Thiếu tá Nông Văn Hòa, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Đàm Thủy giới thiệu với đoàn công tác các Báo về quá trình cắm cột mốc 836 theo Hiệp định phân giới cắm mốc tại thác Bản Giốc.
(HBĐT) - Ít nhiều cũng đôi ba lần chúng tôi có dịp được đến vùng biên với cảm giác hoang hoải buồn trên những cánh hoa sim tím biếc. Trong chuyến đi về Đồn biên phòng (BP) Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh (Cao Bằng), trong thâm tâm chúng tôi vẫn nghĩ và nhớ về những chiều biên giới mênh mông buồn. Nhưng thực tế lại không như những gì mà chúng tôi vẫn tưởng tượng trên suốt chặng đường gần 100 km từ thành phố Cao Bằng về Trùng Khánh...
Một chút tâm tình bên dòng Quây Sơn
Thực tình, chúng tôi chẳng hiểu Quây Sơn theo lý giải của đồng bào dân tộc Tày, Nùng ở Trùng Khánh có nghĩa là gì. Chúng tôi cũng chẳng có nhiều thời gian để tìm hiểu xem dòng Quây Sơn nó bắt nguồn từ đâu và chảy đi đâu. Nhưng chúng tôi lại thích dòng sông chảy dọc theo vùng biên giới Việt - Trung thuộc đất Trùng Khánh này bởi, vượt qua những ghềnh đá, dòng Quây Sơn đã tạo cho mình kỳ quan đặc trưng, trở thành biểu tượng của tỉnh Cao Bằng đó là thác Bản Giốc. ở đây, chúng tôi xin mạn phép không nói nhiều đến vẻ đẹp, sự hùng vĩ của con thác nơi biên cương địa đầu tổ quốc này. Vì có nói, có tả cũng chẳng thể nói hết được vẻ đẹp đầy mê hoặc của dòng thác, chúng tôi chỉ muốn ghi lại những câu chuyện của người lính BP nơi đây và về cột mốc ở 2 bên bờ dòng nước Quây Sơn đang thực hiện cái sứ mệnh là biên giới (BG) tự nhiên giữa 2 nước Việt Nam - Trung Quốc.
Đến thác Bản Giốc, phải nói rằng chúng tôi may mắn hơn những đoàn khách du lịch trước đó vì được chính thiếu tá Nông Văn Hòa, chính trị viên phó Đồn BP Đàm Thủy - đơn vị phụ trách trạm kiểm soát BP thác Bản Giốc giới thiệu, chỉ dẫn về đặc trưng địa lý khu vực thác Bản Giốc và cách tính phân định đường BG Việt - Trung theo Hiệp định phân định biên giới giữa 2 nước ký kết năm 1999 và cả quá trình cắm cột mốc 836 - cột mốc BG trên bộ cuối cùng trên toàn tuyến biên giới Việt - Trung ở 2 bên bờ sông Quây Sơn (theo quy định phân giới cắm mốc khi lấy dòng chảy của sông hoặc suối làm biên giới tự nhiên giữa 2 nước, tại khu vực đó sẽ cắm cột mốc đôi, cột số chẵn (ví dụ 836 (2) thuộc về Việt Nam và cột số lẻ (ví dụ 836 (1) của Trung Quốc). Theo thiếu tá Nông Văn Hòa, sau khi hoàn thành xong việc phân định, cắm mốc BG trên bộ, nhiều người vẫn lầm tưởng và có hiểu nhầm đáng tiếc là toàn bộ thác Bản Giốc của ta nay đã thuộc về Trung Quốc. Nhưng thực tế không phải như vậy, trong quá trình đàm phán để phân định ta đã giữ lại được phần lớn thác, phần của ta như các anh nhìn thấy, đó là phần đẹp nhất. Theo phân giới, phía Trung Quốc chỉ có được 1/3 thác. Đến thời điểm này, chúng ta đang có những động thái tích cực đầu tư xây dựng để biến thác Bản Giốc trở thành điểm du lịch hấp dẫn của tỉnh Cao Bằng.
Thêm một điều nữa, thiếu tá Nông Văn Hòa chia sẻ: trong quá trình thực hiện Hiệp định phân định BG trên bộ toàn tuyến biên giới Việt - Trung, việc thống nhất phân định BG tại thác Bản Giốc là phức tạp, kéo dài nhất. Đây cũng chính là cột mốc trên bộ cuối cùng giữa Việt
“Thú thực là từ khi cột mốc cuối cùng ở thác Bản Giốc được cắm xong, anh em chúng tôi không còn phải vất vả trong việc đối phó, ngăn chặn tình trạng di chuyển cột mốc, lấn đất từ phía bên kia BG. Cùng với đó, tình hình an ninh biên giới cũng đã ổn định hơn” - thượng úy Nông Việt Cường, Đội trưởng Đội quản lý hành chính Đồn BP Đàm Thủy chia sẻ.
Màu xanh áo lính nơi biên cương
Có thể nói, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng trong suốt những năm qua, với tinh thần trách nhiệm, cảnh giác trước mọi âm mưu xâm lấn nên CBCS đồn BP Đàm Thủy đã luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trong việc quản lý BG, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Đại úy Lương Tuấn Long, chính trị viên đồn BP Đàm Thủy cho biết: Đồn BP Đàm Thủy được thành lập ngày 23/12/1977 có nhiệm vụ quản lý và bảo vệ tuyến BG dài 18,5 km. Trong đó có 17,388 km trên đất liền và 1,162 km BG trên sông với 60 vị trí mốc, trong đó có 58 mốc đơn, 2 mốc đôi. Trong số đó lại được chia ra với 26 mốc chính và 34 mốc phụ. Tuyến BG do Đồn quản lý tiếp giáp đối diện là 2 huyện Tịnh Tây và Đại Tân, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Theo thiếu úy Kiều Xuân Tưởng, cán bộ Đồn BP Đàm Thủy, tuy tuyến BG do đơn vị quản lý có chiều dài chỉ 18,6 km nhưng trên thực tế để đi hết tuyến đường tuần tra phải mất 1 tuần. Đường biên chủ yếu là dốc đá dựng đứng, cheo leo. Có những điểm cột mốc BG được đặt trên đỉnh núi lại cách xa nhau nên cả ngày giỏi lắm cũng chỉ đi được 2 cột mốc.
Đó là những khó khăn về mặt khách quan do điều kiện tự nhiên mang lại nên cũng dễ hiểu đó chưa bao giờ là điều để CBCS đồn BP Đàm Thủy phải lưu tâm. Điều đáng lưu tâm, theo thiếu tá Nông Văn Hòa là cho dù công tác quản lý BG theo Hiệp định phân giới cắm mốc nhưng tình hình BG có lúc, có nơi chưa thật ổn định. Phía đối diện vẫn còn có các hoạt động vi phạm chủ quyền như tuần tra vượt sang lãnh thổ của ta, phá hoại hoa màu của nhân dân ở khu vực BG; khoan lỗ, nổ mìn, làm đường tuần tra BG, xây bậc tam cấp ở khu vực hạ lưu thác Bản Giốc mà không thông báo cho ta. Ngoài ra, tình hình hoạt động của các loại tội phạm vẫn còn diễn biến phức tạp như hoạt động mua bán, tàng trữ, sử dụng các chất ma túy, buôn bán vũ khí quân dụng, lưu hành tiền giả, vật liệu nổ, tranh chấp đất đai; thu gom khai thác, vận chuyển quặng trái phép vẫn diễn ra. Trước những diễn biến phức tạp đó, Đảng ủy, chỉ huy Đồn BP Đàm Thủy đã không ngừng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, nâng cao ý thức về bảo vệ mốc quốc giới. Đồng thời, tích cực tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở; tham gia vận động, trực tiếp giúp đỡ với phương châm cùng ăn, cùng ở, cùng làm với người dân nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng tiến bộ KH-KT vào sản xuất, thâm canh tăng vụ, đưa các giống lúa, ngô mới có năng suất cao vào sản xuất một cách hiệu quả. Qua đó đã góp phần ổn định đời sống người dân, từng bước xóa đói - giảm nghèo cho người dân nơi biên cương. Theo đại úy Lương Tuấn Long, chính trị viên Đồn BP Đàm Thủy, chính từ những việc làm, hành động cụ thể đó đã từng bước nâng cao nhận thức của quần chúng nhân dân về việc bảo vệ mốc giới quốc gia và tích cực, nhiệt tình tham gia phối hợp cùng bộ đội BP tổ chức đấu tranh chống lấn chiếm BG; phát hiện và báo cáo kịp thời các vụ vi phạm chủ quyền của phía Trung Quốc. Trong những năm qua, quần chúng nhân dân đã cung cấp cho Đồn và địa phương 475 nguồn tin có giá trị, trong đó có 187 nguồn tin liên quan đến chủ quyền BG quốc gia; phối hợp tuần tra 29 lần với 117 lượt người tham gia. Tổ chức phối hợp sử dụng lực lượng dân quân thường trực bảo vệ khu vực mốc BG để đấu tranh trực diện trên thực địa khi có các hoạt động vi phạm chủ quyền của phía Trung Quốc trong quá trình làm đường tuần tra BG.
Song song với đó, CBCS Đồn BP Đàm Thủy cũng đã tích cực, chủ động đấu tranh phòng - chống tội phạm, giữ gìn ANTT như khi chúng tôi đến, đại úy Lương Tuấn Long đã “khoe”: anh em trong đội tuần tra vũ trang vừa bắt được 2 đối tượng đang trên đường vận chuyển 2 bánh hêrôin từ Việt Nam qua bên kia BG để tiêu thụ. Sau khi hoàn thành thủ tục cần thiết, các đối tượng đã được đích thân thượng tá Luân Ngọc Cầu, Đồn trưởng áp giải về tỉnh giao cho cơ quan chức năng xử lý. Đấy chỉ là một trong số nhiều vụ việc liên quan đến công tác đảm bảo ANTT được giải quyết như trong năm 2012, Đồn đã bắt và khởi tố 15 vụ với 20 đối tượng có hành vi mua bán trái phép chất ma túy, thu hơn 1 bánh hêrôin; bắt, xử lý 1 vụ, 2 đối tượng vượt biên trái phép; phát hiện, xử lý 5 vụ với 21 đối tượng người Trung Quốc nhập cảnh trái phép... Đặc biệt, ngày 27/6/2012, CBCS đồn BP Đàm Thủy đã phối hợp với CBCS Phòng CSĐT tội phạm về ma túy Công an tỉnh Hòa Bình bắt khẩn cấp đối tượng Hoàng Văn Khầu, sinh năm 1987, trú tại xã Minh Long, huyện Hạ Lang (Cao Bằng) là một mắt xích quan trọng trong đường dây mua bán trái phép chất ma túy với số lượng lớn bị lực lượng Công an tỉnh Hòa Bình bóc gỡ, đấu tranh triệt phá.
Có thể nói, những người lính mang quân hàm xanh đã và đang trở thành một điểm tựa vững chắc trên dải đất biên cương. Cùng với màu xanh áo lính là một màu xanh no ấm đang dần hiện hữu trên vùng đất này. “Đời sống người dân vùng biên viễn từng bước được nâng cao cũng chính là điểm tựa để cho anh em chúng tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh BG quốc gia” - thiếu tá Nông Văn Hòa chia sẻ.
(Còn nữa)
Bài 4: Điểm khởi đầu của 2 tuyến giao thông huyết mạch
Mạnh Hùng
(HBĐT) - Đường vào Lạc Sỹ (Yên Thủy) hôm nay không còn heo hút nữa. Chỉ mất chừng nửa tiếng đồng hồ, đi trên con đường thảm bê tông nhựa, qua những cánh đồng lúa, ngô, rau đậu, vượt những sườn dốc quanh co trong màu xanh của rừng nguyên liệu là tới trung tâm xã. Chốc chốc lại bắt gặp những chiếc xe tải chở đầy nông sản, nguyên liệu rừng ngược đường. Trẻ em từng tốp tung tăng tới trường. Nông dân miệt mài vun xới. Vùng đất nghèo Lạc Sỹ đang cựa mình thức giấc.
(HBĐT) - Sau Tết Quý Tỵ, chúng tôi có dịp trở lại Tự Do. Đường lên trung tâm cụm xã của 3 xã vùng cao huyện Lạc Sơn gồm Ngọc Sơn, Ngọc Lâu, Tự Do, tuy còn nhiều đoạn cua gấp nhưng đi lại khá thuận tiện vì mặt đường đã được thảm nhựa và cứng hóa bằng bê tông khá phẳng phiu. Từ Ngọc Lâu xuống Tự Do, mặc dù chưa đầy 10 km nhưng với bất cứ ai phải vượt qua chặng đường này cũng là một thử thách lớn, nhất là vào những ngày trời mưa, khiến mặt đường luôn trong tình trạng lầy lội, trơn trượt.
(HBĐT) - Nằm cách trung tâm huyện lỵ 72 km, Suối Nánh là xã lòng hồ của huyện vùng cao Đà Bắc. Khi công trình thủy điện Hòa Bình được xây dựng, nhiều nóc nhà cùng những “bờ xôi ruộng mật” của đồng bào Mường, Dao nơi đấy đã chìm sâu dưới hàng trăm mét nước và cuộc mưu sinh trên những “sườn dốc sống trâu” cũng bắt đầu từ đấy. Trở lại Suối Nánh trong những ngày đầu năm, dường như cuộc sống của người dân nơi đây đang dần đổi thay khi đường tỉnh lộ 433, khu chợ cụm Tuổng - Nghê - Nánh cùng trạm y tế, trường học đã được xây mới khang trang, chúng tôi có cảm giác Suối Nánh không còn xa.
(HBĐT) - Tháng 9/2012, tôi có dịp được tham gia đoàn công tác của Hội Nhà báo Việt Nam sang thăm và làm việc tại Thái Lan - xứ sở Chùa Vàng. Đoàn gồm 10 thành viên là lãnh đạo Hội Nhà báo các địa phương và Văn phòng T.ư Hội Nhà báo do nhà báo Phạm Quốc Toàn, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam làm trưởng đoàn. Chương trình thăm và làm việc hướng tới kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao báo chí giữa Hội Nhà báo Việt Nam và Liên đoàn Báo chí Thái Lan (1993-2013).
(HBĐT) - Vượt qua những cung đường “đệ nhất hùng quan” Yên Minh, Quản Bạ, Mèo Vạc gian nan trong mây mù, giá lạnh, từ thị trấn Đồng Văn, tạm biệt những địa danh hiểm trở và thơ mộng, đoàn nhà báo chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình lên cột cờ Lũng Cú của tỉnh Hà Giang, điểm xa nhất vùng cực bắc Tổ quốc. Trong ý thức mỗi người đều hồi hộp khi được tận mắt chứng kiến lá cờ tung bay trong trời đất vùng biên ải, biểu tượng của chủ quyền quốc gia.
(HBĐT) - Lần đầu tiên tôi đến Đồng Nghê (Đà Bắc) bằng mấy tiếng ngồi trên sông và đi bộ như thế. Nhưng Đồng Nghê đã làm tôi say bởi tài nguyên thiên nhiên của rừng nhất, nhì Đà Bắc; nghiến, táu mật, trai, dổi găng... ở vùng núi đá Đồng Nghê là loại cây đầu bảng. Lên khỏi mép nước xóm Mọc là gặp rừng. Đường mòn vào trung tâm xã xuyên qua giữa đại ngàn.