Làng tôi giáp với rừng, một miền quê bán sơn địa. Dưới kia là đồng bằng châu thổ sông Hồng, phía trên này là những dãy núi đá vôi. Ngày nhỏ, nghe tiếng chim hót trên rừng, lũ trẻ trong làng lại loay hoay kiếm chạc cây để làm súng cao su. Bàn chân đạp trên đá để lên với non ngàn. Mùa gặt lúa, thấy châu chấu bay đầy đồng, đám trẻ trên xóm núi lại tấp tểnh xuống vợt châu chấu đem về rang. Những đan xen thú vị mà không thể quên về miền đất này. Những lần như thế, chúng tôi lại đạp trên cỏ xanh, hoa dại, đó là những loài hoa ít khi có tên mà đẹp hoang dại, thản nhiên giữa đất trời dù là ngày rét mướt hay mùa nắng nỏ.

Nhưng hết Tết, ra giêng và mấy tháng sau, thế nào cha mẹ tôi cũng bắt mấy đứa đi dãy cỏ vườn để trồng ngô. Những ngày nhà nông còn bận hội hè, chúng mon men rồi lấn cả lối đi sau này là để chăm những gốc chanh, gốc bưởi. Tôi không ngại cỏ xuân mọc dày, không ngại màn sương ướt lạnh nhưng lần nào như thế cũng lừng khừng vì tiếc khi phải cuốc đi một loài hoa. Có hoang dại thì cũng là hoa, đẹp hồn nhiên. Hoa ngũ sắc trong tán cây dại sợ giá rét chỉ mùa xuân mới nở. Trước lúc dãy cỏ, phát vườn, tôi thường ngắm thật lâu những bông hoa ấy. Không nhạt nhòa như xuyến chi, cúc dại, không được nâng niu như tầm xuân, đến cả hương hoa cũng hắc làm người ta khó chịu. Tôi bần thần mãi, không nỡ vung tay cuốc, thấy thế chị gái tôi an ủi:

- Mấy hôm nữa hạt hoa rơi xuống, xuân sau hoa ngũ sắc lại về nở thôi em.

Sau này lớn lên được học về cách thụ phấn hoa, tôi cứ thấy buồn cười vị hạt hoa rơi xuống thì mọc chứ có phải nàng xuân đâu mà theo về. Nhưng câu nói của chị tôi ngẫm ra cũng hay, thế là tôi vung cuốc, lòng mong một phép màu của mùa xuân sau.

Rồi sau này, tôi ra phố làm một người thành đạt như mong mỏi của cha mẹ, của cả xóm, xóm ngày xưa mọc toàn những cây mè. Tôi lảng tránh những thứ gì liên quan đến đời sống nông nghiệp từ món bún mẹt, bàn tre, mấy món ăn dân dã… những thứ nhếch nhác một thời. Mấy lần, dù không để ý nhưng những chậu hoa cứ đập vào mắt tôi với những hoa trạng nguyên, hoa giấy, hoa cúc dại… rồi đến một ngày thấy cả những bông hoa ngũ sắc được ươm trong mấy cái chậu với ít đất cằn.

Tháng ba âm lịch, tôi trở về làng, bên trong những tường rào xây gạch, thép gai, những vườn cam, vườn bưởi đáng cả tỉ đồng thay cho vườn ngô, vườn sắn chống đói một thời. Bên lối cỏ xanh nhà tôi vẫn thấy hoa ngũ sắc nở, hình như con đường ấy đã được cắm mốc mở rộng mà chưa biết người ta thi công năm nào. Nhà tôi giờ không còn người trẻ để làm vườn, tất cả phó mặc cho những người làm thuê theo thời vụ. Cha mẹ tôi đã già chả mấy bận tâm đám cây cỏ dại ấy. Thì cứ biết vậy, hoa dại vẫn nở dưới nắng xuân, tôi vẫn được thả hồn vào ký ức những mùa xuân đi cuốc hoa, đam mê vẩn vơ của một thời quê mùa trai trẻ.

                                               Bùi Việt Phương

                                      (Tổ 4, P.Thịnh Lang, TP Hòa Bình)

 


Các tin khác


Những khúc ca còn mãi

(HBĐT) - Mùa xuân… khơi gợi, tạo niềm vui, cảm hứng cho con người bởi những hạt mưa bụi nhè nhẹ phủ lên những cây đào, cây mận đang nở hoa góc vườn. Chút se lạnh trong nắng sớm khi bắt gặp chồi non của hàng cây bên con đường ngày ngày đi qua. Không khí chộn rộn, tất bật của các gia đình trước mỗi dịp Tết đến, xuân về. Và còn nữa là những khúc ca xuân gắn với những mùa xuân tuổi trẻ, mùa xuân kỷ niệm mà không ai không từng một lần xao động, trân trọng…

Hú vía..., giải thưởng trên mạng...

(HBĐT) - Vừa đi làm về, đang lúi húi nấu cơm trong bếp, chị H. giật nảy người vì tiếng chuông gọi cửa. Ai thế? Tiếng chuông gắt nên có thể đoán người bấm đang có việc gấp, vội. ôi giời, cô Mẩy. Em họ của bố. Có việc gì mà cô có vẻ bồn chồn, mắt lại có điều gì đó lấp lánh vui và hy vọng…

Hàng xóm...

(HBĐT) - Nhìn bộ mặt bác X. vào nhà đã thấy có chuyện. Mắt ngầu đỏ, bác thốt lên: - Không thể chịu nổi… cái thái độ... - Cái gì thế, bác gái đuổi ra khỏi nhà à? - Biết là bác đang bực, ông Nhân vẫn cố trêu để xoa dịu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục