xã Đinh Công Cứu thở dài: “thiếu nước nên cả năm chỉ trông vào nương rẫy để làm ngô thôi”.
Nhắc đến cái tên Mường Tuổng, tôi đã biết đó là một địa bàn xa xôi nhưng trong tưởng tượng của tôi, xã vùng lòng hồ ấy ít nhiều thuận lợi vì vừa có rừng, vừa ngay cạnh mép hồ, tuyến đường 433 đã thông suốt, khu chợ cụm Tuổng - Nghê --Nánh đã được hình thành, cơ sở vật chất cũng đã được đầu tư xây mới khang trang. Tuy nhiên, có đi rồi mới biết điều kiện trên rừng, dưới nước ấy chưa hẳn đã là lợi thế của vùng đất khắc nghiệt này. Mường Tuổng có 5 xóm, gần 300 hộ nhưng từ trên tuyến tỉnh lộ 433 nhìn xuống, có cảm giác cả xã chỉ như một bản làng sống quần tụ bên mép hồ, hỏi đồng chí Bí thư Đảng uỷ xã mới biết vì chỉ ở doi đất ngay cạnh bờ hồ này mới có nước nên cả xã sống tập trung ở đây mặc dù nơi sản xuất gieo trồng tít tận trên những thung cao. Nguồn nước không chỉ quyết định cuộc sống của người dân Mường Tuổng mà còn ảnh hướng lớn đến sản xuất nông nghiệp. Bí thư Đảng uỷ xã Đinh Công Cứu chia sẻ: diện tích đất nông nghiệp ở Mường Tuổng có hơn 1.000 ha nhưng đất trồng lúa thì chỉ năm 1 vụ có 4 ha. Hết làm ruộng, người dân chỉ biết làm nương làm rẫy. Ngô lai là cây trồng chủ lực của xã, trung bình một năm, diện tích ngô lai của xã hơn 500 ha nhưng năng suất cây ngô không cao do thiếu nước tưới, mặt khác vào vụ thu hoạch ngô trồng trên những sườn dốc chỉ cần một cơn bão là đổ, nguy cơ mất trắng. Đến vụ thu hoạch, đường đi lại khó khăn, thương lái lên mua ngô vì thế mà ép giá người dân nên đồng tiền thu được cũng chẳng là bao. Có năm ngô rẻ, người dân đành chấp nhận đổi ngô lấy gạo để ăn dần.
Các chương trình dự án đã góp phần đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho xã, tuy nhiên, chưa mang lại hiệu quả về hỗ trở phát triển sản xuất.
Là một xã vùng hồ được hưởng chính sách định cư vùng lòng hồ sông Đà, sau này, xã cũng nằm trong Chương trình 135 với nhiều dự án đầu tư hỗ trợ kinh tế. Tuy nhiên, các dự án vào xã cũng chủ yếu “thành công” ở hợp phần hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho xã còn lại các hợp phần về hỗ trợ người dân phát triển sản xuất nhìn chung chưa đem lại hiệu quả. Trao đổi về vấn đề này, ông Bùi Thanh Châm, Chủ tịch UBND xã Mường Tuổng cho biết: chúng tôi cũng đã đi nghiên cứu và đưa vào thử nghiệm nhiều loại cây trồng như keo lai nhưng do không phù hợp với điều kiện khí hậu nên không duy trì được. Trong năm 2012, dự án giảm nghèo huyện Đà Bắc đưa vào trồng thử nghiệm giống cây thanh hao nhưng do năng suất thấp, giá thu mua không đạt, người dân cũng không muốn tham gia tiếp. Ngoài ra, chương trình cũng đưa về mô hình nuôi cá lồng, nuôi lợn lòi nhưng chưa mang lại hiệu quả do giá thành con giống cao.
Rời Mường Tuổng trong trăn trở về cái đói, cái nghèo, thiết nghĩ phải chăng Mường Tuổng đang rơi vào "cái bẫy" của chính mình: theo một vòng luẩn quẩn, một năm người dân chỉ nhìn vào một vụ ngô, càng ngày diện tích ngô càng mở rộng, theo đó, diện tích rừng thu hẹp. Không có rừng, đất càng trở nên khô cằn, mùa khô càng khắc nghiệt hơn, nước tưới cho gieo trồng càng trở nên khó khăn, cái đói, cái nghèo càng đeo bám. Đã đến lúc Mường Tuổng phái tính đến việc phát triển bền vững hơn, việc này không hề đơn giản mà hoàn toàn có thể thực hiện được với những chương trình như: trồng rừng, giảm nghèo… hiện vẫn đang được triển khai, mang lại hiệu quả tại nhiều xã vùng lòng hồ như Mường Tuổng. Nói như những cán bộ dự án giảm nghèo huyện Đà Bắc: nếu như rừng không xanh tốt trở lại, một năm dù chỉ trông mong vào một vụ ngô đi chăng nữa cũng còn là một bài toán khó đối với người dân nơi đây.
Phương Linh
(HBĐT) - Vượt qua những cung đường “đệ nhất hùng quan” Yên Minh, Quản Bạ, Mèo Vạc gian nan trong mây mù, giá lạnh, từ thị trấn Đồng Văn, tạm biệt những địa danh hiểm trở và thơ mộng, đoàn nhà báo chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình lên cột cờ Lũng Cú của tỉnh Hà Giang, điểm xa nhất vùng cực bắc Tổ quốc. Trong ý thức mỗi người đều hồi hộp khi được tận mắt chứng kiến lá cờ tung bay trong trời đất vùng biên ải, biểu tượng của chủ quyền quốc gia.
(HBĐT) - Lần đầu tiên tôi đến Đồng Nghê (Đà Bắc) bằng mấy tiếng ngồi trên sông và đi bộ như thế. Nhưng Đồng Nghê đã làm tôi say bởi tài nguyên thiên nhiên của rừng nhất, nhì Đà Bắc; nghiến, táu mật, trai, dổi găng... ở vùng núi đá Đồng Nghê là loại cây đầu bảng. Lên khỏi mép nước xóm Mọc là gặp rừng. Đường mòn vào trung tâm xã xuyên qua giữa đại ngàn.
(HBĐT) - Tôi được may mắn sinh ra và lớn lên nơi công trình thế kỷ trên dòng sông ánh sáng - Công trình thủy điện Hòa Bình. Nay, công trình thế kỷ thứ 2 trên dòng sông ánh sáng - sông Đà - Công trình thủy điện Sơn La - Dự án thủy điện lớn nhất Đông Nam Á vừa khánh thành ngày 23/12/2012 đã để lại niềm tự hào không chỉ cho những người dân chung dòng nước sông Đà, thắp chung ánh sáng của công trình như chúng tôi mà đó là niềm tự hào, là thành quả chung của những bàn tay, khối óc tập thể, những con người Việt Nam tự tin, sáng tạo làm chủ được công nghệ hiện đại của thời kỳ CNH-HĐH đất nước và hội nhập quốc tế.
(HBĐT) - Đồn điền Chi Nê được xây dựng từ thời Pháp thuộc, nay thuộc địa bàn xã Cố Nghĩa (Lạc Thủy). Đồn điền được Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Tài chính chọn là một trong những cơ sở đầu tiên đặt Nhà máy in tiền của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nơi đây đã lưu giữ những dấu ấn lịch sử đầu tiên trong những năm tháng đầy khó khăn của chính quyền cách mạng nói chung và của Bộ Tài chính nói riêng. Khu di tích này được Bộ VH-TT&DL xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 2007.
(HBĐT) - Đã 18 năm trôi qua, những ngày đầy gian nan, vất vả nhưng cũng thật vinh dự, tự hào khi được cùng đồng nghiệp tham gia xây dựng bia chủ quyền trên đảo Đá Tây - quần đảo Trường Sa vẫn in đậm ký ức của Đặng Văn Hậu, chàng trai sinh ra và lớn lên trên vùng đất Xuân La, Thanh Sơn, Kiến Thụy (Hải Phòng) và hiện là Giám đốc Công ty cổ phần Hapaco Đông Bắc (Vạn Mai - Mai Châu).
(HBĐT) - Đúng vào những ngày đồng bào Mông hồ hởi đón Tết cổ truyền, chúng tôi có dịp trở lại Hang Kia (Mai Châu). Trên đường đi, ngay chặng đường đầu tiên vượt qua dốc Cun, dốc Má, dốc Quy Hậu sương mù đã dày đặc. Lên đến đèo Thung Khe thì sương mù gần như “đặc quánh” khiến xe chúng tôi phải “Dò dẫm” mất gần 1 tiếng đồng hồ mới qua được đoạn đường hơn 30 km.